DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN VIỆT NAM

Không gian Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn

 

Tổng diện tích Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn hiện nay được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo quyết định 1915 (Quy hoạch tổng thể bảo tồn Mỹ Sơn giai đoạn 1998 – 2020) là 1.158 ha. Trong đó vùng lõi thuộc khu vực I, có diện tích là 324.600 m2, khu vực II bao gồm có diện tích 11.255.400m2. Như vậy, khu vực vùng lõi và vùng đệm là khu vực bảo vệ và khoanh cấm bao gồm toàn bộ công trình kiến trúc di tích và một vùng cảnh quan rộng lớn có địa giới giáp giới với 5 đơn vị hành chính cấp xã, 2 đơn vị hành chính cấp huyện.

 Đây là vùng có địa hình gồm nhiều dãy núi kéo dài từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Phía Đông Nam tiếp giáp với dãy núi Hòn Tàu, một trong những dãy núi lớn ở khu vực vùng đất phía Tây Quảng Nam. Phía Tây Nam là dòng sông Thu Bồn bắt nguồn từ dãy Trưởng Sơn hùng vỹ. Những đứt gãy của địa hình nơi đây đã tạo ra những thế núi lạ, độc đáo như các đỉnh núi Quắp, đỉnh Hòn Đền, đỉnh Cà Tang…  hình thành vùng cảnh quan sơn thủy hữa tình. Thung lũng Mỹ Sơn là một phần trong dãy rộng lớn của vùng cảnh quan núi non hiểm trở được Thủ tướng phê duyệt.

 

Vùng đất bề dày lịch sử

 

Vùng cảnh quan Hòn Đền – Núi Chúa được biết đến tại Mỹ Sơn sớm nhất là trong văn bia thế kỷ thứ IV dưới vương triều Bhadravaman. Có lẽ chính địa thế hiểm trở, phù hợp với quan niệm thờ cúng mà vương quốc cổ Champa hơn 1600 năm về trước đã chọn Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng quan trọng. Từ Mỹ Sơn về phía Đông chừng 10 km, một thế đất đã hoàn toàn khác, đó là dãy đồng bằng rộng lớn với nhiều thuận lợi về giao thông, buôn bán và nông nghiệp. Những dãy núi trùng điệp ngăn cách giữa kinh đô Trà Kiệu và thánh đô đã trở thành thành trì che chắn cho sự bình an của trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn. Con đường đi đến Mỹ Sơn càng khó khăn, do vậy tầm quan trọng của sông Thu Bồn là đáng kể trong việc giao thương buôn bán và hành lễ. Đây cũng là dòng sông thiêng mang phù sa về vùng đồng bằng như nguồn sữa mẹ nuôi lớn xóm làng, phố thị. Theo suốt chiều dài lịch sử, vùng đất có thế đất độc đáo và vị trí chiến lược quan trọng này đã chất chứa bao sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trong dân gian đã tuyền trụng câu chuyện tên thái thú Cao Biền phương Bắc vì sợ vùng đất này sinh hiền tài, nguyên khí quốc gia nên dùng bùa chú trấn yểm trên đỉnh Hòn Đền. Trong thời kháng chiến chống Pháp, nơi đây là điểm tựa chiến lược, nơi rèn quân cho cuộc khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu diễn ra ở căn cứ Trung Lộc. Đến thời chống Mỹ, vùng đất này gắn với nhiều chiến công hiển hách của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng với các di tích lịch sử cách mạng như Đặc khu ủy Quảng Đà, di tích sân bay Đức Dục, khu kỹ nghệ An Hòa…

 

Vùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo

 

Cùng với bề dày lịch sử về vùng đất, cảnh quan Hòn Đền - Núi Chúa còn là địa danh thiên nhiên độc đáo. Mỹ Sơn được hình thành của các dãy núi xung quanh như Mỏ Cày, Hòn Gương, Sọ Khỉ… tạo thành thung lũng có đường kính gần 2 km. Mỹ Sơn là tên gọi theo nghĩa núi đẹp. Mỗi dãy núi là mỗi thần thái và dáng đứng riêng. Nhiều lớp, nhiều dãy liền nhau tạo nên bức tranh nhiều màu, núi gần núi xa. Trong tổng diện tích 1.158 ha thuộc địa phận khoanh vùng bảo tồn được Ban Quản lý Mỹ Sơn bảo vệ, hiện nay sinh sống và tồn tại nhiều hệ động thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới Nam Trung bộ. Trong đó, về thực vật có các loài như dẽ đỏ, tràm thị, lim xanh… các loại lan, địa lan. Về động vật tồn tại heo rừng, gà gô chân đỏ, chồn, trăn, cùng nhiều giống chim quý.

Quan sát vùng cảnh quan Hòn Đền – Núi Chúa có lẽ không nơi nào lý tưởng bằng việc đi thuyền trên sông Thu Bồn. Từ bến Câu Lâu du khách phóng tầm mắt về phía thượng nguồn sông Thu sẽ bắt gặp những dãy núi với dáng dấp kỳ lạ, nhiều đỉnh núi cao vút lên. Càng xuôi thuyền ngược dòng sông du khách càng về đến với một vùng cảnh quan sông núi hữu tình. Mỗi vị trí trên dòng sông như Câu Lâu, Trà Kiệu, Giao Thủy, Tịnh Yên, Trung Phước đều cảm nhận vùng cảnh quan Mỹ Sơn - Hồn Đền một thế đất riêng, nhưng hùng vỹ và nên thơ. Đặc biệt, khi đứng trên đỉnh Hòn Đền nhìn những ngọn tháp giữa lòng thung lũng Mỹ Sơn trông như những ngọn đuốc lớn đỏ rực màu. Buổi sáng, ánh mặt trời xuyên qua những dãy núi mềm mại. Chiều về, Mỹ Sơn đón hoàng hôn chầm chậm, kéo dài hơn những nơi khác. Đêm đến, Mỹ Sơn tĩnh mịch đến lạ lùng. Còn với nhiều du khách thì chọn tham quan Mỹ Sơn vào buổi sáng sớm hay chiều tối để thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên, họ còn muốn được nghe và thưởng thức tiếng hót của nhiều loài chim sinh sống nơi đây.  

Tổ chức UNESCO trong đánh giá hiện trạng các Khu di sản hằng năm, đều coi trọng công tác bảo tồn vùng rừng cảnh quan Mỹ Sơn, coi đây là thành phần không tách rời với khu di tích. Đặc biệt, trong hồ sơ công nhận Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 12/1999, tổ chức này đã khuyến nghị các cấp ngành liên quan cần thiết bổ sung vùng cảnh quan Hòn Đền - Núi Chúa vào hồ sơ Di sản văn hóa thế giới. Do vậy mà Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn là không gian văn hóa rộng lớn vùng phụ cận.

 

Du khách đến Mỹ Sơn có dịp tham quan những công trình kiến trúc tồn tại hàng ngàn năm, tìm hiểu kỹ thuật xây gạch không dùng vữa của người xưa cùng những bí ẩn chưa có lời giải, thưởng thức điệu múa Chăm của những vũ nữ quyên tiên như được thoát ra từ đất đá, cùng nhau khám phá, trải nghiệm Mỹ Sơn ở chiều kích không gian để hòa mình vào với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo.

 

Văn Khoa

08 Tháng 6,2020

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo