DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN VIỆT NAM

Mỹ Sơn – Hành trình 20 năm đổi thay

Ngày 4/12/1999 Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới dựa trên 2 tiêu chí. Tiêu chí ii: “Mỹ Sơn là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa, với một xã hội bản địa thích ứng với những ảnh hưởng từ bên ngoài, đáng chú ý là nghệ thuật và kiến trúc Hindu của tiểu lục địa Ấn độ”. Và tiêu chí iii: “Vương quốc Chăm pa là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa của khu vực Đông Nam Á và được minh chứng sống động qua những gì còn lại tại Mỹ Sơn”.

Có thể nói cột mốc năm 1999 là một trong những mốc quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển, hoàn thiện sau này. Để có được một Mỹ Sơn như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện của cả một cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ và sự hỗ trợ của các nước. Mỹ Sơn từng bước chuyển mình theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 2003 – 2013, dự án Bảo tồn di sản Mỹ Sơn được thực hiện dưới sự hợp tác của UNESCO - Mỹ Sơn và Chính phủ Italia. Với các nội dung khai quật và tu bổ nhóm tháp G; Thuyết minh và đào tạo ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới nhóm tháp G; Phát triển du lịch bền vững trong khu di sản thế giới Mỹ Sơn. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đã khai quật một khu vực khoảng 1.800m2 và phát hiện được 1.200 hiện vật ở khu vực nhóm tháp G, xác định được niên đại gạch bằng cách áp dụng phương pháp bức xạ nhiệt quang học. Các nhà trùng tu di tích Italia đã có những đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo di tích Mỹ Sơn.

Năm 2002, được sự tài trợ của American Express Company, Trung tâm Bảo tồn Di tích Danh thắng Quảng Nam, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn  đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện dự án khai quật suối Khe Thẻ; kết quả đã khai quật được 216 hiện vật bằng sa thạch và một số đồ đất nung, gốm sứ; khơi thông dòng suối Khe thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu BCD nhằm chống sạt lở nhóm tháp A.

Năm 2005, được sự hỗ trợ nguồn vốn từ chính phủ Nhật Bản, Nhà trưng bày Mỹ Sơn (sau này là Bảo tàng Mỹ Sơn) được xây dựng nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu tổng quan về Mỹ Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn, nâng cao nhận thức của người dân về di tích.

Năm 2008, Dự án Quy hoạch tổng thể Khu đền tháp Mỹ Sơn (Giai đoạn 2008-2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 30/12/2008. Với Tổng kinh phí đầu tư là 282 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Từ năm 2011 đến 2015, Viện Bảo tồn di tích triển khai Dự án trùng tu bảo tồn tháp E7, một trong số các kiến trúc Kosagrha có mái cong hình thuyền còn nguyên vẹn nhất về hình dáng kiến trúc. Dự án này là bước thực tiễn hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính.

Ngoài công tác trùng tu di tích, công tác giữ gìn và bảo tồn hệ sinh thái  rừng Mỹ Sơn cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đề án Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 đã trở thành nền tảng trong việc bảo tồn và phục dựng di sản Mỹ Sơn lên tầm cao mới.

Năm 2017, Đề tài khoa học cấp quốc gia “Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn” được triển khai với nhiều hạng mục công việc liên quan như kè sinh thái suối Khe Thẻ, tái tạo hàng chục ha rừng tự nhiên, nghiên cứu thủy văn suối Khe Thẻ. Dự án dịch thuật, chuyển ngữ văn bia Chăm được thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia Trung tâm văn hóa New Delhi (Ấn Độ). Hiện nay, chương trình hợp tác tu bổ di tích Mỹ Sơn giữa chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đang thực hiện trùng tu 2 nhóm tháp H và K.

Những khu tháp dần được hồi sinh, phục hồi diện mạo sau khi trải qua những tàn phá của các cuộc chiến tranh. Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Những sự đầu tư này đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, thay đổi đáng kể bộ mặt Mỹ Sơn. Kết quả rõ nhất thể hiện qua số lượng du khách không ngừng tăng trưởng qua các năm, nếu năm 1997 số lượng du khách là 27.100 lượt khách thì đến năm 2019 số lượng du khách là 392.000 lượt khách, tăng gấp 14,5 lần so với năm 1999.

Trải qua chặng đường 20 năm, với nhiều khó khăn và thách thức về nhiều yếu tố như: công tác tôn tạo di tích, phát triển những điểm du lịch vùng phụ cận, du lịch cộng đồng, thiết kế nhằm xây dựng cảnh quan trong khu vực… Tuy nhiên, 20 năm nhìn lại Mỹ Sơn với những thay đổi và thay đổi rất nhiều, và phát triển theo một hướng tích cực và bền vững. Trong tương lai, Mỹ Sơn vẫn rất cần sự hỗ trợ từ trung ương, các tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương và cộng đồng trong công tác bảo tồn, trùng tu, thúc đẩy du lịch vùng phụ cận cùng chung tay xây dựng vì một “Mỹ Sơn – Di sản trường tồn”.

Tú Trinh

15 Tháng 10,2019

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.361 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo