Nhân kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới(1999- 2024) và 30 năm thành lập Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn, Ban Biên tập có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công khiết – Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn về các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn trong thời gian qua, các định hướng trọng tâm trong thời gian tới.
1. Nét đặc trưng nổi bật của Khu đền tháp Mỹ Sơn, qua đó được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, thưa ông!
Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới bởi những giá trị điển hình, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Quần thể di tích với những công trình kiến trúc đã tồn tại hàng ngàn năm trên một vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời, được các thế hệ bảo tồn gìn giữ và phát huy. Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa Thế giới đáp ứng 2 tiêu chí:
Tiêu chí ii: Khu đền tháp Mỹ Sơn là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa những ảnh hưởng bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ từ tiểu lục địa Ấn Độ.
Tiêu chí iii: Khu đền tháp Mỹ Sơn phản ánh sinh động vai trò của vương quốc Chămpa trong lịch sử văn hóa và chính trị của khu vực Đông Nam Á.
2. Những kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn Khu đền tháp Mỹ Sơn sau 25 năm được vinh danh đến nay:
Trong 25 năm qua, công tác quản lý, bảo tồn Khu đền tháp luôn nhận được sự quan tâm của các chính phủ, tổ chức trong nước và quốc tế. Từ một di tích bị thời gian và chiến tranh tàn phá, các công trình kiến trúc được tu bổ, gia cố, trùng tu mang tính ổn định và bền vững. Khu đền tháp ngày nay không còn là những di tích hoang phế mà là một quần thể kiến trúc được quan tâm bảo tồn thường xuyên và lấy lại phần nào dáng vẻ ban đầu vớn có. Điều này giúp cho Khu đền tháp thật sự hấp dẫn, thu hút du khách trong ngoài nước. Về cơ bản, những quan điểm và định hướng bảo tồn, trùng tu các di tích tại Mỹ Sơn được áp dụng từ giai đoạn trước, vẫn được thống nhất và tiếp nối. Tiêu biểu nhất trong công tác quản lý, bảo tồn Khu đền tháp Mỹ Sơn sau 25 năm được vinh danh đến nay là Dự án tu bổ nhóm tháp G thuộc Chương trình hợp tác 3 bên do Chính phủ Italia, UNESCO và Việt Nam. Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện Bảo tồn di tích, triển khai Dự án trùng tu bảo tồn tháp E7. Dự án bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn các nhóm đền tháp A, H, K do Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ từ năm 2016 đến 2022. Xây dựng Nhà trưng bày, nghiên cứu giới thiệu Mỹ Sơn do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ năm 2005…
3. Nhiều năm qua, song song với công tác bảo tồn tốt khu di sản, Ban Quản lý tập trung các giải pháp để phát triển các dịch vụ du lịch để thu hút khách. Ông có thể cho biết thêm.
Ngoài sản phẩm tham quan di tích, các sản phẩm du lịch mới được xây dựng như “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, tham quan thực tế ảo 360, du lịch sinh thái rừng cảnh quan khu di sản, trải nghiệm dệt thổ cẩm Chăm, thuê trang phục dân gian… trong đó, chú trọng các yếu tố văn hóa phi vật thể. Ban Quản lý thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu múa dân gian Chăm phục vụ du khách được các công ty, doanh nghiệp lữ hành đưa vào chương trình tour cùng với di tích. Đối với các dịch vụ du lịch hỗ trợ có hệ thống giao thông nội bộ hoàn thiện, hệ thống xe điện đủ phục vụ khách, các gian hàng địa phương để du khách có điều kiện trải nghiệm văn hóa bản địa cùng thưởng thức các sản phẩm. Các chương trình nghệ thuật mới, tiêu biểu như: “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”. Ngoài ra còn có các chương trình nghệ thuật khác: “Âm vang Mỹ Sơn”, “Xuân về tháp cổ”,…biểu diễn trong các dịp Lễ, Tết phụ vụ du khách. Các sản phẩm chuyển đổi số, hệ sinh thái du lịch thông minh như thuyết minh tự động đa ngôn ngữ Audio Guide, tham quan thực tế ảo 360 độ. Các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường được quan tâm đầu tư như trung chuyển xe điện, tham quan bảo tàng, hướng dẫn thuyết minh điểm đến.
4. Những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, để Di sản Văn hóa Mỹ Sơn ngày càng phát triển!
Để triển khai các nhiệm vụ được giao, đối với công tác quy hoạch, Ban Quản lý đang tập trung, phấn đấu đến năm 2025 thực hiện được hồ sơ để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, từng bước thực hiện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Mỹ Sơn giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050. Đối với công tác bảo vệ rừng đặc dụng Mỹ Sơn, Ban đang hoàn thiện việc khoanh vùng cắm mốc với 84 mốc giới để bảo tồn gìn giữ, bên cạnh là hoàn chỉnh đề án lâm sinh để cộng đồng cùng chung tay chia sẻ trách nhiệm và thụ hưởng quyền lợi, giúp cho Mỹ Sơn phát triển bền vững, phát huy được giá trị Mỹ Sơn, để Mỹ Sơn không chỉ là di tích kiến trúc mà một phần là di sản rừng cảnh quan. Đối với việc phát triển du lịch sẽ tăng cường kết nối công ty, doanh nghiệp, chủ động nguồn khách, chiếm lĩnh các thị phần khách đến Quảng Nam thông qua việc khuyến mãi, hậu mãi. Tập trung các giải pháp xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, cảnh quan đập Thạch Bàn, đa dạng các loại hình du lịch như văn hóa, sinh thái, giải trí…Thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng, phục vụ tốt nhất nhu cầu du khách.
Cộng đồng vùng di sản là nhân tố tích cực để bảo tồn và phát huy Mỹ Sơn bền vững, ổn định lâu dài. Các chính sách mang lại lợi ích cộng đồng đều được Ban quan tâm tham mưu các cấp ngành triển khai thực hiện. Hằng năm từ nguồn thu tại khu di sản đều thực hiện việc trích lại để đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi người dân. Các chương trình dự án quốc tế, trùng tu tại khu di sản như dự án hợp tác Italia, dự án Ấn Độ trùng tu nhiều năm tại Mỹ Sơn đều huy động lượng lớn công nhân địa phương vào trùng tu, vừa góp phần tạo nguồn lực lành nghề và góp phần nâng cao đời sống người dân vùng phụ cận di sản. Hiện nay, việc liên kết với cộng đồng trong phát triển du lịch được Ban Quản lý quan tâm xem xét thực hiện một cách thực tế thông qua việc kết nối với người dân, doanh nghiệp địa phương để cùng bắt tay làm du lịch, cùng chia sẻ trách nhiệm, thụ hưởng quyền lợi, với các chính sách như hỗ trợ, người dân vùng di sản trong liến kết công ty du lịch đưa khách đến tham quan thưởng thức các sản phẩm địa phương, tư vấn, hỗ trợ hạ tầng hình thành các không gian văn hóa, sinh thái quanh vùng di sản, kết nối với các tổ chức, đơn vị tập huấn về du lịch…
Các chính sách về giáo dục di sản trong trường học được Ban Quản lý phối hợp với Phòng Giáo dục địa phương, hay các chương trình giáo dục di sản của Đoàn Thanh niên đến với cộng đồng để nâng cao nhận thức của cộng đồng để cùng chung tay gìn giữ di sản.
Trong những năm qua, từ lĩnh vực bảo tồn đến phát huy, Mỹ Sơn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương. Từ huyện Duy Xuyên, sở ban ngành tỉnh Quảng Nam. Các chính sách liên quan đến Khu di sản đều được tham gia từ cơ sở. Phí và lệ phí tham quan, các nguồn kinh phí trích lại đều phù hợp với quy định, nghị định chính phủ. Những hỗ trợ trong hoạt động quảng bá, xúc tiến trong giai đoạn đại dịch đến nay vẫn được quan tâm tiếp tục thực hiện. Việc xúc tiến triển khai các bước hợp tác dư án Ấn Độ trùng tu tại khu tháp E,F cũng đang được quan tâm đẩy mạnh.
5.Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất ý định thư của Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch về bảo tồn khu đền tháp F, ông có thể cho biết giải pháp trùng tu hiện nay đối với nhóm E va F là gì?
Nhóm tháp E, F nằm trong tổng thể kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn có niên đại trong khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Khu tháp E, F là một trong những nhóm tháp có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Tuy nhiên, trong thời gian dài bị bỏ quên cùng với sự hủy hoại của chiến tranh nên kiến trúc công trình bị hư hỏng, nguy cơ sụp đổ rất lớn. Đây là nhóm kiến trúc chưa bị can thiệp trùng tu nhiều, giai đoạn Pháp phát hiện, công tác trùng tu hạn chế chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đến giai đoạn hợp tác chính phủ Ba Lan theo dự án hợp tác trùng tu Viêt Nam – Ba Lan thập niên 1980-1990, nhóm kiến trúc ít bị can thiệp, đến ngày nay, nhiều công trình kiến trúc còn đang bị vùi lấp, nhiều công trình bị đổ các kết cấu, mảng tường, xô lệch khỏi vị trí ban đầu.
Việc bảo tồn nhóm đền tháp E, F là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế, nhiều công trình kiến trúc khác tại quần thể Mỹ Sơn bị hư hỏng cần bảo tồn, trùng tu khẩn cấp nên nguồn lực trong thời gian qua tập trung cho khu tháp E,F chưa nhiều. Hiện nay, công tác bảo tồn và trùng tu nhóm E,F là hết sức cần thiết, đặc biệt khi dự án trùng tu nhóm tháp K, H, A của chính phủ Ấn Độ tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Ấn Độ đã mang lại những thành công, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.
Hợp tác đối ngoại là một trong những kênh quan trọng trong huy động nguồn lực trùng tu di tích Mỹ Sơn hiện nay. Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ được xây dựng, vun đắp từ hơn nữa thế kỷ, được thiết lập thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Về lịch sử, hai dân tộc đã đến với nhau từ hàng ngàn năm về trước. Khởi nguồn từ những giá trị tương đồng sâu sắc, bền vững về văn hóa. Cách đây gần 2.000 năm, giữa Ấn Độ và miền Trung Việt Nam đã diễn ra quá trình tiếp xúc văn hóa mà kết quả để lại những dấu ấn đậm nét trong di tích Champa, tiêu biểu là khu đền tháp Mỹ Sơn.
Đã có sự hợp tác văn hóa giữa Việt Nam - Ấn Độ thông qua dự án trùng tu nhóm tháp K, H, A. Đây là những thuận lợi và nền tảng cho việc trùng tu nhóm tháp E, F và những tháp Chăm khác ở miền Trung Việt Nam vốn có rất nhiều khó khăn trong bảo tồn hiện nay. Từ sự hợp tác, nền tảng là từ dự án K, H, A, dự án trùng tu tháp E,F được Ban Quản lý cùng các chuyên gia đề cập trong giai đoạn từ năm 2020, 2021, 2022 khi Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đang trùng tu nhóm tháp K, H, A đã khảo sát lập kế hoạch trùng tu nhóm tháp E,F. Nhóm chuyên gia kỹ thuật đến từ ASI hiểu rõ và có kinh nghiệm trong trùng tu đã phối hợp cùng Ban Quản lý đo vẽ, khảo sát, lập kế hoạch trùng tu tháp E, F.
Quan điểm bảo tồn tùng tu được thống nhất là công tác triển khai thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo, phục hồi luôn phải đảm bảo cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Cả lúc nghiên cứu cũng như tiến hành sẽ luôn đặt yếu tố tôn trọng di tích gốc lên hàng đầu. Không ảnh hưởng một cách tiêu cực đến các yếu tố mang tính giá trị nổi bật toàn cầu. Và làm sao bảo tồn mà vẫn phát huy phát triển bền vững. Công tác nghiên cứu bảo tồn với các hoạt động như lập dữ liệu các công trình kiến trúc hiện còn, nghiên cứu đối sánh kỹ thuật, giải mã những vấn đề then chốt về phương pháp thiết kế, vật liệu truyền thống và các vấn đề kỹ thuật khác. Trong giai đoạn vừa qua, công tác nghiên cứu thực sự đã có những đóng góp thiết thực cho công tác bảo tồn, trùng tu thực địa tại di tích tháp E,F.
Để Mỹ Sơn trở thành mô hình thành công trong hợp tác đối ngoại bảo tồn lâu dài, thời gian tới cùng với cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn xác định phải chủ động xây dựng nền tảng nguồn lực nội sinh, đẩy mạnh quan hệ đa phương, đa dạng, đẩy mạnh đối ngoại và hợp tác trong việc bảo tồn trùng tu nhóm tháp E,F. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ gìn giữ nguồn tài nguyên di sản, tránh các tác động tiêu cực ảnh hưởng từ quá trình bảo tồn và phát huy thiếu bền vững. Điều này, góp phần quan trọng để Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn ngày càng phát triển bền vững, bảo tồn một cách hiệu quả, phát huy một cách tích cực đáp ứng kỳ vọng của đảng, chính quyền và nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
02 Tháng 12,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (09.05.2024)
- Bế giảng lớp tiếng Anh trực tuyến (06.05.2024)
- Bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn (02.05.2024)
- Tiếp tục phối hợp tổ chức Chương trình giáo dục di sản trong trường học tại Huyện Duy Xuyên, Quảng Nam (18.04.2024)
- ĐẠI SỨ QUÁN Ý VÀ BỈ THĂM MỸ SƠN (15.04.2024)
- DỆT THỔ CẨM MỸ SƠN – NÉT ĐỘC ĐÁO TỪ BÀN TAY NGƯỜI THỢ (15.04.2024)