Để nhận diện được phần nào giá trị lịch sử văn hoá của di tích khảo cổ Trà Kiệu như một phức hợp di tích cư trú, thành luỹ, trung tâm chính trị, tôn giáo trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau như ngày nay đó là kết quả nỗ lực của nhiều thế hệ, trong đó có sự đóng góp âm thầm lặng lẽ của các nhà khảo cổ, nhà khoa học từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Mariko Yamagata là một nhà khảo cổ Nhật Bản, đến với thành cổ Trà Kiệu năm 1993 khi còn là một nghiên cứu sinh của trường Đại học Tokyo Nhật Bản. Đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sỹ lúc bấy giờ là về gốm tiền sử Jomon Nhật Bản. Tuy nhiên, khi đến làm khảo cổ tại Trà Kiệu, ngay năm đầu tiên Mariko đã quyết định chọn vùng đất này để nghiên cứu mặc dù không nhận được sự ủng hộ của giáo sư hướng dẫn luận án. Sự lựa chọn đó đã làm thay đổi hướng nghiên cứu và rẽ sang một hành trình dài đầy duyên nợ với vùng đất Trà Kiệu của nhà khảo cổ học Nhật Bản Giáo sư Mariko Yamagata. Giáo sư Mariko hiện nay được bổ nhiệm đặc biệt tại Trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản, đồng thời là Chủ tịch Hội khảo cổ học Đông Nam Á tại Nhật Bản. Năm 2023 là tròn 30 năm nghiên cứu của GS Mariko về thành cổ Trà Kiệu. 30 năm qua là chặng đường của những đóng góp khoa học quan trọng, của đào tạo kết nối giữa các thế hệ nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản và cũng là chặng đường đầy nghĩa tình với vùng đất và con người Duy Xuyên.
Những đóng góp khoa học quan trọng
Trước khi Mariko và cộng sự đến với di tích Trà Kiệu năm 1993, đã có nhiều học giả đến nghiên cứu và khảo cổ về thành cổ Trà Kiệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định vai trò của Trà Kiệu cũng như niên đại qua các thời kỳ khác nhau. Di tích Trà Kiệu được chú ý đến từ cuối thế kỷ 19 qua các xuất bản của Paris, C. (1891, 1892), Lajonquiere (1901) và Parmentier (1909, 1918). Finot, L. (1904) cho rằng Trà Kiệu có thể là một thành phố cổ Simhapura được nhắc đến qua văn bia tại Mỹ Sơn có niên đại thế kỷ 11-12, Leonard Aurousseau (1914, 1923) cho rằng Trà Kiệu chính là ‘thủ đô của Lâm Ấp và là thành phố bị người Trung Quốc cướp phá vào thế kỷ 5 SCN’. Henri Maspero (1924) lại nghi ngờ về vị trí của Tượng Lâm, và ông cho rằng Tượng Lâm thuộc vùng Huế ngày nay chứ không phải vùng Trà Kiệu. Vì vậy, để kiểm chứng lý thuyết trên, dưới sự chỉ đạo của Aurousseau, J.-Y.Claeys đã tiến hành khai quật Trà Kiệu trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 năm 1927 đến tháng 10 năm 1928. Đáng chú ý, trong đợt khai quật này phát hiện văn khắc thứ 2 trên bệ đá vuông (C.137), tương tự bia được Virgile Rougier tìm thấy trước đó, bia được khắc bởi vua Prakasadharman thế kỷ 7. Sau khai quật, cả Aurousseau và Claeys cho rằng Trà Kiệu chính là vị trí thủ đô của Lâm Ấp, đồng thời là trung tâm của huyện Tượng Lâm dưới thời Hán mặc dù những điêu khắc và bia ký phát hiện trong thành Trà Kiệu và vùng ven có niên đại thế kỷ 5-7 SCN cho đến thế kỷ 9-11 qua dấu vết kiến trúc, điêu khắc cũng như những đồng tiền được tìm thấy. Đến năm 1931, dựa vào văn bia có niên đại thế kỷ 9, Claeys cho rằng Trà Kiệu chính là Simhapura, xác định niên đại gồm 02 giai đoạn thế kỷ 5th -6th và 9th -11th sau cuộc khai quật đầu tiên tại Trà Kiệu. Philippe Stern (1942) và Boisselier (1963), dựa vào quá trình phát triển của hình dạng kiến trúc và trang trí nghệ thuật, cho rằng nền móng gạch và các bức tượng phát hiện lúc khai quật của Claeyes có niên đại vào giữa cuối thế kỷ 10. Tuy nhiên, đến năm 1947, dựa vào sử liệu Trung Quốc, Stein, R. A. phủ nhận kết quả nghiên cứu của Aurousseau và Claeys, cho rằng Lâm Ấp nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân.
Khai quật tại di tích Trà Kiệu được tiếp tục sau chiến tranh Việt Nam, năm 1985, đoàn khảo sát của Trường Đại Học Hà Nội đã khảo sát và phát hiện nhiều điểm di tích khác, trong đó bao gồm cả Gò Mỹ - nơi tìm thấy những mảnh gốm thuộc giai đoạn cuối văn hoá Sa Huỳnh và giai đoạn sớm của văn hoá Champa (Trần Quốc Vượng, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Chiều 1985), (Trần Quốc Vượng và cộng sự.1986:234). Các nhà khảo cổ của Trường Đại học Hà Nội và địa phương tiếp tục đào các hố thăm dò trong tháng 2 đến tháng 3 năm 1990[1], đã phát hiện nhiều hiện vật thuộc 02 giai đoạn khác nhau, gạch, ngói và các mảnh gốm ở độ sâu đến khoảng 02 mét có niên đại thế kỷ 7-8 với, từ 2m đến 2m7 tìm thấy được những mảnh gốm có niên đại trong khoảng cuối thế kỷ thứ 2 đến đầu thế kỷ 4 (Nguyễn Chiều, Hoàng Văn Nhâm và cộng sự. 1991: 237-9), cũng cùng thời gian đó, đã khai quật và phát hiện móng xây gạch của tường thành. Tại đồi Bửu Châu, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều loại hình gốm mà kỹ thuật và trang trí cho thấy sự ảnh hưởng từ cả Trung Quốc và Ấn Độ, điều đáng chú ý là dựa trên kết quả khai quật đã nhận định về cư dân địa phương có mối quan hệ với văn hoá truyền thống Sa Huỳnh (Nguyễn Chiều, Lâm Mỹ Dung, Vũ Thị Ninh 1991: 27-8).
Trong bối cảnh đó, nhóm các nhà khảo cổ bao gồm cả Việt Nam, Anh và Nhật Bản mà Giáo sư Mariko là thành viên đã tiến hành khai quật Trà Kiệu trong khoảng thời gian từ 1993 đến 1996[2], đây là lần đầu tiên có sự phối hợp giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế cùng làm việc tại Trà Kiệu. Trên những kết quả nghiên cứu của các học giả Pháp cũng như Việt Nam trước đó, nhóm các nhà khảo cổ, các học giả quốc tế này đã tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Mặc dù có nhiều phát hiện quan trọng trước đó, nhưng còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Claeys được cho là nhà khảo cổ học thực địa giỏi nhất của EFEO nhưng trong cuộc khảo cổ học đầu tiên với quy mô lớn và nhiều địa điểm tại Trà Kiệu lại rất ít chú trọng đến gốm và ngói, loại hiện vật rất giàu có và quan trọng tại Trà Kiệu. Mục đích của đoàn khảo cổ và nghiên cứu mà Giáo sư Mariko là thành viên là nhằm xác định niên đại của gốm phát hiện cũng như tìm hiểu mối quan hệ giữa Sa Huỳnh và Champa giai đoạn tiền sơ sử. Mariko cũng quan tâm đến chuyển biến của di tích, niên đại Trà Kiệu, sự định cư ở Trà Kiệu từ bao giờ, mối quan hệ giữa kinh đô Lâm Ấp và Champa như thế nào. Vào năm 1993, nhóm khai quật bao gồm Mariko tiến hành mở hố rộng 8m x 4m, sau đó giảm còn 2mx3m khi đào xuống sâu nằm ở sườn dốc đồi Bửu Châu, dù hố nhỏ nhưng phát hiện được nhiều hiện vật rất quan trọng. Ở các lớp trên của hố đào có địa tầng bị xáo trộn do các cuộc săn tìm báu vật trước đó, nhưng cũng đã phát hiện nhiều gốm có men thời Nam Tống và Bắc Tống có niên đại cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 13. Các lớp ở độ sâu từ 1,3m ít bị xáo trộn và đã phát hiện nền gạch, bên dưới nền đã phát hiện nhiều than lẫn với mảnh vỡ của gạch, ngói, gốm là những vết tích của các công trình bản địa được xây dựng đã bị cháy hay sập đổ mà vẫn còn nguyên vị, sau đó có những công trình khác đã xây dựng trên ngay vị trí đó (Yamagata and Glover 1994, 1995). Phát hiện nhiều gốm đất nung đặc biệt là những nồi đáy tròn có trang trí văn thừng, văn chải, bình kendi, bình hình trứng, nắp tròn, cốc chân cao mà trang trí và hình dạng có thể so sánh với các bình gốm đất nung thuộc văn hoá Óc Eo. Vò đáy bằng hoa văn trang trí in ô vuông tương tự gốm phát hiện thời Hán ở Nam Trung Quốc hay Bắc Việt Nam. Niên đại carbon (C14), ngói kiểu Trung Quốc, bao gồm cả ngói ống trang trí mặt người có niên đại từ thế kỷ 3 trở đi hay mẫu than ở lớp dưới có mảnh gốm kiểu Ấn Độ cũng cung cấp niên đại khá sớm về giai đoạn đầu của Trà Kiệu, có lẽ khoảng từ thế kỷ 2 SCN. Trong hố khai quật sau đó vào năm 1996 về phía Đông của đồi Bửu Châu phát hiện mẫu than có niên đại thế kỷ 1 đến thế kỷ 3 SCN. Từ năm 1997 đến năm 2000, nhóm khảo cổ do Mariko và Nguyễn Kim Dung dẫn đầu bởi thực hiện khảo cổ tại địa điểm Hoàn Châu với diện tích 54,5m2, đã phát hiện bốn loại móng trụ minh chứng cho việc công trình xây dựng đã được thay đổi bốn lần chính tại một địa điểm này. Cũng chính tại địa điểm này, Mariko đã thành công khi nhận diện được sự chuyển đổi của các hiện vật từ lớp dưới cùng đến các lớp bên trên. Nhận diện quan trọng này đã làm sáng tỏ lịch sử cổ đại của Trà Kiệu từ góc độ khảo cổ học. Năm 2000, tiếp tục khai quật tại Gò Cấm, cách Trà Kiệu khoảng 4km về hướng Đông Nam đã phát hiện nhiều hiện vật tương tự lớp dưới cùng với Trà Kiệu như ngói, bình hình trứng có niên đại từ thế kỷ 1, thế kỷ 2 SCN.
Từ những cuộc khai quật và nghiên cứu giai đoạn đầu đến các cuộc khai quật sau này với sự tham gia thực hiện của Giáo sư Mariko đã đem lại kết quả rất quan trọng. Gần như xác định mối quan hệ giữa văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn tiền sử có sự tiếp xúc với văn hoá Ấn Độ và sự ảnh hưởng của văn hoá Hán đến miền Trung Việt Nam và nhà nước Champa sớm Lâm Ấp mặc dù mối quan hệ này chưa hiểu hết được. Tiếp sau đó là các đợt khai quật và điền dã của Giáo sư Mariko đến Trà Kiệu diễn ra hằng năm, bao gồm ở thành Đông vào năm 2013. Các cuộc khảo sát và nghiên cứu so sánh ở nhiều di tích sớm khác để xem xét lịch sử chuyển từ thời đồ sắt sang nhà nước sơ khai hay từ Sa Huỳnh sang Lâm Ấp ở các di tích dọc theo sông Thu Bồn như Bình Yên, Thạch Bích (Nông Sơn) , Đại Lãnh (Đại Lộc), Gò Mã Vôi, Gò Dừa (Duy Xuyên), Lai Nghi (Thăng Bình), Hậu Xá, Ruộng Đồng Cao (Hội An)… Giáo sư Mariko cho rằng: ‘Trà Kiệu là thủ đô của Lâm Ấp ngay từ đầu, và quá trình chuyển đổi từ văn hoá Sa Huỳnh sang thời kỳ đầu của nhà nước sơ khai có thể đã diễn ra trong Quảng Nam- Đà Nẵng trước các khu vực khác ở miền Trung. Việc xây dựng một khung niên đại khảo cổ học Trà Kiệu, làm cơ sở nghiên cứu so sánh với các di tích Lâm Ấp ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ dẫn đến việc xem xét lại lịch sử Lâm Ấp từ góc độ và phương hướng khảo cổ. Giai đoạn muộn nhất của văn hoá Sa Huỳnh sang Trà Kiệu rất gần về mặt thời gian, nhưng nội dung văn hoá thì rất khác, dường như có sự biến đổi xã hội rất nhanh, văn hoá từ Bắc vào rất mạnh mẽ. Thương mại quốc tế Trung Quốc- Ấn Độ phát triển, lưu vực sông Thu Bồn cũng tham gia vào mạng lưới này, người nước ngoài ảnh hưởng người dân địa phương, vào xã hội địa phương. Nhưng giai đoạn sớm văn hoá Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, có thể người từ Bắc vào sông Thu Bồn, họ định cư Trà Kiệu và khu vực Gò Cấm. Văn hoá Sa Huỳnh có phạm vi rộng ở miền Trung Việt Nam, nhưng có thể nói ở lưu vực sông Thu Bồn, sự chuyển biến Sa Huỳnh sang nhà nước sơ khai có lẽ xảy ra sớm nhất’. Những kết quả khảo cổ học và nghiên cứu của GS Mariko và đồng nghiệp được trưng bày tại Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh Champa với các bộ sưu tập rất quan trọng về giai đoạn muộn của Sa Huỳnh và sớm của Lâm Ấp. Các kết quả nghiên cứu cũng được xuất bản và đăng trên các tạp chí nghiên cứu ở Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới (Yamagata 2005, 2006, 2007, 2011, 2014, 2017, 2023).
Tình đất tình người
Để có những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu, Giáo sư Mariko cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp ở Việt Nam và nhất là người dân Duy Xuyên. Những ngày làm việc tại Trà Kiệu, Giáo sư Mariko cũng nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những đồng nghiệp như Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Chiều, Trịnh Sinh, Lê Đình Phụng, Lâm Thị Mỹ Dung, Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Thị Tuyết… trong đó có TS Nguyễn Kim Dung (Viện Khảo cổ học). TS Nguyễn Kim Dung là nhà khảo cổ học nữ Việt Nam đã làm việc và luôn gắn bó với Giáo sư Mariko trong 30 năm qua, người mà GS Mariko cho là ‘người bạn quan trọng nhất, hơn cả bạn bè’ đã hỗ trợ và giúp đỡ GS Mariko ngay từ những bước đầu đến làm việc tại Trà Kiệu. Giáo sư Mariko cũng cho rằng dù đi nhiều nơi, nhưng những người Duy Xuyên, người Quảng Nam đã để lại trong Mariko những tình cảm tốt đẹp nhất. Nhiều người dân Duy Xuyên đã quen thuộc với hình ảnh của Mariko, họ biết đến một người phụ nữ luôn khiêm nhường, giản dị, chỉnh chu, tận tuỵ, là người luôn có niềm say mê lớn lao với khảo cổ. Sự quý mến của các thế hệ cán bộ, bạn bè đồng nghiệp và nhất là người dân Duy Xuyên luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với Giáo sư Mariko. Theo Ông Dương Đức Quí – Nguyên Trưởng phòng Văn hoá Thông tin Huyện Duy Xuyên kể lại những năm tháng đầu khi Mariko đến làm việc tại Trà Kiệu: ‘Mariko đến từ một đất nước phát triển, văn minh nhưng đến làm việc trong một điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng còn rất thiếu thốn, chắc chắn là Mariko gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhà vệ sinh không đảm bảo, ăn uống thiếu thốn. Lúc đầu ở trong dãy phòng nghỉ của cơ quan, rồi ở khách sạn Mỹ Sơn, buổi trưa thường nghỉ ở nhà Ông Tri tại Bửu Châu và nhà Ông Bình ở Hoàn Châu, ở với dân, nhưng Mariko vẫn vượt qua được, Mariko hiểu nói tiếng Việt rất giỏi, thấy cô gái xinh xắn người Nhật nên nhiều anh em cũng đùa nhưng Mariko phản ứng và hiểu rất nhanh các kiểu nói đùa đầy ẩn dụ. Khi làm việc, Mariko là người rất nguyên tắc, đầy tính kỷ luật nhất là giờ giấc làm việc, là người giản dị, gần gủi và rất được sự quý mến của mọi người’. Mariko thích ngắm cảnh quan của thung lũng Trà Kiệu, của Sông Thu Bồn, những hình ảnh luôn in đậm trong ký ức của Giáo sư Mariko. Với Mariko, có lẽ Sông Thu Bồn và sông Hương ở Huế là những con sông đẹp nhất ở Việt Nam. Cùng với niềm đam mê khoa học, thì chính tình yêu con người và vùng đất nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh để GS Mariko vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình làm việc tại Trà Kiệu.
Đào tạo, kết nối và tiếp tục con đường đã chọn
Trong thời gian nghiên cứu làm việc tại Trà Kiệu, GS Mariko cũng đã từng làm việc tại nhiều trường đại học khác nhau ở Nhật Bản như Đại học Khoa học Okayama, Đại học Kanazawa, Đại học Waseda và hiện nay là Đại học Rikkyo. GS Mariko đã hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam cũng như Nhật Bản, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ nghiên cứu và quan tâm nghiên cứu Việt Nam nói chung và Trà Kiệu nói riêng. Tạo cầu nối cho mối quan hệ của các thế hệ cũng như nhiều người làm nghiên cứu, hỗ trợ nhiều sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên Đông Nam Á học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Khi hỏi về những dự định sắp đến, GS Mariko cho rằng nghiên cứu là còn đường có bắt đầu mà dường như không có kết thúc. Mariko cũng sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình, cần nghiên cứu so sánh và mở rộng hơn, văn hoá Sa Huỳnh và Champa còn nhiều vấn đề để nghiên cứu. Nhiều đồng nghiệp cũng học hỏi từ GS Mariko về tư duy làm việc khoa học cũng như phong cách làm việc của GS Mariko. Để kết quả khoa học cao, trong quá trình làm việc và nghiên cứu tại các hố đào cũng như trong quá trình chỉnh lý hiện vật, từ việc sử dụng dụng cụ cho đến việc đo vẽ, ghi chép đều được GS Mariko thực hiện rất cẩn trọng và tập trung. Chính phong cách làm việc khoa học là một tấm gương để đồng nghiệp và các thế hệ trẻ noi theo.
Trà Kiệu là một di tích khảo cổ nằm ở bờ Nam sông Thu Bồn, được đưa vào danh mục di tích cấp quốc gia năm 2013 (đoạn tường phía Nam). Hiện vật khảo cổ tại đây đã được trưng bày nhiều nơi cũng như kết quả nghiên cứu được thế giới biết đến là cả quá trình nghiên cứu và khảo cổ của nhiều thế hệ trong đó có công đóng góp rất quan trọng của Giáo sư Mariko YAMAGATA. 30 năm qua, GS Mariko YAMAGATA đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng khung niên đại giai đoạn sớm của Trà Kiệu, góp phần xác định Trà Kiệu là thủ đô của Lâm Ấp ngay từ đầu, và quá trình chuyển đổi từ văn hoá Sa Huỳnh sang thời kỳ đầu của nhà nước sơ khai, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giai đoạn cuối văn hoá Sa Huỳnh và giai đoạn sớm hình thành nhà nước Lâm Ấp tại Trà Kiệu, mối quan hệ giữa vùng Trà Kiệu miền Trung Việt Nam với phía Bắc và Nam, với nền văn hoá khác bằng nhiều nghiên cứu so sánh. Nhiều hiện vật được nghiên cứu và trưng bày, nhiều sách, bài báo khoa học được xuất bản trên thế giới. Những đóng góp đó đã góp phần nhận diện và phát huy giá trị của di sản khảo cổ Trà Kiệu, một di sản rất quan trọng trong lịch sử văn hoá ở miền trung Việt Nam. Không những thế, GS Mariko đã dày công kết nối, hướng dẫn đào tạo nhiều thế hệ trẻ của hai nước Việt Nam và Nhật Bản, những người quan tâm nghiên cứu Trà Kiệu, Quảng Nam, đồng thời tạo nên mạng lưới kết nối giữa các nhà khoa học, và các nhà khảo cổ học. Hình ảnh của một nhà khảo cổ đầy tâm huyết, giản dị, chu đáo, một nhà khoa học làm việc rất nghiêm túc, có nhiều đóng góp quan trọng cho vùng đất xứ Quảng luôn ở trong lòng những người bạn, đồng nghiệp Việt Nam nói chung và người dân Duy Xuyên nói riêng.
Hình ảnh của GS Mariko, một nhà khảo cổ đầy tâm huyết, giản dị, chu đáo, một nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng cho vùng đất xứ Quảng luôn ở trong lòng những người bạn, đồng nghiệp Việt Nam nói chung và người dân Duy Xuyên nói riêng. Đồng thời, GS Mariko như cầu nối văn hoá giữa quá khứ và hiện tại, cầu nối giữa nhiều nhà nghiên cứu, của văn hoá hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2023 là tròn 30 năm GS Mariko nghiên cứu thành cổ Trà Kiệu, và cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản –Việt Nam. Những dòng viết này như những lời tri ân về những đóng góp lớn lao của Giáo sư Mariko YAMAGATA cho những di sản khảo cổ ở Quảng Nam nói chung trong đó đặc biệt là với di sản khảo cổ Trà Kiệu ở Duy Xuyên nói riêng.
Một số xuất bản tiêu biểu của GS Mariko Yamagata
Yamagata, Mariko 2005. Sự chuyển biến tiếp từ Sa Huynh sang Lâm Ấp (Champa): với sự đề cấp đạc biệt đến thung lũng sông Thu Bồn. Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội: 622-634.
Yamagata, Mariko 2006. Inland Sa Huynh Culture along the Thu Bon River Valley in central Vietnam. Bacus, E.A., Glover, I.C. and Pigott, V.C. (eds.) Uncovering Southeast Asia’s Past, National University of Singapore Press, Singapore: 168-183.
Yamagata Mariko 2007 The early history of Lin-I viewed from archeology. ACTA ASIATICA 92: 1-30.
Yamagata Mariko 2011 Trà Kiệu during the second and third centuries CE: the formation of Linyi from archaeological perspective. Trần Kỳ Phương and Lockhart, B. M. (eds.) The Cham of Vietnam: History, Society and Art. National University of Singapore Press, Singapore: 81-101.
Yamagata Mariko (ed.) 2014 The Ancient Citadel of Tra Kieu in Central Vietnam: The Site and the Pottery. Kanazawa Cultural Resource Studies 14. Kanazawa University. Kanazawa.
Yamagata Mariko 2017. Construction of Linyi Citadels: The Rise of Early Polity in Vietnam. Karashima N. and Hirosue M. (eds.) State Formation and Social Integration in Pre-modern South and Southeast Asia: A Comparative Study of Asian Society. The Toyo Bunko, Tokyo: 27-54.
Yamagata Mariko 2023. Khảo cứu cơ bản liên quan đến quá trình hình thành nhà nước cổ đại Lâm Ấp - Từ các nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Trà Kiệu. Bài nộp cho Hội Thảo Khoa Học “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai”, Đại Học Đông Á, Đà Nẵng.
[1] Nhóm khai quật khảo cổ học gồm: Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung, Trần Tuyết Minh, Hoàng Thị Nhung, Vũ Thị Ninh và Hồ Xuân Tịnh.
[2] Nhóm khảo cổ học gồm các chuyên gia: Trịnh Sinh, Nguyễn Chiều, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Trường Kỳ, Lê Đình Phụng, Hồ Xuân Tịnh, Ian Glover, Mariko Yamagata, William Southworth, Ruth Prior và cán bộ văn hoá của huyện Duy Xuyên.
Nguyễn Đăng Khôi
27 Tháng 1,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- Một năm thành công của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (16.01.2023)
- Họp mặt doanh nghiệp, hướng dẫn viên, báo chí thường niên 2022 (09.01.2023)
- BQL DSVH Mỹ Sơn tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 (09.01.2023)
- Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Apsara” (30.12.2022)
- BÁO ĐỘNG VỚI TÌNH TRẠNG SĂN BẮN TRÁI PHÉP VÀ THÔNG ĐIỆP CHUNG TAY BẢO VỆ MỸ SƠN – MỘT DI SẢN XANH (27.12.2022)
- Đảng bộ BQL DSVH Mỹ Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 (27.12.2022)