Bảo tồn Di sản Mỹ Sơn trường tồn cùng thời gian

Bảo tồn Di sản Mỹ Sơn trường tồn cùng thời gian

Nhân kỷ niệm 21 năm ngày Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa Thế giới của nhân loại (4/12/1999-4/12/2020). Ban Biên tập Trang thông tin Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn xin mời độc giả hãy cùng nhìn lại chặng đường bảo tồn giá trị khu di sản từ khi được công nhận đến nay.

 

Cách đây 20 năm, vào ngày 4/12/1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (Unesco) vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại, khẳng định cho những giá trị đỉnh cao về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh Chămpa từng phát triển rực rỡ trong lịch sử nhân loại. Các cấp chính quyền địa phương và trung ương đã xác định những giá trị văn hóa độc đáo này cần được phát huy, khai thác hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời, bảo tồn và lưu giữ cho mai sau.

 

Bà Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thăm Mỹ Sơn 2013

 

Chính sự sự quan tâm của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, đã biến một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên trong suốt thời gian dài đổ nát của những bom đạn chiến tranh tàn phá, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo và thu hút khách du lịch.

 

Giáo dục di sản trong trường học - Một chương trình ý nghĩa nâng cao nhận thức trong cộng đồng 

 

Nhìn lại từ những ngày đầu Mỹ Sơn khoát lên mình danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới, tỉnh Quảng Nam đã xác định bảo tồn và phát huy đúng hướng phải là cách bảo tồn tối ưu nhất, hiệu quả nhất sao cho di tích được giữ nguyên giá trị gốc, đảm bảo tính xác thực nhất trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật Di sản văn hóa Việt Nam. Nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển được vạch ra, các nghiên cứu khoa học, trùng tu, khảo cổ được tiến hành đồng bộ, đúng hướng. Do đó, đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, có ý nghĩa nổi bật trong việc trùng tu di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam, trở thành hình mẫu trùng tu trong cả nước. Trong đó phải kể đến những dự án hợp tác liên kết với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước như Dự án trùng tu tôn tạo, hợp tác ba bên UNESCO-Việt Nam-Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn”, dự án khai quật khảo cổ suối Khe Thẻ, dự án trùng tu tháp E7, và hiện nay là dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K,H,A thuộc dự án Ấn Độ được thực hiện từ năm 2016 - 2021.

 

Không những vậy, các giá trị về văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống dân gian Chăm, cũng được quan tâm, gìn giữ đồng thời phục vụ du khách và đóng góp vào việc lan tỏa các giá trị văn hóa tinh thần của địa phương thông qua các sự kiện như lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó công tác bảo tồn cảnh quan di sản cũng được chú trọng. Nhiều héc ta rừng nguyên sinh được tái tạo phục hồi, hệ động thực vật được tập hợp nghiên cứu bảo tồn hiệu quả, gìn giữ trọn vẹn được 1.158ha rừng tự nhiên, lưu giữ màu xanh Mỹ Sơn, không gian văn hóa Khu di sản ngày một xanh hơn, đẹp hơn. Đặc biệt, trên lĩnh vực quản lý di sản, Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới, làm cơ sở để thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ tốt nhất giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

 

Trên lĩnh vực phát huy, với nhiều chương trình, đề án thúc đẩy phát triển, Mỹ Sơn dần có sức lan tỏa trong sự phát triển của du lịch vùng. Loại hình du lịch ngày một hiện đại và thân thiện với môi trường. Không gian lan tỏa du lịch ngày càng từng bước mở rộng, ý thức của người dân về du lịch và làm kinh tế du lịch được nâng lên. Kết quả là trong nhiều năm lượng khách đến tham quan đều tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước, tăng trung bình trên 9%. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ hàng chục tỷ đồng, tốc độ doanh thu đang tăng nhanh, tăng bền vững. Đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, xóa đói giảm nghèo.

 

Sau những nổ lực không ngừng, chúng ta vui mừng nhận thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản thế giới Mỹ Sơn đã có được những thành công, Mỹ Sơn phát triển theo hướng tích cực, bền vững.

 

Có thể nói, trong hơn 20 năm phát triển Mỹ Sơn vẫn còn đó nhiều phế tích cần được bảo tồn, nhiều không gian văn hóa cần được khai thác, phát huy hợp lý, vậy nên cần hơn nữa sự đóng góp của quốc tế, của các cấp từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng di sản, để cùng chung sức vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững di sản .

Ban Biên tập

 

 

03 Tháng 12,2020

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Đặt vé online
Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo