Sử thi quá hay khi cho nước từ trên trời đổ xuống đầu thần Shiva trước khi chảy vào trần gian thành con sông Hằng. Dòng nước chảy đến đâu sẽ lấy những gì nó gặp rồi mang theo trên suốt đường đi. Nước đã qua đầu thần Shiva nên nó mang theo đầy đủ các tính khí của vị thần này đi từ đầu nguồn đến cuối bể. Sông Hằng là con sông như thế, nó có cái lạnh tê buốt người của dòng nước từ cõi trời đi xuống, có khả năng giữ mình thanh sạch của cốt cách thần tiên, nơi đó con người có thể tắm gội những nhọc nhằn của kiếp sống hay gởi những gì còn lại của thân xác sau khi phần lớn đã theo thần lửa về trời. Dọc theo sông Hằng có những đồng cỏ cho những người du mục và gia súc dừng chân, trong lúc gia súc nhẫn nha gặm cỏ người đàn ông du mục ngã mình trên bờ sông, nhìn lên trời với các đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng, nhớ lại những ngày đầu ra đi và những gì đã trãi qua, họ bắt đầu mơ về một cuộc sống ổn định êm đềm không rày đây mai đó, không có các cuộc chiến với mưa máu gió tanh, tranh dành nhau từng bãi cỏ cho đàn gia súc, bây giờ với đồng bằng này, họ tha hồ chăn nuôi, trồng trọt mà không cần di chuyển. Người du mục bắt đầu nghĩ về một chốn dừng chân, dựng nhà, định cư. Họ chính thức có quê hương, chấm dứt cảnh quê hương bao la mông lung, cửa nhà không có.
Sao sử thi không cho nước qua đầu thần Vishnu trước khi vào trần thế? Nước qua đầu Vishnu dòng sông sẽ bình lặng hơn, nước chảy một cách đầy lý trí, vì lòng thương yêu sông sẽ không qua các vùng tạo ra ghềnh thác, nước trôi qua các vùng êm ả, dọc theo dòng sông sẽ là các đồng cỏ với các thảo nguyên đầy hoa và cây lương thực, những người chăn nuôi du mục sẽ dừng chân lại một cách tự nhiên, họ không cần phải di chuyển vì gia súc không thiếu thức ăn, hoà bình tự nhiên đến vì không phải tranh giành đồng cỏ. Nhu cầu di chuyển không có, làng mạc hình thành trong sự ổn định, theo sự sắp xếp đầy trí tuệ của Vishnu, con người cứ bình yên mà sống trong hạnh phúc.
Hạnh phúc đến một cách tự nhiên với đời sống con người trong vòng tay bảo bọc của thần linh, những con người trần tục được sống trong cõi tiên và hồn nhiên thụ hưởng. Một cảnh thiên đường tồn tại dọc theo bờ sông từ thượng nguồn đến cửa biển. Hoa trái sẵn trên cây bốn mùa có đủ, gia súc tự đi ăn vì cỏ ngoài đồng không thiếu. Người sống ở đó muốn gì được nấy.
Than ôi! Khi điều kiện sinh sống quá dễ dàng, mọi thứ đều sẵn có. Những con người trần tục rơi dần vào hư hỏng, họ biểu lộ tính vô ơn, không thấy họ đang sống trong ân sũng của thần linh, họ giảm lòng tôn kính, tệ hơn họ quên mất kỹ năng lao động, khả năng tự sinh tồn ngày càng yếu đi, sự lười nhát dẫn tới mất khả năng sáng tạo, người vùng này với người vùng khác chỉ là cái bóng mờ nhạt của nhau. Không có sáng tạo nên mất luôn tính tự trọng, đâu đâu cũng nghe ca hát nhưng là các bài hát giống nhau, người ta chỉ khoe nhau hát tông cao tông thấp chứ không nói đến rung động thật sự của tác giả đã gởi vào tác phẩm, họ sơn phết lên các rung cảm cũ của người khác bằng các lớp sơn xa lạ rồi gọi như thế là sáng tạo, sống sung sướng, người nông dân du mục quên dần tình yêu dành cho đàn gia súc, không còn cảm giác êm đềm của buổi chiều thảo nguyên, khi ngồi ngắm mặt trời chiều màu đỏ rơi dần xuống chân trời và đàn gia súc chậm rãi về chuồng. Quê hương một thời khao khát, bây giờ có cũng như không.
Để thoả mãn nhu cầu ngày một tăng, tăng nhanh hơn sức sinh sản của vật nuôi, người ta ép gia súc sinh thiếu tháng, ăn vội một số cây trái còn xanh, chặn dòng sông tận diệt cá, hai bên bờ sông dần mất dấu thiên đường, một thế hệ bệnh tật ra đời. Khủng hoảng, hư hỏng với đời sống ngày một tha hoá, những người nông dân quay về thần linh. Đã lâu quá, sống trong sự thoả mãn đầy bản năng nên xao lãng việc thờ tự, quên mất hình dáng thần linh, người ta tạc lại một số hình ảnh còn ngổn ngang trong trí nhớ, đem sơn son thiếp vàng rồi lừa nhau đó là thần linh. Cuối cùng của thiên đường, đạo cũng đến ngày mạt pháp, thần thôi linh trong mắt đám chúng sinh bạt nhược.
Dòng nước không bao giờ từ trên trời chảy xuống đầu thần Vishnu cả, để dòng sông chảy được chảy theo những gì mà tự nhiên vốn có, con người được sống phù hợp với vùng đất sinh ra họ, mỗi vùng người nông dân có một cách ứng xữ với dòng sông theo điều kiện thực tế của nơi họ sống, từ đó hình thành các vùng với điều kiện lao động khác nhau, những thói quen, tập quán, văn hoá, văn minh riêng biệt, dọc theo dòng sông hình thành vùng này vùng nọ với những điều hấp dẫn khác nhau. Con người được sống, được làm việc, hưởng thụ, được sung sướng, được đau khổ theo chiều lên xuống của nước sông, được tư duy và được tự do trong các ý tưởng sáng tạo. Họ hiểu các giá trị của giòng sông và biết ơn nó.
Nước là khởi nguồn của tất cả. Với văn minh Hindu, sông Hằng là nơi như thế, khi về với văn minh Champa nước vẫn là sự sống nhưng con sông của các vùng văn hoá Champa không giống con sông Hằng, nước được rao giảng có thể vẫn qua đầu Shiva nhưng không qua các vùng tuyết lạnh, núi cao. Tính chất của các con sông trong vùng văn hoá Champa giảm đi rất nhiều tính huyền bí, vấn đề tâm linh trên dòng sông không còn quá áp lực đối với đời sống của người nông dân, những điều về sông Hằng mà sử thi truyền dạy quá khác với loại hình sông ngắn và dốc như ở Nam trung bộ, không thể lấy hình ảnh những con sông này làm minh hoạ cho bất kỳ đoạn sông Hằng nào cả. Các con sông của văn minh Chanpa không giống con sông của sữ thi Ấn độ nên vì thế không vì sông Hằng dài và đồ sộ sẽ làm sông mẹ, các con sông của miền Hindu khác ngoài Ấn độ làm sông con. Tính chất độc lập trong tôn giáo của các vương triều Champa thể hiện rõ trong cách ứng xữ với dòng sông nuôi sống dân tộc họ, sự khác biệt này không chỉ với sông Hằng mà ngay cả các dòng sông trong các vùng Champa khác nhau cũng có những điều khác nhau, họ có một điểm chung là gọi con sông chính là Cái là Mẹ và không có khái niệm mẹ Ganga.
Ngọn núi và dòng sông là hình ảnh luôn được nói tới và được thấy khi tiếp cận di tích Hindu của vương quốc cổ Champa nhưng hình ảnh khẳng định vai trò của nước trong đời sống tôn giáo chỉ thể hiện một cách cụ thể khi đến Mỹ sơn, ở đây có hẳn một ngọn tháp bên trong chỉ chứa một bể nước cạn, công dụng của bể này như thế nào có thể có nhiều giải thích khác nhau nhưng sự khẳng định vai trò của nước là chắc chắn.
Các vùng Hindu khác người ta tạo ra hàng loạt các kiểu Linga rồi đặt ngoài dòng suối, người đời sau diễn giãi rằng dòng nước mát sẽ làm dịu đi sức nóng hừng hực đang chứa trong Linga của Shiva. Người ta quên ở bên ngoài đền thờ Linga chỉ là Linga, là công cụ truyền giống của loài động vật mang tên Giống Đực và sự hừng hực của nó chỉ là cách nghĩ, cách diễn giải của một loài yếu đuối. Linga là biểu tượng của thần linh khi được đặt đúng vị trí trang trọng trong đền thờ, lúc đó Linga là Shiva, là sự sáng tạo, phát triển và lụi tàn của một vũ trụ bao la.
Nước trong bể nước của Mỹ sơn không đủ để làm những điều mà người đời sau nghĩ về vai trò của nó trong tôn giáo. Với lượng nước ít như thế làm sao cho dịu được sức nóng của khối Linga to lớn trong đền? Làm lễ tắm tượng cũng không đủ nước. Nước trong tháp nước vẫn có nhưng không dùng để thực hiện những nghi thức mà người đời sau cho rằng phải là như thế.
Tháp nước và bể nước trong hệ thống di tích Chăm ở Mỹ sơn là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng nhiều hơn tính ứng dụng. Công trình này được xây dựng trong khu thờ cúng của Hoàng gia nói lên sự trân trọng của giới quí tộc cầm quyền với dòng nước đã nuôi sống dân tộc họ, đã nuôi dưỡng, tạo cho họ có cơ hội trở thành tầng lớp chiếm lĩnh đỉnh cao trong xã hội. Tôn giáo mà họ đang theo, truyền thuyết mà họ đã đọc, được các giáo sĩ mang tới từ đất nước Ấn độ xa xôi không hẳn đã phù hợp hoàn toàn với vùng đất và con người của họ. Thần linh và dòng sông hai giá trị cốt lỏi để tạo ra văn hoá và đời sống của vương quốc Champa thời trung cổ hoàn toàn không phải là phiên bản thu nhỏ của văn minh Ấn độ vĩ đại.
Người quí tộc Champa xưa yêu quí dòng sông nhưng là dòng sông Thu bồn của họ chứ không phải dòng sông Hằng qua câu chuyện sử thi, họ đối xử với nó cũng rất khác với người Ấn đối xử với sông Hằng mà họ đã nghe hay đọc được. Người Champa xưa đắm mình trong dòng sông với các buổi trưa hè của tuổi thơ hay buổi chiều sau một ngày đồng áng, với họ dòng sông là những gì gắn bó mà khi đi xa sẽ trở thành nỗi nhớ, mỗi hình ảnh sẽ thành kỷ niệm, họ kể lại cho con cháu đời này sang đời khác nghe, hình thành lòng biết ơn con sông ôm ấp ngôi làng của họ và nuôi họ lớn. Người ta không thần hoá con sông như sử thi dạy họ mà lại gọi con sông bằng một bằng một từ gần gũi và chất chứa yêu thương BÀ. Bà Thu Bồn, người Bà vĩ đại của người nông dân vùng Amaravati.
Trong hệ thống đền thờ thần Hindu của hoàng gia Champa tại Mỹ sơn việc xuất hiện tháp nước đã vượt ra ngoài các qui định của tôn giáo, nó là hình ảnh của tín ngưỡng bản địa, người ta tỏ lòng kính trọng dòng sông đã mang cho họ sự sống qua tên gọi của một cụ bà tôn kính BÀ THU BỒN. Bà THU BỒN bằng nhiều hình thức đã được người nông dân truyền đời nhau thờ cúng dọc theo bờ sông và tại Mỹ sơn là sự bày tỏ của hoàng gia. Người nông dân không biết truyền thuyết nói gì về con sông xa lơ xa lắc tận trời Ấn độ nhưng họ biết rất rõ về con sông quê mình, con sông gắn liền với cuộc đời của họ, con sông nuôi họ lớn khôn, và khi họ dại dột làm đau dòng sông họ sẽ mất đi truyền thống, họ sẽ không còn là chính họ.
Tháp nước ở Mỹ sơn không dùng để thực hiện các nghi thức tôn giáo, không đủ để làm nguội Linga trong suy nghĩ của con người, sự có mặt của nó là một biểu tượng nói lên sự tôn trọng dòng sông của các triều đại cầm quyền, biểu thị sự hiểu biết nhất quán về vai trò của con sông trong đời sống người Champa thời trung cổ. Tháp nước được dựng trong công trình thờ cúng thần linh của các vương triều nói lên sự biết ơn của dân tộc với dòng sông. Sau tất cả tháp nước ở Mỹ sơn cho thấy sự chủ động trong tiếp nhận tôn giáo, văn hoá từ bên ngoài của các thời kỳ văn hoá Champa và sự cởi mở của văn hoá Ấn độ khi truyền đến các vùng văn hoá khác.
Lê Xuân Tiến
27 Tháng 2,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- TÌM HƯỚNG ĐI MỚI CHO DU LỊCH CỘNG ĐỒNG PHỤ CẬN VÙNG DI SẢN (12.09.2024)
- Sinh hoạt Chi đoàn chủ đề "Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn" (12.09.2024)
- Dấu ấn Champa bên bờ Nam sông Thu Bồn (29.08.2024)
- TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY CHO VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG BAN QUẢN LÝ MỸ SƠN (27.08.2024)
- Triển khai công tác giáo dục di sản trong trường học (26.08.2024)
- Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đạt 3/3 bộ tiêu chí Du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam (18.08.2024)