Trong Hindu giáo, hình ảnh các linh vật luôn gắn liền với các vị thần. Chúng vừa là vật cưỡi, vừa là các linh vật huyền thoại mang tính biểu tượng với nhiều ý nghĩa. Mỗi nền văn hoá tiếp nhận Hindu giáo theo những cách khác nhau để phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo bản địa. Khu đền tháp Mỹ Sơn từ khi được xây dựng, đã là trung tâm thờ Shiva giáo của vương quốc Champa. Hình ảnh bò thần Nandin luôn gắn liền với vị thần Shiva được thờ chính tại thung lũng Mỹ Sơn. Nandin vừa là vật cưỡi trung thành, tùy tùng tận tụy, vừa là thần gác đền, là cầu nối giữa thần với các tín đồ để họ cầu phúc lành từ Nandin trước khi đi đến thờ cúng vị chúa tể Shiva. Tên gọi là Nandin hay Nandi mang ý nghĩa là ngay thẳng/đạo đức/sự công bằng. Nandin là biểu tượng khẳng định tình đoàn kết giữa các tôn giáo bản địa; đồng thời, Nandin cũng là nhân vật lãnh đạo quân sự của 18 minh chủ (18 siddhas) và có công trong việc tìm kiếm đầu voi cho thần Ganesha.
1. Nandin trong đời sống hằng ngày
Bò là loài vật quen thuộc trong các xã hội nông nghiệp, thậm chí là được lựa chọn để thuần dưỡng và nuôi nhiều nhất; bởi bò không những cung cấp nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho con người như sữa, bơ…, mà còn là trợ thủ đắc lực cho nhà nông trong việc duy trì sức kéo bền bỉ để kéo cày cải tạo đất trong trồng trọt và sử dụng để kéo xe vận chuyển hàng hoá và những mục tiêu khác trong sản xuất…, ngoài ra bò còn cung ứng một phần rất lớn nhu yếu như phân hữu cơ cho nền nông nghiệp hữu cơ và làm chất đốt quanh năm cho cư dân của một số nước Tây và Đông Nam Á… Ở những xã hội mà người dân không theo tín ngưỡng thờ bò thì bò còn có giá trị lớn tạo ra các phụ phẩm và hàng mỹ nghệ khác nhau có ích cho con người.
2. Nandin trong các đền tháp ở Mỹ Sơn
Trước khi người Pháp phát hiện ra Mỹ Sơn và bắt đầu nghiên cứu thì tại đây đã từng diễn ra các cuộc săn lùng báu vật khiến cho nhiều hiện vật bị đào bới và vương vãi khắp nơi, cùng với sự tác động của con người và sự tàn phá của chiến tranh… Mỹ Sơn trải qua nhiều lần quên lãng dẫn đến trở thành phế tích và không còn được thực hành tín ngưỡng như ban đầu. Vì những lý do trên mà tượng Bò Nandin hầu hết không còn nguyên vẹn và không còn nguyên vị trước đền thờ (Anatarala) như xưa, các bức phù điêu, các trang trí góc có hình ảnh điêu khắc bò thần cũng chịu số phận tương tự, chúng không còn gắn trên mi cửa của công trình hay đặt trên góc của các ngôi đền Mỹ Sơn.
Hình ảnh Nandin tại Mỹ Sơn gắn liền với tượng tròn, tympan điêu khắc bằng sa thạch, và một số làm bằng đất nung. Dù là điêu khắc dưới dạng nào và bằng chất liệu gì thì người Chăm xưa cũng cho thấy được tài năng, sự thông minh và khéo léo của mình qua việc khắc chạm hình ảnh Nandin. Các hình thức Nandin được thể hiện đa dạng, sống động, được đặt độc lập trước các đền Chăm và hướng mặt về đền chính như vị thần canh giữ cửa hay các bức phù điêu có hình ảnh Nandin gắn liền với thần Shiva.
Điêu khắc Hình ảnh bò Mỹ Sơn hầu như khắc họa chân thực, đậm nét giống với hình ảnh bò bản địa trong dáng vẻ hiền lành, mắt to tròn, tai, mũi miệng đặc tả sinh động với kích thước lớn, cục bướu trước ngực mềm mại, khối u nổi cao giữa lưng là đặc trưng của sự uy nghiêm, mạnh mẽ và cường tráng của bò đực, bốn chân trong tư thế hầu như khuỵu gối, hoặc chân và thân hầu như nằm sát đất khuôn mặt hiền lành, hân hoan ngước nhìn đấng tối cao…; ý nghĩa của tư thế này thể hiện sự sùng bái, và phụng kính thần Shiva-vua của các thần và đặc biệt hơn, ta nhìn thấy có con mắt thứ ba giữa trán ở hầu hết các Nandin như là biểu hiện đặc tính cùng với thần Shiva với quyền năng sáng tạo và hủy diệt… Càng về sau, điêu khắc bò Nadin ở Mỹ Sơn càng mờ nhạt hơn cho đến thế kỷ thứ XIII thì hầu như chỉ còn thấy chú trọng tượng thờ các vị thần chính bằng sa thạch, còn Nandin lúc bấy giờ dường như chỉ còn hiển hiện trên các đỉnh tháp bằng chất liệu đất nung.
Điêu khắc bò Mỹ Sơn so với tượng bò ở các di tích Champa khác ngoài những điểm chung miêu tả như trên thì cũng cho thấy những đặc trưng riêng biệt. Ngoài hình ảnh bò trên điêu khắc bệ chóp tháp (hiện đang trưng bày trước nhà D1 Mỹ Sơn_03MSD.271) cho chúng ta thấy vòng đeo trang trí trên cổ, còn lại hầu như Nandin Mỹ Sơn có vẻ không chú trọng đến trang sức hay vòng đeo lục lạc và điêu khắc bò thể hiện rõ giới tính đực. Nếu so sánh bò thần Nandin Mỹ Sơn nói riêng và Champa nói chung với bò thần Nandin của Ấn Độ, hay Khmer để tìm những nét tương đồng và dị biệt sẽ thấy, bò thần Nandin Khmer có những nét thô đầu to và sừng vuốt cong, không có trang trí hoa văn, nhưng tựu chung, nó có phong cách gần gũi với bò Nandin Chămpa. Còn bò Ấn Độ đa số tạc tượng màu trắng vì Nandin theo quan niệm của người Ấn là Bò đực có màu lông trắng như tuyết và kích thước rất to. Bên cạnh bò đực thì người Ấn còn thờ nữ thần bò (tức thờ bò cái) như là “Mẹ trái đất”; và có những công trình chỉ để dành riêng cho việc thờ bò như đền Dodda Basavana Gudi được cho là ngôi đền lớn nhất thờ vị thần bò Nandi trên thế giới.
3. Nandin ở Champa
Do ảnh hưởng sâu đậm của Hindu giáo và những yếu tố bản địa nằm trong tâm thức của cư dân vùng đất này, hình ảnh bò thần Nadin xuất hiện trong văn học, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, và trong tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng Chăm. Họ lựa chọn bò đực Nandin làm vị thần để thờ phụng và gắn liền với thần Shiva như thân tín của thần. Trong dân gian, Nandin còn có tên gọi khác thiêng liêng là Limoaw Kapil hay Kapil…gắn liền với các câu truyện cổ, truyền thuyết… Trong văn hóa tâm linh người Chăm mà đúng hơn là Chăm Ahier (Chăm Balamoon) cho đến hôm nay, dù họ có thay đổi để hòa hợp với tín ngưỡng và đời sống hiện tại, nhưng vẫn còn lưu giữ dấu ấn thờ thần Shiva, thờ thần bò và phong tục có liên quan đến bò thần Nandin (Kapin) như tục ma chay, lễ nhập Kut, tôn thờ bò như là đấng quyền năng và họ kiêng ăn thịt bò. Dù tục thờ cúng ngày nay chỉ tồn tại trong những cộng đồng dân cư Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Còn Ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... cũng có cộng đồng dân cư người Chăm, họ vẫn còn lưu giữ họ Chăm nhưng không còn giữ được phong tục cổ truyền do sống chung với người Kinh qua nhiều thế hệ và đã có sự giao lưu văn hóa.
Tại cụm tháp Pô Rome (XVII) tỉnh Ninh Thuận, đây là một trong số những cụm tháp nổi tiếng và còn nguyên vẹn nhất của vùng Panduranga xưa. Ngôi đền này thờ vua Po Rome, vị vua độc lập cuối cùng của Champa; ngoài ra, còn hình ảnh hai Bò thần, một bên là bò đực Nandin (đã được dâng và thờ cúng từ xưa) là người tùy tùng trung thành của Thần Shiva và một bên là hình ảnh bò cái (có thể cư dân Chăm dâng cúng vào đền sau này) được thờ phía trước ngôi đền. Nếu xét tất cả các tượng bò hay phù điêu bò trong các giai đoạn mà vương quốc Champa còn tồn tại, thì hầu như không thấy bóng dáng của bò cái. Hình ảnh này cho phép người xem cảm nhận về sự thay đổi trong quan niệm thờ cúng, trọng yếu tố đực cái như là bằng chứng của tín ngưỡng phồn thực, ước nguyện sinh sôi nảy nở. Qua đây để thấy rõ rằng, dù vẫn duy trì tín ngưỡng bản địa xa xưa của tổ tiên, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân Champa vùng đất này đã cải biến, dung hòa để trở thành phong tục thờ cúng riêng biệt độc đáo và thực hành theo thời gian đảm bảo phù hợp với tâm thức của người địa phương. Dù gì đi nữa thì ta thấy hình ảnh Bò thần gắn liền với thần Shiva luôn được cộng đồng quan tâm thờ cúng mà di tích Mỹ Sơn vẫn đâu đó nằm trong tâm thức, trong mối quan tâm của cộng đồng người Chăm khi nhớ về nguồn cội.
4. Hình ảnh Nandin trong các nền văn minh
Thực tế xuất phát từ sự gần gũi và vai trò quan trọng của bò trong đời sống hằng ngày của con người nên không chỉ riêng Champa mà nhiều quốc gia từ Đông sang Tây, nhiều nền văn minh lớn trên thế giới như Lưỡng Hà, Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ.. và nhiều tôn giáo như Ki-tô và Hồi giáo, Phật giáo …đã khắc họa biểu tượng bò trên các công trình kiến trúc tôn giáo, nâng hình ảnh bò lên thành vị thần lớn (thần bò) và thờ phụng nó. Theo giáo lý Phật giáo, con bò có khả năng biến ước mơ thành hiện thực, vì lý do này mà nhiều phật tử không ăn thịt bò… Còn trong văn hóa Ấn độ và một số các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của nền văn minh này, hình ảnh bò được thể hiện đậm nét, sinh động, chân thực và hầu hết gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo của người dân bản địa. Trong thần thoại, bò (cái) được coi là con vật thiêng, là biểu tượng của “Mẹ-Trái Đất” và bò đực là vật cưỡi của thần Shiva trong Hindu giáo. Ngoài ra, Nandin là vị thần bảo vệ tất cả các loài động vật bốn chân. Ở Ấn Độ, người ta còn dành riêng những ngôi đền cao quý để thờ thần Bò cũng như trong hầu hết các tranh tượng thể hiện thần Shiva thì bò Nandin thường xuất hiện đi cùng với thần hoặc không đầy đủ thì có thể là chiếc đầu bò được thể hiện bên cạnh.
Kết luận
Bò từ cuộc sống đời thường đi vào tôn giáo tín ngưỡng của nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và để lại ấn tượng văn hóa đẹp khó quên cho những ai cảm nhận và chiêm ngưỡng nó. Riêng tại khu đền tháp Mỹ Sơn, hình ảnh bò thể hiện qua điêu khắc tại đền tháp Hindu Mỹ Sơn là đa dạng, hình ảnh Nandin được thể hiện rất ấn tượng dù là tượng tròn độc lập hay những bức phù điêu gắn liền với thần Shiva hay những trang trí trên đỉnh đền tháp... Trải qua bao biến động của lịch sử, dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự hủy hoại của chiến tranh, các bức tượng, các bức phù điêu có khắc hình ảnh bò thần Nandin tại Mỹ Sơn còn lại không nhiều, dù còn vẫn bị gãy vỡ khó lấy lại hình dạng ban đầu. Nhưng những hiện vật còn sót lại dù là những mảnh vỡ, hay những bức tượng, những bức điêu khắc không lành lặn cũng góp phần phản ánh chân thực đời sống tôn giáo tín ngưỡng và tư duy thẩm mỹ của dân tộc Chăm. Ở mỗi giai đoạn thời kỳ khác nhau, yếu tố thẫm mỹ và nghệ thuật điêu khắc mang những đặc trưng riêng, nhưng xét về mặt hình thái cơ thể học, thì điêu khắc Bò Mỹ Sơn đã đạt đến trình độ cao trong nghệ thuật; và là một trong số những bằng chứng quan trọng phản ánh quá trình lịch sử phát triển liên tục và có tính kế thừa của nghệ thuật Champa cổ trong giai đoạn lịch sử kéo dài gần 7 thế kỷ VII-VIII đến thế kỷ XII-XIII. Các bức điêu khắc bò Nandin tại Mỹ Sơn đa dạng hình thức thể hiện, là minh chứng điển hình cho nghệ thuật điêu khắc, góp phần định hình phong cách mỹ thuật và xác định niên đại cũng như bối cảnh lịch sử mà nó hình thành. Đồng thời khẳng định thêm nữa về vai trò của thần Shiva tại thung lũng Mỹ Sơn, là vị thần quyền năng cao nhất và được thờ hầu như xuyên suốt các giai đoạn của lịch sử, phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo của giới vương quyền Champa. Chính vì vậy, hình ảnh Bò thần Nandin trong các linh vật được thờ cúng tại khu đền tháp Mỹ Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa Champa nói chung và khu đền tháp Mỹ Sơn nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
- Wendy Doniger O’Flaherty. Thần Thoại Ấn Độ. NXB Mỹ Thuật 2005.
- A G Mitchell. Hindu Gods and Goddesses. UBSPD Ltd. New Delhi.Bombay. Bangalore. Madras Calcutta. Patna. Kanpur. London. Eighth Indian Reprint 1996.
- United Nations Educational, Scientific and Cutural Organization. Khám phá di sản thế giới tại Căm Pu Chia, Lào và Việt Nam.CTCP In và DVTM Kinh Bắc Hà Nội, Việt Nam với sự hỗ trợ từ HHGTDSXH, Nhật Bản 2015
- Trần kỳ Phương & Bùi Chí Trung. Phế Tích MỸ SƠN cánh cửa mở vào nghệ thuật cổ CHAMPA. NXB Đà Nẵng 2021.
- Hồ Anh Thái. Namaskar! Xin chào Ấn Độ phác họa một đất nước. NXB Nghệ thuật 2008.
- Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Viện nghiên cứu Đông Nam Á. 40 năm viện nghiên cứu Đông Nam Á (1973-2013). NXB Khoa học xã hội Hà Nội 2013.
- Sakaya. Tiếp cận một số vấn đề Văn hóa Chawmpa Approach some problems of Champa culture. Liên Hiệp các hội UNESCO Việt Nam Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm. NXB Tri thức 2013.
- Nguyễn Duy Hinh. Người Chăm xưa và nay. Từ điển Bách khoa & Viện văn hóa. 2010.
- Huỳnh Thị Được. Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ. NXB Đà Nẵng
- Meher Mc. Arthur. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. NXB Mỹ Thuật 2005.
- Lê Đình Phụng. Kiến trúc- Điêu khắc Mỹ Sơn Di sản văn hóa thế giới. NXB Khoa học Xã hội 2004
- ^ “BÒ THẦN NANDIN (LIMOAW KAPIL) CỦA CHAMPA”. https://baotanglichsuvn.com/bo-than-nandin-limoaw-kapil-cua-champa-302.html. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2022.
- http://inrasara.com/2011/10/15/ba-van-quy%E1%BA%BFn-bi-%E1%BA%A9n-thap-po-rome/.
- https://saigonhonngoc.com/den-thap-po-rome-ninh-thuan/
- ^ The Encyclopedia of Middle Eastern Mythology and Religion (Bách khoa Tự điển về Huyền thoại và Tôn giáo vùng Trung Đông), Jan Knappert, Element, 1993.
Hoàng Oanh
12 Tháng 12,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN XUẤT HIỆN TRONG TRAILER PHIM CỦA HOLLYWOOD (04.04.2023)
- CÂU CHUYỆN VỀ ĐẬP BÁC CỔ TẠI DI TÍCH MỸ SƠN (31.03.2023)
- TỪ “VI VU VIỆT NAM” ĐẾN DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (31.03.2023)
- Tham gia Hội thảo quốc tế về “phát huy vai trò di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” (27.03.2023)
- Câu chuyện kể ở Khu đền tháp Mỹ Sơn (22.03.2023)
- MỸ SƠN TRÊN CUNG ĐƯỜNG DU LỊCH CHÂU Á QUA LĂNG KÍNH “ASIAN TRAVELER” (21.03.2023)