Là di tích lịch sử văn hóa, Khu đền tháp Mỹ Sơn chứa đựng những câu chuyện kể thú vị về vùng đất là trung tâm tôn giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc cổ Champa xưa trải qua hàng chục thế kỷ đến ngày hôm nay.
1. Chuyện về đỉnh núi thiêng Mahapavata
Là vùng đất thiêng trong quan niệm thờ cúng của vương quốc Champa xưa nên xung quanh đỉnh núi này có nhiều câu chuyện mang dáng dấp thần thoại, phủ màu huyền bí. Trên đường lên đỉnh núi cao 730 m so với mực nước biển, có vườn cây ăn quả, người địa phương gọi là khu Vườn Bà. Người dân kể rằng xưa có một người thợ săn, đi săn ở núi rừng Mỹ Sơn, trước đây cả vùng này là rừng rậm có nhiều thú dữ. Người thợ săn không may bị lạc đường mà không tìm được lối ra cứ đi một đoạn lại quay về lối cũ. Người thợ săn đói khát, tuyệt vọng nằm xuống dưới gốc cây cầu nguyện, khi nhìn lên không ngờ trên đầu mình phát hiện có loại cây có quả ăn được. Người thợ săn vui mừng hái trái ăn và thấy người khỏe lại, lần theo lối mòn trong khu vườn người thợ săn tìm được lối ra và trở về nhà bình an. Từ đó người thợ săn bỏ làm nghề săn bắt. Anh kể lại cho người làng nghe, và câu chuyện được truyền tụng qua nhiều đời đến ngày hôm nay.
Đỉnh núi thiêng Mahapavata còn có tên gọi là đỉnh Hòn Đền vì liên quan đến tên gọi khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong tư liệu người Pháp có tên là đỉnh Răng Mèo (giống chiếc răng con mèo). Dân gian gọi là Núi Chúa vì là đỉnh núi lớn nhất vùng, từ đỉnh núi này có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Du khách từ phía sông đào Câu Nhí, ở vị trí cầu Vĩnh Điện có thể quan sát thấy một đường thẳng tắp lấy đỉnh núi làm điểm nối dài con sông về phía cửa Hàn. Các nhà khoa học còn cho rằng nếu đi trên biển Đông, các đoàn thuyền buôn của vương quốc cổ Champa thường chọn đỉnh núi này để biết tọa độ vào Cù Lao Chàm lấy nước ngọt vì giữa núi Chúa, kinh thành Simhapura (Trà Kiệu), Cảng Đại Chiêm và Cù Lao Chàm là một gạch thẳng, núi Chúa như một ngọn hải đăng tự nhiên trên hành trình con đường tơ lụa của các nền văn minh xưa.
Hiện nay, Hòn Đền được quy hoạch nằm trong Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn có giá trị về cảnh quan, văn hóa, tâm linh, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định pháp luật. Hệ sinh thái tại khu vực này hết sức phong phú, đa dạng với những loại động vật, thực vật đặc hữu của rừng nhiệt đới Nam Trung bộ.
2. Câu chuyện về xứ đất linh thiêng
Bô lão sống ở quanh Mỹ Sơn kể rằng, vào đêm trước lễ hội Bà Thu Bồn, tại đỉnh núi thiêng họ nhìn thấy một vệt lụa đỏ vắt qua sườn núi. Đêm xuống họ nghe tiếng động lớn và từ trong núi nhìn thấy một tảng mây lớn có màu như ngọn lữa bay là là trong thung lũng Mỹ Sơn về phía Tây. Họ tin rằng đó là lúc bà đi về lăng. Trên đường đi, Bà ghé các nơi nghỉ, người dân lập dinh cúng Bà. Hiện nay, ở khu vực xã Duy Phú có lệ cúng dinh Bà Cốc Dinh, diễn ra vào đêm 11/2 hằng năm, trước ngày Lệ Bà 12/2 Âm lịch. Còn lăng chính Bà thì nằm tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, cách Mỹ Sơn chừng 5km, hằng năm diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn. Đây là lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các hoạt động gồm phần lễ và hội hết sức sôi nổi, thu hút du khách thập phương từ mọi nơi về tụ hội. Trai tráng thập phương tuyền tai nhau, tranh thủ dịp lễ để về với miền gái đẹp, bởi xứ đất này sản sinh rất nhiều gái đẹp. Một phần bởi đây là vùng sông núi hiền hòa, điều kiện tự nhiên con người thuần hậu. Tuyền thuyết còn cho rằng Bà Thu Bồn vốn là thiếu nữ xinh đẹp, có mái tóc dài chấm lưng. Ở vùng này còn có một người con gái xinh đẹp nữa là nàng hậu Đoàn Quý Phi làm say đắm chúa Nguyễn Phúc Lan, họ gặp nhau trong một đêm trăng chúa ngự thuyền trên sông bắt gặp cô thôn nữ hái dâu. Một khung cảnh lãng mạn, nên thơ.
Xung quanh vùng đất Mỹ Sơn còn nhiều câu chuyện kể mang tính tâm linh. Họ kể rằng, trước đây vùng đất này có rất nhiều vàng. Vàng được dát lên những đỉnh tháp tạo sự uy nghi, tráng lệ. Vào những đêm không trăng, dân làng nhìn thấy có con gà vàng đi ăn, phát sáng, người thấy nhưng không bao giờ bắt được. Câu chuyện về con gà vàng gắn với những chuyện kể về những nải chuối bằng vằng, những quả cau, lá trầu vàng… muốn lấy về phải làm một thứ giống y vậy để thế vào. Nếu không, những vật bằng vàng này đem về làm của cũng xảy ra những chuyện không hay cho gia đình, bản thân.
Những câu chuyện kể nhốm màu huyền hoặc của vùng đất tâm linh, một nơi thâm nghiêm kỳ bí. Lịch sử nhắc đến vị vua đầu tiên Bhadravarman chọn Mỹ Sơn làm nơi thờ cúng đã khắc vào bia đá thế kỷ thứ 4 có đoạn rằng: “Bhadravarman dâng cho thần Bhadresvara một vùng đất vĩnh viễn, phía Đông là núi Sulaha, phía Nam là Đại Sơn Mahapavata, phía Tây là núi Kusaka, phái Bắc là… làm giới hạn. Ruộng đất trong phạm vi đó thì dâng với cả dân cư. Hoa lợi của khu vực này thì phải dâng lên thần”.
Bác bảo vệ ngày xưa ở Khu di tích kể câu chuyện có dạo trong đoàn khách tham quan Mỹ Sơn, có cô gái trẻ dại nghe về giá trị gạch ở khu đền tháp đã tò mò nhặt một mảnh gạch vỡ đem về làm vật trang trí trong phòng học của mình. Một buổi chiều nọ có người phụ nữ qua cổng Mỹ Sơn xin bảo vệ được vào khu di tích cùng mâm lễ trên tay. Người phụ nữ đó là mẹ của cô gái, chị kể sau chuyến tham quan trở về con bà có dấu hiệu không bình thường. Chị đi xem bói được thầy mách bảo về nhà tìm xem trong phòng học con gái có gì khác lạ, chị phát hiện ra mảnh gạch vỡ và hỏi con gái, rồi tự chị bắt xe quay lại Mỹ Sơn để trả lại.
Những sự tích, tuyền thuyết hay đơn giản là những câu chuyện kể của người dân ở vùng đất Mỹ Sơn đều là một phần đời sống tinh thần của cư dân trong vùng. Nhưng những câu chuyện này được khai thác sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn theo du khách trong hành trình điểm đến thú vị.
Hằng ngày Khu di sản này thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng, lễ bái, thành tâm.
Văn Khoa
22 Tháng 3,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- TÌNH HÌNH KHÁCH THAM QUAN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TUẤT 2018 (21.02.2018)
- Đoàn Thanh niên tặng 45 suất quà Tết (08.02.2018)
- Ấn Độ khởi động chương trình năm thứ hai trùng tu Mỹ Sơn (08.02.2018)
- Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản (31.01.2018)
- Hội nghị doanh nghiệp, báo chí thường niên năm 2018 (29.01.2018)
- Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 (15.01.2018)