Gần đây một số hướng dẫn viên và không ít du khách có nói về Đập Bác Cổ. Mỗi người hiểu và nói theo một cách riêng. Có người cho rằng Đập Bác Cổ do người Chăm Pa cổ đắp mục đích tích nước làm ra hoa lợi ngay trong thung lũng để dâng cúng cho thần hoặc "Đập" do cư dân Việt tích nước làm lúa...Tuy vậy vẫn có những thông tin trên các tạp chí, tư liệu đã trình bày về "Đập Bác Cổ" này khá cụ thể:Người Pháp tổ chức đắp "Đập Bác Cổ" mục đích bảo tồn di tích. Để làm rõ thông tin này hơn cán bộ Bảo tồn có bài viết liên quan đến vấn đề này mang tính xác thực hơn.
Trong một số câu chuyện kể của người dân địa phương cũng như số ít tài liệu hay nói về "Đập Bác Cổ" thời Pháp đã đắp ở giữa thung lũng Mỹ Sơn. Từ Bác Cổ xuất phát từ cái tên "Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp" Viện nghiên cứu và quản lý cả vùng Đông Dương, trụ sở được đóng tại Hà Nội. Là cơ quan đứng ra tổ chức khai quật và trùng tu, bảo tồn Mỹ Sơn lúc bấy giờ, tên Đập BácCổ xuất phát từ đó. Khi nói đến đập chúng ta thường liên tưởng đến một bờ chắn được con người tạo ra hồ chứa nước để phục vụ cho nông nghiệp, nuôi trồng hải sản hoặc tích nước để phục vụ sản xuất điện...Tuy nhiên với "Đập Bác Cổ" thì ngoại lệ với các chức năng trên mà nó chỉ là công việc chặn một dòng chảy cũ đồng thời khơi thông một dòng chảy mới. Không chủ trương tích giữ nước mà điều chỉnh dòng chảy để giảm nguy cơ xâm thực phá hủy di tích.
Dựa vào các tài liệu nghiên cứu mà chuyên gia người Pháp đã công bố năm 1904, con suối cổ Khe Thẻ đoạn chảy qua trung tâm thung lũng Mỹ Sơn, vào khoảng thế kỷ X (niên đại các tháp từ A1- A9) dòng chảy vẫn còn hướng Đông của hai nhóm tháp A và A'. Sau đó do biến động của thiên tai dòng chảy chuyển dời về phía Tây nên đã phá hủy vài công trình của nhóm A'? và tháp A9 (Nhà tiền đường của đền thờ A1). Điều này được minh chứng tháp A'4 tách khỏi nhóm A' ngôi tháp hiện tồn nằm bên bờ vực của dòng suối, còn A9 khi chuyên gia Pháp đến Mỹ Sơn vẫn còn một phần ba công trình ở phía Đông (phần còn lại này hiện nay cũng không còn bởi sự xâm thực của nước tiếp sau đó nhiều thế kỷ). Chúng ta có thể hình dung trước khi dòng suối chuyển dòng các nhóm tháp A, A', B,C và D cùng trong một quần thể liền kề với nhau, tạo ra không gian thiêng đầy huyền bí, ẩn chứa tư tưởng quan niệm tín ngưỡng Balamon giáo và phong thủy đã được chức sắc tôn giáo và tầng lớp hoàng gia chắc lọc.
Khi thực thi công tác bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn làm chuyên gia Pháp ngoài đánh giá hiện trạng cho từng di tích đã đánh giá những tương tác của môi trường với di tích. Đặc biệt quan tâm đến từ tác động của thiên nhiên và con người. Bên cạnh khuyến cáo cư dân bản địa không đốt rừng, chặt cây, còn thực hiện kè chắn đoạn suối đã chuyển dòng trước đó bằng đất, phủ bề mặt đá ba-lông và khơi thông thêm một dòng chảy phía Nam nhóm tháp A' nhập vào nhánh suối cạn phía Tây nhóm B (suối Hố Mít). Một phần nước còn lại tách lại dòng suối cổ phía Đông nhóm A. Tất cả công việc chặn dòng cũ và khơi thông dòng mới đều thực hiện bằng phương pháp thủ công hàng trăm lao động thực hiện trong ba năm từ 1939 - 1941 con "đập" cũng đã hoàn thành. Tiếc thay sự tồn tại của công trình "Đập Bác Cổ" này chỉ tồn tại được khoảng thời gian ngắn đến năm 1946 trong một trận lũ lớn công trình chuyển dòng này bị phá hủy hoàn toàn, dòng chảy quay lại như trước 1939 và lại ngày càng xâm thực sâu hơn, mặt suối thấp hơn nhiều so với các dòng chảy kia.
Quá trình thực hiện khảo sát để thực hiện bài viết này chúng tôi nhận ra nguyên nhân của sự thất bại của việc chuyển dòng, thứ nhất khi khơi dòng chảy mới người Pháp đã đào trúng vào vĩa đá đỏ cứng nên đào vừa hẹp lại vừa cạn. Thứ haikhu đất giữa nhóm D và A có độ cố kết yếu, đất pha cát. Thứ ba căn cứ trên hình ảnh tư liệu của người Pháp ghi lại từ lúc đó, môi trường rừng Mỹ Sơn bị khai thác chặt cây rừng lấy đất làm nương rẫy môi trường cây xanh gần như cạn kiệt, địa hình thung lũng núi ở đây có độ dốc cao. Chính các yếu tố này rất bất lợi trong mùa mưa lũ, nước tập trung về rất nhanh và lưu tốc nước mạnh sẽ cuốn đi tất cả trong đó có cả kè chắn chưa kịp gia cố bổ sung, bởi chiến tranh và nhiều lý do khác.
Tài liệu tham khảo:
H. Parmentier 1909 - 1918. Inventaire Descriptie des Monuments Cams de L’An Nam, Paris.
H. Parmentier 1904. Le Cirque de Mỹ Sơn. Hà Nội.
J. Boisselier 1963, La statuaire du Champa. Recherches sur les cultes et l’iconographie, EFFEO, Paris.
J. Boisselier 1963, L’Art du Champa, EFFEO, Paris.
G. Maspero 1928. Le royaume de Champa, Paris.
L. Finot 1901. Inventaire sommaire des monuments Chams de L’Annam. BEFEO, I.
P.Stern 1942. L’art du Champa (ancien Annam) et son évalution, Toulouse.
Lê Đình Phụng 2004: Kiến trúc điêu khắc ở Mỹ Sơn di sản văn hóa thế giới, Nxb KHXH , Hà Nội.
Lê Đình Phụng 2005, Tìm hiểu lịch sử kiến trúc tháp Chămpa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Lê Đình Phụng 2017, Khảo cổ học Chămpa khai quật và phát hiện, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Ngô Văn Doanh 2007: Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb Trẻ.
Và các tài liệu khác liên quan.
Lê Văn Minh
31 Tháng 3,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam thăm Mỹ Sơn (26.12.2022)
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ 2 (23.12.2022)
- Tổng kết và bàn giao dự án hợp tác trùng tu các nhóm tháp K,H, A, Khu đền tháp Mỹ Sơn trong chương trình hợp tác giữa chính phủ Việt Nam - Ấn Độ (21.12.2022)
- Những kết quả đạt được từ dự án trùng tu nhóm tháp K,H,A khu đền tháp Mỹ Sơn trong chương trình hợp tác giữa chính phủ Việt Nam - Ấn Độ (19.12.2022)
- 6 tháng cuối năm 2022, BQL DSVH Mỹ Sơn phối hợp tổ chức 5 đợt tuần tra truy quét bảo vệ rừng (15.12.2022)
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ 1 (14.12.2022)