Chiều ngày 8/9/2023, Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm 2023 của chi bộ Bảo Tồn – Thuyết Minh, chi bộ đã tổ chức chuyên đề mang nội dung “NÉT ĐẶC SẮC CỦA SƯU TẬP MỘ CHUM-VĂN HÓA SA HUỲNH”. Buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung hết sức ý nghĩa, giúp các đồng chí đảng viên và nhân viên của chi bộ có được những thông tin rõ hơn về Văn hóa Sa Huỳnh cũng như bộ sưu tập hiện vật Mộ chum Sa Huỳnh.
Tham dự buổi sinh hoạt, cán bộ của Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Champa đã có phần trình bày về lịch sử nền văn hóa Sa Huỳnh, lịch sử nghiên cứu và các phát hiện và khai quật di tích văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn của Huyện Duy Xuyên, đặc biệt là thông tin hiện vật mộ chum Sa Huỳnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Champa.
Theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho biết, Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định vào khoảng năm 1000 (TCN) đến cuối thế kỷ thứ 2, cách đây hơn 2500 năm. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà Khảo cổ người Pháp M.Vi-Nê phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi, một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi Di tích Khảo cổ đó là Kho chum Sa Huỳnh. Sau đó, năm 1934, một nhà Khảo cổ học người Pháp khác, bà Ma-Đơ-Lanh-Cô-La-Ni đã tiếp tục mở rộng không gian nghiên cứu ra các vùng lân cận và tìm được hàng trăm mộ chum tương tự.
Văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các tỉnh miền Trung với mật độ dày đặc ở lưu vực các con sông và vùng ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa … Nhưng hội tụ những đặc sắc điển hình của nền văn hóa này là nằm ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là ta phải nghĩ ngay đến một đặc trưng không thể nhầm lẫn với các nền văn hóa khác, một táng thức làm nên nét riêng có của Văn hóa Sa Huỳnh, đó là Mộ chum. Những hiện vật mộ chum Sa Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng rất phong phú, đa dạng về loại hình và kiểu dáng, những hiện vật được khai quật tại di tích Gò Mã Vôi và Gò Dừa. Những chiếc mộ chum hình cầu, hình nồi, hình trái xoan và trái đào, cũng rất độc đáo so với những chiếc quan tài gốm đã tìm thấy trong Văn hóa Sa Huỳnh. Có thể thấy, Những phát hiện gần đây về Văn hóa Sa Huỳnh ở nhiều khu vực khác nhau, thậm chí ở những địa điểm khác nhau trong một khu vực cho thấy ngoài những đặc trưng chung, luôn luôn có những nét riêng. Chính sự đa dạng văn hóa của giai đoạn này là tiền đề cho sự đa dạng văn hóa giai đoạn Champa.
Buổi sinh hoạt diễn ra hết sức nghiêm túc, các Đảng viên đã sôi nổi thảo luận và đưa ra những ý kiến xoay quanh nội dung của chuyên đề. Với những nội dung của buổi sinh hoạt chuyên đề chuyên môn lần này, giúp bổ sung thêm nhiều kiến thức cần thiết và bổ ích để phục vụ cho công việc chuyên môn của các Đảng viên trong chi bộ.
Nguyễn Tuyết
14 Tháng 9,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- MỸ SƠN TRONG XU THẾ “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN NỀN TẢNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG MINH” (05.10.2023)
- Chương trình “Trái Tim Nhân Ái III” - Bệnh Viện Đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam (04.10.2023)
- NHỮNG TÁI PHÁT HIỆN VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN THÁP A13 - MỸ SƠN (03.10.2023)
- ĐẶC SẮC CHƯƠNG TRÌNH “VUI HỘI TRĂNG RẰM” NĂM 2023 DÀNH CHO CON EM CBVC – NCL BQL DSVH MỸ SƠN (28.09.2023)
- Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn (25.09.2023)
- MỸ SƠN CHÚ TRỌNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG (22.09.2023)