Với niềm tin và sự sùng bái, nhiều linh vật được thể hiện trên kiến trúc và điêu khắc tại các ngôi đền Hindu của người Champa xưa. Nếu hình ảnh bò thần Nandin gắn liền với thần Shiva, thì chim thần Garuda lại gắn liền với thần Vishnu - một trong ba vị thần giữ quyền năng và có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Hindu giáo. Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem như khu đền thờ Shiva giáo, tuy nhiên, hình ảnh chim thần Garuda gắn liền với thần Vishnu vẫn được xuất hiện khá sớm trong điêu khắc tại Mỹ Sơn. Tại đây, hình ảnh chim thần Garuda được thể hiện qua những bức chạm trang trí trên mái tháp, góc tháp, mi cửa trước đền thờ, những bức chạm hình Garuda trên gạch nung, hay được nhìn thấy qua hình dáng ngọn núi thiêng Mahaparvata. Thời gian và chiến tranh đã tàn phá nặng nề khu đền tháp Mỹ Sơn, trong đó phải kể đến sự mất mát và dường như biến mất của nhiều điêu khắc trang trí. Hình ảnh chim thần Garuda còn lại được tìm thấy tại đây dù không nhiều, cũng không còn lành lặn, nhưng cũng toát lên ý nghĩa và vai trò quan trọng của loài linh vật này tại thung lũng Mỹ Sơn.
- Từ tự nhiên cho đến thần thoại
Trong tự nhiên, Garuda là loài chim thuộc họ chim Ưng, có kích thước rất lớn, và được xem là vua của các loài chim. Ở mọi địa hình, dù dưới mặt đất gồ ghề hay trên bầu trời bao la rộng lớn, dù là mặt nước dậy sóng hay vách đá cheo leo hiểm trở, dù ở thảo nguyên đồng cỏ xanh mướt hay ở những nơi hoang mạc khô cằn thì loài chim này đều toát lên vẻ đẹp kiêu hãnh và sự mạnh mẽ khiến các loài khác phải khiếp sợ. Chúng sở hữu một thị lực vô cùng nhạy bén và một tầm nhìn bao quát, vì thế mà dù ở một khoảng cách rất xa, hay bị che khuất bởi ánh nắng mặt trời, chúng cũng có thể phát hiện ra con mồi một cách dễ dàng. Chúng còn sở hữu một tốc độ bay vô cùng lớn, một sức mạnh khủng khiếp, một đôi chân với móng vuốt khỏe, sắc nhọn và một chiếc mỏ quắp vô cùng rắn chắc để săn và ăn thịt con mồi. Âm thanh phát ra khi săn mồi rất uy lực và tinh tế. Chúng được sinh ra với vai trò quan trọng góp phần đa dạng chủng loài và cân bằng tự nhiên. Từ những đặc tính tự nhiên nổi bật vốn có mà thiên nhiên ban tặng cho loài chim này mà nó đã chiếm giữ một vị trí quan trọng trong cả bối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Ví như trong thần thoại Hindu và Phật giáo, Garada là một linh vật giống chim, hay là một vị thần biểu hiện đa khía cạnh khác nhau của đức tin và niềm tin của con người.
Trong Ấn Độ giáo, Garuda được coi là vua của các loài chim, là vahana hay vật cưỡi và là thân cận trung thành của Thần Vishnu trong các cuộc đấu tranh chống lại Rắn Naga, chống lại cái ác, bảo vệ trái đất. Vì vậy, Garuda là biểu tượng của sự bảo vệ, sự nhanh nhẹn và lòng trung thành kiên định. Ngoài ra, hình tượng Garuda còn là biểu tượng cho khát vọng giải phóng tâm linh, tự do và cứu rỗi. Vị thần này còn là biểu tượng của lửa và không khí, hai yếu tố đảm bảo sự cân bằng của vũ trụ. Theo các tín đồ Hindu, việc cầu nguyện Thần Garuda trước Thần Vishnu giúp tăng tốc độ cầu nguyện và dễ linh nghiệm. Ngài Garuda có thể được tôn thờ để tăng sự tự tin, lòng dũng cảm và loại bỏ tất cả sự sợ hãi. Trong kinh Upanishad, Garudopanishad, hay tập hợp truyện thần kỳ Ấn Độ Purana.., Garuda cũng được nhắc đến như một nhân vật quan trọng với rất nhiều tên gọi trong các tác phẩm cổ xưa này. Còn trong thần thoại Ấn Độ, Garuda được kể rằng, “Chính Garuda là vua của các loài chim, là thù địch của loài rắn và giống vật ở dưới nước. Mẹ Garuda bị Kadru là mẹ của loài rắn Naga sỉ nhục và bắt làm nô lệ, nên Garuda luôn tìm cách giết rắn để báo thù cho mẹ. Garuda thường bắt những nàng tiên rắn hay tiên cá (nagini) ở dưới nước, cắp lên không trung đùa giỡn như mặt trời đùa giỡn với mây. Garuda có đầu, cánh, cựa và mỏ giống diều hâu, còn mình và chân thì giống người. Về sau thần thoại Garuda kết hợp với thần thoại Vishnu dưới hình thức Garuda là chim thần để Vishnu cưỡi. Đó là sự kết hợp giữa tôn giáo chính thống với những tín ngưỡng dân gian...”(Gs. Cao Huy Đỉnh).
Trong Phật giáo, Chim Ưng là vật cưỡi của Bất Không Thành tựu Như Lai, biểu trưng cho trí tuệ viên mãn, tượng trưng cho yếu tố không gian và năng lượng mặt trời, nó có thể làm khô nước, nó cũng tượng trưng cho năng lực tâm linh có thể phá hủy những ảo giác ganh tỵ, sân si được xem như đặc tính của rắn. Ngoài ra, bởi cốt cách tự do tự tại bay lượn trên bầu trời, chim Ưng còn tượng trưng cho sự phóng khoáng, một tâm hồn không bị trói buộc bởi những xung đột cảm xúc, cho nên tạo nên tâm thức sáng suốt, một cơ thể khỏe mạnh và cái đầu trí tuệ, thông thái. Trong đạo Jain, Garuda cũng được tôn kính như biểu tượng của sức mạnh và người bảo vệ chống lại thế lực tà ác.
Không chỉ ở Ấn độ, Garuda đã du hành cùng với sự truyền bá của Ấn Độ giáo đến Nepal và Đông Nam Á trong đó có Champa và được sùng bái, thờ cúng như một vị thần. Hay trong văn hóa của các quốc gia, chim Ưng đã trở thành biểu tượng cao qúy của đất nước Thái Lan, Indonesia, và thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ). Ở Ấn Độ, Garuda còn là biểu tượng cho quân đội và đặc biệt là trong tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, được thể hiện rõ nét trong các truyền thuyết, các câu chuyện thần thoại, trong nghệ thuật tranh tượng, trong điêu khắc các công trình kiến trúc truyền thống và trở thành một trong những linh thú được thờ phụng nhiều nhất ở các nền văn minh lớn trên thế giới.
- Garuda ở Champa
Hình ảnh chim thần Garuda góp phần phản ánh tín ngưỡng Vishnu từng tồn tại ở vương quốc Champa xưa, nhưng vì không phải là thần chủ được giới vương quyền Champa thờ phụng liên tục, nên hình ảnh chim thần Garuda cũng vì thế mà hạn chế hơn so với bò thần Nandin. Dù vậy, hình thức thể hiện của Garuda trong nền văn hóa Chăm cũng khá đa dạng và độc đáo. Garuda, có khi được các nghệ nhân Chăm xưa khắc tạc độc lập, cũng có khi được tạc đi cùng với thần Vishnu với vai trò là vật cưỡi trung thành của ngài hoặc đôi lúc hình ảnh Vishnu và Laskmi cùng ngồi trên lưng Chim thần Garuda bay đến thiêng đường tình yêu của họ, hoặc điêu khắc độc lập trong tư thế diệt rắn Naga. Dù là khắc tinh và là kẻ thù truyền kiếp của nhau, nhưng trong điêu khắc Chăm lại bắt gặp tấm lá nhĩ khắc chạm hình ảnh thuận hòa giữa Garuda và rắn Naga năm đầu. Ngoài Mỹ Sơn, hình ảnh Garuda còn được tìm thấy ở nhiều di tích Champa khác như ở Kinh đô cổ Trà Kiệu, Tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ, Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, Garuda tại Tháp Mẫm, và các di tích Champa khác của tỉnh Bình Định và Miền Trung.
Và việc thờ cúng linh vật Garuda cũng đã thể hiện rõ tại Khu đền thờ Hindu giáo hoàng gia tại vùng đất thiêng Mỹ Sơn. Việc tạo tác hình ảnh chim thần Garuda tại Khu đền tháp Mỹ Sơn thường được chạm khắc trên sa thạch, gắn liền với các chủ đề khác nhau trong tín ngưỡng Hindu, dưới dạng trang trí góc, phù điêu độc lập hoặc phù điêu liên quan đến câu chuyện thần thoại Ấn Độ giáo, hay với vị thần chủ của mình. Ngoài ra, Garuda còn được khắc tạc trên gạch nung tạo thành những mảng trang trí lớn. Linh vật Garuda đặc trưng thường thấy tại Mỹ Sơn được tạo tác với các chủ đề khác nhau và đa dạng phong thái được nhân cách hóa, điêu khắc hình nhân điểu tay cầm rắn, hoặc đầu chim, cánh chim, chân chim và thân hình của con người với cơ bắp săn chắc, vạm vỡ, tay cầm rắn, đầu và thân mình đều mang trang sức quý tộc, và được thể hiện với đa dạng nguyên thể hoặc bán thân, và hầu hết các tạo tác hình ảnh Garuda đều nhìn về hướng trực diện... Điêu khắc hình ảnh Garuda Mỹ Sơn đa số được tạo tác đơn giản nhưng không kém phần tinh tế.
Dù còn lại không nhiều, nhưng tại di tích Mỹ Sơn có thể điểm sơ vài tác phẩm điêu khắc có hình tượng Garuda như trên bức Phù điêu Đản sinh Bhrama nguyên là Mi cửa đền E1 bằng Sa thạch (VII-VIII), với hình ảnh hai nhân điểu chân chim, hai tay cầm rắn đứng hai bên bức phù điêu trong tư thế nhìn trực diện đang canh giữ cuộc Đản sinh thần Brahma mà các học giả chỉ ra mối quan hệ với nghệ thuật Dvaravati Thái Lan giai đoạn sớm, hay Garuda được điêu khắc trên thân đền gạch A13 cũng dưới dạng nhân điểu đang trong tư thế nâng đỡ phần mái đền có niên đại xây dựng thế kỷ IX, hay phù điêu độc lập bán thân đang trưng bày tại nhà D2 Mỹ Sơn, và ẩn số thú vị về chủ đề Garuda và rắn thần Naga trên bức điêu khắc trang trí trên gạch tại tháp B6-Mỹ Sơn (XII-XIII), hiện trang trưng bày tại nhà D1. Tất cả Garuda tìm thấy ở Mỹ Sơn đều mang trang sức nhưng không nặng nề, cầu kỳ. Từ đó nhận thấy, tư duy thẫm mỹ qua các thời kỳ về hình ảnh Garuda tại Mỹ Sơn hầu như chọn sự linh động và giản đơn, không rườm rà, nặng nề và cường điệu hóa hình ảnh Garuda như những giai đoạn muộn tại các di tích Chăm khác ngoài Mỹ Sơn.
Cũng như nhiều di tích cổ tại Đông Nam Á cùng thời, rất nhiều cuộc tìm kiếm, săn lùng báu vật và phá hoại đã diễn ra tại Mỹ Sơn trước khi người Pháp đặt chân đến thung lũng này, là nguyên nhân biến mất của nhiều hiện vật, làm cho hiện vật bị biến dạng, vương vãi khắp nơi và mất đi dấu vết ban đầu của chúng. Thêm vào đó, dưới tác động của thời gian, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự lãng quên của con người và cả những cuộc chiến tranh khốc liệt đã làm cho Mỹ Sơn mất đi vai trò quan trọng ban đầu trong thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Vì những lý do trên mà những bức phù điêu hay các mảng trang trí Garuda cũng chịu số phận tương tự.
Với niềm sùng tín, từ hình ảnh tự nhiên của loài chim Ưng, người xưa đã thần thoại hóa trở thành con vật cưỡi trung thành của thần Vishnu. Garuda được người xưa hình ảnh hóa với tất cả tâm hồn bay bổng một lòng hướng đạo. Dù đến nay, những bức phù điêu trang trí Garuda tại Mỹ Sơn còn lại không nhiều và không còn lành lặn, nhưng hình ảnh điêu khắc Garuda tìm thấy tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng đã cho thấy tài năng và sức sáng tạo vượt bậc của người xưa, đồng thời toát lên ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng của loài linh vật này tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Loài chim này dần trở thành linh vật trong các câu chuyện thần thoại, len lỏi vào tâm thức của cư dân cổ trở thành đức tin, tín ngưỡng bởi họ tin rằng sức mạnh của loài chim này sẽ che chở cho sự mong manh, yếu đuối trong tâm hồn của họ. Đồng thời, loài chim này trở thành biểu tượng văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành vị thần được thờ cúng trang trọng trong chùa Phật giáo hay tại các ngôi đền Hindu, trong đó có vương quốc Champa và tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Tài liệu tham khảo:
- Trần kỳ Phương & Bùi Chí Trung. Phế Tích MỸ SƠN cánh cửa mở vào nghệ thuật cổ CHAMPA. NXB Đà Nẵng 2021.
- Symbolism of Animals in Buddhism, In Buddhist Himalaya
- Phù điêu Garuda phong cách Mỹ Sơn A1 (119.120 trang 141 sách Le Musee de Scupture Cam de Đà Nẵng).
- ( https://giacngo.vn/garuda-chim-canh-vang-kim-si-dieu-post22178.html).
- https://www.britannica.com/topic/Garuda
- https://study.com/academy/lesson/garuda-bird-demigod-origin-mythology.html
- https://www.hdasianart.com/blogs/news/garuda-the-divine-guardian-and-symbol-of-freedom
- http://ntrt.nuithanh.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=790&NewsViews=17767&language=en-US
Hoàng Oanh
22 Tháng 1,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- Đảng bộ BQL DSVH Mỹ Sơn tổ chức hội nghị giữa nhiệm kỳ (28.06.2018)
- Giải bóng đá cúp Di sản Mỹ Sơn (19.06.2017)
- Công đoàn Mỹ Sơn đạt giải nhất liên hoan tiếng hát CBVCNLĐ huyện Duy Xuyên lần thứ XI, năm 2018 (09.06.2018)
- Đào tạo 36 học viên nghề trùng tu và bảo tồn di tích (02.06.2019)
- Đại sứ Ấn Độ làm việc tại Mỹ Sơn (28.05.2018)
- Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ (08.05.2019)