Thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trong những tháng mùa nắng nóng này, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã tổ chức xây dựng phương án và triển khai công tác tuần tra bảo vệ rừng. Đơn vị thực hiện thường xuyên việc tuần tra truy quét bảo vệ rừng, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào xác định vị trí trong quá trình tuần tra nhằm lưu giữ thông số, địa bàn tuần tra. Trong đó, tuần tra của lực lượng chuyên trách Ban Quản lý là 40 đợt, tuần tra phối hợp với Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam là 05 đợt. Tổ chức việc trực báo cháy hằng ngày tại chòi canh đồi Bánh Mỳ nhằm kịp thời phát hiện thông báo đến Ban Chỉ huy Phòng chống cháy rừng của Ban và chính quyền địa phương. Thực hiện các đợt tuyên truyền đến cộng đồng dân cư sinh sống khu vực giáp ranh rừng cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Phát tuyến hành lang chống cháy với chiều dài trên 7km, phát dọn, sửa chữa các tuyến băng xanh, cải tạo hơn 4km đường dân sinh, sửa chữa các hồ nước tự nhiên nhằm hỗ trợ việc chống cháy trong khu vực rừng cảnh quan.
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ đơn vị đã xây dựng phương án thực hiện, quán triệt, triển khai cụ thể và tổ chức thực địa để cán bộ, viên chức, người lao động Ban nắm vững để khi có tình huống xấu kịp thời xử lý.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy những tháng còn lại mùa nắng nóng, tăng cường việc tái tạo, trồng mới thêm nhiều ha rừng tự nhiên, xây dựng vườn ươm giống cây trồng, bổ sung các loại cây ăn quả như mít, xoài, chuối để giữ các đàn khỉ xuống gần hơn với du khách, diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Tiếp tục tuần tra, đầy đuổi các đối tượng vào rừng đặt bẫy thú, nhữ gà rừng, săn bắt chim thú, hoàn thành đề án cắm mốc khoanh vùng, triển khai các nội dung của đề án lâm sinh nhằm khai thác giá trị từ rừng.
Rừng tự nhiên tại Khu cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn hiện nay đang được gìn giữ, bảo tồn tốt. Nhiều khu vực trước đây là đất trống, cây bụi rậm, dây leo hoặc nhiều vị trí trồng keo lá tràm, sau khi được bàn giao cho Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã được đơn vị trồng tái tạo rừng tự nhiên, cây bản địa phát triển xanh tốt. Nhiều khu vực xung quanh di tích dần hình thành các kiểu rừng gỗ lớn, xen kẽ những loại cây ăn quả thu hút chim thú về sinh sống, tạo môi trường sinh thái yên bình được du khách tham quan yêu mếm, thích thú.
Văn Khoa
26 Tháng 5,2023
Chia sẽ mạng xã hội