Năm 2022, ngành du lịch có sự phục hồi, sau chính sách mở cửa du lịch của Chính phủ, lượng khách tham quan đến với khu, điểm du lịch tăng trưởng, đặc biệt là khách trong nước. Tuy nhiên, so với thời điểm trước dịch Covid-19, số lượng khách tham quan vẫn còn tỷ lệ rất thấp, trong đó khách nước ngoài phục hồi chậm, thị trường khách Bắc Á, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây chưa thể phục hồi. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2023 là năm phục hồi của ngành du lịch Châu Á.
Du lịch tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, sau hai năm đại dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực bảo tồn, trùng tu, gìn giữ di sản lại đạt những kết quả tích cực, các chương trình, kế hoạch, vẫn diễn ra trong điều kiện dịch bệnh. Diện tích rừng đặc dụng Mỹ Sơn được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, dự án hợp tác với Ấn Độ diễn ra xuyên suốt thời gian bị đại dịch mà không gặp bất cứ trở ngại lớn nào.
Từ khoản quý II/2022, những tín hiệu khả quan về du lịch như lượng khách tham quan tăng dần đã trở lại phần nào sự sôi động của Mỹ Sơn những ngày trước dịch. Dịch bệnh là cơ hội để Mỹ Sơn nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quan hướng phát triển trong thời gian qua, vận hành cơ chế phù hợp hơn. Đại dịch cho thấy công tác phát huy giá trị khu di sản Mỹ Sơn đã có nhiều thay đổi, gợi mở những vấn đề mới như: chất lượng khách đến với di sản muốn được tìm hiểu giá trị di sản nhiều hơn, đối tượng khách đi theo tour giảm, khách đi riêng gia đình tăng, nguồn khách Việt dần chiếm vai trò đóng góp vào tổng lượng khách, góp phần vào quá trình phục hồi sau dịch. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch không chỉ là cách làm truyền thống, di sản có thể tiếp cận du khách từ công nghệ 4.0 qua vai trò của chuyển đổi số. Tận dụng những nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để thúc đẩy du lịch là hướng tiếp cận mới trong công tác bảo tồn và phát huy gía trị di sản Mỹ Sơn hiện nay.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, chính phủ, các cấp ngành, đã ban hành nhiều chương trình, đề án: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 949/QĐ-BVHTTDL ngày 22/04/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, chỉ đạo quyết liệt trên nhiều lĩnh vực. Trước những yêu cầu đặt ra, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội thông tin, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy. Đồng thời, xác định đây là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hoá đến với công chúng.
Nhìn lại quá trình ứng dụng thông tin trong quản lý di sản tại khu di tích, từ năm 2013 sau khi dự án khu tháp G kết thúc, chuyên gia Italia hợp tác với Việt Nam đã tổ chức phòng trưng bày chuyên đề tại bảo tàng Mỹ Sơn để giới thiệu kết quả 10 năm nghiên cứu, khảo cổ, trùng tu của dự án tháp G được xem là hình mẫu trùng tu di tích Chăm tại miền Trung Việt Nam. Để số hóa hiện vật, các chuyên gia đã bàn giao và tập huấn cho Ban Quản lý hệ thống phần mềm hồ sơ hiện vật lưu trữ. Khoản 1.000 hiện vật được số hóa từ giai đoạn đó đã định danh giúp cho công tác quản lý, sử dụng và phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, bảo quản hiệu quả. Tại bảo tàng Mỹ Sơn hiện nay có 1.803 hiện vật, bảo tàng Sa Huỳnh – Champa là 611 hiện vật, trong đó đa phần đã thực hiện số hóa (1.611 hiện vật). Một số hiện vật từ dự án hợp tác trùng tu với Ấn Độ đang tiếp tục được thực hiện.
Lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ nhất thời gian gần đây là công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch. Từ thời điểm khi dịch bệnh hết sức khó khăn, du lịch đóng băng kéo dài, những tour tham quan bị hủy bỏ, đội ngũ phục vụ tại khu di sản bị ngưng trệ. Giai đoạn này du lịch thực tế ảo, là phương tiện duy nhất để du khách trên khắp thế giới kết nối với các điểm du lịch để tham quan, tìm hiểu, thỏa mãn nhu cầu.
Để đưa di sản lại gần du khách, Mỹ Sơn đã mở 4 chương trình thuyết minh trực tuyến với 4 chủ đề là: “Khu đền tháp Mỹ Sơn với những thông tin cần thiết và trải nghiệm tham gia nhanh”, “Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển khu đền tháp Mỹ Sơn”, “Lịch sử hình thành nhóm tháp A, quá trình trước và sau trùng tu”, “Mùa Xuân bên tháp cổ”… được phát trên phương tiện công nghệ như mạng xã hội facebook, youtube. Ở những lần phát trực tuyến chương trình được du khách đánh giá cao từ nội dung đến chất lượng hình ảnh, đặc biệt những chương trình đi sâu vào công tác thuyết minh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khu đền tháp. Từ mỗi chương trình là một chủ đề đã tương tác với du khách và được công chúng đón nhận và đánh giá rất cao, có lẽ vì vậy mà điểm đến Mỹ Sơn trong cả 2 năm đại dịch luôn được biết đến, hoạt động du lịch Mỹ Sơn không rơi vào quên lãng.
Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, mã quét QR đã phát huy tác dụng tích cực trong việc giúp cho ngành y tế truy vết dịch bệnh. Là công cụ hữu hiệu trong khoanh vùng, xuất xứ dập dịch. Hệ thống quét mã này áp dụng tại điểm du lịch Mỹ Sơn đã giúp cho công tác khống chế dịch bệnh an toàn, tránh lây lan. Khi tỉnh Quảng Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế, cùng với hoạt động phòng chống dịch, điểm du lịch Mỹ Sơn được thí điểm vì đáp ứng tiêu chí điểm đến an toàn cùng với phố cổ Hội An. Đúng như kỳ vọng, trong suốt quá trình mở cửa, cảm giác an toàn lan tỏa đối với du khách, tạo sự yên tâm trong tầng lớp lãnh đạo huyện nhà.
Trong điều kiện kinh tế còn hết sức khó khăn, nhu cầu đầu tư cho công tác chyển đổi số cần có nguồn lực lớn để thực hiện. Để giảm nguồn đầu tư từ phía nhà nước, Mỹ Sơn đã xúc tiến vận động từ phía doanh nghiệp thông qua hoạt động xã hội hóa để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho hai phía doanh nghiệp và nhà nước. Chính hướng tiếp cận này đã giải bài toán tài chính cho đơn vị trong giai đoạn khó khăn, khan hiếm nguồn lực đầu tư. Những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trực tiếp đầu tư vào hệ thống hạ tầng công nghệ đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Các đối tác mà trực tiếp ở đây là công ty chuyển đổi số Vietsoftpro đã phối hợp cùng với Ban ứng dụng vào lĩnh vực phát huy giá trị di sản đem lại những tiện ích to lớn. Sản phẩm này được xây dựng trong năm 2023 trở thành sản phẩm tiêu biểu, biểu tượng cho công tác chuyển đổi số thành công trên lĩnh vực du lịch tại đơn vị. Khi đưa sản phẩm này phát triển với công nghệ kỹ thuật được chọn lọc, tiên tiến thì kho tàng thông tin hiện vật được mở ra, dẫn dắt những câu chuyện lịch sử chỉ bằng một cú lịch chuột, một chạm đến với Mỹ Sơn.
Nắm bắt những lợi ích của chuyển đổi số, tranh thủ những ứng dụng tiên tiến trên thế giới nhằm đi kịp thời đại, thông qua công tác xúc tiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa, Mỹ Sơn tiếp tục hợp tác với đối tác Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse Việt Nam để xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo 360 để nắm bắt xu hướng du lịch thông minh, du lịch qua thực tế ảo đang trở thành xu hướng của thế giới. Dù ở bất kỳ nơi đâu du khách cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu đền tháp thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse giúp du khách tham quan, trải nghiệm như ngoài thực tế, người dùng có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp bằng nhân vật avarta thay thế đại diện, di chuyển đến vị trí mình yêu thích, tạo cảm giác như mình đang có mặt tại Mỹ Sơn.
Cùng với những sản phẩm cụ thể, đối với công tác chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch. Các ứng dụng trong lĩnh vực du lịch, từ công tác xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh các ứng dụng giúp du khách, doanh nghiệp tiếp cận thông tin điểm đến như sử dụng vé hóa đơn điện tử và dịch vụ internet banking, quét mã QR…,bước đầu đạt những kết quả tốt đẹp tại khu di sản. Trong đó, trang website 360 hoàn thành từ năm 2021 đã thực sự là kênh thông tin điểm đến có gía trị, cung cấp một cách chân thực nhất các góc cạnh Mỹ Sơn bằng hình ảnh đa chiều 360, những sản phẩm này triển khai nhằm mục đích cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan, góp phần quảng bá, giới thiệu Mỹ Sơn đến du khách trong và ngoài nước.
Trong thời gian đến, công tác chyển đổi số diễn ra sẽ ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực từ bảo tồn, đến phát huy gía trị di sản, quản lý bảo vệ rừng. Và thực sự để hoạt động này mang lại lợi ích thiết thực, khai thác hiệu quả công nghệ vào làm giàu giá trị di sản, từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất Viết Nam và thế giới thì hình thức xã hội hóa là hướng đi phù hợp mà đại dịch vừa qua đã chứng minh. Đây là vấn đề mà câu chuyện xã hội hóa ở Mỹ Sơn cần quan tâm lúc này. Vừa đảm bảo việc bảo vệ tốt vùng lõi di sản, vừa là hoạt động phát huy di sản mà không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn yếu tố gốc, giải quyết hài hòa bài toán phát triển du lịch nhưng không mâu thuẩn với bảo tồn. Đồng thời giải quyết chuyện đầu tư nguồn lực của nhà nước nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến để cùng chia sẻ lợi ích đến doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch.
Có thể nói, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch đều nhằm mục đích xây dựng, định hình được hệ sinh thái ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành, phục vụ cung cấp dịch vụ, tiện ích ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy.
23 năm, Khu đền tháp Mỹ Sơn khoát lên mình danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới (4/12/1999-4/12/2022), sự đồng hành vào cuộc của cả hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương đã thay đổi bộ mặt di sản Mỹ Sơn, di sản đẹp hơn, vững bền, xích lại phía cộng đồng, sản phẩm du lịch đa dạng hơn, Mỹ Sơn được biết đến nhiều hơn trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Trong không gian phát triển chung đó, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, được áp dụng để thúc đẩy quá trình phát triển của mình, để hướng đến một không gian mới, rộng mở hơn đó là định hình di sản Mỹ Sơn trên bản đồ số. Trong đó, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan trọng trong việc đa dạng sản phẩm điểm đến. Công tác chuyển đổi số ở Di sản Mỹ Sơn vừa qua theo hình thức xã hội hóa doanh nghiệp cùng với đơn vị bắt tay thực hiện là gợi mở hiệu quả nhất để Mỹ Sơn phát triển bền vững.
Phan Hộ
Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn
22 Tháng 1,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn gặp mặt chi hội Hướng dẫn viên (14.04.2022)
- Những bước chân trở lại – Du khách quốc tế lại về với Mỹ Sơn (08.04.2022)
- MỸ SƠN ĐẾN VỚI HỘI CHỢ VITM HÀ NỘI NĂM 2022 (04.04.2022)
- Vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (29.03.2022)
- Triển lãm ảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ (29.03.2022)
- Quảng Nam là điểm đến tương lai của du khách Ấn Độ (29.03.2022)