CÔNG TÁC GIÁO DỤC DI SẢN TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN

CÔNG TÁC GIÁO DỤC DI SẢN TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN

Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, là di sản có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đặc biệt đối với các thế hệ hiện tại và tương lai, vì thế, công tác giáo dục di sản cần được xem là một trong những khâu công tác quan trọng hàng đầu của hoạt động quản lý. Được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới năm 1999, 25 năm qua, tuy từng giai đoạn đều có những khó khăn, thách thức riêng, Ban quản lý khu di sản đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giáo dục, tuyên truyền về giá trị nổi bật của khu di sản đến công chúng. Bài viết sau nhằm cung cấp một có một cái nhìn bao quát về công tác giáo dục di sản mà Ban quản lý khu di sản đã thực hiện, đồng thời gợi ý một số giải pháp, hy vọng góp phần nhỏ bé vào việc nâng cao chất lượng khâu công tác quan trọng này.

1. Công tác giáo dục di sản tại Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Hoạt động giáo dục di sản tại Mỹ Sơn được thực hiện xuyên suốt từ khi có sự ra đời và hiện diện của cơ quan quản lý ngay tại khu di tích. Dấu mốc quan trọng đầu tiên đó là việc thành lập thành lập Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn tại Quyết định số 541/QĐ-UB ngày 15/12/1995 của UBND huyện Duy Xuyên, với chức năng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Trong những năm đầu thành lập với nhiều khó khăn và thách thức, hoạt động giáo dục di sản tại Mỹ Sơn còn mang tính dàn trải và chưa rõ nét, chủ yếu thông qua công tác thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan và hỗ trợ các đơn vị trường học đến tổ chức hoạt động tham quan học tập ngoại khóa.

Sau sự kiện Mỹ Sơn được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới, Ban quản lý khu di sản đã chủ động rà soát, kiện toàn lại hầu hết các khâu công tác quản lý, cùng với đó, công tác giáo dục di sản tại khu di tích ngày càng được chú trọng và dần xác định hướng đi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Giai đoạn này, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị khu di sản được quan tâm đầu tư, vươn rộng ra các địa phương ngoài tỉnh Quảng Nam, tiêu biểu như hoạt động triển lãm giới thiệu Mỹ Sơn tại Tp. phố Hồ Chí Minh, tham gia giới thiệu, quảng bá tại các lễ hội văn hóa hoặc xúc tiến du lịch tại Huế, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh... Ngày 26/8/2016, UBND huyện Duy Xuyên ban hành Quyết định số 4813/QĐ-UBND về việc Thành lập Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn trên cơ sở tổ chức lại bộ máy Ban quản lý trước đó. Theo Quyết định mới, Ban quản lý được bổ sung, tăng cường các chức năng nhiệm vụ, điều chỉnh bổ sung chức năng, cơ cấu tổ chức đơn vị quản lý đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Quyết định lần này có nêu cụ thể nhiệm vụ “Tổ chức tuyên truyền giới thiệu các giá trị của Di sản văn hóa Mỹ Sơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của khu di sản.”

Tác giả hướng dẫn học sinh trường THCS Kim Đồng (Duy Phước, DX) đến tham quan học tập tại DSBH Mỹ Sơn (khoảng năm 1999)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và với tâm huyết đối với khu di sản, Ban quản lý đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng và triển khai nhiều hoạt động giáo dục di sản ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, đặc biệt là đưa ứng dụng công nghệ số vào truyền thông, giới thiệu di sản. Bên cạnh tổ chức thường xuyên hoạt động hướng dẫn, thuyết minh, với trên 30.000 đoàn khách tham quan có thuyết minh trong 25 năm qua, công tác giáo dục di sản thể hiện qua các hoạt động sau:     

- Phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Duy Xuyên tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động thi viết văn, vẽ tranh, thi tìm hiểu về đề tài Mỹ Sơn, các cuộc thi tập làm hướng dẫn viên tại khu di sản, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh các cấp đến tham quan, học tập. Ban quản lý cũng luôn quan tâm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức giáo dục đến từ nhiều địa phương khác tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại, tìm hiểu kiến thức về di sản Mỹ Sơn và văn hóa Chăm.

- Phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Duy Xuyên xây dựng và triển khai chương trình “Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học” bắt đầu từ năm học 2003 - 2004; đã phối hợp nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu gồm: “Giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường” và “Thiết kế hoạt động dạy học, hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” dành cho học sinh bậc Tiểu học và THCS. Nội dung của tài liệu được lồng ghép vào các môn học Lịch sử, Tiếng Việt/Ngữ văn và Địa lý. Nhờ đó, khi học xong chương trình THCS, học sinh sẽ có được kiến thức cơ bản và chính xác về khu di sản. Bên cạnh sử dụng nội dung bộ tài liệu lồng ghép vào các bài giảng, nhiều hoạt động ngoại khóa thiết thực đã được triển khai trong chương trình như: các hội thi, tuyên truyền dưới cờ; tổ chức đưa học sinh đến Mỹ Sơn tham quan thực tế, vẽ tranh, nặn tượng, nghe hướng dẫn tìm hiểu giá trị của di tích, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản...

- Để lan tỏa sâu rộng các nội dung giáo dục di sản trong cộng đồng, Ban quản lý đã chủ động phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên của địa phương đến các đơn vị trường học trên địa bàn huyện để tuyên truyền nâng cao nhận thức về khu di sản. Thông qua dự án của UNV (thanh niên với việc bảo tồn di sản) từ 2004 đến 2006, đã có hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên và cán bộ nghiệp vụ của đơn vị đã đến làm công tác tuyên truyền, giáo dục di sản tại các trường học. Đơn vị cũng đã tổ chức nhiều chuyến lưu diễn nghệ thuật tuyên truyền về giá trị của khu di sản đến cộng đồng tại các xã trên địa bàn huyện Duy Xuyên, các xã gần khu di sản thuộc huyện Quế Sơn và các vùng sâu vùng xa khác Quảng Nam.

- Để tạo sự gắn kết và chia sẻ trách nhiệm bảo vệ di sản trong cộng đồng, hằng năm, Ban quản lý tổ chức các buổi gặp gỡ, các cuộc họp liên tịch cùng các đơn vị công an, kiểm lâm, quân sự, giáo dục, văn hóa - thông tin của huyện Duy Xuyên và UBND xã Duy Phú để bàn bạc và thống nhất về những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời, trích từ nguồn thu hoạt động du lịch để hỗ trợ thực hiện công tác phối hợp bảo vệ di tích, tuyên truyền giáo dục di sản trong trường học và cho người dân.

- Trước những thay đổi lớn trong thời đại số, Ban quản lý khu di sản đã linh hoạt ứng dụng thành tựu khoa học mới vào công tác giáo dục di sản. Trong đó, tiêu biểu có thể kể là việc xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngữ qua quét mã QR bằng thiết bị di động cầm tay; phòng chiếu phim 3D thực tế ảo giới thiệu sinh động về khu di sản; xây dựng và đưa lên không gian mạng phim VR360 về khu di sản để công chúng có thể tiếp cận từ xa... Bên cạnh đó, tích cực thực hiện truyền thông về giá trị của khu di sản trên các kênh thông tin đại chúng, website và mạng xã hội.

2. Gợi ý một số giải pháp nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục di sản tại Mỹ Sơn

Qua nghiên cứu tìm hiểu về thực trạng công tác giáo dục di sản tại Di sản văn hóa Mỹ Sơn từ khi thành lập Ban quản lý đến nay, chúng ta có thể nhận thấy trong những năm gần đây, công tác giáo dục di sản tại Mỹ Sơn đã có những bước phát triển rõ nét, xác định hướng đi đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế. Với hy vọng góp một phần nhỏ vào việc đổi mới và nâng cao hơn nữa những thành quả mà đơn vị đã đạt được, tác giả bài viết xin đưa ra một số gợi ý về giải pháp thực hiện cho thời gian đến như sau:

1) Để công tác giáo dục di sản ngày càng chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu và đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, Ban quản lý DSVH Mỹ Sơn cần sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy tổ chức quản lý, hình thành nên một phòng chuyên trách về công tác giáo dục, truyền thông di sản.

2) Bên cạnh bộ tài liệu dành cho học sinh Tiểu học và THCS đã được ấn hành, cần nghiên cứu biên soạn và phát hành các tài liệu giáo dục về di sản Mỹ Sơn dưới nhiều hình thức khác như sách điện tử, video, ứng dụng di động... giúp học sinh và du khách dễ dàng tiếp cận từ xa.

3) Nghiên cứu xây dựng nội dung và tổ chức các khóa học trực tuyến có cấp giấy chứng nhận cho học sinh, sinh viên, hướng dẫn viên du lịch… hoặc người dân có nhu cầu tìm hiểu văn hóá; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp với từng độ tuổi và đối tượng khác nhau.

4) Tiếp tục cập nhật việc ứng dụng công nghệ số vào công tác giáo dục, truyền thông di sản; có thể nghiên cứu đưa vào sử dụng công nghệ VR và AR để tái hiện các công trình kiến trúc quan trọng đã bị hư hại bởi thời gian và chiến tranh để giúp học sinh và du khách có trải nghiệm sống động và chân thực hơn.

5) Thường xuyên và kiên trì phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về di sản văn hóa; phổ biến cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên hiểu rõ để có thái độ trân trọng và tự hào về giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, triển khai hiệu quả khẩu hiệu “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO.

6) Nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ Tình nguyện viên di sản Mỹ Sơn (có thể phối hợp hoặc giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên) nhằm kêu gọi và tập hợp những người trẻ trong cộng đồng tình nguyện tham gia vào những hoạt động bảo vệ, phát huy và tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản...

7) Tăng cường truyền thông và quảng bá, tạo các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để lan tỏa thông tin về di sản và các hoạt động giáo dục di sản; tổ chức các sự kiện văn hóa, triển lãm và hội thảo sẽ giúp lan tỏa thông tin về di sản và các hoạt động giáo dục đến công chúng.

Kết luận

Nhìn lại chặng đường gần 25 năm qua, công tác giáo dục di sản tại Mỹ Sơn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Những nỗ lực không ngừng của Ban quản lý khu di sản đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa, lịch sử của Mỹ Sơn, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy di sản quý báu này. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát triển công tác giáo dục di sản, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức giáo dục và cộng đồng địa phương. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, kết hợp với việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế sẽ giúp tăng cường hiệu quả giáo dục di sản. Nhìn chung, công tác giáo dục di sản tại Mỹ Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn cần tiếp tục nỗ lực và đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Chỉ khi có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa Mỹ Sơn cho các thế hệ mai sau.

Ths.Nguyễn Thị Trinh

25 Tháng 2,2025

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Đặt vé online
Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo