Khu Bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn nằm trên địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được UBND tỉnh Quảng Nam thành lập vào ngày 13 tháng 8 năm 2020, theo Quyết định 2223/QĐ-UBND.
Tổng diện tích khu bảo vệ cảnh quan là 1.160,05 ha rừng nằm trên địa phận giáp giới các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn, huyện Duy Xuyên và xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam); trong đó có 32 ha rừng nằm trong vùng lõi là nơi bảo tồn các công trình kiến trúc Chămpa. Trong Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn đa phần là các công trình kiến trúc, hiện vật ngoài trời và những hiện vật khảo cổ nằm trong lòng đất. Hầu hết diện tích Khu di tích Mỹ Sơn được che phủ bởi các trạng thái rừng. Trong đó 59,14% là diện tích rừng phục hồi và 29,3% là diện tích rừng trồng.
Đề tài “nghiên cứu, đề xuất và xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm bảo tồn gắn với phát triển bền vững Khu di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam” của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho thấy hệ sinh thái rừng Di sản Văn hóa Mỹ Sơn với hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Qua khảo sát, điều tra, thu thập vật mẫu các nhóm sinh vật tại khu nghiên cứu có 3.535 loài động, thực vật, chia làm 630 họ, 1.909 chi. Trong đó có nhiều loại nằm trong sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhiều loại thú quý hiếm cùng nhiều loại cây trồng, thực vật có giá trị cân bằng sinh thái, môi trường khu vực, đóng góp cho khoa học nghiên cứu, đồng thời có giá trị rất lớn phục vụ đời sống cộng đồng.
Tại khu vực suối Khe Thẻ có tổng số 43 loài cá, trong đó thống kê có 19 loài có giá trị kinh tế như cá chép, trê vàng, rô đồng, lóc…Đặc biệt nhóm nghiên cứu tìm thấy có 2 loại cá quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam là cá Chình hoa (tên khoa học là Anguilla marmorata) và cá Chình mun (Anguilla bicolor), cả 2 loài này đều được xếp vào bậc VU – sắp nguy cấp.
Trong tổng số 43 loài lưỡng cư tại khu di tích Mỹ Sơn có 31 loài có tên trong IUCN redlist 2016 (sách đỏ năm 2016), và 1 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007. Đó là cóc rừng (Ingerophrynus galeatus) nằm trong danh lục đỏ Việt Nam (sắp nguy cấp). Riêng bò sát có 97 loài, trong đó có 20 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam 2007 như tắc kè, kỳ đà hoa, rắn ráo thường, rắn ráo trâu, trăn đất, trăn mốc, rùa vàng, rùa hộp 3 sọc…
Có 61 loài chim, 43 chi, 29 họ, 11 bộ phổ biến nhất họ chào mào như bông lau tai trắng, bông lau họng vạch, cu xanh ngực vàng (nằm trong danh lục đỏ) ở Việt Nam mới được ghi nhận tại Đồng Nai và lâm Đồng. Chích chòe lữa (copsychus malabaricus) nằm trong phụ lục IIB (hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Về thú có 36 loài được ghi nhận tại Khu di tích Mỹ Sơn, có 4 loài thuộc diện quý hiếm cần được quan tâm bảo tồn, trong đó có 2 loại gồm cu li lớn (nycticebus bengalensis) và tê tê java (manis javanica) có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định 32/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. 2 loài cầy hương (vivericula indica) và mèo rừng (prionailurus bengalensis) có tên trong Nghị định 32 của Chính phủ.
Sự đa dạng về hệ động vật tại khu di tích Mỹ Sơn được hình thành bởi nhiều yếu tố như có hệ thực vật phong phú, đa dạng nhiều loại rừng, nằm trong một địa hình phức tạp, được hình thành bởi những dãy núi vòng cung bao bọc, có suối, núi, thung lũng sình lầy, giáp giới với các hồ nước lớn như Đồng Lớn (Duy Sơn), đập Phước Bình (Sơn Viên – Nông Sơn), đập Thạch Bàn (Duy Phú), có dòng suối Khe Thẻ có lưu lượng nước ổn định trong các mùa. Đây cũng là khu vực nằm cảnh quan bảo vệ Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn nên nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng cảnh quan được chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ.
Việc bảo tồn sự đa dạng hệ động thực vật là bảo tồn gắn với phát triển bền vững, đặt con người là trung tâm của quá trình bảo tồn, cần đảm bảo sự bền vững cả về kinh tế, bền vững cả về môi trường và bền vững cả về xã hội để phát triển. Du lịch Mỹ Sơn hướng đến Du lịch xanh phải xem bảo tồn làm nền tảng để xây dựng hướng đi hợp lý, tránh những tác động ảnh hưởng không chỉ đến kiến trúc công trình và hệ sinh thái xung quanh.
Văn Khoa
27 Tháng 7,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- Dấu ấn Mỹ Sơn tại “Không gian di sản văn hoá và sản phẩm thủ công truyền thống” (16.11.2023)
- QUÁ TRÌNH TẬP LUYỆN MÚA CỦA DIỄN VIÊN MÚA TẠI PHÒNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT DÂN GIAN CHĂM TẠI MỸ SƠN (07.11.2023)
- Huyện ủy Duy Xuyên tổng kết cuộc thi “người tốt việc tốt” (02.11.2023)
- Tuổi trẻ BQL DSVH Mỹ Sơn tham gia Diễn đàn "Tuổi trẻ với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa" (31.10.2023)
- CHIẾC VÍ MÙA THU (30.10.2023)
- HÃNG TRUYỀN HÌNH TV MAN UNION (NHẬT BẢN) HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.10.2023)