Tản bộ trên cung đường được che mát bởi bóng cây dọc lối đi, giúp bạn xoa dịu cảm giác oi bức của mùa nắng nóng. Tiếng suối chảy róc rách, lại nghe âm thanh mấy chú chim hót líu lo, nhảy chuyền từ cành này sang cành khác, tiếng xào xạc của những chiếc lá mỗi cơn gió thổi cuốn đi. Bạn hòa mình vào thiên nhiên, đắm chìm trong dòng suy tư miên man với khung ảnh thơ mộng bởi hình ảnh cô thiếu nữ bên khung dệt Thổ Cẩm của nhà Lẫm – tại điểm dừng chân khu E, F khi khách tham quan Di Sản Văn Hóa Thế Giới Mỹ Sơn.
Nơi đây, mang đến cho du khách bao điều thú vị, được tận mắt nhìn thấy toàn cảnh những tấm vải Thổ Cẩm được dệt bởi đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của cô gái Chăm. Nét độc đáo của nghề này là người Chăm vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống trong việc tạo ra hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt. Kỹ thuật dệt thổ cẩm bao gồm nhiều công đoạn khá chặt chẽ như: Mắc sợi, bắt go, dập sợi và dệt… Những hoa văn, họa tiết được tạo ra trên tấm thổ cẩm đã lưu lại những dấu ấn về lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc Chăm hết sức phong phú, đa dạng. Nó được thể hiện trên mọi mọi lĩnh vực, mọi phương diện, gắn với đời sống tâm linh, phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, sinh hoạt lao động, sản xuất vật chất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của bà con người Chăm.
Dệt Thổ Chăm nổi tiếng Ninh Thuận có làng dệt Mỹ Nghiệp, tọa lạc tại khu phố Mỹ nghiệp, Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bà con vẫn lưu giữ phong cách dệt vải của người Chăm cổ xưa mà không cần sử dụng máy móc hay các thiết bị hiện đại. Nghề được lan tỏa đến các thế hệ sau nhờ phong tục mẹ truyền con nối. Linh hồn của sợi chỉ dệt là những cây bông vải được trồng trong chính sân nhà của các hộ dân làng Mỹ Nghiệp. Công đoạn từ một cây bông vải thuần túy tạo nên những mảnh vải đẹp mắt rất cầu kỳ và phức tạp, từ tách hạt lấy bông đến ngâm dập, nhuộm, hồ, chải và đánh ống. Bên canh đó, họ còn biết kết hợp sợi tổng hợp và sợi kim tuyến tạo sự đa dạng, tạo nên họa tiết sinh động, bắt mắt hơn, đẹp hơn. Tất cả các bước trong qui trình dệt vải đều được thực hiện một cách tỉ mỉ, khéo léo, kỹ lưỡng và cẩn thận. Mặc dù sử dụng phong cách dệt bằng khung truyền thống, nhưng không vì thế mà các hoa văn hay họa tiết trên sản phẩm dệt của người Chăm trở nên đơn điệu và thiếu điểm nhấn, ngược lại rất phong phú và đa dạng như thần Shiva, rồng trời, thần đèn, đường diềm, hình thoi… các hoa văn cổ, hay đa dạng sản phẩm phù hợp với thị hiếu nhu cầu của hiện nay nhưng không kém đi vẻ tinh tế, nét đẹp riêng của văn hóa Chăm.
Di Sản Văn Hóa Mỹ Sơn là cầu nối gắn kết nét đẹp truyền trống từ xưa của người Chăm quảng bá đến với du khách gần xa, như lời nhắn gởi yêu thương hãy luôn gìn giữ văn hóa độc đáo, tránh bị mai mọt theo thời gian, đồng thời đem đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị, hiểu hơn về nét văn hóa, đời sống sinh hoạt của người Chăm, có thêm sự lựa chọn sản phẩm lưu niệm đặc sắc trong hành trình chuyến tham quan tại nơi này. Nếu bạn chưa một lần ghé thăm, còn chần chừ gì nữa, lên lịch trong dịp lễ sắp đến thôi nào, để tận hưởng những phút giây thật sự ý nghĩa, bổ sung nhiều kiến thức về văn hóa Chăm. Bên cạnh đó, bạn đừng quên ghé vào những quầy hàng lưu niệm, có nhiều sản phẩm đặc trưng về nghề truyền thống người Chăm như Gốm Bàu Trúc, dệt Thổ Cẩm…những sản phẩm của địa phương như chè dung, chè vằng, cây an xoa, dầu chổi, dầu tràm,…, sẽ là nơi lý tưởng cho bạn lựa chọn quà tặng người thân, bạn bè của mình sau chuyến tham quan.
Nguyễn Thùy
15 Tháng 4,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)
- PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THẾ GIỚI MỸ SƠN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN – KẾT NỐI DU LỊCH XANH (05.11.2024)
- TEAMBUILDING ĐOÀN KẾT - NĂNG ĐỘNG - SÁNG TẠO CÙNG CĐCS BQL DSVH MỸ SƠN (17.10.2024)