Nhu cầu cấp thiết về gạch trùng tu
Năm 2003, khi bắt đầu dự án trùng tu nhóm đền tháp G, di tích Mỹ Sơn. Thách thức lớn nhất lúc bấy giờ chính là vật liệu gạch để trùng tu. Chiến tranh và thời gian đã làm hầu hết các công trình đền tháp của nhóm G sập đổ, gạch vỡ vụn. Gạch thu được từ quá trình khai quật không đủ để trùng tu. Các nghiên cứu trong nước lúc bấy giờ mới chỉ dừng lại ở bước thử nghiệm ban đầu. Các cơ sở sản xuất gạch thủ công dừng hẳn từ những thập niên 1990 trên cả nước. Gạch công nghiệp có sẵn trên thị trường lại không tương thích. Trong khi đó, cần lượng lớn gạch để gia cường, gia cố, bổ khuyết và liên kết trong quá trình trùng tu. Gạch, vật liệu tưởng chừng đơn giản nhưng lại trở nên vấn đề mà các chuyên gia Ý (Đại học Milano) và Việt Nam (Viện Bảo tồn Di tích) tập trung nghiên cứu ngay khi bắt đầu dự án.
Các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực đã tiến hành nghiên cứu tại thực địa và lấy mẫu gạch gốc phân tích tại phòng thí nghiệm. Đồng thời, song song tiến hành sản xuất thực nghiệm. Theo GS Luigia Binda, trưởng nhóm kỹ thuật và vật liệu, Đại học Milano, “năm 2004, sản xuất thực nghiệm đầu tiên với 100 viên gạch. Dựa vào kỹ năng của người dân địa phương, gạch được làm hoàn toàn thủ công tại làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú. Gạch cho ra không đảm bảo chất lượng do lượng đất sét lớn, thiếu nhiệt và thời gian nung quá ngắn. Tiếp tục tìm đến Xí nghiệp Gốm sứ La Tháp ở xã Duy Hoà. Nhưng sản phẩm gạch cho ra không như mong đợi, qua phân tích gạch cho thấy, gạch không làm thủ công mà xử dụng máy đùn, bị rạn nứt, thành phần hoá học khá khác so với gạch gốc. Gạch sủi bột trắng ở bề mặt khi đưa vào thử nghiệm tại tháp G5” (Andrew Hardy và cộng sự, 2009. tr. 308). Sau gần 02 năm nghiên cứu và thực nghiệm, vật liệu gạch vẫn còn là vấn đề nan giải, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Sản xuất thành công gạch trùng tu
Năm 2005, các chuyên gia tìm đến cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quá tại khu gốm sứ La Tháp, xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên. Dựa trên các yêu cầu, ông Quá đã quan sát gạch cổ, tự mày mò, nghiên cứu và sản xuất thực nghiệm nhiều lần. Kết quả là gạch ra lò đã đạt những chỉ số cơ bản về lý, hoá khi so sánh với gạch cổ tại Mỹ Sơn. Gạch được các chuyên gia Ý và Việt Nam đưa vào trùng tu tại đền G1, Mỹ Sơn từ năm 2005. Sau đó xử dụng trùng tu tháp E7 vào năm 2013, nhóm A, H và K từ năm 2017 đến 2022. Ông Quá cũng cung cấp trùng tu một số di tích gạch Champa ở tỉnh Bình Thuận và Gia Lai. Năm 2023, gạch còn được xuất khẩu sang Lào trùng tu đền cổ Wat Phou.
Ông Nguyễn Quá là một nghệ nhân gốm, sinh năm 1957, có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề. Sau năm 1975, ông được đưa đi đào tạo về kỹ thuật và tạo mẫu gốm tại Quảng Đông, Trung Quốc. Từ năm 1978, ông làm việc tại Ty Công Nghiệp của Quảng Nam Đà Nẵng. Đến năm 1992, ông mở xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ tại nhà. Ông có nhiều mặt hàng gốm mỹ nghệ cung cấp thị trường trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hà Lan. Ông Quá chia sẻ: “Khi các chuyên gia đến đề cập chuyện làm gạch để trùng tu, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Họ yêu cầu làm tương tự như gạch cổ ở Mỹ Sơn, làm thủ công. Tôi ngĩ làm sao làm được một viên gạch tồn tại cả ngàn năm mà kích thước rất lớn. Có viên dày đến 7cm x ngang 18cm và dài 30cm. Tôi biết sẽ rất khó khăn nhưng tôi tin sẽ làm được. Dù chưa từng làm gạch để trùng tu, nhưng tôi nghĩ các công đoạn cơ bản có những bước giống làm gốm. Đối với nghề gốm, quan trọng là ‘nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ hoạ’. Chọn vật liệu đất để làm gạch là khâu quan trọng nhất, trước hết đất phải được xử lý kỹ lưỡng, làm sạch, sau đó tưới nước và ủ một tuần, rồi nhào luyện và ủ lại lần hai. Tiếp đến mới là công đoạn tạo hình bằng khuôn gỗ, tuỳ vào kích thước gạch mà có những khuôn khác nhau. Sau đó đem phơi và tiếp tục tạo hình cho gạch lần nữa. Từng viên gạch được trao chút như một cái gốm. Bước khó nhất là nung bởi gạch to và dày. Sau khi gạch được phơi khô hoàn toàn thì mới đem nung, thời gian nung đến hai tuần. Nhiêu liệu đốt chính là củi. Khi nung thì cần biết nhìn lửa lò, nếu quá lửa hay thiếu lửa thì không thể đưa vào trùng tu. Nếu quá lửa gạch sẽ bị cong vênh, và sẽ không thể mài được. Còn non lửa thì chất lượng sẽ thấp, viên gạch không tồn tại được lâu”.
Chất lượng gạch trùng tu tại di tích Mỹ Sơn
Từ năm 2005 cho đến nay, có 04 nhóm đền tháp (Nhóm G, A, H và K) với 16 công trình và tường bao đã được trùng tu. Phần lớn sử dụng gạch từ cơ sở của ông Nguyễn Quá, phần còn lại là gạch gốc thu được từ quá trình khai quật. Gạch gốc được tái sử dụng tối đa có thể, hầu hết bị vỡ và không còn nguyên vẹn. Gạch trùng tu được xây xen lẫn với gạch gốc. Các vị trí cần liên kết, gia cường, gia cố hầu hết sử dụng gạch mới. Đền G1, sử dụng gạch từ lò nung của ông Quá, sau gần 20 năm, chất lượng gạch về cơ bản vẫn đảm bảo. Theo đánh giá của Kiến trúc sư Mara Landoni, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trùng tu di tích gạch tại Mỹ Sơn cho biết: “Thời gian đầu, gạch mới sản xuất ra chất lượng còn chưa đạt, chưa tương thích với vật liệu gốc, nhưng sau đó, chất lượng gạch đã tốt hơn. Gạch mới sử dụng trùng tu tại nhóm G sau 20 năm vẫn trong tình trạng khá tốt, khá tương thích, một vài vị trí nhỏ trước đây xuất hiện muối như ở tháp G3 hay tháp G4 của nhóm G, nhưng sau đó đã biến mất đi do quá trình rửa trôi của nước mưa”.
Ông Danve D. Sandu, Trợ lý giám đốc, thuộc Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) cho rằng: “Chúng tôi đều tiến hành lấy mẫu gạch mới để phân tích, so sánh về tính lý, hoá với gạch nguyên gốc tại di tích mà chúng tôi tiến hành trùng tu. Sau khi kiểm tra chất lượng chúng tôi tiếp tục có những bước ngâm rửa gạch trước khi đưa vào công trình. Gạch phục chế của cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ của ông Nguyễn Quá đảm bảo được chất lượng và khá ổn định. Chúng tôi không chỉ xử dụng gạch này để trùng tu tại di tích Mỹ Sơn mà còn trùng tu tại di tích Wat Phou, Lào trong năm 2023 bởi những tương đồng về vật liệu gạch của hai di tích”.
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn: “Các chuyên gia Ý, Việt Nam và Ấn Độ đã sử dụng gạch của ông Nguyễn Quá để trùng tu. Nhìn lại sau gần 20 năm đưa gạch vào trùng tu tại Mỹ Sơn, về cơ bản, đảm bảo chất lượng, thích nghi với gạch gốc và môi trường di tích. Việc sản xuất thành công gạch phục chế đã góp phần quan trọng trùng tu các đền tháp gạch tại Mỹ Sơn’.
Nguy cơ mất nguồn gạch trùng tu
Khi đến thăm cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quá vào cuối tháng 5, xưởng sản xuất khá im ắng. Ông Nguyễn Quá cho biết, “việc nung gạch hiện nay phải tạm ngừng do ảnh hưởng môi trường. Tôi cũng lớn tuổi rồi, giờ tìm vị trí mới xây lò, lập xưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Làm xa nhà sẽ rất bất tiện, chi phí làm thủ công tăng cao. Tôi có thể gửi gạch đến nhờ nung ở các cơ sở khác. Tuy nhiên, không có cơ sở nào nung gạch theo phương pháp thủ công truyền thống, hầu hết bây giờ đều nung tuynel. Mà nung tuynel thì tôi không chắc rằng chất lượng đảm bảo”. Ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên cho biết: “do cơ sở sản xuất gạch nung của ông Nguyễn Quá nằm trong khu dân cư, việc nung gạch còn thực hiện theo thủ công nên ảnh hưởng đến môi trường. Nếu duy trì nung gạch thủ công, ông Quá nên có đơn kiến nghị với UBND huyện Duy Xuyên xem xét”. Ông Nguyễn Công Khiết cho biết: “theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, dự kiến Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục quan tâm trùng tu một số di tích Champa ở miền Trung Việt Nam trong đó có nhóm đền tháp E-F, di tích Mỹ Sơn. Thêm vào nữa là, nếu dự án L, Mỹ Sơn được triển khai thì cũng cần gạch mới. Nên lượng gạch để trùng tu trong thời gian tới cần đủ số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, với tình hình không thể sản xuất gạch như hiện nay của cơ sở ông Nguyễn Quá, nguy cơ thiếu nguồn gạch để trùng tu. Bài học từ dự án trùng tu nhóm G cách đây 20 năm, không có gạch trùng tu thì công việc trùng tu không thể tiến hành, ảnh hưởng tiến độ dự án, hoặc thậm chí phải dừng dự án”.
Ông Pashindla Prashant, chuyên gia trùng tu thuộc Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) cho rằng: “Vật liệu có vai trò rất quan trọng và có tính quyết định đến công trình trùng tu. Gạch của cơ sở sản xuất địa phương của ông Quá đã đáp ứng cơ bản về chất lượng, chúng tôi đã đưa vào công trình trùng tu tháp cổng K từ năm 2017. Gạch mới sử dụng cho các công trình, tường bao, lót sân và lối đi lại. Tuy có một vài vị trí có xuất hiện sủi bột trắng ở bề mặt Cho đến nay chất lượng gạch đảm bảo. Nếu không có nguồn gạch này thì chúng ta phải tìm nguồn gạch khác để thay thế. Nếu không có gạch thì không thể trùng tu”.
Sản phẩm gạch mới trùng tu là một trong những kết quả nghiên cứu từ dự án hợp tác ba bên UNESCO – Ý và Việt Nam giai đoạn từ 2003 đến 2013. Để có kết quả đó, bên cạnh nghiên cứu của các chuyên gia, không thể thiếu tay nghề và kinh nghiệm của nghệ nhân Nguyễn Quá. Gần 20 năm qua, cũng đủ để hình thành cái nghề làm thủ công mà trước đây chưa từng có, đến nay cũng không còn. Nhưng cái nghề này rất cần thiết duy trì cho việc bảo tồn các di tích Champa cổ. Thực tế gạch trùng tu từ cơ sở của ông Quá đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo tồn các di tích tại di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn và các di tích khác. Tuy nhiên, cơ sở này đang ngừng sản xuất, trong khi đó, vẫn chưa có một cơ sở sản xuất nào để thay thế. Đảm bảo nguồn gạch trùng tu và bảo tồn nghề thủ công quý hiếm ở địa phương này là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.
Nguyễn Văn Thọ
25 Tháng 6,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Ban Quản lý về công tác chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Mỹ Sơn (19.01.2024)
- Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Mỹ Sơn (15.01.2024)
- ĐỐI THOẠI CÙNG DOANH NGHIỆP NĂM 2023 (15.01.2024)
- CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ BQL DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN NĂM 2023, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024 (04.01.2024)
- CHƯƠNG TRÌNH “ÂM VANG MỸ SƠN” ĐÓN CHÀO NĂM MỚI TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (02.01.2024)
- Đảng bộ Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 (28.12.2023)