Ngược dòng sông Thu Bồn như ngược thời gian về quá khứ. Dòng sông vốn "chở nặng" lịch sử suốt hàng thế kỷ, tạo bề dày văn hóa, lịch sử gắn với đất Thiêng, kinh thành xưa của các triều vua đất Chăm-pa. Dòng sông là con sông chính và quan trọng của tiểu quốc Amaravati (vùng Quảng Nam) trong suốt thời kỳ lịch sử của Chămpa cũng như người Việt sau này. Theo nhà nghiên cứu Văn hóa Chămpa Trần Kỳ Phương, trong việc chọn lựa một nơi xây dựng thánh đô Mỹ Sơn, sông thiêng Thu Bồn (còn gọi là Mahadani trong văn bia Chàm) tượng tương cho nữ thần Ganga - Vợ của thần Siva. Tiểu quốc Amaravati được hình thành dựa vào sông Thu Bồn, tại đây người Champa đã thiết lập ba trung tâm chính đó là một cảng-thị ở vùng cửa sông, trung tâm kinh tế; một kinh đô ở vùng Trà Kiệu, trung tâm quyền lực hoàng gia; một thánh đô tại Mỹ Sơn, trung tâm tín ngưỡng hoàng gia.
Dọc chiều dài con sông là những câu chuyện lịch sử xứ Quảng, có từ thế kỷ thứ IV khi Mỹ Sơn bắt đầu được xây dựng, kéo dài đến thế kỷ thứ XIV. Sau đó là sự hình thành của phố cổ Hội An trên nền đất cảng cổ Đại Chiêm ngày xưa. Từ Cảng thị Hội An, du thuyền nhẹ nhàng lướt trên mặt nước lồng lộng gió đi qua những ngôi làng, những cánh đồng lúa xanh mướt hay những bãi dâu dọc dòng sông Thu .. Rời dòng sông, di chuyển bằng xe vào vùng đất Thiêng là một câu chuyện khác.
Điểm dừng xe xuống đi bộ một quãng đường như những phút tĩnh tại để du khách đủ thời gian để trút bỏ hiện tại, hướng đến vùng đất Thiêng. Mỹ Sơn có không gian buổi sáng cho con người nhẹ bước chân giữ sự yên bình hiếm gặp trong cuộc mưu sinh thời hiện đại. Đi vào sâu trong thung lũng, kiến trúc ngàn năm chợt hiện ra uy nghi, thể hiện sự phồn thịnh của một nền văn minh cổ. Quần thể Mỹ Sơn nằm trên một thung lũng bao quanh là núi, rừng cây bao phủ với đường kính lên đến 2 cây số. Những công trình gạch, đá điêu khắc được hình thành suốt cả thiên niên kỷ. Kiến trúc đã rêu phong, nhiều nơi bị sụp đổ nhưng những gì còn sót lại đủ để du khách hình dung được nền văn minh một thời và sự kỳ bí đến ngỡ ngàng. Các tượng thờ thần linh uy nghi, những bức phù điêu, tượng vũ nữ Apsara lại vô cùng uyển chuyển, như thể đang bước ra từ ngàn năm trước với gương mặt tươi tắn và nụ cười quyến rũ. Khám phá Mỹ Sơn không bao giờ là đủ bởi sự huyền bí và quyến rũ của những bức tượng, bức phù điêu. Thế nên, không ít người tiếc nuối khi phải rời Mỹ Sơn trở lại bến thuyền xuôi dòng sông Thu về cảng thị Hội An.
Hãy Thử một lần du ngoạn sông Thu tìm về Khu đền tháp Mỹ Sơn để trải nghiệm cảnh sắc đầy thơ mộng, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên đất trời!
Tú Trinh
06 Tháng 7,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI THI ĐUA QUYẾT THẮNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN DUY XUYÊN GIAI ĐOẠN 2019 – 2024 (28.05.2024)
- ĐỔI MỚI SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ, SINH HOẠT CHI BỘ TÌM VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ (20.05.2024)
- TOÀN CẢNH ĐẠI HỘI CHI ĐOÀN BQL DSVH MỸ SƠN LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024-2027 (13.05.2024)
- BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (09.05.2024)
- Bế giảng lớp tiếng Anh trực tuyến (06.05.2024)
- Bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn (02.05.2024)