Cảnh quan di sản theo định nghĩa của Uỷ ban Di sản Thế giới là tài sản văn hóa đại diện cho các công trình kết hợp thiên nhiên và con người. Cảnh quan thiên nhiên Mỹ Sơn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc lựa chọn nơi xây dựng các công trình tôn giáo tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một trong những di sản có sự kết hợp hài hòa giữa một quần thể kiến trúc gạch độc đáo điển hình của nền văn hóa Champa, nằm trong một thung lũng kín đáo, bao quanh là núi đồi trùng điệp, với cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp cùng đa dạng các loài động thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới gió mùa. Những điều kiện về địa lý, cảnh quan đặc biệt ở Mỹ Sơn đã đáp ứng yêu cầu của giáo lý Ấn Độ giáo khi xây dựng khu đền thờ các vị thần bảo hộ hoàng gia. Bởi tư tưởng của Ấn Độ giáo cho rằng không gian thần linh là không gian thiêng, không gian của thần linh và là nơi con người có thể tiếp cận thần linh bằng con đường sùng tín và thờ cúng thần. Vì lẽ đó, mà thung lũng Mỹ Sơn đã trở thành trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của các vương triều Champa xưa trong hơn 9 thế kỷ tồn tại.
Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn với khí hậu đặc trưng vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm thung lũng Mỹ Sơn với tiểu vùng khí hậu riêng biệt hơn do vị trí lòng chảo tách biệt, bao quanh bởi núi đồi. Vì thế, du khách có thể cảm nhận rõ rệt sự thay đổi thời tiết bốn mùa trong năm. Bên cạnh đó, cảnh quan di sản Mỹ Sơn được hình thành một phần bởi các yếu tố tự nhiên như núi, bồn địa, khe suối, hồ đập… Nhìn tổng thể, khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn được bao bọc bởi một vòng cung khép kín với những dãy núi giăng dài và sườn đốc, trong đó nổi bật là ngọn núi Hòn Đền (hay còn gọi là Răng Mèo) cao khoảng 700m với đỉnh núi mang hình dáng chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ. Lòng thung lũng tự nhiên tương đối phẳng, địa hình vài nơi tô điểm thêm bởi những đồi đất cao thấp xen kẽ và bị chia cắt bởi những khe suối và các dòng suối lớn, nhỏ. Dòng suối lớn nhất chảy trong lòng thung lũng gọi là suối Khe Thẻ bắt nguồn từ Khe hẹp của ngọn Hòn Đền, Nà Thắng và Rặng Hòn Rương chảy xuôi theo sườn núi và nhận thêm nhiều mạch nước nhỏ từ các dãy núi thấp men theo thung lũng tạo thành dòng suối chính chảy về hướng Bắc đổ vào dòng sông mẹ Thu Bồn xuôi về biển lớn. Cửa ngõ Mỹ Sơn nơi dòng suối đổ ra và cũng là con đường di chuyển di nhất vào thung lũng là mặt hồ đập Thạch Bàn với diện tích mặt nước khoảng 400 mét khối có tác dụng góp phần điều hòa hệ sinh thái rừng đặc dụng khu di tích.
Với khí hậu điển hình và địa hình vùng thung lũng tương đối khác biệt đã hình thành nên giá trị đa dạng sinh học vùng. Thảm thực vật đa tầng đặc trưng rừng nhiệt đới, hệ sinh thái đa dạng, phong phú nhiều chủng loài thực vật, động vật quý hiếm. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số lượng chủng loài, nhưng theo tìm hiểu thì tại khu vực rừng được bảo tồn này có các loại động thực vật có giá trị, một số nằm trong sách đỏ Việt Nam(*). Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ, chống săn bắn và cấm khai thác rừng trái phép được thực hiện nghiêm ngặt. Nhờ đó, số lượng các động, thực vật quý trong khu vực đã được gia tăng đáng kể, góp phần cân bằng hệ sinh thái, đóng góp cho khoa học nghiên cứu, đồng thời có giá trị rất lớn phục vụ du lịch.
Mỹ Sơn vốn giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sinh học. Tuy nhiên, lượng khách tham quan tìm đến Mỹ Sơn với mục đích này vẫn còn khiêm tốn. Cần xây dựng thêm các sản phẩm du lịch xanh phù hợp với xu hướng mới mà nhiều đối tượng du khách muốn trải nghiệm. Đồng thời, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng để vừa bảo vệ được tài nguyên du lịch, nâng cao ý thức cộng đồng đồng hành cùng với di sản. Những hình thức du lịch xanh này sẽ góp phần bảo tồn bền vững cảnh quan di sản Mỹ Sơn và hồi sinh du lịch cho di sản sau đại dịch Covid – 19.
Nguyễn Tuyết
(*) Động vật: tê tê, chào mào, chèo bẽo, gà rừng, heo rừng, mang, hưu, chồn, rắn… Thực vật: các họ lim xanh, tràm thị, dẽ đỏ, chua, lan,…
10 Tháng 1,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- Du lịch Mỹ Sơn tập trung chuyển đổi số (14.07.2022)
- TRIỂN LÃM “KHÔNG GIAN DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM” (11.07.2022)
- Du ngoạn sông Thu, tìm về Mỹ Sơn… (06.07.2022)
- TỔNG KẾT TRAO GIẢI CUỘC THI TÌM HIỂU LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN DUY XUYÊN GIAI ĐOẠN 1930 – 2015 (04.07.2022)
- 6 tháng đầu năm, BQL DSVH Mỹ Sơn thực hiện 60 đợt truy quét bảo vệ rừng (04.07.2022)
- NGÀY QUỐC TẾ YOGA LẦN THỨ 8 DIỄN RA TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (30.06.2022)