Núi có vai trò quan trọng trong các nền văn hoá và tôn giáo trên thế giới. Núi cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ Chămpa, vương quốc nằm giữa núi và biển. Núi không chỉ là yếu tố tự nhiên tạo nên nguồn sống, không gian sinh tồn của cư dân mà còn là không gian tín ngưỡng tôn giáo gắn liền các khu đền tháp Champa.
Núi Chúa/Hòn Đền là ngọn núi đáng chú ý nhất ở Champa bởi là yếu tố quan trọng trong việc chọn thung lũng Mỹ Sơn để xây dựng đền tháp, và là yếu tố hình thành nên không gian tín ngưỡng Ấn Giáo đặc trưng nhất tại khu đền tháp Mỹ Sơn nói riêng và không gian văn hoá vùng hạ lưu sông Thu Bồn thời Champa nói chung. Đây cũng là ngọn núi duy nhất được nhắc trong hai văn bia sớm dưới thời Bhadravarman I (380-413). Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mặc dù Mỹ Sơn không còn thực hành tín ngưỡng như xưa, nhưng tín ngưỡng về núi vẫn hiển hiện trong đời sống cư dân địa phương ngày nay.
Từ nhu cầu sinh tồn đến tín ngưỡng tôn giáo
Theo Michell (1997) đền thờ Ấn Độ giáo thường nằm ở một nơi linh thiêng, các vị thần luôn chơi ở những nơi gần sông, núi, có rừng rậm, những nơi này là nơi các vị thần cư ngụ và hiện thân và là nơi các ngôi đền được xây dựng để mang lại cho cư dân của những vị thần tốt lành này đầy đủ lợi ích (Michell, G., 1977, tr. 68). Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng được xây dựng ở nơi mang lại những lợi ích cho cư dân của những vị thần được thờ mà núi Chúa là yếu tố quan trọng. Núi Chúa góp phần tạo nên nguồn sống cho cư dân từ xưa đến nay. Núi cung cấp nguồn nước, nguồn lâm sản, thực phẩm, điều hoà khí hậu, tạo môi trường sinh thái, môi trường sống cho muôn thú. Núi Chúa nằm ở vùng bán sơn địa, chuyển tiếp giữa vùng đồi núi với các đồng bằng hẹp. Toạ lạc cạnh sông Thu Bồn, cách Cửa Đại hơn 30km, nằm về phía Nam của thánh địa Mỹ Sơn, cao khoảng hơn 700m so với mực nước biển là ngọn núi cao nhất trong khu vực thung lũng Mỹ Sơn. Các dãy núi chạy vòng cung nối với núi Chúa tạo thành một bồn địa giữa núi nơi được chọn để xây dựng đền tháp Mỹ Sơn. Dòng suối Khe Thẻ bắt nguồn từ núi Chúa chảy qua thung lũng và đổ ra đập Thạch Bàn và sau đó kết nối với sông Thu Bồn. Xung quanh núi Chúa còn có các hồ nước như Hồ Thôn 5 nằm về phía Đông Nam, hồ Vĩnh Trinh về phía Đông Bắc. Núi Chúa có sườn dốc đứng ở mặt Nam và Đông Nam nhưng hơi thoải về mặt Bắc phía thung lũng Mỹ Sơn. Đỉnh núi khá nhọn và hẹp, hầu như không có mặt bằng ở đỉnh. Cho đến nay, qua nhiều lần khảo sát, vẫn chưa thấy dấu vết của
kiến trúc hay hiện vật nào liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng ở phần đỉnh núi Chúa. Chỉ nhìn thấy dấu vết chiến hào để lại trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Trong nội dung bia ký C72, văn bia sớm nhất tại Mỹ Sơn chép về việc dâng vùng đất có núi và sông làm ranh giới, chia lợi phẩm trên vùng đất đó. Điều này cho thấy cư dân và lợi phẩm từ vùng đất dâng hiến bao gồm cả thung lũng Mỹ Sơn. Từ văn bia cho thấy nhu cầu sinh tồn được nhắc đến trong văn bia Ấn giáo rất rõ. Câu hỏi đặt ra là trước khi xây dựng đền tháp, đã từng có sinh hoạt của con người trong thung lũng Mỹ Sơn. Cố GS Trần Quốc Vượng từng cho rằng thung lũng Mỹ Sơn là nơi lý tưởng để săn bắn thú rừng, tìm nguồn lâm sản và đi liền với những hoạt động này là tín ngưỡng bản địa, các thực hành tín ngưỡng này là cơ sở dễ dàng tiếp nhận Bà la môn giáo để có các hoạt động thực hành tôn giáo sau này tại thung lũng Mỹ Sơn. Nhận định này khó để chứng minh, nhưng gợi lên cho chúng ta hình dung về những hoạt động sinh tồn của con người tại thung lũng Mỹ Sơn trước khi đền tháp Ấn giáo được xây dựng.
Tính biểu tượng của núi Chúa
Dường như trong quan niệm của cư dân Ấn giáo Champa xưa, núi Chúa cũng mang tính biểu tượng như ngọn núi thiêng Meru trong thần thoại Ấn Độ. Trong cảnh quan văn hoá vùng thì núi Chúa cao lớn và kỳ vĩ nhất trong thung lũng Mỹ Sơn. Có hai bia ký sớm nhất trong khu vực nhắc đến ngọn núi này là bia Mỹ Sơn I và bia Chiêm Sơn với tên gọi Mahaparvata/Đại Sơn (maha: to lớn, parvata: núi). Trong cảnh quan văn hoá vùng hạ lưu sông Thu Bồn, núi Chúa là một yếu tố thiêng, như cột mốc văn hoá trong vùng Amaravati (Quảng Nam Đà Nẵng và có thể cả Quảng Ngãi ngày nay). Dường như núi Chúa xưa kia là ngọn núi biểu tượng của tiểu quốc Amaravati thuộc vương quốc Champa. Núi Chúa nổi bật với hình dáng khác lạ và độc đáo. Từ đất liền cho tới biển cả trong phạm vi tiểu vương quốc Amaravati – Champa có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn núi. Xưa kia, tàu thuyền buôn bán trong và ngoài nước đi lại trên biển Đông xem núi Chúa như ngọn hải đăng để định hướng đi lại và là cột mốc để xác định vị trí của thánh địa Mỹ Sơn. Cùng với núi Bửu Châu ở thành Trà Kiệu, Cù Lao Chàm vùng Cửa Đại Hội An là những ngọn núi quan trọng dọc sông Thu Bồn theo trục từ Tây sang Đông tại ba trung tâm quan trọng của một tiểu quốc hình thành dựa vào sông Thu Bồn. Ở đỉnh núi, với đám mây trôi và khói đá dường như lơ lửng ở một thế giới khác, cao hơn và hoàn hảo hơn thế giới mà chúng ta đang sống. Chính đặc điểm cao nhất, ấn tượng nhất trong thung lũng Mỹ Sơn, núi Chúa như một nơi bí ẩn, có sức mạnh phi thường gợi lên tính thiêng liêng mà con người nhỏ bé muốn tôn kính và ngưỡng vọng đến.
Tín ngưỡng của người dân hiện nay
Mặc dù hiện nay chỉ còn số ít người dân địa phương có tập quán sinh kế dựa vào rừng núi nhưng hằng năm vẫn còn nhiều người thực hiện cúng núi vào những ngày đầu năm. Tín ngưỡng cúng núi, cúng thần núi của người dân hiện nay bắt nguồn từ tập tục sinh kế dựa vào rừng núi trước đây. Người dân sống cận núi ở xã Duy Phú vẫn thường có lễ cúng được gọi là cúng Cổ Hàng hay Khai Sơn vào mồng 6 tháng Giêng hằng năm, xem như ngày mở hàng đi núi. Vị trí cúng thường dưới chân núi Chúa, ví dụ như cúng tại Bếp Hòn Đền hay qua khỏi đập Thạch Bàn đến chân núi Chúa là cúng. Lễ cúng là tuỳ nghi, trước đây thường đơn giản, đồ tết trí lại để đem đi cúng như bánh tét, tán đường rạch làm tư, bánh in, bánh tổ... Người dân quan niệm như lễ tạ ơn, nương đâu nát dạ đó, cúng cầu những điều tốt lành, cầu cho chân cứng đá mềm, đi trưa về sớm, mạnh tay khoẻ chân. Người thả trâu vào núi thì cầu cho trâu không bị thất lạc, người cúng bến ở đập gần núi thì cầu bà Thuỷ, ông Sơn sóng lặn gió yên… Người dân thôn Phước Bình, xã Sơn Viên thì thường tụ họp cúng khai truông, có tiệc lớn cúng bài bản ở gần hồ nước Hồ Thôn 5, dưới chân núi Chúa.
Người dân vẫn còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, năm 2020, phỏng vấn Ông Thái Văn Lịch, 90 tuổi, làng Thu Bồn Đông, người giữ sắc phong ban tặng cho Bà Thu Bồn dưới triều Nguyễn cho biết: “Vào đêm 11/2 âm lịch - đêm trước lễ tế Bà Thu Bồn thường có ngọn lửa và bò thần bay từ đỉnh Hòn Đền về Lăng Bà Thu Bồn”. Dù chỉ là truyền thuyết nhưng cũng cho thấy trong ý thức người dân có mối quan hệ giữa nguồn gốc của Bà Thu Bồn, một nữ tướng người Chăm với di tích Mỹ Sơn, đặc biệt là núi Chúa, nơi cư ngụ của thần linh. Hay câu chuyện về vườn Bà ở lưng chừng núi, người dân cũng cho biết xưa kia có một khu vực đất tương đối bằng ở lưng chừng núi Chúa, nơi có nhiều loại cây ăn trái mọc lên, người đi núi thường ghé vườn Bà để nghỉ ngơi và hái trái cây ăn. Vườn Bà là nơi rất mát mẽ. Khi khảo sát, chúng tôi nhận ra ở khu vườn Bà là nơi thuận lợi để chim muôn cư trú do mát mẽ vào mùa hè nhưng ấm vào mùa đông. Có thể chính chim chóc đã mang hạt giống cây cối từ các nơi khác về rồi cây tự mọc, lâu ngày thành vườn có nhiều cây ăn trái. Bên kia núi, người dân ở thôn Trung Yên vẫn còn truyền tai nhau nhiều truyền thuyết liên quan đến núi Chúa. Bà Nguyễn Thị Châu (71 tuổi) ở thôn Trung Yên, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn cho biết: “Người dân cho đến nay vẫn lưu truyền truyền thuyết về ông Cao Biền bay lên đỉnh núi Chúa bằng con diều giấy và đóng ấn trấn yểm vùng đất này để không sinh ra những người tài giỏi hay làm vương tướng”. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhiều lần mặt Đông và Đông Nam của đỉnh núi Chúa. Năm 2014, với sự trợ giúp của ông Lâm Tứ Khoa, người đã sử dụng flycam để khảo sát, chúng tôi đã trèo lên đỉnh núi và từ đó sử dụng flycam để chụp ảnh, khảo sát mặt Đông và Đông Nam của đỉnh núi nơi mà người dân địa phương cho rằng có ấn của Cao Biền thời xưa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thấy có ấn nào được đóng hay khắc trên đỉnh núi Chúa. Nên truyền thuyết này chỉ là đồn đoán và được truyền miệng trong cộng đồng địa phương. Người dân cho rằng khi Cao Biền đến thị sát vùng này thì thấy thế núi hình sông dễ sinh vương tướng và nhân tài nên Cao Biền đã đóng ấn để vùng xung quanh núi Chúa sẽ không sinh vương tướng hay người tài. Với kết quả khảo sát chúng ta có thể khẳng định là không có bất cứ ấn hay chữ nào được đóng trên đỉnh núi Chúa, những vệt mà người dân nhìn thấy chỉ là màu từ đá khi nhìn xa nhầm tưởng là ấn. Những lời đồn đoán này được truyền miệng trong cộng đồng có ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của cộng đồng địa phương. Nên việc giải mã vấn đề này là rất cần thiết.
Từ nhu cầu sinh tồn đến tín ngưỡng tôn giáo, Núi Chúa không chỉ góp phần tạo nên không gian sinh tồn cho cư dân mà còn mang biểu tượng trong tôn giáo thời Champa, được xem như ngọn Meru trong thần thoại Ấn Độ, cột mốc văn hoá, ngọn hải đăng để con người hướng đến. Dù trải qua sự đổi thay dâu bể, nhưng núi Chúa/ Mahaparvata vẫn hiển hiện trong đời sống tinh thần cư dân ngày nay. Cư dân có tập quán sống dựa vào rừng núi giảm dần nhưng tín ngưỡng về núi, thần núi vẫn còn qua cúng Cổ Hàng, cúng Truông của cư dân địa phương vào đầu năm mới. Có những truyền thuyết như một phần phản ánh quá khứ về nền văn hoá Ấn giáo hơn 1000 năm tồn tại qua những câu chuyện từ trong tục thờ Bà Thu Bồn. Nhưng có những truyền thuyết thêu dệt đầy tính tiêu cực mà bài viết này cần giải mã. Núi Chúa/ Mahaparvata vẫn hiện hiện, dù vai trò trong tín ngưỡng tôn giáo thay đổi nhưng nó vẫn luôn là yếu tố gắn liền với đền tháp Mỹ Sơn, yếu tố thiên nhiên góp phần mang lại nguồn sống, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan văn hoá của thung lũng Mỹ Sơn, một vùng đất có vai trò quan trọng bên bờ Nam sông Thu Bồn suốt chiều dài lịch sử.
Nguyễn Văn Thọ
05 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- Tiếp tục khai quật đường dẫn từ tháp cổng K tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (19.02.2024)
- THÁO GỠ NHIỀU LOẠI BẪY TẠI RỪNG CẢNH QUAN DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA MỸ SƠN (17.02.2024)
- “Xuân yêu thương – Tết sum vầy” năm 2024. (07.02.2024)
- Rồng Makara tại thánh địa Mỹ Sơn (05.02.2024)
- Thăm và chúc tết các đơn vị kết nghĩa, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (05.02.2024)
- 30 năm với Thành cổ Trà Kiệu (27.01.2024)