Đối với nhiều du khách, tham quan Mỹ Sơn không những là việc tìm hiểu các kiến trúc công trình, các giá trị văn hóa lịch sử mà còn là việc hòa mình vào không gian xung quanh khu di sản. Ngoài các yếu tố địa văn hóa có quan hệ với di tích thì môi trường Mỹ Sơn ngày càng xanh sạch đã góp phần níu giữ chân du khách. Nhiều năm qua hệ sinh thái Mỹ Sơn ngày càng được chú trọng, ngoài việc bảo vệ tốt diện tích 1.158 ha rừng tự nhiên với nhiều loại động thực vật phong phú thì việc bổ sung nhiều diện tích cây bản địa, tái tạo các thảm thực vật đã góp phần cho cảnh quan khu di sản thêm đa dạng. Theo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn trong các năm qua, đơn vị đã trồng tái tạo nhiều ha cây bản địa như gáo vàng, lim xanh, chò, dỗi… cùng với việc phục hồi rừng tự nhiên, việc đưa vào trồng các loại cây có hoa như sim, hoa ngũ sắc, lộc vừng cũng góp phần thay đổi đáng kể cảnh quan các khu dịch vụ, các lối đi nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các giá trị gốc. Đặc biệt từ năm 2014, khi Ban Quản lý phối hợp với Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện đề tài sinh học “Bảo tồn đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn” thì việc nguyên cứu, xác lập các cứ liệu khoa học về hệ động vật, thực vật Mỹ Sơn được tập hợp thành bộ tài liệu quan trọng giúp cho việc bảo tồn di tích được thực hiện bài bản hơn. Từ các nghiên cứu về địa chất, thủy văn của dòng suối Khe Thẻ, đơn vị đã tiến hành kè sinh học hàng trăm mét của dòng suối bằng vật liệu tự nhiên, khắc phục hiện trạng tác động của dòng chảy ảnh hưởng đến nền móng công trình kiến trúc. Khôi phục, trồng rừng tại đầu nguồn góp phần chống xói mòn đến các khu vực vùng lõi. Bên cạnh đó, các giải pháp như khai thông dòng chảy, gia cố tường móng xung quanh cũng đã hạn chế về lâu dài sự xâm thực của các dòng nước ngầm ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
Đối với các giải pháp về hạn chế tác động của con người lên di tích, đặc biệt là từ hoạt động du lịch cũng được Ban quan tâm đầu tư đáng kể. Hệ thống xe điện hoạt động không gây tiếng ồn, không khí thải theo hướng du lịch hiện đại, có trách nhiệm được du khách đón nhận nhiệt tình. Việc hạn chế không sử dụng chất thải nhựa được đơn vị triển khai cũng là hình thức nâng cao ý thức du khách, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh. Cùng với các biện pháp bảo vệ môi trường, hiện nay Ban Quản lý cũng đã tiến hành việc dịch chuyển nhà biểu diễn ra vị trí khu vực không ảnh hưởng tiếng ồn đến vùng lõi, trả lại không gian yên tỉnh cho di tích. Đây là những giải pháp để bảo tồn vùng cảnh quan tự nhiên góp phần xây dựng thương hiệu du lịch trong lành và màu xanh di sản.
Theo nhiều du khách khi tham quan Mỹ Sơn, thì vào lúc sáng sớm hay chiểu tối họ thường bắt gặp nhiều loại thú, chúng thân thiện với con người. Trong đó có một số loại vốn sống trong rừng sâu như heo rừng, gà gô, trĩ… cùng với các loại chim chóc tập trung về đã góp phần làm cho chuyến du lịch đến với khu di sản thêm phần trải nghiệm thú vị.
Văn Khoa
05 Tháng 11,2019
Chia sẽ mạng xã hội
- Ấn Độ khởi động chương trình năm thứ hai trùng tu Mỹ Sơn (08.02.2018)
- Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản (31.01.2018)
- Hội nghị doanh nghiệp, báo chí thường niên năm 2018 (29.01.2018)
- Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 (15.01.2018)
- Công đoàn Mỹ Sơn nhận cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam (17.01.2018)
- Đoàn Thanh niên Ban Quản lý năm thứ 2 dẫn đầu khối thi đua (11.01.2018)