Sáng 24/9, Hoàng Thái tử Fumihito Akishino cùng Công nương Kawashima Kiko Nhật Bản tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, Bí thư Huyện uỷ Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng đón tiếp Hoàng Thái tử cùng Công nương Kiko tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm bên bờ Nam sông Thu Bồn, về phía Tây huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Khu đền tháp Mỹ Sơn là một trung tâm Hindu giáo quan trọng nhất của vương quốc cổ Champa, có lịch sử xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, văn bia đầu tiên phát hiện tại Thung lũng Mỹ Sơn nhắc đến vị vua Bhadravarman là người cho xây ngôi đền đầu tiên dâng cúng thần Shiva vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4, và sau đó là các triều đại tiếp tục xây dựng cho đến khoảng cuối thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên, những kiến trúc hiện còn có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, theo thống kê từ đầu thế kỷ 20, có hơn 70 công trình kiến trúc được xây dựng thành những nhóm khác nhau, được các học giả Pháp đặt tên các nhóm A, B-C-D, E-F, G, H, K, L,M, N. Với giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO ghi danh Di sản thế giới vào ngày 04 tháng 12 năm 1999 với 02 tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Thánh địa Mỹ Sơn là một ví dụ ngoại lệ về sự trao đổi văn hóa vào xã hội bản địa thích nghi với những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Ấn Giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ.
Tiêu chí (iii): Vương quốc Champa là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa khu vực Đông Nam Á, được minh họa sinh động qua di tích Mỹ Sơn.
Các nhóm đền tháp bị tác động bởi thiên nhiên và chiến tranh nên bị hư hại nghiêm trọng, những gì còn lại tại Mỹ Sơn là những phế tích khảo cổ học, chỉ còn lại một vài kiến trúc còn mang dáng vẻ ban đầu. Nỗ lực bảo tồn di tích Mỹ Sơn cũng như cảnh quang của di sản được tiến hành khi đất nước Việt Nam được hoà bình, nhiều nhóm đền tháp đã được trùng tu và bảo tồn. Bên cạnh nguồn lực trong nước, di sản Mỹ Sơn cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều nước trên thế giới trong công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và trùng tu. Nhật Bản cũng đã hỗ trợ xây dựng Nhà Trưng bày (nay là Bảo tàng Mỹ Sơn) hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2005, Nhà trưng bày Mỹ Sơn được xây dựng bên cạnh suối Khe Thẻ, cách Khu đền tháp 2km là nơi đón khách tham quan, là nơi cung cấp thông tin về di tích Mỹ Sơn cho du khách trước khi vào Khu đền tháp Mỹ Sơn, thông qua các pano minh hoạ và hiện vật về bia ký, điêu khắc, kiến trúc và các mô hình nhằm để khách tham quan có thể tự tìm hiểu về giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn. Nhà trưng bày cùng với khu vực văn phòng góp phần quan trọng vào việc cải tạo cảnh quan khu vực Khe Thẻ. Nhà trưng bày Mỹ Sơn đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục di sản cũng như góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn, và là biểu tượng cụ thể của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Trong mấy thập niên qua, nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản đã và đang rất quan tâm nghiên cứu các nền văn hoá cổ trên mảnh đất Duy Xuyên như Sa Huỳnh, Champa.
Chuyến thăm của Hoàng Thái tử Fumihito Akishino cùng Công nương Kawashima Kiko Nhật Bản đến di sản thế giới Mỹ Sơn thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng như sự quan tâm cụ thể đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn.
Văn Thọ
25 Tháng 9,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- Tập huấn công tác lễ tân khánh tiết phục vụ khách (30.07.2024)
- Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” và “Hành quân xanh” năm 2024 (15.07.2024)
- Hình tượng voi trong tín ngưỡng và điêu khắc tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (12.07.2024)
- 6 tháng đầu năm lượng khách tham quan đến Mỹ Sơn tăng 37,2% (01.07.2024)
- MỸ SƠN CHÍNH THỨC ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH XANH (27.06.2024)
- DI TÍCH MỸ SƠN TRƯỚC NGUY CƠ KHÔNG CÒN NGUỒN GẠCH TRÙNG TU (25.06.2024)