Chiều ngày 08/4/2024, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phía Đông Nam tháp cổng K, Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Chủ trì hội thảo Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND Huyện Duy Xuyên, Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn, PGS TS Ngô Văn Doanh – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Uỷ viên hội đồng di sản văn hoá quốc gia. Tham gia hội thảo có Đại diện Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Quảng Nam, Bà Hoàng Thị Bích Hạnh- Giám đốc Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, TS Lê Đình Phụng – Nguyên Trưởng phòng khảo cổ - Viện khảo cổ, Hoạ sỹ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ và đại diện các cơ quan, phòng chuyên môn của UBND huyện và Ban Quản lý Di sản văn hoá Mỹ Sơn cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
TS Nguyễn Ngọc Quý – Chủ trì khai quật báo cáo sơ bộ về kết quả khai quật. Theo quyết định về việc thăm dò, khai quật khảo cổ của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch số 3567/QĐBVHTTDL ngày 22 tháng 11 năm 2023, cho phép Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò và khai quật khảo cổ phía Đông Nam tháp cổng K, di tích Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam với diện tích 220m2 được thiết kế thành 2 hố liền kề hướng Đông - Tây, mỗi hố có diện tích 100m2. Tọa độ điểm đầu phía bắc hố 15046’3.002”N, 20807’17.005”E. Cạnh bắc khu vực khai quật cách cửa đông tháp K 32,5m, cách tường tường phía đông vị trí trùng tu của tháp K là 4,7m về phía đông.
Trong khu vực khai quật đã làm xuất lộ rõ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía đông tháp K dài 20m, có hướng Đông - Tây lệch về phía Bắc 450. Tổng diện tích con đường đã được làm rõ tính từ chân tháp K (bao gồm đoạn mới được khai quật và đoạn đã được nhóm chuyên gia Ấn Độ làm rõ giai đoạn 2017 - 2018) dài 52,5m. Cấu trúc cắt ngang con đường rộng phủ bì 9m gồm, lòng đường và hai bức tường xếp gạch bo hai bên. Lòng đường rộng 7,9m, bề mặt bằng phẳng, cấu tạo từ cát sỏi và gạch vụn được đầm chặt, có độ dày từ 0,15 - 0,2m. Hai đoạn tường bao dạng tường thấp, được xếp từ các hàng gạch, tường rộng từ 0,5m ở phía chân đến 0,45m ở trên mặt. Do chịu nhiều biến động, tàn phá, chiều cao của tường không đồng nhất, chỗ cao nhất còn lại chừng 0,5m với 8 hàng gạch xếp chồng nối với nhau. Do yếu tố thời gian một số đoạn tường đã bị xô lệch, nghiên đổ nhiều đoạn. Móng tường là lớp sỏi cuội có mặt bằng tương đương với lớp đầm gia cố nền đường và chân tường. Về di vật, do tính chất khu vực khai quật là đường đi nên di vật được phát hiện không nhiều. Sơ bộ phân loại có thể nhận diện được một số loại hình: vật liệu kiến trúc (đá, gạch và ngói), gốm gia dụng (gốm sứ, sành và gốm đất nung) và một số vật dụng bằng kim loại…
Với 220m2 diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực phía Đông tháp K - Mỹ Sơn với nhiệm vụ nghiên cứu làm rõ một đoạn kiến trúc đường dẫn từ tháp K vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn, Đoàn công tác đã thu được kết quả như sau:
Về di tích, trong hố khai quật đã làm xuất lộ rõ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía đông tháp K. Cấu trúc cắt ngang con đường rộng phủ bì 9m gồm, lòng đường và hai bức tường xếp gạch bo hai bên. Con đường dẫn từ phía đông tháp K hướng vào các khu tháp E - F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn. Tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 0,46m. Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong các hố thăm dò, khai quật có thể nhận định bức tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích.
Di vật phát hiện từ đợt công tác không nhiều nhưng qua một số hiện vật gốm men và đất nung có thể thấy chúng nằm trong khoảng niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XII trong trật tự địa tầng ổn định. Những di vật trên tiếp tục củng cố cho nhận định kiến trúc đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K.
Kết quả thăm dò, khai quật đợt này khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Con đường này kéo dài trên một khoảng không gian trên 500m khởi đầu từ tháp K hướng đến khu vực sân trước khu tháp F. Hiện tại, qua kết quả thăm dò, khai quật trong hai năm 2023 - 2024 đã có thể xác định chắc chắn cấu trúc của con đường từ tháp K đến khu suối cạn ở về phía đông - cách tháp K khoảng 150m.
Sau kết quả thăm dò năm 2023, nhóm nghiên cứu đã xác định con đường này có nhiều chức năng: (1) là Thần đạo - đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo; (2) là Con đường Hoàng gia - con đường giành cho các vị vua chúa và Tăng lữ Chămpa đi vào Thánh địa Mỹ Sơn cúng tế các vị thần của họ. Với kết quả nghiên cứu cập nhật trong đợt công tác này, có thể khẳng định đây là con đường thiêng - con đường dẫn Thần linh, Vua chúa và Tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn.
Dấu tích của con đường thiêng hay con đường hành lễ liên quan đến các nghi lễ Ấn Độ giáo đã được các nhà khảo cổ phát hiện ở một số địa điểm có tính chất tương tự khu đền tháp Mỹ Sơn. Năm 2015 tại Gò Tháp Mười (Đồng Tháp) đã phát hiện một đoạn đường lớn chạy dài theo hướng đông tây, đoạn đã xuất lộ 14.8m, rộng 5.0m, có 2 bờ gạch giật cấp kè bên ngoài, bên trong nện nhiều lớp đất khác nhau làm thành nền cứng. Tại Gò Sáu Thuận (An Giang) phát hiện con đường hành lễ rộng 8,85m, với 3 làn đường. Tại khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), những người khai quật năm 2022 - 2023 đã thông tin về việc phát hiện một con đường rộng 8,85m có cấu trúc tương tự con đường phát hiện ở Mỹ Sơn…
Tháp K được các chuyên gia Pháp (EFEO) khai quật và tư liệu hoá từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, có niên đại khoảng thế kỷ 11-12. Qua khảo tả, các học giả Pháp đã nhận diện công trình này như một cái cổng cửa mở theo hướng Đông-Tây và có tường gạch, phù điêu là tượng ba đầu, hai tay, có tượng sư tử, kiến trúc có hai đầu hồi, không tìm thấy văn bia… So sánh ảnh và bản vẽ từ đầu thế kỷ 20, tháp K bị sập phần đỉnh tường trong thời gian quên lãng trong rừng sâu. Tuy nhiên các chuyên gia Pháp chưa nhắc đến con đường từ tháp K vào các khu đền tháp chính. Đến năm 2016 và 2017, các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ và trùng tu khu vực tháp K, quá trình này đã làm lộ rõ hơn 02 tường hai bên đường gần 20m của đường dẫn nằm phía Đông Nam tháp K, tuy nhiên các chuyên gia Ấn Độ không tiếp tục khai quật thêm. Việc tiếp tục khai quật đã khẳng định về con đường dẫn từ tháp cổng K vào khu di tích Mỹ Sơn góp phần nhận diện quy mô và không gian kiến trúc của phức hệ kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn.
Văn Thọ
09 Tháng 4,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- GỐM BÀU TRÚC, SẢN PHẨM LƯU NIỆM ĐÁNG NHỚ TẠI DI SẢN MỸ SƠN (18.09.2023)
- Họp góp ý nhiệm vụ quy hoạch Khu đền tháp Mỹ Sơn (15.09.2023)
- CHI BỘ BẢO TỒN THUYẾT MINH THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ CHUYÊN MÔN “NÉT ĐẶC SẮC CỦA SƯU TẬP MỘ CHUM-VĂN HÓA SA HUỲNH” (14.09.2023)
- BAN QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HOÁ MỸ SƠN ĐÓN ĐOÀN FAMTRIP HÀN QUỐC (06.09.2023)
- Làm việc với chuyên gia Italia về dự án tháp L (31.08.2023)
- Tham gia biểu diễn nghệ thuật tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh (29.08.2023)