Quãng thời gian sau khi Quảng Nam được UNESCO công nhận 2 Di sản văn hóa thế giới (VHTG), ngoài những thành tựu về kinh tế, văn hóa, theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, Quảng Nam đã và đang có một lớp người đi sau đủ sức gánh vác trách nhiệm về bảo tồn, trùng tu di tích và cả phát huy các giá trị di sản...
Công nhân địa phương - những người được đào tạo bài bản thông qua các chương trình hợp tác tại Mỹ Sơn.Ảnh: T.Q |
Nhiều lớp thợ lành nghề
Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam, tiếp tục được kỳ vọng như một trong những nơi chốn đào tạo chuyên nghiệp, bài bản về các kiến thức trùng tu.
Ra đời từ năm 2017, sau gần 3 năm vận hành, số lượng học viên tính cả đào tạo chuyên viên và đội ngũ công nhân trùng tu, số lượng lên đến hơn 40 người. Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập được một trung tâm đào tạo bài bản và chuyên sâu về nghề trùng tu di tích. Đây không chỉ là niềm tự hào của những người làm văn hóa xứ Quảng mà chính là thành tựu có giá trị trong suốt quá trình 20 năm thực hành trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chia sẻ, thế hệ kế cận luôn là vấn đề được Quảng Nam quan tâm, đặc biệt đối với các di sản. Một thế hệ kế cận được đào tạo bài bản, có chuyên môn cũng như trải nghiệm sẽ khiến các di sản không bao giờ phải đặt trong tình thế “nguy cấp” vì thiếu đội ngũ trùng tu hay những dở dang với câu chuyện phát huy lợi thế di sản.
Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích là sự nối dài của những nỗ lực về sự cần kíp phải có một đội ngũ người địa phương cùng chung tay bảo tồn di sản của những chuyên gia Ý. Nữ TS. Patricia Zolese - người trực tiếp tham gia cùng các cộng sự trong suốt quá trình trùng tu nhóm tháp G, cũng là người tâm huyết với câu chuyện đào tạo thế hệ người địa phương đủ năng lực chuyên môn tham gia công tác bảo tồn với các chuyên gia, chia sẻ, mỗi một người dân bản địa chính là một cánh tay cùng góp sức để giữ gìn di tích. Chính vì vậy, nâng cao năng lực bảo tồn và quản lý các di sản khảo cổ của Việt Nam là công việc quan trọng ngang với phục hồi di sản.
Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, chính các dự án hợp tác quốc tế, nhất là Dự án tu bổ nhóm tháp G Mỹ Sơn hợp tác với UNESCO và Tổ chức Lerici Foundation (Ý), từ 2002-2013 và Dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp A, H, K Mỹ Sơn hợp tác với Cơ quan ASI (Ấn Độ) từ năm 2016 đến nay, Mỹ Sơn đã hình thành được đội ngũ công nhân lành nghề gần 70 người, đủ sức thực hiện nhiệm vụ tu bổ các di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm.
Tâm huyết và trách nhiệm
Trong khi đó, tại Hội An, các di tích dù thuộc sở hữu tư nhân hay Nhà nước đều thành lập Tổ Quản lý bao gồm đại diện thôn, khối phố và cộng đồng dân cư địa phương, cùng gắn với chức năng quản lý nhà nước của các địa phương có di tích.
Ông Nguyễn Chí Trung cho biết, Hội An đã thành lập đội ngũ cộng tác viên di sản với số lượng 33 người. Nhờ hoạt động của đội ngũ này, các di tích bị xuống cấp hoặc xâm hại đều được phát hiện và xử lý sớm. Họ chính là cầu nối giữa chính quyền và người dân trong công tác quản lý, bảo tồn di sản. Chưa kể, với việc ra đời nhiều công ty chuyên trùng tu di tích, nhà cổ, đảm bảo một lực lượng trùng tu chuyên nghiệp cho số lượng di tích khá lớn tại đô thị cổ này. Các công ty chuyên ngành trùng tu, bảo tồn được thành lập ngay tại thành phố di sản, với con người cũng chính là công dân di sản. Xã hội hóa công tác trùng tu, bảo tồn di tích, chính là cùng cho phép người dân đồng hành công việc này. Chính ưu thế di sản của Hội An đã tạo điều kiện thuận lợi để quy tụ hàng trăm thợ lành nghề từ các công ty này. Có thợ giàu kinh nghiệm đi ra từ làng mộc Kim Bồng. Cũng có thợ đã học qua ngành xây dựng tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc rồi về lại Hội An. Chính vì là cư dân phố cổ, sinh ra và lớn lên tại nơi này, nên đa số họ, khi làm việc đã đặt mọi tâm huyết, lòng nhiệt thành của mình vào công trình thi công.
Những thế hệ từ thuở Hội An, Mỹ Sơn vừa mới đi những bước đầu tiên trên con đường bảo tồn chuyên nghiệp cũng như tận dụng lợi thế di sản, đã bước qua độ tuổi sôi động nhất của mình. Bây giờ, lại có một lớp người mới, ở đủ mọi ngành nghề, sẽ tiếp nối con đường này. Cùng với câu chuyện về một đội ngũ trùng tu di tích chuyên nghiệp, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật biểu diễn... đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo hướng tích cực.
Nếu trước đây, việc nghiên cứu văn hóa Hội An rất khó để tìm thêm một lớp người cùng góp sức với các nhà nghiên cứu như Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An... thì nay, đã có nhiều người trẻ tâm huyết đi tìm những tầng vỉa văn hóa của đô thị cổ. Nhiều người có năng lực về nghiên cứu Hán Nôm, tiếp cận tư liệu, thư tịch cổ hay có kỹ năng về nghiên cứu di tích... đã góp sức để tiến trình phát triển của Hội An ngày một được nhìn nhận sâu sắc hơn, tạo nền tảng để bảo tồn và xây dựng rất nhiều chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng đất này.
Tương tự, sau một thời gian bỏ ngỏ, nhân lực ở các nhóm ngành như bảo tồn, bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật… đã được quan tâm nhiều hơn. NSND Từ Minh Hiệp - Đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, ở nhóm văn hóa phi vật thể, với lợi thế du lịch tại Hội An, ngoài các nghệ nhân lớn tuổi, lực lượng biểu diễn nghệ thuật tại đô thị cổ này đã tăng lên đáng kể. Đến từ các trường đào tạo chuyên ngành, cho nên năng lực chuyên môn của thế hệ trẻ này rất tốt. Tại Đoàn Ca kịch Quảng Nam, hiện có khá nhiều diễn viên trẻ về đầu quân.
Tiến trình phát triển sau 20 năm được công nhận là Di sản VHTG, vùng đất Quảng Nam nay đã có một diện mạo mới với sự xuất hiện khá quy mô từ các tập đoàn, doanh nghiệp thiên về dịch vụ, du lịch. Và một kỳ vọng mới về sự phát triển bền vững hơn, xuất phát từ nhu cầu của những cơ sở này về một lớp người làm văn hóa, biểu diễn chuyên nghiệp. Đó cũng chính là tín hiệu vui về những kết quả của 20 năm nỗ lực xây dựng, bảo tồn và phát huy di sản.
TRÍ QUÂN
09 Tháng 9,2019
Chia sẽ mạng xã hội
- MỸ SƠN TRONG XU THẾ “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN NỀN TẢNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG MINH” (05.10.2023)
- Chương trình “Trái Tim Nhân Ái III” - Bệnh Viện Đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam (04.10.2023)
- NHỮNG TÁI PHÁT HIỆN VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN THÁP A13 - MỸ SƠN (03.10.2023)
- ĐẶC SẮC CHƯƠNG TRÌNH “VUI HỘI TRĂNG RẰM” NĂM 2023 DÀNH CHO CON EM CBVC – NCL BQL DSVH MỸ SƠN (28.09.2023)
- Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn (25.09.2023)
- MỸ SƠN CHÚ TRỌNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG (22.09.2023)