Trên mảnh đất hình chữ S giàu truyền thống, tinh thần dân tộc của 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc là một màu sắc tô vẽ màu sắc cho đất nước Việt Nam tươi đẹp. Cộng đồng dân tộc người Chăm cũng làm nên những sắc màu nghệ thuật riêng biệt ấy với những phong tục tập quán, lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.
Katê là một trong những lễ hội quan trọng và mang đậm tính dân gian lớn nhất của người Chăm hiện nay. Quá trình bản địa hóa các yếu tố văn hóa tôn giáo, hình thành nên hệ thống lễ hội, trong đó có Lễ hội Katê mang đậm tính dân gian. Katê là lễ cúng để tưởng nhớ thần Cha (Ngap padhi phuel bilan Katê sak ka yang po yang Amâ), còn Cambun là Lễ cúng tưởng nhớ thần Mẹ. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm), Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở đền,tháp.
Lễ hội Katê được diễn ra trong một không gian rộng lớn và thời gian kéo dài. Ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chăm được gọi là ngày lễ chính tại đền/tháp. Còn Lễ hội Katê kéo dài cả tháng, nên mới có câu “bilan Katê” (tháng Katê). Đến với Lễ hội Katê du khách sẽ được hòa vào đoàn người rước Y trang (của Thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nư gar, Vua Pô Klông Garai, Vua Pô Rômê) do người Raglai gìn giữ. Các lễ chính trong ngày lên tháp (1/7 lịch Chăm) gồm có: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng và mặc y phục) và cuối cùng là đại lễ (lễ chính). Sau Katê đền/tháp là Katê làng. Các làng chọn ra các ngày thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần để tổ chức đồng thời thông báo cho cả làng biết và mang bánh trái đến cúng tại nhà làng. Katê làng nhằm để cúng thần làng và tưởng nhớ những người có công đối với làng. Sau Katê làng là đến Katê gia đình, dòng tộc. Trước tiên nó được tổ chức trong gia đình nhà Cả sư Po Adhia sau đó mới đến các gia đình dòng tộc khác.
Ngày nay, Katê đã trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội”, Katê không chỉ là một nghi lễ hay lễ hội mà nó đã thực sự trở thành ngày Tết đối với đồng bào Chăm nói chung và người Chăm Ahier nói riêng. Katê là lễ hội có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Lễ hội Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm. Nơi ấy chính là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ những giá trị, tinh hoa văn hóa. Do đó lễ hội không những gắn với đền tháp cổ kính - nơi ngưng tụ những gía trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm mà còn đem đến một phần khác của văn hóa như đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với dân, với nước và hát kể về công việc đồng án, mùa màng, sản vật trăm hoa trăm quả trăm nghề. Lễ hội còn xuất trình trước công chúng một nền nghệ thuật ca- múa- nhạc dân gian mang một phong cách riêng biệt, độc đáo.
Lễ hội Katê diễn ra hằng năm đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo. Với nền văn hóa Chăm đặc sắc, đa dạng vẫn đang hiện hữu trong đời sống của người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, các làng nghề truyền thống còn lưu giữ được bản sắc văn hóa mà chỉ tận mắt du khách chứng kiến thì mới cảm nhận hết được giá trị của nó.
Tài liệu tham khảo:
Sắc màu lễ hội kate - Sakaya (NXB - Tri thức 2015)
Trinh Dương
26 Tháng 10,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- Ký kết quy chế phối hợp về công tác bảo vệ rừng với xã Sơn Viên (20.06.2024)
- THÁP CỔNG VÀ CON ĐƯỜNG (17.06.2024)
- GIẢI PHÁP BẢO TỒN HỐ KHAI QUẬT ĐƯỜNG DẪN THÁP K (31.05.2024)
- TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TẠI KHU BẢO VỆ CẢNH QUAN DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA MỸ SƠN (28.05.2024)
- CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI THI ĐUA QUYẾT THẮNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN DUY XUYÊN GIAI ĐOẠN 2019 – 2024 (28.05.2024)
- ĐỔI MỚI SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ, SINH HOẠT CHI BỘ TÌM VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ (20.05.2024)