Bảo tồn, phát huy hệ sinh thái rừng
Hệ sinh thái rừng xung quanh di sản Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) từ lâu được đánh giá cao về giá trị phục vụ nhiều mặt như giảm thiểu tác động thiên tai, duy trì đa dạng sinh học, phát triển lâm nghiệp của địa phương. Việc thiết lập các hoạt động quản lý, phục hồi hệ sinh thái rừng ở đây trong khuôn khổ dự án khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa hóa Mỹ Sơn sẽ giúp hoạt động phối hợp quản lý, phát huy giá trị của chúng trở nên bài bản hơn.
Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Trưởng ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết: “Dự kiến theo chương trình của dự án đơn vị chức năng sẽ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 36ha rừng và trồng bổ sung 15 nghìn cây cảnh quan, cây bản địa trong 5 năm tới”.
Cần biết rằng, chính những mảng rừng xanh cùng kết cấu địa hình độc đáo đã tạo nên thung lũng Mỹ Sơn có cảnh quan thiên nhiên được lý giải theo quan niệm lịch sử, văn hóa, tôn giáo hết sức thú vị. Chẳng hạn như núi Hòn Đền là hình ảnh Lingapavati, thung lũng Mỹ Sơn là đại Yoni, suối Khe Thẻ là vòi Yoni theo quan niệm Hindu giáo. Ngày nay, rừng Mỹ Sơn vừa là mảng xanh bổ sung giá trị cho di tích vừa là hàng rào bảo vệ công trình kiến trúc nơi đây. Điều tích cực là qua thời gian, với sự chung tay gìn giữ của Nhà nước và cộng đồng, khu vực này bảo tồn được hơn 1.100ha rừng tự nhiên với 238 loài thực vật, 37 loài thú đặc trưng bản địa trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn ra đời góp phần mở rộng không gian bảo tồn cho di sản văn hóa thế giới này. Từ đây, di tích Khu đền tháp Mỹ Sơn không còn nằm trong vùng thung lũng với đường kính 2km mà vùng cảnh quan đã kéo dài đến giáp ranh xã Sơn Viên của huyện Nông Sơn.
Đòn bẩy phát triển du lịch
Không chỉ là bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn được thành lập cũng mở ra cơ hội cho di sản văn hóa thế giới này tiếp cận với những không gian mới đầy tiềm năng. Về chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ dự án, nhiều hạng mục phục vụ cải tạo cảnh quan, nâng cấp điểm đến sẽ được ưu tiên để đẩy mạnh hơn nữa du lịch Mỹ Sơn trong tương lai gần. Trong khuôn khổ dự án, bến du thuyền trên đập Thạch Bàn, đập giữ nước tại suối Khe Thẻ sẽ được xây dựng lại. Nhà văn nghệ dân gian Chăm sẽ được di dời ra khỏi nhà đôi, trồng đường hoa hồng và tạo ra không gian sinh hoạt về đêm.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng, vùng đệm của Khu đền tháp Mỹ Sơn có rất nhiều điểm đến mang nét đẹp đặc trưng cả về văn hóa lẫn tự nhiên. Vì vậy nếu mở được không gian du lịch ra sẽ thu hút được nhiều dòng khách hơn và nhất là níu chân khách ở lại lâu hơn thay vì chỉ đến tham quan vùng lõi rồi đi như hiện nay.
Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho hay: “Không gian xung quanh di sản Mỹ Sơn thực sự là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái rất lớn; đồng thời chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử ít nơi nào có được. Nếu khai thác hợp lý, bền vững sẽ nâng tầm Khu đền tháp Mỹ Sơn lên rất nhiều”. Còn ông Nguyễn Thế Đức nhận định, trong tương lai gần nếu làm bài bản thì điểm đến này sẽ phát triển được các loại hình du lịch mới như du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, hình thành các mô hình bảo tồn các loại thú, thảm thực vật quý hiếm hướng đến du lịch xanh.
Nguồn: baoquangnam.vn
10 Tháng 11,2020
Chia sẽ mạng xã hội
- TUYÊN TRUYỀN GIÁ TRỊ KHU BẢO VỆ CẢNH QUAN DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA MỸ SƠN TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ (14.10.2024)
- HOIANA RESORT & GOLF GÓP PHẦN QUẢNG BÁ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (11.10.2024)
- Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Mori Takero thăm Di sản Văn hoá Mỹ Sơn. (11.10.2024)
- Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững (08.10.2024)
- Đưa website bán vé trực tuyến vào hoạt động (08.10.2024)
- ĐA DẠNG NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC DI SẢN TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (04.10.2024)