Trên lãnh thổ Việt Nam, dân tộc Chăm sống rải rác ở các tỉnh như Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang… Văn hóa Chăm chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, cùng với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa như Đại Việt, Sa Huỳnh, Óc Eo, Khơme... Chắt lọc tinh hoa từ những nền văn hóa ấy, văn hóa Chăm tự tạo cho mình một riêng biệt, độc đáo. Nghệ thuật múa Chăm là sự thể hiện nét đặc sắc này.
Múa Chăm là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm. Múa gắn liền với các lễ hội như Rija Nưgar, Katê, Rija Praung... Đó là những dịp mà người Chăm thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với những người có công xây dựng đất nước, hay sự sùng bái một vài vị vua được thần hóa. Đi kèm với múa là những nhạc cụ dân tộc truyền thống như: trống Ginang, trống Baranưng, Ceng (chiêng), kèn Saranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi... Trong các loại nhạc cụ, khí cụ phổ biến hơn cả là bộ ba Ginang, Baranưng và Saranai, trong đó chủ đạo vẫn là Ginang, vì chúng có âm mạnh mẽ, hùng hồn rất phù hợp trong dịp lễ hội, hơn thế nữa còn phản ánh được tính cách của người Chăm.
Với sự quan tâm chăm lo bảo tồn các giá trị truyền thống, việc gìn giữ múa Chăm có một vai trò rất quan trọng vừa có ý nghĩa bảo tồn gìn giữ vừa phát huy các giá trị văn hóa tinh thần phục vụ đời sống hằng ngày và phát triển du lịch. Trong những năm qua, tại Khu di tích Mỹ Sơn múa Chăm là một chương trình biểu diễn hằng ngày không thể thiếu cho du khách thưởng thức khi đến tham quan. Với niềm đam mê của người nghệ sĩ cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ du khách chương trình biểu diễn nghệ thuật đã tái hiện sinh động, phản ánh phần nào nền văn hóa Chăm trong đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong nhiều điệu múa được biểu diễn hằng ngày ở đây, điển hình và ấn tượng nhất là múa Apsara, múa quạt, múa đội nước.
Múa Apsara: theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì đây là điệu múa phục vụ cho các vị thần. Apsara đã hóa thân từ đá thành những vũ điệu uyển chuyển, mượt mà, ca ngợi vẻ đẹp, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp. Các điệu múa được thực hiện chậm rãi, dịu dàng, duyên dáng. Thể hiện chủ yếu qua các động tác tay, mỗi động tác mang một ý nghĩa riêng, Khi cánh tay đặt ngang ngực ý nghĩa là hạnh phúc, khi tay trái hướng ra sau, tay phải nắm lại trước ngực với 3 ngón tay hướng lên, ngón trỏ chạm ngón cái đây là biểu tượng hình ảnh rắn Naga trong văn hóa Chăm.
Múa quạt: đây là một hình thức múa dân gian lâu đời. Dụng cụ chính là chiếc quạt, xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Có thể múa cá nhân trong các ngày lễ hay múa tập thể trong những ngày lễ hội. Diễn viên bước ra trình diễn cái phẩy tay, phất quạt, quất roi hay cái chuyển gót chân, khi nhanh khi chậm, khi khoan thai nhẹ nhàng, khi thì hùng hồn mạnh mẽ theo nhịp của tiếng nhạc. Người xem như bị cuốn hút theo từng động tác của người nghệ sĩ. Rồi cả khán thính giả bị kích động bởi tiếng nhạc, điệu múa mà hô vang... “ahei” (hoan hô) cổ vũ.
Múa đội nước: xuất phát điểm là múa đội Thong hala (cỗ bồng trầu) trong lễ dâng nước thánh trên tháp, sau đó nó được kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt ngày thường, thành loại hình múa này.
Ngoài ra, một trong những tiết mục để lại ấn tượng trong lòng du khách là tiếng kèn Saranai của những nghệ sĩ người Chăm.
Trong thung lũng Mỹ Sơn huyền ảo với những ngôi đền, tiếng kèn cao vút ngân lên như làm sống dậy những bức phù điêu trên những khu tháp, đưa du khách trở về với thánh đô ngàn năm huyền bí.
Tú Trinh
24 Tháng 9,2019
Chia sẽ mạng xã hội
- ĐỔI MỚI SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ, SINH HOẠT CHI BỘ TÌM VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ (20.05.2024)
- TOÀN CẢNH ĐẠI HỘI CHI ĐOÀN BQL DSVH MỸ SƠN LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024-2027 (13.05.2024)
- BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (09.05.2024)
- Bế giảng lớp tiếng Anh trực tuyến (06.05.2024)
- Bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn (02.05.2024)
- Tiếp tục phối hợp tổ chức Chương trình giáo dục di sản trong trường học tại Huyện Duy Xuyên, Quảng Nam (18.04.2024)