Sau chiến tranh, Mỹ Sơn là một di tích khó tiếp cận về mọi phương diện, đây cũng là một di tích đồ sộ, bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất trong tất cả các di tích Chăm còn lại ở Nam Trung Bộ. Đường từ Đà nẵng vào Mỹ Sơn khoảng 70 cây số, hôm nay nghe bình thường nhưng 30 năm trước là một khoảng cách lớn, vượt đường quốc lộ số 1, tuy đường xấu nhưng còn chịu được, đến đoạn rẻ theo đường Tỉnh lộ 610 lên Mỹ Sơn thì khỏi phải nói đến sự vất vả. Vượt được 30 cây số này người xe đều mệt rả rời, nếu đến nơi rồi mà nhận được lệnh phải quay trở về gấp thì thật là trúng một buổi trời hành. 30 cây số đường từ Nam phước lên Mỹ Sơn ngày đó không dài nhưng quá xa.

Vào đến Mỹ Sơn là vào vùng biệt lập, ở đây chỉ có mấy con người nhìn qua nhìn lại rồi nói chuyện với nhau, tối thắp mấy ngọn đèn dầu, người đọc sách, người nói chuyện, cuối cùng là kê mấy cái ghế của cái quán cóc có tên Chim Rừng làm giường mà ngủ. Di tích sau thời gian trùng tu của cố kiến trúc sư Kazik, khu B, C, D đã có được hình hài đền tháp, đường đi đến các khu khác có nhưng còn rất sơ sài và tình trạng di tích ở đó vẫn còn nguyên độ ngỗn ngang của thời chiến tranh, trong khu vực di tích có nhiều phân trâu bò, gia súc của dân chúng nuôi theo tập quán thả rông trong rừng, tối tìm chỗ có hơi người mà ngủ để lại. Mỗi đêm trước khi đi ngủ phải cầm đèn pin đi đuổi trâu bò, sáng sớm mỗi người một cái xẻng chia nhau đi dọn dẹp trước khi khách đến. Mỗi ngày ở Mỹ Sơn thời kì đầu chỉ có vài chục khách tham quan, họ toàn là khách đến từ châu Âu, buổi sáng xe chở họ từ Hội An hay Đà nẵng đi Mỹ Sơn, khách phải mang theo thức ăn trưa vì không thể trở về trong buổi sáng, tham quan xong họ mượn bất kỳ nơi nào đó có chỗ ngồi, bàn ghế để ăn trưa, họ mua nước của quán và những phần ăn khách không dùng tới là quà khách để lại, mọi người lại có một buổi cải thiện sau nhiều buổi ăn uống kham khổ. Dòng khách này thật sự có lòng với Mỹ Sơn, họ hiểu di tích rất nhiều trước khi đi nên trao đổi với họ cũng là cách nâng cao hiểu biết.
Những bài học đầu tiên
Nhiệm vụ của giai đoạn đầu dành cho những người nhận công việc ở Mỹ Sơn bây giờ nhìn lại giống như người đi khởi nghiệp: Bảo Vệ và Khai Thác dịch vụ du lịch với qui mô của một cái Ban.
Bảo vệ một di tích hoàn toàn không giống với bảo vệ một cơ quan, lại là di tích của một nền văn hoá đã đi qua, di tích nằm giữa rừng mà rừng lại gắn liền với đời sống nhân dân, di tích ở ngoài trời chịu tác động của thời tiết, khí hậu nên ngoài tác động của con người, tác động của tự nhiên cũng là rất lớn.

Tất cả đều vượt khỏi khả năng của Ban, làm thay đổi tập quán chăn thả gia súc của dân quanh vùng di tích là điều không phải làm là được ngay, rất nhiều cuộc họp của Huyện với các ban ngành liên quan và địa phương kéo dài trong cả năm, nhiều biện pháp đưa ra gồm cả vận động và xử phạt nhưng kết quả vẫn không cao. Đến năm 2000 gia súc của dân vẫn còn ở trong rừng. Rừng không chỉ là nơi chăn thả gia súc mà còn là nơi săn bắt động vật hoang dã, nơi những người dân nghèo không có công ăn chuyện làm chặt củi để bán, sợ nhất là việc đi tìm sắt vụn cùng những thứ còn sót lại sau chiến tranh, cứ mỗi lần nghe tiếng nỗ trong rừng là có người được khiêng ra, nguôi ngoai vài bữa lại đi vào rừng trở lại. Bảo vệ di tích ngay từ ngày đầu đụng phải vấn đề lớn; cuộc mưu sinh lam lũ, nhọc nhằn và nguy hiểm của người dân sống quanh vùng di tích. Không thể bảo người dân cùng bảo vệ di tích với mình khi cuộc sống của họ còn quá khó khăn và nguồn lợi từ di tích mang lại họ không được san sẻ. Cố gắng tạo ra được nguồn lợi từ di tích rồi chia sẻ nó với người dân trước khi nói tới các giá trị cao xa. Đây là điều nhận ra sau mấy năm đầu vật lộn với những khó khăn đến từ cuộc sống của những người xung quanh và ngay cả với những người trong ban quản lý.
Ngăn chặn tác động vào di tích từ nguyên nhân con người có sự hỗ trợ tuyệt đối của các cấp chính quyền và các cơ quan đoàn thể trong một thời gian dài mới có được sự ổn định còn sự tác động từ tự nhiên vào di tích là bài toán đòi hỏi những con người trong ban tự thân giải quyết. Đầu tiên là vấn đề cây cỏ mọc trên thân đền tháp, di tích nằm trong thung lũng độ ẩm cao nên cây cỏ dễ phát triển. Không có tài liệu bảo quản di tích ngoài trời nào nói đến vấn đề xử lý cây cỏ cả còn ý kiến cá nhân mỗi người nói mỗi hướng. Khi chưa kịp xử lý có người đến nói sao lại để cỏ mọc như khu rừng trên di tích nhưng khi đã dọn sạch sẽ có người vác máy ảnh đến trách di tích không còn ngọn cỏ mất tính rêu phong cổ kính. Lắng nghe nhưng không biết nghe ai, chẳng ai nói cho một câu nhổ cỏ trên thân di tích cách nào ít tổn hại nhất. Đúng là sự sáng tạo sinh ra trong quá trình lao động, sau vài buổi làm một cách vô thức người nhổ cỏ bắt đầu phân biệt tường nguyên gốc có vài điểm hư hại nên cỏ mọc vào và các phần chân công trình do kiến trúc sư Kazik xếp vào. Phân biệt được tính chất các bức tường từ đó có cách thức nhổ cỏ khác nhau, sự tổn hại di tích giảm đi nhiều. Phải làm vệ sinh di tích nhất là di tích đền thờ, chắc chắn ngày xưa không người nào dám để cỏ mọc trên đền thờ Thần, Phật của mình cả, vì sự mặc định rêu phong cổ kính mà để di tích trông tàn tạ là mang tội với quá khứ, di tích sạch sẽ khang trang mới nói lên sự tôn trọng người xưa. Lam lũ với di tích lại nhận ra một điều ở đâu rêu phong cổ kính không biết chứ ở Mỹ Sơn mảng tường nào đỏ đẹp tinh tươm mới là mảng tường cổ kính, một sự mặc định cần bỏ lại ngoài thung lũng.

Cây cỏ trên di tích là một bài học dài, nhiều nhóm khoa học, nhiều giải pháp thử nghiệm được đưa ra đều chưa có kết quả nên việc nhổ cỏ thủ công vẫn cần tiếp tục với sự cẩn trọng mỗi ngày một cao hơn vì người ở Mỹ Sơn bây giờ hiểu biết hơn và trang thiết bị tốt, nhiều hơn những năm trước.
Từ chuyện cỏ cây đến chuyện rừng, rừng ở đây mỏng, cây gỗ quý cuối cùng được dân khai thác về làm nhà là cây Trầm thị ngoài ra không nghe nói đến các loại cây khác. Đến những năm 1990 trở về sau không còn nghe nói đến gỗ ở Mỹ Sơn nữa, rừng bị tàn phá bởi chiến tranh, sau đó là nhu cầu dựng nhà của nhân dân nên đến lúc cần bảo vệ thì cũng chẳng còn gì. Nhiều chương trình trồng lại rừng của các tổ chức được thực hiện nhưng kết quả không cao có lẽ do thả lỏng quản lý, sau này các chương trình trồng rừng của Ban quản lý hiệu quả cao hơn. Trồng rừng và chống cháy rừng là công việc hàng năm phải làm để bảo vệ di tích. Bảo vệ di tích phải bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh di tích nhất là các di tích văn hoá tôn giáo. Học được vấn đề này nhiệm vụ của ban càng nặng nề và phức tạp hơn, phải bảo vệ được rừng để bảo vệ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu dân sinh bên ngoài đồng thời đảm bảo nước cho dòng suối thiêng, một yêu cầu không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng của Mỹ Sơn ngàn năm trước.

Công việc trồng rừng, cải tạo cảnh quan quanh khu di tích còn nảy sinh ra ý tưởng để cho cây cối phát triển tự nhiên tạo rừng nguyên sinh, không phát dọn gì cả để cho cây cỏ tự mọc và tự diệt, hệ quả của ý tưởng này là cây cỏ mọc um tùm và rắn bò vào tận giường ngủ của con người. Để có được rừng nguyên sinh tự nhiên cần nhiều trăm năm, con người không đủ thời gian, tại sao không hỗ trợ để rừng phục hồi nhanh hơn? Không gian gần quanh khu di tích tại sao không dọn dẹp các cây bụi, để lại các cây có khả năng phát triển lớn nhanh hơn, sự dọn dẹp rộng ra làm cho không gian, tầm nhìn trở nên thoáng hơn, không khí đỡ ngột ngạt khi có đông người tập trung trên một vị trí. Sự dọn dẹp gọn gàng còn nói lên nơi đây có người đang sống, di tích đang được chăm sóc và bảo vệ.
Những quan điểm, những cách thức tiến hành khác nhau trên cùng một đối tượng công việc luôn xảy ra có thể làm cho công việc tiến hành chậm lại một thời gian nhưng bù lại công việc được tiến hành cẩn trọng, hiệu quả hơn. Rừng trong thung lũng Mỹ Sơn bây giờ xanh hơn 30 năm trước rất nhiều, ngoài công sức của nhân viên ban quản lý còn có sự đóng góp rất lớn của dân địa phương, những người đi đốn củi, đi đào sắt vụn ngày trước. Không gian xung quanh di tích hôm nay đẹp hơn cách đây 30 năm, có thể ai đó cho rằng màu mè quá không giống chổ tu hành ngày xưa nhưng tự hỏi làm sao biết được những người ngày xưa không dọn dẹp, không trồng hoa, nên nhớ Mỹ Sơn là sản phẩm của những nhà mỹ thuật bậc thầy mà đến bây giờ chúng ta còn thán phục, người ta đã dát vàng lên tượng cho đẹp thì không có lý do gì lại để xung quanh đền thờ nhếch nhác. Rất nhiều ý kiến, trăn trở về cảnh quan mới có được hôm nay nhưng ngày mai chắc chắn sẽ có sự khác biệt vì thế nào cũng những bài học mới. Bài học về cảnh quan cũng là một bài học dài khi người ta hiểu rõ hơn về tinh thần Hindu giáo Chăm pa một ngàn năm trước.
Tài sản khởi nghiệp của ngành dịch vụ du lịch ở Mỹ Sơn thời kỳ đầu là những chiếc thùng xốp đựng các lon nước, vài lon bia và các chai nước khoáng lớn nhỏ, mỗi buổi sáng các quán đều chờ một chị tên Huệ, đi xe đạp chở không biết bao nhiêu cây đá từ Kiểm lâm lên, rất khéo đến quán Chim rừng, điểm cuối cùng là hết đá. Chị bán bao nhiêu trả bấy nhiêu không nói mắc hay rẻ, đường từ dưới đó mà chị chở lên đến đây, đá chưa tan hết là quá phục rồi. Không có gì cả ngoài nước ướp lạnh phục vụ du khách lở độ đường. Khai thác dịch vụ du lịch những ngày đầu là như thế, xuất phát từ điểm hoang dã nhất của kinh tế du lịch, trong hoàn cảnh tối thiểu nhất của phương tiện cố gắng làm vừa lòng khách ở mức tối đa. Ở đây bắt đầu có cảm giác vui khi có được tiền tip của du khách, hiểu được rằng trong du lịch sự tận tâm phục vụ luôn được trả công. Lợi ích kinh tế mà dịch vụ du lịch mang tới trong giai đoạn này là chiều có tiền đi chợ, tối có bửa cơm rôm rả. Thật cụ thể và gần gũi.
Xuất phát điểm của Mỹ Sơn và các địa phương lân cận về kinh tế là rất thấp nên không thể có được sự phát triển mạnh, nhanh về hệ thống dịch vụ mà tiến hành từng bước theo đà phát triển của kinh tế địa phương. Rất nhiều ý kiến thậm chí phê phán ở Mỹ Sơn không có cái này, cái khác để phục vụ du lịch, nghe nhưng không thể làm theo, người ta nhận xét trong điều kiện của họ, người ở Mỹ Sơn biết mình có gì và không có gì, cố gắng ngày càng làm tốt hệ thống dịch vụ trong phạm vi trách nhiệm của mình rồi từng bước chia sẻ lợi ích kinh tế từ dịch vụ du lịch mang lại cho người dân quanh vùng.
Hệ thống dịch vụ phục vụ du khách ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng, chỉ số hài lòng của du khách ngày càng tăng, qua đó tạo cơ hội công ăn việc làm cho người địa phương ngày một nhiều, họ tham gia vào rất nhiều vị trí công việc, di tích ngày càng gần giũ với người dân, người dân dần có kiến thức về di tích, hiểu đi tích và tự hào về nó. Chia sẽ công việc làm, tạo thu nhập không chỉ trong hệ thống dịch vụ mà còn cả trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn di tích. Thành quả của Mỹ Sơn hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng dân cư xung quanh di tích. Có thể có ai đó nói Mỹ Sơn tiến chậm, xin hiểu cho nơi đây có một xuất phát điểm vô cùng thấp- Di tích ngổn ngang, núi rừng đầy bom mìn, dân cư mưu sinh trên sự đánh đổi mạng sống của mình- Khởi đầu bằng con số âm để có hôm nay qua các bài học mở đầu: Bảo vệ và khai thác dịch vụ du lịch.
Những bài học về văn hoá cổ
Văn hoá Việt nam chịu ảnh hưởng của hai nền văn hoá lớn Ấn độ và Trung hoa, Mỹ Sơn là nơi thờ cúng thần linh của các vương triều thuộc vương quốc Chăm pa chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn độ, sách vở nghiên cứu về văn hoá Chăm pa cổ đều do các nhà nghiên cứu Pháp biên soạn, sách in bằng tiếng Việt trước năm 1990 về văn hoá và di tích Chăm pa cổ đều có nguồn từ các công trình nghiên cứu này. Sách về Mỹ Sơn cũng không ngoại lệ. Phải hiểu di tích trước khi nói yêu nó, trong hoàn cảnh của Mỹ Sơn yêu mà không hiểu rất dễ làm tổn hại di tích (cả về mặt kỹ thuật). Hiểu các giá trị văn hoá của di tích để phát huy nó, biết là như vậy nhưng đọc như lạc vào nền văn hoá mới. Văn hoá Ấn độ đối với người Việt tưởng như gần nhưng rất lạ, đạo Phật mà đa số người Việt đang theo có nguồn gốc từ Ấn độ nhưng là đạo Phật được mang xuống từ Trung hoa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Trung hoa. Việc giảng giải các hình tượng tâm linh của Mỹ Sơn bằng ngôn ngữ và tư duy mang ảnh hưởng triết học Trung hoa làm người nghe dễ chấp nhận nhận vì cảm thấy gần gũi nhưng sâu xa có một cái gì đó đôi lúc thấy mơ mơ màng màng, có thể diễn giải như thế là hẹp quá hay như thế là rộng quá, văn hoá Trung hoa là nền văn hoá lớn của nhân loại, văn hoá Ấn độ cũng là nền văn hoá như thế. Sự diễn giãi chủ quan có làm sai lệch văn hoá của người tạo ra nó?
Ban đầu đọc sách của các nhà nghiên cứu trong nước, tìm cách phân biệt kiến trúc đền tháp qua các phong cách nhưng than ôi đền tháp ở Mỹ Sơn có cái nào còn nguyên trạng đâu, phải chấp nhận nhìn qua hoa văn và nói theo sách đã nói, hình dáng của ngôi đền được nói theo cảm nhận của từng nhà nghiên cứu khi đọc thần thoại Ấn độ, tiếp nhận cảm nhận này rồi trình bày với du khách cũng tạo hiệu ứng tốt và đỉnh những ngôi đền là nơi trú ngụ của thần linh càng ngày càng nhận thấy đây là sự thật. Không có người nào nói tại sao ngôi đền là công trình cao to nhất trên đường hành lễ nhưng bên trong lại hẹp và tối, chắc vấn đề này quá đơn giản nên không cần phải nói nhưng những người học vở lòng ở Mỹ Sơn thì không dễ tí nào, quan sát các ngôi đền Hindu của các dân tộc khác cũng như vậy. Không có sách nào liên quan tới di tích Chăm nói cả nên phải đi tìm các sách khác về tôn giáo, về Hindu để đọc, cuối cùng cũng có được một câu: Ba ngàn năm trước loài người cho rằng thần ở trong hang- Đọc xong phải đi kiểm chứng thì thấy Chúa sinh trong hang Bê lê hem, Việt nam tuy muộn nhưng cũng có nhiều chùa hang, khắp nơi người ta đã đục núi làm đền, chùa từ mấy ngàn năm trước, thần thoại Ấn độ cũng cho thấy thần ở trong hang. Hindu là tôn giáo thuộc hàng tối cổ nên ngôi đền như một cái hang là đúng, về sau còn biết nhiều ngôi đền Hindu Chăm pa người ta còn băm gạch cho giống cái hang nữa. Thấm cho hết tinh thần này tốn không ít thời gian.
Bây giờ các nhà trùng tu không nói về kỹ thuật gạch nữa, không biết có còn ai lặng lẽ nghiên cứu nữa không chứ hai, ba mươi năm trước gạch để trùng tu di tích là vấn đề nóng trong nghiên cứu- Gạch và lỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm là đề tài được nói và được viết rất nhiều- Các chuyên gia Italy chế tác được loại gạch tương thích với gạch Chăm, hôm nay qua nhiều bản sao có còn tương thích không? Gạch và kỹ thuật xây dựng là niềm tự hào của người giới thiệu di tích Chăm một thời. Bây giờ người ta không nói tới nữa nhưng không có nghĩa kỹ thuật hiện đại đã thành công trong chế tác gạch. Đôi khi nhìn các viên gạch cổ rồi nghĩ vẩn vơ: Biết đâu người xưa chế tác rất đơn giản, bây giờ chúng ta phức tạp hoá lên nhiều quá rồi làm không thành công.
Càng đọc, càng đối chiếu nhiều giữa tài liệu và thực tế lại thấy có nhiều khác biệt, chạm khắc trên các bức tường đền tháp không có tính đối xứng, sự bố trí còn sự tuỳ tiện ngây ngô hơn các bản vẽ thể hiện, có nhiều cảm tính hơn là lý tính của kỹ thuật. Không có tài liệu nào nói về vai trò từng thành phần người tham gia xây dựng công trình di tích nhưng những con người ở Mỹ Sơn họ sống, họ quan sát, đọc sách rồi suy nghĩ về di tích của mình, họ nhận ra vai trò của từng thành phần trong quá trình hình thành di tích, họ nhận ra vai trò của người thợ và tính tự do trong khuôn khổ sáng tác của họ, đồng thời họ cũng nhận ra vai trò của trí tuệ và cách quản lý công trường đầy bản lĩnh của người quý tộc kỹ thuật. Cảm nhận được vấn đề này, đúng sai không cần xét tới, người ở di tích nhận thấy sự gần gũi đến mức chạm tới được giữa quá khứ và hiện tại. Họ ngày một yêu di tích hơn dù rằng với một lý do nào đó họ không còn ở Mỹ Sơn nữa.
Nhà nghiên cứu Bình nguyên Lộc cho rằng các nhà nghiên cứu Pháp nghiên cứu về Việt nam đều từ Trung hoa xuống, họ quen lấy Trung hoa làm trung tâm để nghiên cứu các nền văn hoá Đông nam Á nên từ Nam trung bộ trở vào họ có phần sai lệch. Chuyện này đọc để biết chứ không dám nói gì nhưng hiểu và giới thiệu Mỹ Sơn bằng ngôn ngữ, tư duy ít Trung hoa hơn cũng là một thử thách đầy lý thú.
Quảng nam là nơi hai nền văn hoá lớn có một cú va đập mạnh, trong khoảng cách mấy chục cây số ở đây có hai đại biểu rực rỡ mang tầm cở thế giới của hai nền văn hoá đó. Hai nền văn hoá khác nhau chắc chắn sẽ tạo ra hai góc nhìn khác nhau về cùng một sự vật hiện tượng. Nói về tính cách Quảng nam là nói về những gì hình thành trong con người Quảng nam mấy trăm năm trở lại đây, khi mà những con người từ phương Bắc xuống đã hoà hợp với những người bản địa đã có mặt từ trước. Sự trộn lẫn văn hoá vào nhau tạo cho người Quảng nam có cách nhìn ít ra là không một chiều khi gặp phải một sự việc nào đó. Phải chăng nguồn cơn của Quảng nam hay cải là đây?
Đem kiến thức từ Mỹ Sơn tương tác với bên ngoài để hiểu thêm di sản của quá khứ tồn tại trong mỗi con người Quảng nam, tìm cách giới thiệu di sản với mọi người bằng cách nghĩ của người Quảng nam là một thách thức. Muốn nói gì đi nữa thì sự nói về mình bằng ngôn ngữ, tư duy của người khác chắc chắn sẽ không tạo nên hứng thú. Đọc, tham khảo, lắng nghe, suy nghĩ kiểm chứng rồi nói bằng tư duy, lời của mình là một quá trình triền miên, nhọc nhằn nhưng đầy thú vị.
Sống lâu rồi mới thấy, ngày xưa công việc nhiều quá, người và thời gian có hạn, các nhà nghiên cứu không thể làm hoàn chỉnh tất cả các công việc, sự sắp xếp các hiện vật tưởng là để tạm thời nhưng trở thành lâu dài vì không có thời gian chỉnh lại, sách vở không nói những điều như thế nên người đi sau cứ thế mà hiểu, người trước truyền cho người sau cho đến khi có người phát hiện không đúng cần phải chỉnh sữa thì đã thành vết ở trong đầu, nhiều điều sai không do tài liệu ngày xưa mà do sự không chặt chẽ của sách vở tiếng Việt sau này. Hiểu cho đúng Mỹ Sơn chắc còn một quá trình dài của những người chạy tiếp sức trong đó cần sự phối hợp của những người có kiến thức khác nhau về các lĩnh vực liên quan.
Hiện tại và những bài học cho tương lai
Sau ba mươi năm hình thành của buổi ban đầu và hai mươi lăm năm Mỹ Sơn được công nhận là một di sản văn hoá thế giới, tên gọi của những ngày đầu đã thay đổi, nhiệm vụ của ngày hôm nay được nâng cao hơn: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Người của Mỹ Sơn hôm nay đã được tiếp cận các phương pháp bảo tồn mới, có được tư duy hiện đại hơn trong công việc. Việc tham gia nhiều chương trình khảo cổ của các trường phái khoa hoc khác nhau đã làm phong phú thêm tư duy của họ, các xu hướng trùng tu cũng thế. Công nghệ đã được sử dung trong hầu hêt các lĩnh vực. Sự hiểu biết hôm nay tạo ra cảm giác nếu họ có đầy đủ các pháp nhân theo luật định họ có thể tự tiến hành các công việc liên quan đến bảo tồn di tích trong phạm vi di sản của mình. Ba mươi năm tuổi đời so với ngàn năm mênh mông của di tích thật quá ngắn nên chẳng ai dám nói đã hiểu hết những gì quá khứ muốn nói, tất cả chỉ cố gắng từng ngày để có thể hiểu hơn nữa di tích của mình mà thôi hiểu được những mẫu gạch vỡ còn lại trên nền di tích cũng cần một nỗ lực lớn hơn những nỗ lực bình thường. Bài học cho tương lai trên nền di sản còn rất nhiều, mỗi cá nhân tuỳ cái duyên của mình nhận được các bài học riêng trong kho kiến thức mênh mông của di tích. Bài học về bảo tồn di tích vẫn là một bài học dài cho tới tương lai.
Di tích mỗi ngày một đông khách tham quan, nguồn lợi từ du lịch mang đến mỗi ngày một nhiều, cộng đồng dân cư xung quanh đươc chia sẽ lợi ích kinh tế từ du lịch cũng được tăng lên và một điều thú vị là người dân hôm nay không còn thụ động chờ đón các lợi ích được san sẻ, trước tiên là phải nói tới các bài học từ các tổ chức quốc tế về qui trình tổ chức du lịch cộng đồng, những kiến thức căn bản của văn hoá du lịch. Chương trình Homestay không thành công có thể vì nó ra đời chưa đúng thời điểm nhưng đã để lại những bài học lớn về du lịch cộng đồng. Người làm du lịch cộng đồng cần một thủ lĩnh có vai trò như một ông chủ có khả năng điều phối tất cả các công việc, có đủ bản lĩnh để thực hiện các giao dịch bên ngoài. Kinh tế phát triễn, trong cộng đồng ngày nay đã xuất hiện người như thế. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao cho cộng đồng biết mình có cái gì, không có cái gì, thế mạnh của họ nằm ở đâu, cái nào mang yếu tố độc bản tạo nên bản sắc của xóm làng, sự thu hút khách của mình nằm ở đâu. Sâu xa hơn nữa là xóm làng ta đón ai, khách cần gì và nhiều thứ khác không học không làm được. Du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn cần có sự hướng dẫn để tránh các sự sai sót do tính tự phát gây ra sau này khó sửa, tránh sự tốn kém không hợp lý. Cộng đồng làm du lịch cần phải được đào tạo, việc này cần có sự giúp đở của các nhà quản lý du lịch cấp trên vì nó nằm ngoài khả năng của Ban quản lý Mỹ Sơn.
Sau 30 năm Mỹ Sơn và vùng dân cư xung quanh đã phát triển, vùng du lịch địa phương lấy Mỹ Sơn làm hạt nhân đã dần dà hình thành, những bài học mới cũng đã có đề bài, sự bình tĩnh tiếp nhận, không để phát triển hoang dã, không vội vã hiện đại hoá cho bằng Hội An, Đà nẵng có lẽ đây là những điều cần lưu ý đầu tiên. Sự phối hợp giữa Mỹ Sơn với cộng đồng bây giờ không còn là công việc làm cụ thể trong di tích hay các phúc lợi từ hoạt động trong di tích mang lại mà là sự tương tác của hoạt động du lịch trong di tích với hoạt động cộng đồng. Trong tổng thể là chất lượng tham quan di tích, thời lượng và sự hứng thú của du khách khi tham quan, từ yếu tố hứng khởi của du khách đến sự giới thiệu gợi sự tò mò làm cho du khách đến với cộng đồng. Ngày mai, ngày kia khi cộng đồng lớn mạnh, khách sẽ đến với cộng đồng trước khi vào Mỹ Sơn. Ngày mai là chuyện của tương lai, Mỹ Sơn 30 năm mỗi ngày một bài học, hôm nay có bài hôm nay, chuẩn bị đón bài ngày mai, mỗi ngày mỗi khác.
Ba mươi năm ở Mỹ Sơn, thời gian đủ để biến một người trẻ thành già, đủ để cho một con người từ hiện hữu đi vào chuyện kể. Bài học ở Mỹ Sơn còn trùng trùng trong điệu múa của thần Shiva, vòng luân hồi xoay chuyển đến kiếp sau và nếu được làm người chắc sẽ có người quay lại để được học bài học mới. Di tích gọi họ về chứ không phải người đi xin việc.
Lê Xuân Tiến
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- KHẢO SÁT CÁC DI TÍCH VÙNG PHỤ CẬN KHU DI TÍCH MỸ SƠN (24.02.2025)
- Giao thoa văn hoá Chăm – Việt vùng phụ cận di sản Mỹ Sơn (24.02.2025)
- NGÓI LỢP MÁI KIẾN TRÚC VÀ GIẢ THIẾT KỸ THUẬT LỢP MÁI KIẾN TRÚC CHĂMPA (24.02.2025)
- Giáo sư Nhật Bản Mariko Yamagata với Thành cổ Trà Kiệu (24.02.2025)
- DUY XUYÊN - VÙNG ĐẤT THÁNH ĐÔ (24.02.2025)
- Giá trị di sản kiến trúc Đền Dương Bi (24.02.2025)