* Cơ duyên nào đưa ông đến với việc sưu tầm cổ vật?
Ông Lâm Dũ Xênh: Muốn chơi cổ vật phải có đam mê về cổ vật, đam mê văn hóa, chưa kể phải có điều kiện kinh tế và thời gian, bởi cuộc chơi nào cũng tốn kém. Cá nhân tôi nhiều lúc cũng suy nghĩ, đắn đo nhưng khi đã dấn thân vô rồi thì cũng phải liệu cơm gắp mắm, cố gắng đi hết cái đam mê của mình. Đôi lúc mình cũng có trao đổi kinh doanh chút đỉnh, nếu không, khó có thể nối tiếp con đường này lâu dài được. Nhưng tôi khác người khác một chút, tôi mang cổ vật của mình để giao lưu, trao đổi cổ vật với anh em trong nghề, chứ không phải bán đi để lấy tiền.
Tôi sưu tầm rất nhiều hiện vật từ ché cổ, ấm, chén, lọ cổ đến cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn, rồi tiền cổ, gương cổ, lục lạc đồng, kể cả trang sức cổ bằng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… Chưa kể tiền bạc, việc sưu tầm cũng rất công phu, tốn nhiều thời gian học hỏi những người am hiểu, những bạn chuyên nghiên cứu sưu tầm, tính ra cũng mất hàng chục năm trời. Với tôi, niềm đam mê sưu tầm đồ cổ đã ăn vào tận xương tủy mình, như một cơ duyên tiền định, nên không dứt ra được. Mỗi lần tìm được một cổ vật nào đó, bản thân cảm thấy vui sướng vì mình đã kịp lưu giữ lại được một nét văn hóa của tiền nhân để thế hệ hôm nay biết được.
* Ông quan tâm rất nhiều đến gốm cổ?
Ông Lâm Dũ Xênh: Tôi sưu tầm gốm cổ từ hai mấy năm rồi, mục đích ban đầu chỉ muốn bảo tồn và phát huy dòng gốm của địa phương do quê tôi có lò gốm Mỹ Thiện, đây là một dòng gốm cổ được giữ gìn đến ngày hôm nay. Từ khi sinh ra mình đã biết nó rồi, càng lớn tuổi niềm đam mê này cũng lớn hơn, vì đó là văn hóa, là cội nguồn quê hương mình. Với tôi, gốm Mỹ Thiện là sự minh chứng sức sống làng nghề, được nhiều thế hệ bảo tồn suốt 200 năm qua, trong khi những dòng gốm cổ xưa ở miền Trung gần như bị mai một hoặc mới chỉ được phục hồi gần đây như gốm Phước Tích (Huế), gốm Thanh Hà (Hội An), gốm Gò Sành (Bình Định) hay gốm Quảng Đức (Phú Yên)…
Đặc biệt, so với các dòng gốm miền Trung, gốm Mỹ Thiện có những độc đáo riêng như được làm làm bằng tay, nung bằng củi, không chủ động được nhiệt độ nên khi ra lò không cái nào giống cái nào. Men gốm Mỹ Thiện cũng được pha chế tại địa phương nên không bao giờ phai, mất. Trong nhà tôi bên cạnh các dòng gốm thương mại trên biển miền Trung và văn hóa Sa Huỳnh, gốm Đại Việt, gốm đời Đường Trung Quốc... thì tôi cũng dành riêng một gian trưng bày gốm cổ Mỹ Thiện Châu Ổ. Với tôi những gì còn lại đến ngày nay đều rất quý.
* Vậy ông đánh giá gốm Thanh Hà - Hội An thế nào?
Ông Lâm Dũ Xênh: Gốm Thanh Hà cũng nằm trong dòng chảy của gốm miền Trung, dù hiện nay được phát huy nối tiếp rất tốt nhưng phải nhìn nhận rằng, những sản phẩm gốm cổ trước kia gần như đã tuyệt tích. Làng gốm Thanh Hà bây giờ phục vụ du khách tham quan và sản phẩm chủ yếu là gốm gia dụng và trang trí. Tôi nghĩ đây là cách bảo tồn và phát triển làng nghề hiệu quả so với các nơi khác.
* Ông đã tham gia tổ chức rất nhiều cuộc trưng bày giới thiệu cổ vật khắp miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Mục tiêu ông hướng đến là gì?
Ông Lâm Dũ Xênh: Tôi đam mê sưu tầm cổ vật, và tôi cho rằng mỗi hiện vật đều có “linh hồn” và câu chuyện của nó, nhất là với các nền văn hóa đã mất như Sa Huỳnh, Chămpa… Tôi nghĩ văn hóa là của cộng đồng nên phải chia sẻ để mọi người hiểu thêm về văn hóa của địa phương, đất nước mình. Do đó, mình trưng bày hiện vật để công chúng biết và hiểu hơn về một giai đoạn của lịch sử, để cùng tôn vinh nét nghệ thuật tài hoa, những suy tư mà tiền nhân gửi gắm vào đó. Trưng bày cũng chính là cách để cổ vật “sống” và “có hồn” hơn.
Chính vì vậy, mỗi khi tổ chức triển lãm ở đâu tôi đều chăm chút rất kỹ cho các cổ vật của mình. Để tham gia triển lãm tại Mỹ Sơn lần này, tôi đã chuẩn bị cả năm trời, lựa chọn, sắp xếp, mang đến đây những cổ vật giá trị từ văn hóa Sa Huỳnh, các loại đồ gốm, trang sức quý giá… Trong đó, có một số đồ gốm cổ vốn được giao thương qua biển miền Trung và gốm Đại Việt có niên đại vài trăm năm. Tôi muốn giới thiệu chúng để người xem và du khách hiểu thêm về văn hóa của đất nước mình.
* Ông được mệnh danh là “người chuyên đi hiến cổ vật”. Điều gì khiến ông làm vậy?
Ông Lâm Dũ Xênh: Có những hiện vật mình giữ cho riêng mình để thỏa niềm đam mê nhưng cũng có những hiện vật nên tặng cho bảo tàng. Một số bảo tàng của Việt Nam rất thiếu hiện vật vùng miền khác, ví dụ bảo tàng ở miền Bắc thiếu các hiện vật ở miền Nam và ngược lại, nhưng không có điều kiện sưu tầm. Mình là người sưu tập nên cũng mong muốn mang đến chia sẻ cho bảo tàng những hiện vật mình có mà họ cần để giúp phục vụ công tác nghiên cứu và tham quan của công chúng. Tôi cũng chỉ tặng cho các bảo tàng Nhà nước vì ở đây hiện vật mới giữ gìn được lâu dài.
Tôi không nhớ chính xác mình đã tặng bao nhiêu hiện vật cho bảo tàng, nhưng trung bình một bảo tàng tôi tặng ít thì 5 - 10 hiện vật, nhiều thì vài chục hiện vật. Đến nay, tôi đã hiến tặng hiện vật cho khoảng 25 bảo tàng từ bắc tới nam, trong đó có những hiện vật không giá trị về mặt kinh tế nhưng có giá trị về mặt lịch sử vì đó là vật chứng cho một giai đoạn lịch sử.
Tôi nghĩ nên làm những điều có ích cho xã hội, dù điều mình làm được rất nhỏ nhoi. Việc tôi tặng cổ vật cho bảo tàng cũng là một cách bảo tồn, bởi chỉ có trao tặng thì những cổ vật ấy mới được bảo tồn, lưu giữ qua nhiều thế hệ. Mình có duyên được đi khắp nơi, được gặp, được hiểu thêm nhiều vùng miền văn hóa, có những hiện vật mà các bảo tàng, trung tâm văn hóa cần, trong khi mình có thì tại sao không hiến tặng để họ trưng bày giới thiệu đến công chúng những cái hay cái đẹp của quá khứ. Chưa kể, nếu lưu giữ ở nhà thì phạm vi cũng chỉ gói gọn trong gia đình, trong địa phương, còn nếu tặng cho bảo tàng thì hiện vật sẽ được giới thiệu với các em học sinh, với bạn bè ở xa và du khách nước ngoài để họ hiểu thêm về văn hóa, bản sắc của dân tộc Việt Nam.
* Cơ duyên nào giúp ông có được bộ sách Chăm cổ quý giá để hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ Sơn mới đây?
Ông Lâm Dũ Xênh: Thật tình, trong sưu tầm cổ vật, có rất nhiều chuyện giống như cơ duyên trời ban. Trong một chuyến sưu tầm cổ vật ở Bình Thuận, cơ duyên cho tôi gặp được 5 cuốn sách cổ dày khoảng 40 trang của người Chăm xưa viết trên giấy dó. Tuy nội dung chưa dịch hết, nhưng qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu thì mình cũng hiểu cơ bản đó là thư tịch nói về sự cúng tế của người Chăm.
Khi tham quan Bảo tàng Mỹ Sơn, tôi thấy dù trưng bày rất nhiều hiện vật quý, nhưng không có bản thư tịch cổ Chămpa mà tôi may mắn sưu tầm được. Nhân sự kiện Khu đền tháp Mỹ Sơn kỷ niệm 20 năm trở thành di sản văn hóa thế giới, tôi đã mang bộ sách Chăm cổ này tặng cho bảo tàng để phục vụ nghiên cứu và tham quan. Tôi nghĩ điều này cần thiết cho Mỹ Sơn và cũng là chỗ xứng đáng để có thể tiếp tục nghiên cứu sâu hơn bản thư tịch và trưng bày, giới thiệu tập sách, để du khách khi tham quan bảo tàng sẽ hiểu thêm về khu di sản cũng như nền văn hóa Chămpa đã từng hiện diện trên mảnh đất này.
Nguồn: Báo Quảng Nam
27 Tháng 12,2019
Chia sẽ mạng xã hội
- Ấn Độ khởi động chương trình năm thứ hai trùng tu Mỹ Sơn (08.02.2018)
- Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản (31.01.2018)
- Hội nghị doanh nghiệp, báo chí thường niên năm 2018 (29.01.2018)
- Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 (15.01.2018)
- Công đoàn Mỹ Sơn nhận cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam (17.01.2018)
- Đoàn Thanh niên Ban Quản lý năm thứ 2 dẫn đầu khối thi đua (11.01.2018)