Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, người Chăm đã giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn hóa khác nhau và đã để lại nhiều thành tựu nổi bật trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Bên cạnh các công trình kiến trúc gạch mang dấu ấn Hindu giáo và Phật giáo độc đáo dọc miền Trung Việt Nam, người Chăm còn lưu giữ một nền âm nhạc rất độc đáo.
Âm nhạc có giá trị tinh thần to lớn trong đời sống của cộng đồng Chăm, trong đó, nhạc cụ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong nền âm nhạc ấy, đó là sự kết tinh trong quá trình lao động, và sáng tạo của cả cộng đồng tạo nên các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Chăm.
Hệ thống nhạc cụ truyền thống của người Chăm có thể kể đến như Đàn Kanhi, trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai, Hagar (trống nhỏ), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ), lục lạc… Dựa vào các tiêu chí về hình dáng, tính năng âm nhạc, cấu trúc, nguyên tắc âm…mà người Chăm đã phân loại các nhạc cụ thành ba bộ nhạc cụ chính: Bộ gõ bao gồm những nhạc cụ tự thân vang và có màng rung như Trống Ginăng (trống đôi hai mặt), Trống Baranưng (trống một mặt), Trống Hagar xit (trống nhỏ hai mặt, Ceng đap sar (chiêng bằng), Ceng tathuw (chiêng có núm), Grong (lục lạc, Chụm chọe), Bộ hơi gồm kèn Saranai, Axăng (tù và), Waw (sáo), Kadait (tù và sừng trâu). Bộ dây: Đàn Kanhi (làm bằng mai rùa), Đàn Champi, Đàn kaping, Rabap (đàn bầu).
Trong số các loại nhạc cụ trên thì Saranai, Paranưng, Ginăng được cộng đồng Chăm sử dụng xem như bộ ba chủ đạo trong dàn nhạc, tượng trưng cho bản thể con người (đầu, mình và tứ chi) hay là tượng trưng cho trời, đất, con người nên luôn được diễn tấu với nhau, thể hiện sự hòa nhập “thiên, địa, nhân”. Cùng với ba nhạc cụ trên, thì đàn Kanhi, Hagăr, Asăng và Cheng được người Chăm xem như loại nhạc khí thiêng nên trước khi mang ra sử dụng đều phải làm lễ cúng, xin phép thần linh và được diễn tấu trong lễ nghi cúng tế, thỉnh mời và nghênh đón thần linh.
Nhạc cụ truyền thống Chăm có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chăm. Hằng năm, có rất nhiều lễ nghi, lễ hội của cộng đồng Chăm được tổ chức mà nhạc cụ truyền thống được sử dụng hầu hết trong các dịp đặc biệt đó. Người Chăm có hai lễ hội cổ truyền lớn là Lễ Hội Kate’ và lễ hội Ramâwan. Nhạc cụ chủ đạo trong Lễ Hội Kate’ là Đàn Kanyi. Còn Trống Baranưng, Kèn Saranai, trống Ginăng không tham gia vào phần tế lễ mà giữ vai trò giữ nhịp cho các chàng trai, cô gái Chăm hát mừng ngày hội. Nhạc cụ chủ đạo trong lễ Ramâwan trong thánh đường của người Chăm Awal và Chăm Asulam (Chăm Hồi giáo) là trống Hagar praong. Họ dùng trống để khởi lệnh và khi tiếng trống kết thúc, họ bắt đầu lễ đọc kinh. Ngoài ra, người Chăm còn có hệ thống lễ Rija, nhạc cụ chủ đạo trong hệ thống lễ Rija gồm Trống Ginăng, Trống Bara nưng, Kèn Saranai, Đàn Kanyi, chum chọe và lục lạc. Nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong đám tang của Người Chăm gồm cây đàn Kanyi, Kèn Saranai, hagar praong, hagar sit, ceng tathau, ceng ndep và asen.
Đối với nhiều dân tộc thì nhạc cụ truyền thống dành đa số trong sinh hoạt đời thường và ít hơn trong nghi thức tôn giáo. Nhưng với người Chăm thì đa số nhạc cụ truyền thống đều được sử dụng trong nhạc lễ. Chỉ một vài loại nhạc cụ như Trống Baranưng, Kèn Saranai, trống Ginăng, đàn Kanyi ít nhiều có tham gia sinh hoạt cộng đồng và phần hội, tô điểm cho các điệu múa truyền thống Chăm thêm phần đặc sắc và độc đáo, làm cho không khí phần hội thêm náo nhiệt.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của nhạc cụ truyền thống, đồng thời giới thiệu đến công chúng và khách du lịch về nét đặc trưng riêng có của dân tộc Chăm, các đoàn nghệ thuật dân gian và các điểm đến du lịch văn hóa Chăm đã đưa các nhạc cụ lên sân khấu để biểu diễn, hòa tấu và đệm nhạc cho các bài hát, bài múa mang âm hưởng truyền thống.
Trong những năm qua, cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể Khu đền tháp Mỹ Sơn, BQL DSVH Mỹ Sơn cũng không ngừng quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của nền âm nhạc dân gian Chăm nói chung và nhạc cụ truyền thống Chăm nói riêng. Cụ thể là BQL đã xây dựng Phòng văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm và đưa vào hoạt động một cách có hiệu quả. Bằng việc nghiên cứu kỹ các giá trị của âm nhạc Chăm, tham vấn những nghệ nhân Chăm để tái hiện các tiết mục văn nghệ trên sân khấu và trong di tích. Một số tiết mục có thể kể đến như là Múa Đội nước, Múa Trống Hội, Múa Quạt, Hòa tấu Kèn Saranai, Múa Apsara, Múa Shiva, Trích đoạn Qua sông thiêng và các chương trình khác… Đặc biệt là bộ ba nhạc cụ truyền thống Kèn Saranai, Trống Baranưng, trống Ginăng được thể hiện một cách nhuần nhuyễn trên sân khấu do các nghệ sỹ Chăm từ Ninh Thuận biểu diễn. Thông qua hình thức này, vừa có thể giới thiệu, quảng bá âm nhạc dân gian Chăm nói chung và nhạc cụ truyền thống Chăm nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước, vừa góp phần bảo tồn các giá trị đặc sắc của nền âm nhạc dân gian Chăm. Trong thời gian tới, BQL DSVH Mỹ Sơn sẽ tiếp tục lồng ghép vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc Chăm trong đó có nhạc cụ truyền thống, thông qua các chương trình như Đêm Mỹ Sơn Huyền thoại, đưa vào giới thiệu nhạc cụ Chăm tại các buổi giao lưu văn hóa hữu nghị, và lồng ghép vào chương trình tuyên truyền giáo dục giá trị di sản trong học đường, … . Có thể xây dựng thêm phòng trưng bày các nhạc cụ truyền thống Chăm, qua đó vừa lưu giữ vừa giúp cho các thế hệ tương lai hiểu thêm về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nền âm nhạc Chăm nói chung và nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm nói riêng bao đời vẫn được lưu giữ và là một phần không thể thiếu trong di sản âm nhạc của người Chăm. Giá trị văn hóa phi vật thể này cần được tiếp tục nâng niu, gìn giữ và phát huy một cách đúng đắn để không bị mai một mà ngày càng lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Tham khảo:
* Đàng Năng Hòa (chủ biên) (2019). Âm nhạc Dân gian Chăm – Bảo tồn & Phát triển, Nhà xuất bản tri thức, Hà Nội.
* Sử Văn Ngọc, Nhạc cụ truyền thống của người Chăm, link truy cập:
Hoàng Oanh
04 Tháng 5,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- CHƯƠNG TRÌNH “ÂM VANG MỸ SƠN” ĐÓN CHÀO NĂM MỚI TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (02.01.2024)
- Đảng bộ Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 (28.12.2023)
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng trong 6 tháng cuối năm (21.12.2023)
- Mỹ Sơn – Phấn đấu là điểm đến du lịch xanh năm 2024 (11.12.2023)
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CLB CÁC KHU DI SẢN THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM NĂM 2023 TẠI QUẦN ĐẢO CÁT BÀ, HUYỆN CÁT HẢI, TP HẢI PHÒNG. (04.12.2023)
- Quản lý, vận hành kho bảo quản hiện vật chất liệu đá trong môi trường kho mở tại di tích Mỹ Sơn (01.12.2023)