Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh Champa tại Duy Xuyên, Quảng Nam – nơi lưu giữ và trưng bày những bộ sưu tập hiện vật quan trọng bậc nhất của nền văn hoá Sa Huỳnh từ vùng đất phía Nam Sông Thu Bồn.
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên nằm ở thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, gần trung tâm kinh đô Trà Kiệu xưa, trên trục đường ĐT610 nối liền 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn. Nơi đây đang lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập quý giá và độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh và Chăm Pa. Các bộ sưu tập minh chứng cho lịch sử phát triển lâu dài của vùng đất trọng yếu bên dòng sông Thu Bồn của cả hai nền văn hoá đã từng phát triển rực rỡ ở miền Trung Việt Nam ngày nay. Độc đáo nhất có thể kể đến là các bộ sưu tập thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh.
Văn hóa Sa Huỳnh được xác định cách đây khoảng hơn 2500 năm, văn hóa Sa Huỳnh được nhà Khảo cổ người Pháp M.Vi-Ne phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi, một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi di tích khảo cổ đó là kho chum Sa Huỳnh. Sau đó năm 1934, một nhà khảo cổ học người Pháp khác, bà Ma-Đơ-Lanh-Cô-La-Ni đã tiếp tục mở rộng không gian nghiên cứu ra các vùng lân cận và tìm được hàng trăm mộ chum tương tự. Đến năm 1935 bà công bố những phát hiện của mình tại một hội nghị Tiền sử Viễn Đông ở Manila (Philipin) và xác lập tên gọi trong một báo cáo khoa học ở tập san “Những người bạn Huế xưa” năm 1936. Cũng từ đó cái tên Sa Huỳnh và thuật ngữ Văn hóa Sa Huỳnh được xác lập và có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà nghiên cứu.
Ở Duy Xuyên cũng đã phát hiện và khai quật được nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh, tất cả các di tích này đều có niên đại muộn (cận, kề Công Nguyên) chúng phân bố ở cả những bãi cát ven sông và trên các đồi gò. Đặc biệt các địa điểm đã được khai quật và nghiên cứu trên cho thấy, cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên không những chỉ có liên hệ giao lưu văn hóa rộng rãi với các cộng đồng cư dân phía Nam mà họ còn giao lưu văn hóa mạnh mẽ với các cộng đồng cư dân phía Bắc.
Những hiện vật văn hoá Sa Huỳnh ở Duy Xuyên được trưng bày tại Bảo tàng rất phong phú, đa dạng về loại hình và kiểu dáng. Đáng chú ý là những hiện vật được khai quật tại di tích Gò Mã Vôi và Gò Dừa. Gò Mã Vôi thuộc xã Duy Trung huyện Duy Xuyên là một di tích mộ táng rộng lớn (có niên đại cách ngày nay khoảng 2400 năm) có nhiều nét tương đồng với các di tích mộ táng khác thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, thể hiện qua cách mai táng người chết trên cồn cát ven sông, đồ tùy táng gồm nhiều loại: Đồ sắt, đồ đồng, đồ gốm, đồ trang sức bằng mã não , thủy tinh … Trong khi đó, di tích mộ táng Gò Dừa thuộc xã Duy Tân huyện Duy Xuyên (có niên đại cách ngày nay khoảng 2100 năm) nổi bật lên với những nét đặc sắc riêng, tập trung khối lượng lớn đồ đựng bằng đồng. Tại Gò Dừa, lần đầu tiên phát hiện được một quần thể mộ chum kép (trong quan ngoài quách). Xuất hiện loại hình chum mai táng mới - chum hình ống có kích thước lớn, chất liệu gốm rất thô, ngoài có đai trang trí đắp nổi.
Đặc trưng nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức dùng chum bằng gốm lớn làm quan tài mai táng, chôn thẳng đứng. Táng tục khá đa dạng như hỏa táng, hung táng và cải táng. Sự phân bố không đều số lượng và loại hình các đồ tùy táng trong mộ táng cùng niên đại, cho thấy sự phân tầng xã hội nhất định trong cư dân Sa Huỳnh ở Duy Xuyên. Dựa vào chức năng và hình dáng hiện vật, ta có thể chia thành các loại sau:
1/ Nồi: Được làm bằng gốm, đây là hiện vật chôn theo trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh. Trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh, hiện vật gốm thường được đặt ở phía ngoài chum và ở quanh miệng. Nồi là loại hình có số lượng nhiều nhất trong số các đồ gốm, nồi ở đây có nhiều kiểu, dáng khác nhau như: nồi hình cầu, nồi có thân gãy góc, nồi có cổ gãy góc, nồi miệng khum, nồi đáy bằng, nồi miệng loe xiên. Không những thế, hoa văn trang trí trên nồi thể hiện một thị hiếu thẩm mĩ cao với sự bay bổng của nghệ nhân qua từng đường nét khác nhau: hoa văn thừng, hoa văn chải, hoa văn khắc vạch, hoa văn chấm dải, hoa văn in vỏ sò, ấn móng tay ...đặc biệt có nhiều nồi được phủ một lớp thổ hoàng lên cả trong lẫn ngoài và được tô ánh chì ở trong hoặc ở trên vai và miệng. Phải chăng mức sống của người Sa Huỳnh xưa không chỉ dừng lại ở giai đoạn ăn no mà đã tiến đến ăn ngon, không chỉ ăn bằng miệng mà đã biết “ăn bằng mắt”.
2/ Quan tài Gốm (Chum mộ): Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là ta phải nghĩ ngay đến một đặc trưng không thể nhầm lẫn với các nền văn hóa khác, một táng thức làm nên nét riêng có của Văn hóa Sa Huỳnh - Mộ chum. Là loại chum bằng gốm được người Sa Huỳnh xưa dùng làm quan tài để mai táng người chết. Những chum quan tài bằng gốm được chôn thẳng đứng, có nắp đậy hình nón cụt, hình lồng bàn, mâm bồng... thậm chí có thể là đáy của một chum khác được tái tận dụng. Đồ tùy táng thường được đặt bên trong, bên ngoài, dưới đáy hay ngay trên nắp chum, cá biệt một số chum được kè đá dưới đáy chum. Bên cạnh đồ tùy táng, qua khai quật tại di tích mộ táng ở gò Mả Vôi (Duy Trung) ta thấy các vết tích khác tìm thấy trong các chum khá đa dạng. Các mộ chum đều có vết than tro bên trong hoặc bên ngoài mộ, có chum còn có vết than tro ở cả trong và ngoài, một số chum còn có một ít xương người đã mủn nát và một số răng hàm nhưng đã mất phần chân răng (được coi là vết tích cải táng). Có chum chứa than tro (được coi là vết tích hỏa táng xác người). Ở Gò Dừa, mộ chum số 2 vẫn còn xương người. Đây là hiện tượng đơn nhất chưa rõ tính chất và nội dung, nhiều khả năng đây là xương trẻ em gắn với tục hung táng trẻ em trong chum, một tập tục mai táng không chỉ có ở văn hóa Sa Huỳnh. Nhiều mộ còn tìm thấy dấu vết của việc đốt lửa, có thể đây là phong tục sưởi ấm mộ theo cách nghĩ cuộc sống sẽ tiếp tục với người đã ra đi về bên kia thế giới.
Các quan tài gốm có thể chia thành 5 kiểu chính: chum hình trái đào, chum hình trái xoan, chum hình cầu, quan tài là nồi lớn, mộ chum kép (trong quan ngoài quách, mộ chum lồng) chum hình trụ. Sự đa dạng về hình thức và kiểu dáng của các loại chum mộ, một lần nữa cho ta hình dung được phần nào quan niệm về cuộc sống tiếp diễn đối với người chết. Con người sống ở trên đời sinh hoạt ra sao, có sở thích gì thì sẽ được đối xử và phân chia đúng như vậy khi về với thế giới bên kia. Quan niệm này cho đến ngày nay vẫn còn lưu truyền trong các tập tục mai táng người chết.
3. Dọi xe chỉ:
Nếu muốn đi tìm bằng chứng quan trọng về nghề sản xuất vải sợi của người Sa Huỳnh, một nghề truyền thống vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay trên mảnh đất tơ lụa nổi tiếng của miền Trung này.
Dọi xe chỉ có hai kiểu: Loại có hình nón cụt úp vào nhau có lỗ xiên suốt ở giữa, mặt cắt dọc cho ra một hình thoi. Loại có hình nón cụt, mặt cắt dọc cho ra một hình thang cân.
4/ Đồ Sắt: Bộ sưu tập hiện vật đồ sắt văn hóa Sa Huỳnh ở đây tương đối phong phú về chủng loại, kiểu dáng bao gồm cả công cụ sản xuất và vũ khí.
- Công cụ sản xuất có: Rìu, cuốc, thuổng, chàn, dao các loại...
- Vũ khí có: Mũi giáo, kiếm…
Điều đặc biệt là hầu như các hiện vật sắt của văn hóa Sa Huỳnh ở Gò Mả Vôi không thấy có khâu cán, chỉ duy nhất sưu tầm được một rìu sắt có khâu bằng đồng.
5/ Đồ Đồng:
Sưu tập hiện vật đồ đồng văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên có số lượng nhiều nhất được tìm thấy từ trước đến nay tại các di tích văn hóa Sa Huỳnh, gồm các loại: rìu, mũi lao, mũi giáo hình búp đa, mũi giáo hình lá mía...gương đồng (gương đồng có mặt lưng trang trí bằng những vòng tròn đồng tâm. Vành ba trang trí mô típ động vật gồm hai hổ và hai long mã xen kẽ nhau , đối xứng qua tâm và phân cách bằng bốn núm tròn nhỏ (tứ nhũ) chính tâm là một hình tròn nổi (núm cầm)có lỗ xiên dây. Đây là loại gương “Tứ nhũ, tứ linh kỳ thú”
6/ Đồ trang sức:
Cư dân văn hóa Sa Huỳnh là những người có năng khiếu, khéo tay và trình độ thẩm mĩ phát triển, họ rất thích dùng đồ trang sức như vòng, nhẫn, khuyên tai, vật đeo... đa chất liệu như: Đất nung, đá, thủy tinh, mã não, vàng... Nổi bật trong những vật trang sức của người Sa Huỳnh là khuyên tai ba mấu dành cho phụ nữ và khuyên tai hai đầu thú của nam giới. Nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện chất dũng mãnh, kiêu hãnh và cường tráng của nam giới.
Hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên khá phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và nguồn gốc. Nhiều hiện vật cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên đã có nền kinh tế đa ngành từ rất lâu và vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay. Đời sống văn hóa tinh thần phát triển, quan niệm tâm linh sâu sắc, thể hiện qua các hình thức và tập tục mai táng đa dạng (mộ chum, mộ đất, hỏa táng, cải táng ...). Hiện vật là đồ gốm chiếm tỷ lệ rất lớn trong các hiện vật đã được khai quật và sưu tầm. Đồ gốm ở đây không chỉ nhiều về số lượng mà rất phong phú về loại hình. Văn hóa Sa Huỳnh trong thời gian và không gian tồn tại của mình là một nền văn hóa thống nhất với đa sắc thái. Tính đa sắc thái đó được hình thành bởi sự đa dạng về sinh thái, về nhóm tộc người, về địa bàn cư trú, về cách thức giao lưu, về thị hiếu cuộc sống… và kết quả là sự đa dạng về văn hóa. Những phát hiện gần đây về văn hóa Sa Huỳnh ở nhiều khu vực khác nhau, thậm chí ở những địa điểm khác nhau trong một khu vực cho thấy ngoài những đặc trưng chung, luôn luôn có những nét riêng. Chính sự đa dạng văn hóa của giai đoạn này là tiền đề cho sự đa dạng văn hóa giai đoạn Champa.
Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh Champa tại Duy Xuyên, Quảng Nam là một trong những bảo tàng chuyên đề đang sở hữu những bộ sưu tập quý giá, trong đó đáng chú ý nhất là bộ sưu tập từ các di tích khảo cổ học thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh và Champa bên bờ Nam Sông Thu Bồn. Bộ sưu tập mộ chum và những vật dụng tuỳ táng rất đa dạng phong phú cho thấy đời sống tinh thần và vật chất phát triển của cư dân Sa Huỳnh trên mảnh đất Duy Xuyên. Bảo tàng hiện đang miễn phí cho tất cả khách tham quan, mở cửa đón khách từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.
Văn Thọ
16 Tháng 5,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- HOIANA RESORT & GOLF GÓP PHẦN QUẢNG BÁ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (11.10.2024)
- Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Mori Takero thăm Di sản Văn hoá Mỹ Sơn. (11.10.2024)
- Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững (08.10.2024)
- Đưa website bán vé trực tuyến vào hoạt động (08.10.2024)
- ĐA DẠNG NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC DI SẢN TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (04.10.2024)
- SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA CỦA TUỔI TRẺ MỸ SƠN TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG 10/2024 (04.10.2024)