Trong khuôn khổ hợp tác văn hóa giữa hai Nhà nước Việt Nam và chính phủ Ấn Độ trùng tu bảo tồn các nhóm tháp A, H, K (2017-2022). Qua sáu năm phối hợp chặt chẽ, gắn bó giữa nhóm chuyên gia Ấn Độ với nhóm kỹ thuật Ban Quản Lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn và đội ngũ công nhân trùng tu lành nghề tại địa phương các nhóm đền-tháp trên đã hoàn thành mục tiêu ban đầu, đưa vào phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Mỗi một nhóm tháp có những phát hiện mới khác nhau làm phong phú thêm các giá trị tiêu biểu. Trong đó nhóm tháp H trùng tu hai năm 2018-2019 ghi nhận là nhóm có nhiều phát hiện mới, khác biệt nhất.
Tổng quan: Nhóm tháp H bao gồm bốn công trình kiến trúc có niên đại thế kỷ thứ XIII, được tọa lạc trên một ngọn đồi cao, bình độ cao hơn hẳn các nhóm tháp khác trong Khu di tích, nhóm tháp có cửa quay về hướng đông, nhìn bao quát tất cả các nhóm tháp khác (ngoại trừ tháp K, tháp cổng phía ngoài).
"Trong cuốn Inventaire Descriptie des Monuments Cams de L’An Nam,H. Parmentier đã mô tả về tháp này như sau:
"Nhóm H nhân chứng cho một tình trạng suy thoái tiếp tục ở mức cao nó bao gồm (hình 27) một tháp chính quay theo hướng Đông H1; một phòng lớn H2 tiếp theo ngay sau một cánh cửa nhỏ đã hoàn toàn trơ tường H3, rút gọn thô thiển của một tháp lối vào, một vòng tường bao quanh cửa mở cuối cùng một kiểu khám thờ phía nam chiếm góc Đông Nam H4. Như chúng ta thấy phòng dài ở đây không còn ở bên ngoài tường bao của tháp chính. Chỉ có thế các đền trước đó đã bao gồm hai tường bao, mà cái thứ nhất ít quan trọng hơn, không bao giờ được xây dựng bằng gạch, trừ ở nhóm B- C- D chỉ riêng ở nhóm H, nó có được tất cả tầm quan trọng" và bằng những vật liệu chắc chắn hơn đã được dành để xây dựng
Tháp H1, đã hư hỏng rất nhiều, có bổ cục kiểu thông thường nó được dựng trên một nền với các gờ chỉ không có tính chất đặc biệt ở bên phải có các cửa giả. Bố cục của các vách là một tập hợp gồm năm cột có thêm một đáy và một gờ má khác nhau đáy có thể vẫn ở tình trạng đẽo phác, được trang trí các vệt treo theo cùng kiểu ở G; gờ mái theo kiểu gù thánh bát với các mảnh nhấn trang trí. cửa giả có ba thân và có những lá nhĩ Thân sau được cắt bởi hai cột ít nhô; lá nhĩ phía trên đóng một ô trán bằng đá được điêu khắc rất thô ở mức lưng chừng nền cửa vào có thể đã có các trụ vòm. Những trụ này đỡ một ô trán rất đáng chú ý gồm ba mảnh, ở trên gác vẫn còn lại một đầu thon dẹp, nó ở góc Tây Bắc: nó có hai gờ thành bát xếp chồng lên nhau với những mảnh nhấn ở các góc và các vật treo trên các trục.
Phòng lớn tiếp theo tháp này, H2 mở ra ở hai đầu mút dưới một cổng ít nhô. Nó được chiếu sáng ở mặt nam bởi hai cửa sổ có ha đố, chỉ riêng đáy cho thấy một mặt nghiêng, rất đơn giản. Bố cục của tháp vào và của khám thờ phía Nam rất giống nhau. Khám thờ phía Nam, có hai phòng một cửa trung gian và một cửa ngoài, mở ra trong phòng Tây và phía Bắc. Phòng này được chiếu sáng ở phía tường Tây bằng một cửa sổ nhỏ sát mặt đất. Phòng phía Đông có một cửa sổ ba đố, cũng được đặt ở tường phía Nam, điều này ngờ rằng bức tường bao ở đây, mặc dù rộng, nhưng rất thấp. Chúng ta không có một chỉ dẫn nào về vấn đề bức tường phía Đông, đã hoàn toàn sụp đổ. Có thể phỏng đoán rằng phòng dài và công trình này phải được phủ bởi một mái, bởi vì các bức tường của chúng đều rất mảnh. Các bức tường này cũng như các bức tường của tháp được xây theo một kiểu rất hỗn tạp: chúng chỉ là những khối xây bằng gạch đá vụn, đóng giữa hai mặt tường xây gạch có vẻ hơi được trét vữa..."
So với mô tả từ đầu thế kỷ trước, hiện trạng nhóm tháp H bây giờ có nhiều thay đổi, dưới tác động tiêu cực của thời gian và chiến tranh di tích càng biến dạng hư hại. Nhất là dấu ấn từ hai trận bom của Mỹ vào các năm 1969, 1972.
Thập niên 80-90 chuyên gia Ba Lan tham gia cứu vãn tại Khu Di tích Mỹ Sơn, nhóm tháp H chỉ kịp thực hiện don vệ vinh loại trừ thực vật xâm hại, chụp ảnh đo đạc và di chuyển một số hiện vật về trưng bày tại nhóm tháp D, chưa được trùng tu, gia cố gì khác.
Sau hai năm miệt mài làm việc của đội ngũ công nhân dưới sự chỉ dẫn của nhóm chuyên gia Ấn Độ với phương pháp trùng tu khảo cổ học cũng đã đem lại những thành quả nhất định, bốn ngôi tháp và tường bao đã được tái định vị, gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc còn lưu lại. 322 di vật bao gồm các chất liệu chủ yếu là đá, đất nung được bảo quản và trưng bày.
Nhận xét ban đầu: Về kiến trúc bố cục là nhóm tháp duy nhất có sự khác biệt so với tất cả các nhóm tháp khác. Thứ tự H1tháp chính (Kalan) đến tháp H2 nhà tịnh tâm (Mandapa) H3 tháp cổng (Gopura) ngoài cùng, H4 nhà cất giữ lễ vật (Gopura) nằm góc đông-nam tường bao. (bố cục nhóm tháp truyền thống trước đó Kalan => Gopura => Mandapa).
Tháp chính H1 giữa đế tháp và thân tháp được xây viền quanh một lớp đá sa thạch dày 20cm .... vừa điểm xuyến cho phần tường có độ nhấn đẹp vừa làm cho tường bền vững hơn. Cửa giả phía tây được trang trí hình lưỡi mác chồng lên nhau trong lớn ngoài nhỏ. gạch xây có độ nung lớn màu đỏ đậm, kích thước khá dày và dài... mảng tường phía tây còn sót lại các gờ góc vẫn còn sắc ít bị mòn mờ chứng tỏ gạch có độ nung khá cao, phần lõi tường được nhào nện một thứ hỗn hợp gạch vỡ, vôi, đất sét và nhựa thực vật? độ bám dính còn khá chắc khó tách rời. Bề mặt kiến trúc chỉ trang trí những trụ áp tường không chạm khắc hoa văn, phần chân tháp và mái đua thể hiện những đường gờ mỏng xếp chồng lên nhau cùng một kiểu thức như Kalan G1. Bên trong lòng tháp không có đài thờ, mặt nền đã bị xáo trộn lồi lõm, chứng tỏ có sự can thiệp thô bạo của kẻ gian từ những thế kỷ trước.
Tháp H2, H3, H4 bị hư hại nhiều, chỉ còn phần đế tháp không có chạm khắc hoa văn chỉ có các gờ ngang trên chân móng, phần lớn tường nghiêng lệch về trong, sau đó được đánh số vị trí từng viên gạch, chụp ảnh, thực hiện xử lí kỹ thuật các bước tiếp theo và gia cố, tái định vị trở lại.
Về di vật: Số hiện vật tại nhóm này lên đến 322 hiện vật chủ yếu là đá sa thạch bao gồm thành phần kiến trúc, thành phần trang trí và các vật dụng khác, một số hiện vật tiêu biểu:
Ba tấm phủ điêu hình Siva một ngồi trên tòa sen hai tay cầm hai búp sen, cái thứ hai Siva ngồi trên một cái bệ có hình cánh sen, hai tai chắp lại ở ngực, hai chân xếp bằng, có hai người chiêm ngưỡng trong tư thế quỳ gối, tay chắp lại, đầu và lưng hơi khom xuống trông vẻ kính cẩn, cái thứ ba hình tượng Siva đứng có bốn cánh tay cầm những vật (không còn nhìn rõ) do bị gãy sứt và mòn mờ nhiều. Như vậy tháp H1 cửa chính hướng đông đã từng được đặt tấm lá nhĩ lớn có hình Siva múa có tám tay, nay đang trưng bày ở tháp D2, ba mặt còn lại trên các cửa giả là các tấm lá nhỉ nhỏ trên.
Bốn đầu tượng bò thần Nandin (không thấy trong các tài liệu của chuyên gia người Pháp cũng như các nhà nghiên cứu, học giả Chăm Pa sau này đề cập đến). Căn cứ vị trí, độ sâu hiện vật bị vùi lấp trong đống đổ nát, chúng tôi đưa ra nhận định ban đầu: Có lẽ nó đã từng được bài trí ở bốn góc mái dưới của tháp thay thế cho các tai trang trí kiểu thức tai lửa ở các tháp có niên đại sớm hơn. ( riêng nhóm G cũng cũng có trang trí đầu bò Nandin tương tự như vậy nhưng chất liệu là đất nung.)
Nhóm tháp H có lẽ là những tháp có niên đại muộn nhất Mỹ Sơn cuối XIII đầu XIV. Quy mô nhóm công trình nhỏ gọn, tường mỏng. Xu hướng thu hẹp mặt bằng kiến trúc, ngược lại quan tâm phát triển chiều cao kiến trúc hơn, kéo theo sự thay đổi các vòm cuốn cửa, các tấm lá nhỉ không còn cong bặt như tấm lá nhỉ E1 (thế kỷ VIII), hay cong hình bán nguyệt như các tấm lá nhĩ ở nhóm A, B, C, G thế kỷ IX, X, XI, XII... như trước đó mà vút nhọn hình tam giác cân có cạnh đáy ngắn và hai cạnh bên dài. Gần như để thỏa mãn sự vươn cao đó địa hình cũng được chú trọng, chọn mô đất cao, nổi trội, có độ dốc lớn để tạ lạc làm tăng sự uy nghi, tôn kính của ngôi đền.
Với nghệ thuật trang trí khô cứng, không còn những tác phẩm hoa văn sinh động, mềm mại, uyển chuyển trước đó. Tường chỉ để phẳng ngoài các trụ áp tường đứng, những gờ đua ngang, ô vuông trang trí...không có chạm khắc gì thêm. Vật trang trí trên kiến trúc chất liệu bằng sa thạch như các tấm lá nhĩ thì rất mỏng, nét chạm nông và thô như chìm dần về phía sau phiến đá (hình 1). Tất cả như đánh dấu một giai đoạn Vương quốc Chăm Pa trên đà suy thoái, cuốn theo cùng với sự suy thoái này là Quy mô, hình khối kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và cả nghệ thuật chạm khắc hoa văn trang trí...bị mai một rất nhiều.
Lê Minh
Tài liệu tham khảo:
- Inventaire Descriptie des Monuments Cams de L’An Nam,H. Parmentier
Tresors d'art du Vietnam la sculpture du CHAMPA bảo tàng Guimet.
- MỸ SƠN trong lịch sử nghệ thuật Chăm của Trần Kỳ Phương.
- Thánh địa Mỹ Sơn của Ngô Văn Doanh.
- Di tích Chăm ở Quảng Nam của Hồ Xuân Tịnh.
23 Tháng 8,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- ĐOÀN VIÊN CHI ĐOÀN BQL DSVH MỸ SƠN THAM GIA THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU VỀ “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM" NĂM 2019 (28.11.2019)
- CUỘC THI ẢNH “ KHOẢNH KHẮC MỸ SƠN” LẦN THỨ NHẤT NĂM 2019 (26.11.2019)
- Xuất bản sách “Từ nguồn xuống biển- Vết tích văn hóa Champa xứ Quảng” (24.11.2019)
- Khai mạc trưng bày “Tiến trình bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa Mỹ Sơn” (21.11.2019)
- Thông cáo báo chí: TỔ CHỨC CHUỔI SỰ KIỆN KỶ NIỆM 20 NĂM KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI (4/12/1999-4/12/2019) (13.11.2019)
- Phóng viên báo chí Lào tham quan di sản Mỹ Sơn (08.11.2019)