Gắn bó từ những ngày đầu mới thành lập, những nghệ sĩ người Chăm đã mang đến sự khác biệt, độc đáo cho Đội Văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn, góp phần làm nên thương hiệu về sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.
Tiếng kèn saranai giữa thung lũng thần linh
Những du khách nước ngoài nín thở theo tiếng kèn saranai của Thập Arija Dạng để rồi vỡ òa với tràng vỗ tay đầy ngưỡng mộ. Họ thích thú không chỉ ở giai điệu trong veo cao vút của tiếng kèn saranai mà còn ngạc nhiên bởi làn hơi dài đặc biệt của chàng trai trẻ người Chăm.
Quê tỉnh Ninh Thuận, từ nhỏ Thập Arija Dạng đã theo cha –một nghệ sĩ địa phương đi biểu diễn khắp vùng. Âm nhạc dân tộc Chăm dường như ngấm sâu vào máu. Năm 2015, Thập Arija Dạng ra Duy Xuyên tham gia đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn.
Ban đầu, Dạng chủ yếu biểu diễn các tiết mục chung cùng đội như múa hát, đánh trống ghi năng… Hơn một năm nay anh đảm nhận thêm màn độc tấu kèn saranai sau khi người phụ trách tiết mục này chuyển công tác. Để có thể đứng trên sân khấu trình diễn 5 phút, Thập Arija Dạng phải tập luyện vất vả hàng năm trời.
Hai tay dang rộng, đôi chân nhún nhảy trong tiếng trống rộn ra, tiếng kèn saranai réo rắt cao vút… Thập Arija Dạng như hóa thân vào rêu phong đền tháp Mỹ Sơn giữa thung lũng thần linh huyền bí.
Cùng với trống paranưng và trống ghi năng, kèn saranai là nhạc cụ không thể thiếu của người Chăm trong các nghi lễ truyền thống quan trọng. Để có thể sử dụng thành thục kèn saranai, quá trình luyện tập thường kéo dài từ 2-3 năm, thậm chí 5 năm.
Trong đó, khó nhất chính là cách lấy hơi, giữ hơi (vì điệu kèn saranai kéo dài không dứt, hết 1 tiết mục mới dừng lại), tiếp đến là cách luyến và bắt nhịp bài hát. Ngoài ra, phong cách biểu diễn trên sân khấu (thần thái, nhảy múa) cũng quyết định đến sự thành công của màn độc diễn.
Theo Thập Arija Dạng, để thổi được kèn saranai, ngoài năng khiếu, đam mê, người học phải rất kiên trì. Bù lại, quá trình biểu diễn luôn đón nhận được sự cổ vũ, ngưỡng mộ của khán giả.
“Những lúc đó mình có thể hào hứng thổi 5 hoặc 6 phút, bởi cảm giác sung sướng vì tiết mục biểu diễn được khán giả đón nhận. Càng hạnh phúc hơn khi mình đã góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của dân tộc Chăm đến với du khách” - Thập Arija Dạng chia sẻ.
Ở tuổi gần 29, Thập Arija Dạng đã có gần 1/3 thời gian gắn bó với Mỹ Sơn, bởi đây không chỉ là nơi anh được thỏa mãn đam mê âm nhạc mà còn giúp chàng trai trẻ hiện thực khát vọng quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, âm nhạc truyền thống dân gian Chăm.
Đến nay, bên cạnh sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Chăm như trống paranưng, trống ghi năng, kèn saranai, lục lạc, chiêng, mõ, dàn kanhi… Thập Arija Dạng cũng là một biên đạo múa có nghề khi dàn dựng thành công một số chương trình, tiết mục văn nghệ tham gia trình diễn trong và ngoài huyện.
Gắn bó với Mỹ Sơn
Thành lập năm 2002, Đội văn nghệ dân gian Chăm đã trở thành sản phẩm du lịch thương hiệu của Mỹ Sơn. Với khoảng 10 tiết mục hát múa được dàn dựng, mỗi ngày Đội Văn nghệ trình diễn 4 suất, chủ yếu tập trung vào các tiết mục như Vũ điệu Apsara, Điệu múa thần Shiva, độc tấu kèn saranai…
Đây được xem là những tiết mục ấn tượng hấp dẫn người xem và du khách. Đóng góp vào thành công này không thể thiếu các nghệ sĩ Chăm đến từ Ninh Thuận. Lúc cao điểm Đội Văn nghệ có 7 thành viên là người Chăm trình diễn.
Trong số những diễn viên Chăm gắn bó Mỹ Sơn, Thập Hữu Lưu là người lâu nhất, đến nay đã gần 20 năm. Duy Xuyên, Quảng Nam giờ đã trở thành quê hương thứ hai của nghệ sĩ này.
Không chỉ chơi thành thạo các nhạc cụ truyền thống Chăm anh còn là ca sĩ thể hiện thành công những bài hát mang giai điệu dân tộc mình trong những chương trình biểu diễn tại các sự kiện văn hóa địa phương.
Dường như lòng tự hào văn hóa dân tộc khiến anh hát hay hơn những bài hát của dân tộc mình. Hiện tại, vợ con anh từ Ninh Thuận cũng đã ra làm việc tại Mỹ Sơn. Gia đình nhỏ của Thập Hữu Lưu đã yên lòng gắn bó với miền đất mới.
Cùng với những tiết mục trình diễn phục vụ du khách hàng ngày, một số sản phẩm như Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, Trống hội làng Chăm... đều có sự góp mặt của các nghệ sĩ người Chăm, mang đến sự hấp dẫn, tạo lập thương hiệu du lịch Mỹ Sơn vững chắc.
Và, trong hành trình làm nên thương hiệu đó những cái tên như Thập Arija Dạng, Thập Hữu Lưu và trước đó là Trượng Tốn, Thiên Thành Vũ… như mạch nguồn tiếp nối dòng chảy văn hóa Chăm tại Mỹ Sơn, đồng thời giúp các tiết mục văn nghệ trở nên “thật” hơn, ấn tượng hơn.
Có lẽ vậy, hơn 20 năm qua, tiếng kèn saranai, tiếng trống paranưng, trống ghi năng vẫn mãi ngân vang mỗi sáng chiều cùng hòa nhịp vào những điệu múa tiên nữ Apsara níu chân du khách. Để rồi, mỗi khi âm nhạc cất lên cũng là lúc không gian như dừng lại trong ánh mắt đổ dồn, trố nhìn, nghẹt thở theo tiếng kèn saranai tưởng chừng kéo dài bất tận.
Nguồn: Báo Quảng Nam
09 Tháng 5,2023
Chia sẽ mạng xã hội