NHỮNG TÁI PHÁT HIỆN VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN THÁP A13 - MỸ SƠN

NHỮNG TÁI PHÁT HIỆN VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN THÁP A13 - MỸ SƠN

Khu Đền tháp Mỹ Sơn Di tích văn hóa Chăm Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hơn 70 công trình kiến trúc được xây dựng liên tục từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII. Căn cứ về vị trí, địa hình, chức năng, những tương quan, quy mô kiến trúc...người Pháp đã chia thành 13 nhóm đền,tháp lớn nhỏ. Nhóm có quy mô đồ sộ nhất tọa lạc trên một ngọn đồi biệt lập phía đông khu thánh địa được gọi là nhóm A. Tháp A13 được ký hiệu là tháp cuối cùng của nhóm này.

a.Kiến trúc.

Vào những năm 1901, 1902 nhóm chuyên gia Pháp trong khi khai quật Mỹ Sơn đã can thiệp vào công trình kiến trúc A13 như phát lộ, khai quật và gia cố, gia cường một số hạng mục cơ bản.: ''A13 hoàn toàn nằm bên trong tường bao, và chính mặt ngoài của bức tường chạy tới bên phải mặt Đông của nó. Phía bên trong có các phòng vuông hoặc gian hình chữ nhật, phía trên các phòng có các vòm xây nhô ra, vòm khá thấp. Các cửa sổ là những lỗ hẹp và sâu, hơn nữa còn bị cắt bởi một đố cửa sổ và một thanh ngang bằng sắt, nó thu nhỏ cửa sổ thành bốn lỗ có chiều dày bằng đố cửa. Cấu tạo kỳ lạ này có lẽ đã được chấp nhận để giúp công trình bền vững hơn dù nó chỉ thu được rất ít ánh sáng và không khí. Bên trong A13 có một panneau trang trí theo kiểu rất lạ trong nghệ thuật Chàm: nó là một phiến đá dài được chia thành chín phần, mỗi phần đều có một hình tượng đứng; không may thay những hình này đã mòn tới mức ta không thể nhận ra chúng là gì. Phía bên ngoài, trước tiên ta thấy một nền với những vật gắn nặng, tiếp theo một bố cục đáy và gờ đua, theo kiểu ba phần tư đường tròn, những cột lớn thành nhóm, có năm cột, và các khung ở khoảng giữa các cột, các vật gắn bờ mái và những hình Apsara to lớn tạo thành những cột tượng phụ nữ dưới bề mặt lớn của gờ đua,.... Đáy của tháp tiếp nối với hai thân sau, nhưng không có vật gắn. Trái với lệ thường,thân sau có gờ đua thấp hơn so với thân trung gian, nhưng mũ cột này lại quan trọng hơn, ít nhất nó cũng được xây trên cái trước. Mỗi thân đỡ một lá nhĩ độc lập.Cửa chính có thân ba. Thân sau tạo thành tiền sảnh được trang trí một đáy và một gờ đua hơi nhỏ hơn so với gờ đua của tháp, nhưng được xử lý theocùng kiểu. Một dải trang trí gồm các vật gắn chạy quanh mặt lớn của mũ cột.Thân thứ hai hầu như đã hoàn toàn hư hại. Thân thứ ba được tạo thành từ hai cột bát giác vẫn còn chưa được hoàn thành, cột tựa trên một bệ vuông có trang trí các vật gắn ngắn hai cột đỡ một lá nhĩ khá lạ, tương tự như trong hai tháp, nhưng có hình ba con sư tử (?) ngồi hoặc đứng, được bố trí đối xứng nhau.Các góc của các tháp này được xử lý đơn giản. Các đầu thon dần tại các góc theo kiểu vật gắn có bốn mặt. Các bức tường trơn, ở bên dưới một gờ đua tương tự với gờ đua của tháp và cũng được trang trí như thế. Các hốc sáng giả có ba thân, nhỏ dần về phía bên ngoài, và thân trước hoàn toàn là một vật gắn. Nóc đã mất..."(H.Parmentier 1909-1918).

Năm 1969 và1972, hai đợt đánh bom của Mỹ vào thung lũng Mỹ Sơn khiến hàng loạt ngôi tháp bị hư hỏng nặng, trong đó có tháp A13. Giai đoạn thập niên 80-90 của thế kỷ XX, chuyên gia Ba Lan thực hiện cứu vãn di tích Mỹ Sơn nhưng chủ yếu tập trung cho các nhóm B-C-D, tháp A13 chỉ phát lộ và dọn dẹp ở mảng tường phía Bắc (mặt tiếp giáp với đền chính A1); tấm lá nhĩ A13 có điêu khắc hình ba chim thần Garuda được di chuyển về trưng bày trước sân tháp D2. Về điêu khắc trang trí trên tấm lá nhĩ A13, H.Parmentier cho rằng đó là hình 3 con sư tử (nhưng ông không chắc chắn), còn quan điểm của chúng tôi cho rằng sư tử ít đặt để trên cao và trên tháp có nhiều điêu khắc trên gạch cho nên nhấn mạnh tháp đó thờ thần Vishnu thì trang trí trên lá nhĩ là chim thần Garuda là hợp lý hơn.

Năm 2017 - 2022ở Mỹ Sơn thực hiện chương trình hợp tác Văn hóa giữa 02 Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ về Dự án bảo tồn, tôn tạo 03 nhóm tháp A- H - K. tại Khu Đền tháp Mỹ Sơn. Năm 2021, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam  bắt tay vào trùng tu tháp A13, đến cuối năm 2022 công trình đã hoàn thành và đưa vào phục vụ khách tham quan, nghiên cứu từ đầu năm 2023. Hiện trạng trước trùng tu ngôi tháp đã hư hỏng khá nhiều chỉ lộ diện duy nhất một góc Đông Bắc, các mặt còn lại bị vùi trong đống đổ nát. Công việc phát lộ dọn vệ sinh cây cỏ mất rất nhiều ngày, tiếp theo là chụp ảnh đo đạc đánh giá hiện trạng ban đầu. Công viêc được tiến hành từng bước, bên ngoài trước, trong lòng tháp sau; bóc tách từng lớp từ trên xuống dưới; các thành phần kiến trúc được đánh dấu ghi chép cụ thể sắp xếp ở vị trí hợp lý nhằm phục vụ cho công tác tái định vị tiếp theo. Các lớp thành phần kiến trúc xuất lộ theo thứ tự từ trên xuống dưới đầu tiên bắt gặp các khối gạch giật cấp mái, tiếp theo là các khối đá sa thạch hình chữ nhật là thành phần các khung cửa sổ, các lanh-tô, trụ cửa, tác phẩm điêu khắc đá áp bên trong, chân tường phía đông, lớp cuối cùng giữa lòng tháp là tượng thần tư thế ngồi có bảy đầu rắn che chở trên đầu (thần Visnu?), bên cạnh là là Yoni

b. Di vật liên quan đến tháp A13.

- Bức phù điêu áp chân tường phía đông bên trong tháp, được làm bằng chất liệu đá sa thạch, kích thước dài 320cm cao 68cm, khắc tạc bảy nhân vật đều ở tư thế đứng, mỗi nhân vật đứng trong một ô nhỏ tay cầm một vật không rõ, tuy nhiên ở phiến đá thứ ba bức chạm chưa hoàn chỉnh. Nhìn chung, nét chạm trên bức phù điêu đường nét thô nặng, thiếu trau chuốt (hình 2). Đây là kiểu thức duy nhất có tại Mỹ Sơn và cũng hiếm thấy ở các di tích Chămpa khác trên miền Trung, cao nguyên Việt Nam.

- Đài thờ có hai phần, phần trên là một bức tượng thần ngồi trên thân rắn Naga có 5 đầu, phần dưới là một yoni hình bầu dục, hai phần có khớp nối chính xác để trở thành một đài thờ như hình (3). Tượng thần khắc tạc trên đá sa thạch vàng hạt mịn kết cấu yếu nên trên khuôn mặt một số chi tiết như mắt, gờ lông mày, môi bị mòn mờ khá nhiều, tuy nhiên, vẫn toát lên được thần thái hiền từ, tư thế ngồi xấp bằng chân phải chồng trên chân trái, hai tay nạnh ra chống bàn tay vào đùi; thần ngồi trên thân rắn cuộn tròn ba vòng năm đầu vươn cao che chở cho thần. Yoni được khắc tạc trên chất liệu đá sa thạch nâu kết cấu hạt lớn cứng chắc, từ thân yoni có rãnh thoát nước thông qua vòi yoni bằng một lỗ tròn, phần giữa âm xuống và tạo một mộng âm khớp với phần tượng thần phía trên.

Các khối đá hình chữ nhật có các cạnh khá vuông vức phát hiện ở chân tường phía đông và phía nam. Căn cứ ô cửa sổ hướng Bắc còn lại khá hoàn chỉnh và vết tích còn sót lại trên tường vị trí từng khối đá, chúng tôi xác định đây là các khối đá thuộc thành phần của hai ô cửa sổ phía Đông và Tây. Quá trình tái định vị đã sắp xếp các ô cửa chính xác gần như tuyệt đối (hình 4).

Các thanh đá cửa sổ tháp A13

Các trụ đá cửa ở tiền sảnh bị xô lệch rời xa vị trí ban đầu khá xa, nhưng may mắn bốn chân tảng và đà cửa ít bị xê dịch. Dựa vào hướng đổ của trụ và số đo các chốt, mộng cùng với nhiều chi tiết khác, trụ cửa cũng đã được chuyên gia Ấn Độ tái định vị, gia cố trở lại đúng vị trí ban đầu.

Lanh-tô của ngôi tháp A13 có lẽ là trường hợp độc đáo nhất so với các lanh-tô Mỹ Sơn nói riêng và kiến trúc Chămpa miền Trung nói chung. Sự kết hợp giữa lanh-tô với tấm lá nhĩ là một, liền khối với nhau. Chính sự độc lạ này khiến nhóm chuyên gia Ấn Độ và nhóm kỹ thuật Mỹ Sơn tốn khá nhiều thời gian tìm kiếm, đối sánh.Khi  không tìm thấy dù là mảnh vỡ một phần của lanh-tô, nhóm kỹ thuật nhớ tới tấm lá nhĩ trang trí chim thần Garuda đang trưng bày trước tháp D2 (có kích thước dài 246cm, cao 264cm, đế dày 84cm) và thực hiện đo đạc khảo sát, xét thấy phần đế tấm lá nhĩ dày bất thường nên nhận định: Có phải đây là sự kết hợp chức năng lanh-tô, tấm lá nhĩ là một?  Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi cần kiểm tra phía dưới đáy tấm lá nhĩ có hai lỗ mộng vuông âm khớp nối với hai chốt dương đầu trụ cửa A13 hay không? Hiện vật này khá nặng, ước chừng trên hai tấn, nhấc lên là một khó khăn lớn. Chúng tôi đã dùng ba-lan-xích nâng hiện vật lên khỏi mặt đất chừng 50cm, sau khi bóc loại dần phần đất che lấp bề mặt, phát hiện có hai lổ mộng vuông, kích thước lỗ mộng cũng như khoảng cách hai lỗ trùng hợp với hai chốt và khoảng cách hai đầu trụ A13. Sự kết hợp này đánh dấu giai đoạn đạt kỹ thuật chế tác đá cũng như tư duy kiến trúc đạt trình độ cao (hình 5).

c. Những nhận định ban đầu:

Về kiến trúc tháp A13 có bình đồ hình vuông, tường khá dày, mặt tường ngoài không chạm khắc hoa văn, chỉ có trụ áp tường và soi chỉ đứng. Khung cửa sổ có kết cấu các khối đá hình chữ nhật, tạo song dọc và song ngang. Cửa chính trong và ngoài đều thấp, mặt cắt ngang trụ ngoài là hình đa giác, có nhiều đường gờ ngang song song ở hai đầu và giữa trụ. Trên cơ sở đó, chúng ta suy luận ngôi tháp này có niên đại cuối thế kỷ IX (giai đoạn chuyển tiếp từ cuối phong cách Đồng Dương sang phong cách Mỹ Sơn A1, từ các khung cửa sổ thô nặng nề chuyển qua khung cửa sổ con tiện bằng đá trông thanh thoát hơn. Cửa chính từ các trụ to thấp nhiều gờ góc chuyển qua các trụ vuông cao, có điêu khắc hình lá đề cân đối hài hòa với kiến trúc) (P.Stern 1942).

Căn cứ vào các hình tượng điêu khắc trên tường, hình tượng chim thần Garuda ở mặt tường Bắc còn nguyên vẹn, tấm lá nhĩ chất liệu đá sa thạch ở tiền sảnh hình tượng ba chim thần Garuda ở dạng phác thảo (hai con ngồi hai bên, một con đứng ở giữa) và nhiều chi tiết ở tường phía Nam cũng bắt gặp hình ảnh chim thần Garuda. Cùng với pho tượng thờ chính trong lòng tháp hình tượng thần ngồi trên thân rắn cuộn tròn có năm đầu. Tất cả những yếu tố này cho phép chúng tôi nhận định đây là ngôi tháp thờ thần Visnu vị thần bảo tồn, một trong ba vị thần chính của Hindu giáo.

Ngôi tháp A13 là một trong những ngôi tháp trong nhóm A được bảo tồn sau cùng, góp phần hoàn thiện công tác bảo tồn nhóm tháp A, khép lại dự án hợp tác Văn hóa bảo tồn ba nhóm đền-tháp K-H-A Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn giữa hai Nhà nước Việt Nam và Ấn Độ.

Tài liệu dẫn:

H. Parmentier 1909 - 1918. Inventaire Descriptie des Monuments Cams de L’An Nam,Paris.

P.Stern 1942. L’art du Champa (ancien Annam) et son évalution, Toulouse.

 

LÊ VĂN MINH

 

 

03 Tháng 10,2023

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo