Trong những năm gần đây, khái niệm Du lịch xanh đã trở nên quen thuộc trong hoạt động phát triển du lịch Việt Nam. “Du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu”. (theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch của Việt Nam). Bản thân chữ “xanh” cũng đã nêu rõ định hướng của việc khai thác hiệu quả du lịch dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có gắn liền với bảo vệ môi trường sống xanh của cả nhân loại. Đây là loại hình du lịch được triển khai dựa vào 2 yếu tố chính là tự nhiên và văn hóa, kết hợp giáo dục môi trường với sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng địa phương để phục vụ cho mục đích cuối cùng là bảo tồn, phát triển tài nguyên cũng như hệ sinh thái tự nhiên một cách bền vững. Du lịch xanh sẽ tránh các hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường như xả khói, xả rác thải, tàn phá động thực vật… Do đó, du lịch xanh mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các địa phương và cộng đồng, bao gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và di sản, tạo thu nhập và việc làm, kích thích phát triển kinh tế, tăng cường nhận thức và giáo dục, đồng thời tạo trải nghiệm du lịch độc đáo.
Từ mô hình không rác thải nhựa năm 2019, kích hoạt xu hướng du lịch bền vững. Đến năm 2021, Quảng Nam ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh. Đây cũng là địa phương đặt quyết tâm cao phát triển du lịch xanh và được nhìn nhận là xu hướng tất yếu phải hướng đến của ngành du lịch.
Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới bởi những giá trị điển hình, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Quần thể di tích với những công trình kiến trúc đã tồn tại hàng ngàn năm, được các thế hệ bảo tồn gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, thời gian qua, công tác bảo tồn Khu đền tháp luôn nhận được sự quan tâm của các chính phủ, tổ chức trong nước và quốc tế với những dự án, chương trình hợp tác thiết thực đã biến Mỹ Sơn từ một di tích bị thời gian và chiến tranh tàn phá, từ nguy cơ sụp đổ, bước sang giai đoạn ổn định và bền vững.
Trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy Khu đền tháp, nhiệm vụ bảo tồn là trọng tâm, đặt lên hàng đầu. Nếu Mỹ Sơn không có không gian thâm nghiêm, các kiến trúc không được chăm sóc, gìn giữ, hệ sinh thái không được quản lý tốt thì giá trị Mỹ Sơn giảm đi sức hấp dẫn đáng kể, công tác phát triển du lịch sã gặp nhiều khó khăn. Chính việc thực hiện bảo tồn tốt di sản đã góp phần rất lớn thu hút khách du lịch đến. Mỹ Sơn hiện nay không chỉ là một khu di sản của nhân loại mà còn là nơi hài hòa giữ bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn giàu có về tài nguyên du lịch để phát huy lợi thế thu hút khách. Ngoài kiến trúc đền tháp, tài nguyên du lịch còn là hệ thống cảnh quan thiên nhiên có giá trị về đa dạng sinh học, giá trị về địa hình, địa mạo, rừng tự nhiên đủ rộng lớn, là mảng thiên nhiên kiến kiến tạo nên lớp bảo vệ các công trình kiến trúc và là nơi có động thực vật đa dạng phong phú. Là điều kiện lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa. Điều kiện Mỹ Sơn cũng hội đủ lựa chọn lâu dài bền vững là phát triển Mỹ Sơn theo hướng du lịch xanh. Đây vừa là thế mạnh và yêu cầu trong giai đoạn hiện nay của di sản, phù hợp với đặc trưng di tích.
Phát huy giá trị di sản gắn phát triển - kết nối du lịch xanh tại Mỹ Sơn
Các cơ sở để phát huy di sản Mỹ Sơn đó là: Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020, định hướng 2030; Kế hoạch Quản lý Di sản được tỉnh Quảng Nam thông qua vào năm 2019, Quyết định 2223/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thành lập Khu bảo tồn cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, Quyết định số 3750/QĐ-UBND ngày 04/12/2021 của UBND tỉnh về ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh, Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển du lịch xanh đến năm 2025; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/3/2022 về tăng cường hưởng ứng và thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đề án phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030.
Công tác phát huy di sản Mỹ Sơn đạt được những kết quả về thu hút khách tăng trưởng qua từng năm, mỗi năm tăng 7% (trừ 03 năm đại dịch), nhiều loại hình dịch vụ được đưa vào khai thác, thương hiệu du lịch Mỹ Sơn định hình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, cộng đồng vùng di sản được hưởng lợi.
Đối chiếu với các bộ tiêu chí về du lịch xanh do tỉnh Quảng Nam ban hành, Ban Quản lý đã thực hiện công tác phát huy theo hướng tích cực. Triển khai các đề án bảo vệ rừng cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn với các chính sách, quy trình để thực hiện công tác bảo vệ rừng bền vững như xây dựng đề án cắm mốc khoanh vùng, đề án lâm sinh… qua đó huy động các nguồn lực thực hiện cam kết bảo vệ môi trường hằng năm, trồng tái tạo rừng, quản lý theo dõi hệ thống động vật rừng. Cam kết từ cộng đồng không bắt giữ, giam giữ, hoặc tiêu thụ động vật hoang dã, cung cấp thông tin du khách không tham gia vào hoạt động gây hại động vật, môi trường sống, trồng rừng, phục hồi rừng tại Mỹ Sơn cũng được thực hiện thường xuyên. Đảm bảo việc phát triển bền vững tại các khu vực bảo tồn và sinh thái. Điều này giúp bảo vệ các loài động và thực vật hiếm có, duy trì cân bằng sinh thái và tạo ra một môi trường tự nhiên hấp dẫn cho du khách.
Về loại hình dịch vụ du lịch được phát triển theo hướng xanh, thân thiện môi trường như sử dụng xe điện vào phục vụ du khách, giảm được tiếng ồn, ô nhiễm, đưa động cơ ra xa khu vực di tích. Xây dựng không gian di sản văn hóa phi vật thể dân gian Chăm tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đa dạng tour. Phát triển các không gian trải nghiệm tại các khu vực có điều kiện môi trường tự nhiên phù hợp dựa vào các thế mạnh vừa văn hóa vừa sinh thái như địa điểm ngắm núi Hòn Đền buổi sáng (đỉnh núi thiêng tại Mỹ Sơn), trecking Đồng Lớn – Mỹ Sơn, hồ sen… Vận hành quầy sản phẩm đặc sản địa phương (ocop) để bán sản phẩm nông sản do người dân sản xuất như trà lá dung, sâm ngọc linh, gạo tím, dầu mè, rượu sim, rượu ổi, đá mỹ nghệ, tơ lụa mã châu…; sử dụng một số vật dụng phục vụ du khách khác cũng đã thay bằng vật liệu gỗ, mây tre, nhằm hạn chế tối đa lượng nhựa hoặc bao ni lông phát sinh nhằm hướng đến thương hiệu xanh.
Đối với cộng đồng, hỗ trợ địa phương về các hoạt động dân sinh, biểu diễn văn nghệ Chăm phục vụ quần chúng nhân dân các xã lân cận (các hoạt động này thường xuyên nhằm chia sẻ, góp phần bảo tồn di tích, rừng tự nhiên trong các dịp lễ hội truyền thống như lễ hội bà Thu Bồn, các sự kiện nông thôn mới…). Từ đây, cộng đồng từng bước tham gia vào hoạt động tại di sản giúp du khách được cung cấp thông tin và trải nghiệm chân thực, hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử địa phương.
Thực hiện rất tốt vấn đề an ninh, an toàn tại điểm du lịch, trong đại dịch vừa qua làm tốt công tác phòng chống dịch, là 1 trong 2 điểm thử nghiệm mở cửa du lịch trở lại của tỉnh Quảng Nam, xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ du khách, phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy rừng, dập tắt nhiều vụ cháy rừng trên địa bàn, bảo vệ được nguyên trạng diện tích rừng tự nhiên.
Hỗ trợ một số doanh nghiệp có cùng quan điểm “vừa khai thác, vừa bảo vệ tài nguyên du lịch” thông qua hoạt động đầu tư công, xã hội hóa đưa các sản phẩm có vốn đầu tư lớn vào hoạt động như các sản phẩm chuyển đổi số (Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản: đối với hoạt động Thuyết minh Hướng dẫn tại điểm (AudioGuide, Tham quan thực tế ảo 3600 )…
Trong công tác quản lý, việc giản khách, tránh áp lực thông qua các biện pháp như xây dựng Bảo tàng Mỹ Sơn thành điểm đón khách, cung cấp thông tin trước khi vào di tích, điều chỉnh các suất diễn văn nghệ theo các khung giờ, mở các điểm checkin được quan tâm, phối hợp xây dựng các chương trình du lịch trách nhiệm xã hội, tài trợ cho các dự án phát triển cộng đồng...
Nhìn chung, hướng phát triển du lịch xanh tại di sản hoàn toàn tự nguyện vì lợi ích của Ban Quản lý cũng như cố gắng tiệm cận tiêu chí xanh của thế giới và mục đích góp phần lan tỏa bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam. Hoạt động du lịch tại khu di sản được thực hiện ngày một bền vững và có trách nhiệm. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát huy được giải quyết, cân bằng hơn. Việc chuyển đổi mô hình theo hướng thân thiện môi trường, phát triển bền vững đã mang đến nhiều cơ hội hơn cho du lịch Mỹ Sơn, góp phần định vị thương hiệu chung cho điểm đến Xanh.
Một số kinh nghiệm và hướng phát triển thời gian đến
- Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch bền vững và thân thiện với môi trường là yếu tố quan trọng trong việc kết nối di sản với du lịch xanh. Đầu tư các công trình kiến trúc, hệ thống giao thông phù hợp với không gian di sản. Khuyến khích các hoạt động du lịch bền vững như trải nghiệm tham quan di tích với du lịch sinh thái nhằm giảm bớt áp lực đối với môi trường xung quanh. Tạo ra các chương trình du lịch trải nghiệm độc đáo và gắn kết với tự nhiên, văn hóa và lịch sử, từ đó thu hút khách du lịch quốc tế và tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương.
- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc quản lý và phát triển du lịch điều này tạo ra các lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể. Các sản phẩm và dịch vụ do cộng đồng cung cấp có thể giúp tăng cường sự phát triển bền vững, tạo ra các cơ hội việc làm, giúp tăng cường kinh tế địa phương và giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch lên môi trường, thúc đẩy sự tương tác văn hóa và tạo ra cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương, đồng thời góp phần tăng cường hoạt động giáo dục và tạo nhận thức về giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường giúp di sản được tôn trọng hơn.
- Đối với các hoạt động dịch vụ tập trung giải pháp quản lý lưu lượng du khách, giảm thiểu rác thải, sử dụng nguồn năng lượng xanh. Đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, các tour du lịch hướng đến du lịch xanh, cũng như các trải nghiệm nghệ thuật và văn hóa độc đáo. Tạo ra một mạng lưới liên kết với các điểm du lịch xanh khác trong khu vực hình thành một hệ sinh thái du lịch mạnh mẽ.
- Khuyến khích hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư vào phát triển du lịch xanh. Thông qua chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án du lịch bền vững nhằm tạo ra các gói tour và chương trình du lịch xanh. Khuyến khích hợp tác sử dụng công nghệ xanh trong các hoạt động du lịch như sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc giảm thiểu lượng giấy và nhựa sử dụng trong hoạt động kinh doanh du lịch, chuyển đổi số.
Những chiến lược này có thể được thực hiện cùng nhau để tạo ra một mô hình phát triển du lịch xanh toàn diện tại khu di sản, kết hợp giữa việc bảo tồn di sản và môi trường, phát triển kinh tế và cộng đồng địa phương, cũng như tạo ra trải nghiệm du lịch ý nghĩa cho du khách.
Các di sản đều là một điểm đến hấp dẫn nhưng dễ bị tổn thương, nên cần có cái nhìn dài hơi hơn cho việc quy hoạch phát triển du lịch theo hướng ổn định, bền vững. Cần những giải pháp mang tính hiệu quả lâu dài cũng như quản lý chặt việc bùng nổ những vấn đề phát sinh của dịch vụ du lịch. Do đó, để đảm bảo phát huy tối ưu du lịch xanh tại di sản, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử vốn có, Ban Quản lý tập trung các giải pháp nhằm khai thác tài nguyên, lan tỏa du lịch đến cộng đồng. Đưa Mỹ Sơn phát triển theo hướng du lịch Xanh để du lịch khu di sản có giá trị lâu dài, bền vững.
Có thể thấy, du lịch xanh đã và đang đem lại những lợi ích to lớn nên cần những hướng phát triển phù hợp. Những hoạt động phát huy giá trị di sản gắn với kết nối du lịch xanh tại Mỹ Sơn là nhằm bảo vệ môi trường chung, từng bước bảo tồn và phát huy kiến tạo điểm đến Mỹ Sơn xanh.
Văn Khoa
05 Tháng 11,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- BAN QUẢN LÝ DSVH MỸ SƠN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA NHÂN KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (28.07.2023)
- Khai trương sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ (19.07.2023)
- Cần bảo tồn, trùng tu khẩn cấp nhóm F, Khu đền tháp Mỹ Sơn (06.07.2023)
- Làm việc với Ngài Subhash Prasad Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. (05.07.2023)
- Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giám sát tại Di sản Mỹ Sơn (05.07.2023)
- Thực hiện tốt công tác phối hợp trong bảo vệ rừng (30.06.2023)