Khu đền tháp Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nổi tiếng với quần thể đền tháp Hindu giáo ấn tượng của nền văn minh Champa cổ. Nhưng bên cạnh giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Mỹ Sơn còn sở hữu một lợi thế vượt trội mà ít nơi nào có được, đó là hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú bao bọc toàn bộ khu vực di tích. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ và thiên nhiên hoang sơ đã tạo cho Mỹ Sơn một sức hút riêng biệt, đồng thời đang mở ra hướng đi mới, thúc đẩy du lịch bền vững. Trong bối cảnh di sản Mỹ Sơn đang nỗ lực khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, việc khai thác hợp lý giá trị của đa dạng sinh thái này không chỉ làm giàu thêm trải nghiệm của du khách mà còn hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần bảo tồn giá trị của cả di sản văn hóa và thiên nhiên nơi đây.
I. Giá trị vô giá từ hệ sinh thái rừng Mỹ Sơn
Rừng nhiệt đới bao bọc khu di tích Mỹ Sơn không chỉ là một “lá phổi xanh” mà còn là kho báu tự nhiên lưu giữ nhiều giá trị quý giá. Theo những nghiên cứu gần đây, khu vực bảo tồn rừng đặc dụng Mỹ Sơn sở hữu diện tích lên đến 1.158ha, là nơi cư trú của 238 loài thực vật và 607 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam, và IUCN Redlist.
* Giá trị sinh học:
• Về thực vật: Rừng Mỹ Sơn sở hữu hệ sinh thái đa dạng với 238 loài thực vật, trong đó có đến 186 loài đặc hữu. Đáng chú ý, 157 loài (chiếm 65,97%) được sử dụng trong y học. Nơi đây còn là nơi cư trú của 28 loài thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao như Chò đen, Ghiền trắng, Thành ngạnh nam, Thành ngạnh đẹp …
• Về động vật: Rừng Mỹ Sơn là ngôi nhà của 607 loài động vật. Trong số 37 loài thú được ghi nhận, có 4 loài quý hiếm cần được bảo vệ đặc biệt, bao gồm Cu li lớn, Tê tê Java, Cầy hương và Mèo. Về bò sát, trong 97 loài đã xác định, có 52 loài được ghi trong danh sách đỏ IUCN, 20 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và 9 loài thuộc danh mục cần bảo tồn theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Với số lượng động thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm hiện hữu nơi đây, khẳng định thêm lần nữa giá trị sinh học độc đáo, kho báu tự nhiên vô giá trong lòng thung lũng Mỹ Sơn. Đây chính là tài nguyên quý giá để phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách và góp phần giáo dục ý thức bảo tồn.
* Giá trị môi trường:
Hệ sinh thái rừng nhiệt đới đóng vai trò như “lá phổi xanh” của khu vực Mỹ Sơn, điều hòa khí hậu, giữ nước và bảo vệ đất khỏi xói mòn. Rừng cũng góp phần tạo nên không khí trong lành, mát mẻ, mang lại trải nghiệm thư giãn, và “chữa lành” cho du khách.
* Giá trị văn hóa-tâm linh:
Lớp rừng tự nhiên bao quanh những kiệt tác kiến trúc không những giúp giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của Mỹ Sơn mà còn tạo nên một không gian thần bí. Với người Champa xưa, rừng không chỉ là cảnh quan thiên nhiên, mà còn là không gian thiêng kết nối giữa con người với thần linh. Các công trình đền tháp Hindu giáo được xây dựng trong một thung lũng yên tĩnh, hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy như thung lũng thiêng, núi thiêng, suối thiêng, sông thiêng, và hệ động thực vật phong phú, tạo nên một không gian văn hóa tâm linh thấm nhuần triết lý Hindu giáo và tín ngưỡng bản địa. Có thể thấy, rừng không chỉ bảo vệ các công trình khỏi tác động của thời gian, mà còn giữ cho Mỹ Sơn vẻ nguyên sơ hiếm có, một nét độc đáo khó tìm thấy ở những di sản khác, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm và chiêm ngưỡng.
* Giá trị kinh tế - xã hội:
Nguồn nguyên liệu thiên nhiên: Rừng cung cấp nhiều loại thảo dược, nguyên liệu tự nhiên có tiềm năng phát triển kinh tế như: Trà, tinh dầu, dược liệu, rượu, mật ong...
Tạo ra cơ hội việc làm: Mô hình du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị hệ sinh thái có thể tạo công ăn việc làm ổn định cho cộng đồng địa phương.
II. Hướng đi mới cho du lịch bền vững
Việc khai thác hệ sinh thái rừng Mỹ Sơn cần dựa trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Các định hướng chính bao gồm:
Du lịch sinh thái: Xây dựng các tuyến khám phá rừng nhiệt đới kết hợp tham quan đền tháp, giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa hòa quyện. Tổ chức các chương trình học tập thực địa, tìm hiểu, nhận diện về các loại thảo dược và động thực vật quý hiếm, tạo điểm nhấn khác biệt cho Mỹ Sơn.
Du lịch cộng đồng: Người dân địa phương có thể đóng vai trò như những hướng dẫn viên sinh thái, chia sẻ kiến thức về rừng và di sản. Đồng thời, việc phát triển các sản phẩm từ thảo dược, mỹ phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên, ẩm thực hay các nghề thủ công truyền thống sẽ tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, giảm áp lực lên tài nguyên rừng.
Ứng dụng công nghệ xanh: Sử dụng thực tế ảo (VR) và bản đồ số để quảng bá giá trị sinh thái. Đồng thời, triển khai nền tảng du lịch số hóa, nâng cao trải nghiệm của du khách.
III.Thách thức phải đối mặt
Thời gian qua, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các chính sách phúc lợi dân sinh, hoạt động kinh tế, giáo dục di sản… đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân, bồi đắp thêm niềm tự hào di sản. Dẫu vậy, phát triển du lịch sinh thái tại Mỹ Sơn không hề dễ dàng, một trong những thách thức lớn nhất là việc phát triển du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Năm 2013, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã từng hỗ trợ các dự án nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào du lịch bền vững tại làng cộng đồng Mỹ Sơn. Các dự án này đặt mục tiêu tạo việc làm và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương thông qua các hoạt động du lịch, nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Ngoài những khó khăn trong việc phát triển du lịch cộng đồng, Mỹ Sơn còn phải đối mặt với áp lực từ du lịch đại trà. Sự gia tăng lượng khách tham quan có thể làm suy giảm chất lượng môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, bao gồm thiếu chiến lược dài hạn, công tác quản lý còn còn nhiều ràng buộc, và sự kết nối chưa chặt chẽ giữa cộng đồng và các bên liên quan.
IV.Giải pháp sáng tạo cho hành trình du lịch bền vững
Hài hòa giữa khai thác và bảo tồn giá trị sinh thái: Mặc dù tiềm năng lớn, việc phát triển du lịch sinh thái tại Mỹ Sơn cần đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường. Các chương trình tour cần được thiết kế theo hướng hạn chế tác động đến thảm động thực vật rừng, như giới hạn số lượng du khách mỗi ngày, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tạo ra các hoạt động giáo dục về bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh đó, du khách cũng cần được khuyến khích tham gia vào các hành động cụ thể như trồng cây hoặc dọn vệ sinh khu vực tham quan, tạo cảm giác mình là một phần của công cuộc bảo vệ di sản. Hợp tác với các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước để nghiên cứu, và có các biện pháp khẩn cấp để bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm. Ngoài ra, việc phát triển các chương trình giáo dục về môi trường và văn hóa sẽ giúp tăng cường ý thức bảo tồn trong cả cộng đồng và du khách. Các dự án hợp tác với tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng cận vùng di sản cần được thiết kế sát thực tế, kết hợp giữa việc bảo vệ di sản và khai thác kinh tế một cách hiệu quả.
Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên sinh thái: Hướng dẫn viên không chỉ là người kể chuyện mà còn là người truyền cảm hứng. Họ cần được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa và sinh thái để dẫn dắt du khách qua những trải nghiệm chân thực và hấp dẫn. Vì vậy, việc đào tạo hướng dẫn viên với kiến thức chuyên sâu văn hóa và sinh thái là rất cần thiết. Không chỉ đào tạo cho hướng dẫn viên tại điểm di tích Mỹ Sơn, mà còn đào tạo cho những người dân địa phương, học sinh sinh viên để họ trở thành những hướng dẫn viên, họ có thể trở thành nhân tố quan trọng, chân thực, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp, vừa mang lại thu nhập bền vững cho cộng đồng.
Tăng cường công tác quảng bá và hợp tác: Xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh du lịch sinh thái Mỹ Sơn thông qua các kênh truyền thông và sự kiện du lịch quốc tế. Hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức tour du lịch chuyên sâu cho du khách trong và ngoài nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giúp du khách khám phá hệ sinh thái qua bản đồ số, thông tin về các lòai động thực vật và các tuyến tham quan Mỹ Sơn. Tận dụng nền tảng số, mạng xã hội để giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với thiên nhiên, kết hợp với các video hoặc bài viết trải nghiệm thực tế từ khách du lịch.
Phát triển sản phẩm du lịch gắn với phát triển cộng đồng địa phương: Sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt để xây dựng một mô hình du lịch bền vững. Xây dựng các tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn, những điểm dừng chân sáng tạo, kết hợp tham quan di tích Mỹ Sơn. Phát triển các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn, như homestay, hợp tác xã hoặc trang trại kết hợp vườn dược liệu, bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe có nguồn gốc từ tự nhiên, ẩm thực rừng và truyền thống địa phương, cũng cần thiết có những trải nghiệm đa chiều cho du khách kết hợp với phát huy các giá trị văn hóa phi vật thế địa phương… Dẫu vậy, để khắc phục những hạn chế trong phát triển du lịch cộng đồng, cần có một chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ người dân địa phương về kỹ năng, tài chính và kiến thức quản lý. Việc tạo điều kiện để cộng đồng tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị du lịch sẽ là bước đi cần thiết để đảm bảo tính bền vững.
Với những tiềm năng độc đáo và phong phú, hệ sinh thái rừng nhiệt đới Mỹ Sơn không chỉ là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, là ‘vành đai xanh’ bảo vệ quần thể đền tháp cổ mà còn góp phần tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế. Khai thác giá trị này một cách hài hòa và bền vững sẽ mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn, nâng cao nhận thức và phát triển đời sống cộng đồng địa phương, đồng thời mang đến những bài học sâu sắc cho tương lai. Để làm được điều này, cần có sự chung tay của chính quyền, các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách trong việc quản lý và đào tạo, nghiên cứu, bảo vệ rừng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và hòa mình vào hành trình khám phá “viên ngọc quý Mỹ Sơn” một cách trân trọng. Tuy hành trình này còn nhiều khó khăn, nhưng với một chiến lược toàn diện và sự nỗ lực không ngừng, Mỹ Sơn sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch bền vững toàn cầu, trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên và trân quý các giá trị lịch sử, văn hóa của nhân loại.
Hoàng Oanh
01 Tháng 1,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- CHIM THẦN GARUDA TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (22.01.2024)
- Chuyên gia Ấn Độ rời Mỹ Sơn, kết thúc hai tháng khảo sát thu thập dữ liệu ở các nhóm tháp E, F và A’ (22.01.2024)
- UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Ban Quản lý về công tác chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Mỹ Sơn (19.01.2024)
- Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Mỹ Sơn (15.01.2024)
- ĐỐI THOẠI CÙNG DOANH NGHIỆP NĂM 2023 (15.01.2024)
- CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ BQL DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN NĂM 2023, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024 (04.01.2024)