Khu đền tháp Mỹ Sơn có lịch sử xây dựng và hình thành từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13, có hơn 70 công trình kiến trúc, 1803 hiện vật phần lớn là hiện vật bằng chất liệu sa thạch, bao gồm hiện vật là thành phần kiến trúc, điêu khắc trang trí, đài thờ, tượng thần, con vật thần, đồ dùng trong các nghi lễ...Phần lớn hiện vật được sắp xếp trưng bày tai chỗ trong khu di tích, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn 93 hiện vật, kho mở D1, D2 trưng bày 123 hiện vật, số còn lai được bảo quản trong kho.
Hai mandapa D1 và D2 được sử dụng như một kho mở vừa bảo quản hiện vật vừa trưng bày cho du khách tham quan. Hiện vật được trưng bày tại di tích và trong điệu kiện môi trường tại thung lũng Mỹ Sơn là một thách thức lớn trong công tác bảo quản các hiện vật sa thạch
Công trình D1 và D2 vốn là hai nhà dài có kết cấu tường gạch, mái tháp có kế cấu sườn gỗ chịu lực và lợp ngói được gọi là Mandapa – nhà tịnh tâm. Chức năng ban đầu của ngôi tháp này là nơi đón khách hành hương xem như tiền đường tại đây chuẩn bị các nghi lễ trước khi vào hai đền chính B1 và C1. Tuy nhiên công trình D1, D2 bị hư hại nặng nề bởi sự tàn phá của tự nhiên và chiến tranh, sau đó đã được trùng tu trong thập niên 1980s với phần tu bổ tường, đế và xây dựng mới phần mái bằng kết cấu sắt và lợp tôn nhằm để làm nơi bảo vệ hiện vật và trưng bày hiện vật bên trong. Giữa nhà D1 và D1 được xây dựng một hộp hình chữ nhật vừa là kho chứa hiện vật vừa làm bục trưng bày hiện vật bên trên. Hiện vật được trưng bày trên các bục xung quanh cũng như được gắn trên tường. Số lượng hiện vật hiện nay đang trưng bày tại D1 là 38 hiện vật, D2 là 85 hiện vật. Ngoải ra có ....hiện vật được bảo quản trong bục lớn gồm những thành phần kiến trúc, trang trí, mảnh vỡ văn bia và tượng thần. Đa số hiện vật ở đây được sưu tầm trong quá trình phát lộ trùng tu cứu vãn di tích Mỹ Sơn giai đoạn 1980-1990.
Công tác bảo quản và phát huy kho hiện vật.
Công tác bảo quản kho mở D1, D2 được duy trì thường xuyên kể cả phần cứng kiến trúc cũng như hiện vật trong kho, định kỳ làm vệ sinh bề mặt hiện vật, di tu bảo dưỡng bục bệ, kiểm tra các giá đỡt. Công tác an ninh được chú trọng hàng đầu, hằng ngày có bảo vệ trực, điều tiết lượng người vô ra hợp lý không quá đông người cùng một thời điểm, không cho du khách mang vật dụng cồng kềnh vào kho, ba lô, xách yêu cầu để phía bên ngoài. Cán bộ bảo tồn thực hiện công tác giám sát và thực hiện các hoạt động tại kho như kiểm tra số đăng ký hiện vật, đối chiếu vị trí từng hiện vật với sơ đồ hiện vật, đánh giá tình trạng từng hiện vật để có giải pháp bảo quản hợp lý tốt nhất.
Công tác phát huy: Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, căn cứ chất liệu, màu sắc, kích thước, hình dáng họa tiết từng hiện vật để tìm hiểu về niên đại, phong cách, vị trí xuất xứ ban đầu, mối quan hệ với các mảnh ghép, hiện vật khác...Chính cách làm này chúng tôi từng bước phục chế, gắn ghép một số hiện vật hoàn thiện và bền vững hơn ( tìm ra sự nhầm lẫn như phần thân tượng trưng bày ở kho D1 mà phần chân tượng trưng bày ở kho D2, bức tượng thần Skanda đang trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng còn một mảnh vỡ lớn tại kho...). Việc nghiên cứu này bổ sung vào trống trong các tư liệu trước đây không được đề cập hoặc ghi chép thiếu...). Công tác nghiên cứu khoa học bổ sung vào nội dung thuyết minh một cách chân xác, phục vụ tốt cho việc tìm hiểu văn hóa Chăm, tạo sự trãi nghiệm lý thú cho khách tham quan. Theo thống kê hơn 90% du khách đến Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn vào tham quan tìm hiểu kho mở D1 và D2.
Những hạn chế đang được cân nhắc
Khi chưa có một Quy hoạch tổng thể cho Khu di tích Mỹ Sơn đồng thời vấn đề an ninh tại một khu vực miền núi rộng lớn xa khu dân cư. Cơ quan quản lý khu di tích Mỹ Sơn là Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng cách gần 70 km và nhiều lý lo khác...Trong bối cảnh này cố kiến trúc sư Ba Lan Ka-Zic vận dụng giải pháp ba trong một: Bảo tồn di tích - kho cất giữ hiện vật - phòng trưng bày. Cách làm này một phần cũng làm cho di tích gọn gàng hơn, công tác gìn giữ hiện vật thuận lợi hơn, việc phục vụ tham quan nghiên cứu tiện lợi. Tuy nhiên càng về sau sự kết hợp này bộc lộ những nhược điểm cần sớm khắc phục. Trong điều kiện của môi trường là các hiện vật nằm trong lòng thung lũng chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt, biên độ giao động nhiệt giữa hai mùa nắng và mưa lớn, độ ẩm cao nên hiện vật cũng chịu nhiều tác động nhất là hiện vật trưng bày trực tiếp trên tường, hiện vật phát triể mạnh rêu mốc vào mùa mưa, đai kim loại đính để đặt để hiện vật bị hoen rỉ hư hỏng làm xô lệch hiện vật. Vận dụng chính trên mặt tường phục hồi để trưng bày hiện vật dễ gây nhầm lẫn. Đặt biệt ngay trong giữa lòng công trình cổ xây dựng một bục bê tông để chứa hiện vật bên trong và trưng bày hiện vật bên trên. Vô hình trung làm phá vỡ không gian thiên tiền đường, chặn lối đi hành lễ từ Mandapa -> tháp cổng -> đền chính (tuần tự đi từ đông sang tây). Mặt khác việc sử dụng cửa sắt, khung sắt chịu lực, mái lợp tôn để bảo vệ hiện vật bên trong. Những vật liệu hiện đại này không tương thích với vật liệu nguyên thủy ban đầu càng tạo sự khiên cưỡng. Gần đây Ban Quản Lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn phối hợp cùng với Viện Bảo tồn Di tích đánh giá khảo sát và xây dựng Đề án bảo tồn hai ngôi tháp D1, D2 và trưng bày lại, chủ trương không trưng bày trực tiếp trên tường tháp, làm những bục trưng bày nhỏ hơn độc lập tách khỏi tường cũ để trưng bày số ít hiện vật, phần còn lại chuyển về kho bảo tàng bảo quản, trả lại không gian lòng tháp D1, D2. kết nối lối đi thông suốt từ nhà tịnh tâm qua tháp cổng vào đền chính.
Cùng với việc bảo tồn và trưng bày lại hai kho D1, D2 Phòng Bảo tồn-Bảo tàng Mỹ Sơn hoàn thiện bổ sung công tác số hóa hiện vật trong khu di tích, thuyết minh hiện vật bằng mã QR code để phục vụ tốt hơn trong công tác hát huy giá trị di tích tốt nhất.
Hiện vật trưng bày theo hình thức kho mở tại hai công trình D1 và D2 tại khu B-C-D di tích Mỹ Sơn rất phù hợp với điều kiện và bối cảnh trong thập niên 1980s với mục đích vừa bảo vệ hiện vật vừa trưng bày cho du khách tham quan. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường hiện nay cần thiết phải cải thiện và thay đổi hiện trạng nhằm bảo vệ hiện vật và cải thiện trưng bày nhằm phục vụ cho khách tham quan tốt hơn.
Văn Minh
01 Tháng 12,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- MỸ SƠN TỪ NHỮNG NÉT VẼ “KIẾN TRÚC-LÀNG NGHỀ VÀ DI SẢN” (19.05.2023)
- Bảo tàng Mỹ Sơn -nơi ít hiện vật mà nhiều thông tin (17.05.2023)
- BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tổ chức Hội nghị triển khai học tập chuyên đề năm 2023 (17.05.2023)
- Cây kơ nia tại Dinh Bà làng Mỹ Sơn được công nhân là Cây di sản Việt Nam (16.05.2023)
- Những bộ sưu tập độc đáo tại Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh - Champa (16.05.2023)
- MANG YÊU THƯƠNG ĐẾN LÀNG HẠNH PHÚC! (16.05.2023)