Tín ngưỡng vật linh được thể hiện khá phổ biến trong kiến trúc và điêu khắc cổ Champa, những con vật cưỡi của các vị thần Ấn giáo được thần hoá mang hình dáng động vật. Makara là một con quái vật biển, còn được cho là rồng biển, với nguyên mẫu từ loài cá sấu, từ Hindi để chỉ cá sấu là "makar hay makara" một vài nhận dạng truyền thống cho thấy nó giống với cá sấu do chiếc mõm lớn và dài, nó được miêu tả là con vật kết hợp phần trước của voi, đầu sư tử, cá sấu hoặc có khi là đầu rồng, cũng được thể hiện với tư cách là người bảo vệ các đền đài Ấn giáo, là linh vật gắn liền với nước, mang lại nguồn sống cho muôn loài, Makara cũng là vật cưỡi của thần mưa Varuna và nữ thần sông Hằng Ganga. Makara còn cho là một sinh vật huyền bí mang tính biểu tượng với đầu cá sấu (sức mạnh của nguyên tố nước), sừng dê (tượng trưng cho sự thức tỉnh tâm linh), thân rắn và linh dương (tượng trưng cho sự tái sinh và trái tim trong sáng), đuôi cá hoặc công (tượng trưng cho cái tôi cao hơn) và chân báo (tượng trưng cho sự táo bạo). Truyền thuyết khác cho rằng, Makara là loài vua rắn nước, chuyên về cõi âm, loài mang nước đến cho mùa màng bội thu được con người thờ cúng.
Makara được cho là một linh vật đặc trưng trong văn hóa Ấn Độ, hình ảnh của nó thường được đắp trên nóc, mái của các công trình kiến trúc thời cổ, với miệng há rộng. Vào thời cổ đại, dòng sông là phương tiện giao thông và người dân địa phương luôn lo sợ những sinh vật lạ ẩn nấp bên dưới thuyền của họ. Người ta tin rằng Makara có thể bảo vệ họ chống lại những sinh vật vô danh này, và do đó Makara được chạm khắc trên đầu thuyền và trên mái chèo, cũng như trang trí trên các cổng vào, lối vào các ngôi đền trên khắp Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh. Makara tiến hóa thành người giữ cổng và người bảo vệ. Một con sư tử thường đi cùng Makara trong các ngôi đền Shiva trên khắp Ấn Độ vì chúng được cho là một cặp hung dữ. Makara là một sinh vật thần thoại trong cả truyền thống Ấn Độ giáo và Phật giáo. Makara có thể được mô tả trong các bức tranh và tác phẩm điêu khắc trên khắp Ấn Độ, Nepal, Miến Điện, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Ở Ấn Độ, nó có thân và đuôi của cá, nhưng ở Đông Nam Á, nó có thân của loài bò sát. Ở Java, đầu giống đầu cá sấu, với hàm lớn và mõm dài thành thân.
Ở Champa, Henri Parmentier gọi Makara là rồng khi tìm thấy hai Makara tại Trà Kiệu trong ca-ta- lô đầu tiên xuất bản năm 1919, có lẽ dựa vào những nét tương đồng với rồng trong văn hoá Trung Quốc và Việt Nam, makara được cho là rồng ở Champa. Makara xuất hiện ở cả các công trình kiến trúc Hindu giáo và Phật giáo ở Champa. Tuy nhiên cho đến nay không còn nhìn thấy makara trong các kiến trúc Phật giáo giai đoạn Champa, chỉ còn một hiện vật có hình makara đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet, Pháp, được tìm thấy trong đợt khai quật Phật viện Đồng Dương từ 1901-1902, ở hiện vật này Makara được thể hiện phần đầu trên một thành phần trang trí góc kiến trúc, Makara phun ra người, với những nét hoạ tiết trang trí rất đặc trưng của Phong cách Đồng Dương. Hiện vật này có niên đại thế kỷ 9, vẫn giữ được những nét trang trí mềm mại của lối truyền thống được nhìn thấy ở makara đài thờ Mỹ Sơn E1. Hình ảnh rồng makara phổ biến hơn ở các kiến trúc Hindu giáo, càng về sau, hình ảnh makara càng được thể hiện rõ ràng và phổ biến hơn. Hình tượng makara không chỉ thể hiện phần đầu mà còn là hình ảnh toàn vẹn của một linh vật với đầy đủ các bộ phận của cơ thể và có những chức năng quan trọng trong kiến trúc như các makara phát hiện ở Trà Kiệu, tháp Mẫm, Dương Long. Hình ảnh Makara được trang trí khá chi tiết và dữ tợn hơn. Mõm dài như đầu cá sấu, sừng ở phần đầu, chân tròn mập như chân sư tử, đôi mắt tròn lồi với vành mi dày, cổ đeo lục lạc, thân mình có vảy của loài rắn. Giai đoạn muộn cho thấy hình tượng makara vẫn được trang trí đối xứng ở lối vào đền, trên phần mái của các ngôi đền chính.
Ở Mỹ Sơn, rồng makara xuất hiện trên các kiến trúc sớm nhất còn lại cho đến những công trình muộn nhất tại thánh địa Mỹ Sơn. Kiến trúc sớm nhất tại Khu đền tháp Mỹ Sơn mang hình tượng makara là đài thờ Mỹ Sơn E1 thuộc ngôi đền E1, mô típ trang trí Makara giai đoạn này gắn liền với các trang trí kiến trúc, Makara chỉ được thể hiện phần đầu có vòi voi, miệng dài giống được điêu khắc trên các vòm cửa và thành bậc cấp thuộc phần chân trang trí chân Đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại khoảng thế kỷ 7-8 SCN. Ở các vòm cửa thuộc đài thờ Mỹ Sơn E1, Makara được cách điệu bằng những nét rất mềm mại, đang phun ra một con linh dương từ miệng của nó, Cũng trên đài thờ Mỹ Sơn E1, makara được trang trí trên đầu trụ nhô ra bên ngoài, trong khi đó kết hợp với đầu rắn phía bên trong tạo thành mô típ trang trí vòm cửa. Ở chân đền Mỹ Sơn A1 (tk 10) Makara được điêu khắc trực tiếp trên trường gạch, và được kết hợp với mặt Kala – hoá thân của thần Shiva thường được gọi là Kirttimukha – khuôn mặt vinh quang, biểu tượng của điều tốt đẹp. Số lượng trang trí makara được tìm thấy nhiều nhất ở hai nhóm đền tháp muộn là nhóm G (tk 12) và nhóm H (tk 13). Makara ở nhóm G được tìm thấy tất cả đều là trang trí phần mái của đền G1, hầu hết là những trang trí góc bằng chất liệu đất nung. Makara được thể hiện phần đầu cùng với các hoạt tiết trang trí khá sắc sảo. Tại nhóm H, hình ảnh Makara được trang trí trên bức phù điêu Shiva Nataraja được đặt trên cổng vào đền H1. Dưới chân thần Shiva là hình ảnh hai người cầu nguyện cưỡi trên hai makara như để thánh tẩy cho các tín đồ trước khi vào trong đền. Hai Makara trên bức phù điêu này có vòi cuốn hoa sen, thần phục dâng lên thần Shiva. Cuộc khai quật vào năm 2017 và 2018 đã tìm thấy số lượng lớn các trang trí góc bằng sa thạch và đất nung có mô típ makara tại đền H1. Các hiện vật này được trang trí ở phần mái đền H1 nằm ở vị trí các góc của đền.
Có thể nói, giai đoạn thế kỷ 11-13 hình ảnh makara xuất hiện khá phổ biến ở nhiều công trình kiến trúc ở Champa, nhất là những kiến trúc có phong cách Bình Định. Makara được tìm thấy số lượng lớn không chỉ ở nhóm G và H ở Mỹ Sơn mà còn ở tháp Mẫm, Cánh Tiên, Chánh Lộ… Makara không chỉ được thể hiện như những mô típ trang trí hay chỉ phần đầu ở những giai đoạn sớm mà còn được điêu khắc thành hình những Makara độc lập có kích thước to lớn bằng cả chất liệu sa thạch và kim loại. Hình ảnh Makara giai đoạn này như một trào lưu nghệ thuật ở khu vực Đông Nam Á. Phần nào cũng phản ảnh mối quan hệ kinh tế, văn hoá mạnh mẽ giữa Champa với các nước khác trong khu vực nhất là Khmer thời Angkor và Java Indonesia.
Hình ảnh Makara ở thung lũng Mỹ Sơn luôn gắn liền với các kiến trúc Hindu giáo nơi thờ thần Shiva. Dù ở chất liệu sa thạch hay đất nung, Makara được trang trí ở những nơi trang trọng như trên đài thờ hay các bức phù điêu được đặt trước cổng vào đền chính, trang trí trên phần mái tháp. Hình ảnh Makara không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo về một linh lật gắn liền với nước, mang đến sự tốt đẹp, sinh sôi nảy nở, mà còn là vật linh bảo vệ các ngôi đền thiêng, thần Shiva được thờ tự bên trong hay Makara còn bảo vệ và thánh tẩy các tín đồ. Giai đoạn đầu, hình ảnh Makara xuất hiện chỉ là những mô típ trang trí trên kiến trúc như ở đài thờ Mỹ Sơn E1, tuy nhiên càng về sau, hình ảnh makara khá phổ biến tại các ngôi đền được xây dựng muộn hơn. Makara tại thánh địa Mỹ Sơn minh chứng cho một trao lưu thờ cúng makara xuất hiện sớm ở Champa cũng như phổ biến ở Đông Nam Á giai đoạn thế kỷ 11 đến 13. Makara tại thánh địa Mỹ Sơn còn là một ví dụ về dấu tích bản địa qua việc thờ cúng các vật linh mang hình dáng động vật, hay thần hoá, hư cấu với những quyền năng siêu nhiên phụng sự bên cạnh các vị thần Ấn Độ giáo.
Nguyễn Gia An
Tài liệu tham khảo
Gwyneth Chaturachinda, Sunanda Krishnamurty, Pauline W. Tabtiang (2000). Dictionary of South and Southeast Asian Art Silkworm Book, Thailan
Huỳnh Thị Được (2010) Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ. NXB Đà Nẵng
Trần Kỳ Phương- Nguyễn Tú Anh (2024) Hình tượng rồng Makara trong mỹ thuật Champa. Báo Xuân Quảng Nam Giáp Thìn 2024.
UNESCO (2015) Khám phá Di sản thế giới tại Căm Pu Chia, Lào và Việt Nam Exploring The world Heritage Sites of Cambodia, Laos and Vietnam. Paris, Prance.
Võ Văn Thắng (2024) Tượng rồng Champa, Báo Quảng Nam Truy cập tại: https://baomoi.com/tuong-rong-champa-c48193058.epi
https://samijewellery.com/blogs/news/mythology-the-sea-creature-makara
https://en-academic.com/dic.nsf/enwiki/2764310
05 Tháng 2,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- BAN QUẢN LÝ MỸ SƠN LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA MARCHE (21.02.2023)
- HÀNH TRÌNH “2 NGÀY 1 ĐÊM” TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (14.02.2023)
- Phá hủy lán trại tại rừng cảnh quan Mỹ Sơn (08.02.2023)
- HỘI THI HÀNH TRÌNH VỀ DI SẢN CẤP TIỂU HỌC - NĂM HỌC 2022-2023 (07.02.2023)
- Khách tham quan đến Mỹ Sơn dịp Tết tăng cao (27.01.2023)
- Chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (22.01.2023)