Những ngày qua, vùng đầu nguồn sông nước Thu Bồn đã rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội lớn. Lễ hội Bà Thu Bồn năm nay của người dân Quế Trung (huyện Nông Sơn) đặc biệt hơn vì đã tròn 10 năm lăng Bà Thu Bồn ở địa phương được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh…
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của người dân địa phương và bà con xa quê, di tích lăng Bà Thu Bồn được trùng tu, xây dựng khang trang. Ảnh: X.HIỀN
1. Đi qua con đường làng dích dắc, hai bên là những nương bắp, rau màu xanh ngắt, lăng Bà Thu Bồn (thôn Trung An, Quế Trung) từ lâu đã là địa chỉ văn hóa - tâm linh của người dân vùng đầu nguồn sông nước. Họ kháo nhau rằng, dẫu ở đâu, nghề nghiệp gì, những ngày tháng 2 âm lịch phải ngược nguồn về quê để dự hội của làng mình, cũng là về để thắp nén nhang, bày mâm lễ… dâng lên Bà. Người dân Trung Phước, Trung An hay cả một vùng Nông Sơn rộng lớn đầu nguồn dòng sông Thu, vẫn thường hay gọi Bà Thu Bồn bằng một đại từ kính trọng, nhưng gần gũi, là “Bà”. Mỗi lần tới Lệ Bà, là y như rằng từ làng trên xóm dưới rộn ràng hẳn. Đàn ông sức dài vai rộng lo việc dọn dẹp dinh, sửa hàng rào, phát lại con đường dẫn vào lăng cho quang đãng. Phụ nữ sửa soạn bếp núc, chuẩn bị nồi niêu, mua sắm chọn lựa nguyên liệu, để làm những mâm cúng. Mười năm trước (năm 2008), ngày người dân Quế Trung làm lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh lăng Bà Thu Bồn, ngoài những giá trị kiến trúc hiện hữu, hội làng tổ chức tại lăng Bà cũng là yếu tố quan trọng góp phần định danh cho di tích. Ông Nguyễn Thanh Anh - Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn cho biết, điểm đặc biệt ở đây là các truyền thuyết kể lại về Bà Thu Bồn ở thôn Trung An đều gắn với các di tích còn hiện hữu như giếng Bà, ao Bà, vườn Bà, ruộng Bà… “Từ năm 2015 huyện đã chỉ đạo ngành văn hóa địa phương nghiên cứu phục dựng lễ hội truyền thống, từ đó lễ hội dần phát triển cả về quy mô lẫn hình thức. Trong đó, phần lễ gồm các nghi thức chính như lễ rước sắc, rước nước, lễ tế, thả hoa đăng...; phần hội với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như đua thuyền, hát tuồng, dân ca, hô bài chòi…” - ông Anh chia sẻ.
Đã nhiều năm làm chủ bái lễ Lệ Bà, cụ ông Trịnh Tống nói rằng, người dân vùng sông nước này đều dành sự tôn kính đối với Bà Thu Bồn. “Trong tâm linh mỗi người, Bà là có thật. Bà phù hộ cho những người con làm nghề sông nước của làng, rồi những người làm nghề buôn bán kinh doanh… Người dân chúng tôi luôn có niềm tin như vậy và thành tâm kính lễ, hết lòng chuẩn bị cho ngày hội Lệ Bà” - ông Tống nói. Truyền thuyết về di tích lăng Bà là câu chuyện đẹp mà mỗi mùa hội làng người già lại kể cho người trẻ. Rằng Bà là một cô gái đẹp có mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng ngà, tài năng đức độ. Bà dồn hết tâm sức để cứu nhân độ thế, không màng đến hạnh phúc riêng, được dân làng tôn vinh là Đức Bà Hằng Cứu Thế. “Bà nhập bồng lai đúng giờ Ngọ ngày 12.2 âm lịch. Theo di ngôn của Bà, dân làng không dùng vải vóc để tẩm liệm mà dùng hoa lá thiên nhiên. Cỗ quan của Bà đặt tại đình làng, do các chức sắc, hào mục thay phiên nhau túc trực lo hương khói. Đến đêm thứ bảy, dân làng ngửi thấy mùi hoa ngào ngạt, bèn xem thì thấy nắp quan tài đã mở tung, chỉ thấy đầy hoa sứ mà không thấy thi thể Bà đâu. Sau đó dân làng họp bàn và quyết định xây dựng một ngôi điện, cung nghinh chiếc hòm hoa sứ về thờ phụng, hàng năm hành lễ, đền đáp “ơn cao, đức trọng” của Bà” - cụ Tống kể lại. Truyền thuyết về Bà Thu Bồn dù có nhiều dị bản, nhưng tất cả đều để toát lên vẻ đẹp của một người Mẹ xứ sở, của tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại từ nhiều đời nay.
2. Những năm gần đây, lễ hội Bà Thu Bồn ở Nông Sơn được du khách thập phương biết đến và tham dự nhiều hơn. Phần hội năm nay có nhiều chương trình văn hóa - thể thao như hát tuồng, dân ca, giao lưu bóng chuyền nam, đua ghe tuyến được mở rộng với nhiều địa phương trong tỉnh tham gia. Nếu giải đua ghe nan truyền thống là cuộc hàn huyên, tâm sự giữa những người một thời gắn với sông nước thì giải đua ghe tuyến là cuộc so tài gay cấn, hấp dẫn giữa những tay chèo đến từ các huyện lân cận như Hiệp Đức, Duy Xuyên, Đại Lộc… “Đây là cơ hội quảng bá cho nhiều người biết đến Lễ hội Bà Thu Bồn, qua đó địa phương giới thiệu di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh để lễ hội ngày càng được mở rộng và nhân lên ý nghĩa” - ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch UBND xã Quế Trung nói. Năm nay, cùng với việc kỷ niệm mốc 10 năm đánh dấu ngày lăng Bà được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, hội làng cũng là dịp hướng đến kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Nông Sơn (8.4.2008). Để chuẩn bị cho ngày hội làng này, từ năm 2016 lăng Bà Thu Bồn đã được trùng tu nhiều hạng mục, từ các nguồn xã hội cũng như ngân sách phân bổ.
Ông Hai cho hay, kinh phí tu bổ lăng Bà lên đến hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách phân bổ 300 triệu đồng, số còn lại vận động từ sự đóng góp của người dân địa phương và các mạnh thường quân, con em xa quê. Là một người con xa quê, ông Ngô Mỹ (đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, trước đây ông biết đến lễ hội này thông qua những người buôn bán trầm hương. Tám năm trước ông về cúng Bà, cầu xin mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn may mắn, nguyện vọng được đáp ứng, công việc như ý muốn. Từ đó, hằng năm đến lễ tế Bà là ông cùng gia đình về tham dự với lòng tin sâu sắc, cầu mong năm mới nhiều may mắn. “Ngoài yếu tố tín ngưỡng tâm linh, lễ hội thu hút đông đảo du khách về dự bởi không gian mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống xứ Quảng. Cùng chung tay xây dựng lăng Bà Thu Bồn thành điểm du lịch tâm linh để du khách đến tham quan và thờ cúng theo tín ngưỡng… là điều mà người gốc gác Thu Bồn nên làm vậy” - ông Mỹ nói.
Người vẫn rủ nhau đi về phía ngọn nguồn sông Thu, không chỉ để dự hội làng, mà còn để được nghe mùi khói quê, nghe mùi đồng đất bãi biền, nhìn những gương mặt quê nhà rạng rỡ, ở hội làng mình…
Nguồn: Báo Quảng Nam
29 Tháng 3,2018
Chia sẽ mạng xã hội
- Gắn kết cộng đồng với di sản thông qua hoạt động trải nghiệm (16.10.2024)
- TUYÊN TRUYỀN GIÁ TRỊ KHU BẢO VỆ CẢNH QUAN DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA MỸ SƠN TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ (14.10.2024)
- HOIANA RESORT & GOLF GÓP PHẦN QUẢNG BÁ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (11.10.2024)
- Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Mori Takero thăm Di sản Văn hoá Mỹ Sơn. (11.10.2024)
- Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững (08.10.2024)
- Đưa website bán vé trực tuyến vào hoạt động (08.10.2024)