Kèn saranai là một loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm. Kèn saranai, trống paranưng và trống ghi năng là những nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội. Theo quan niệm của người Chăm, kèn saranai là đại diện cho cái môi, còn paranưng đại diện cho bụng, trống ghi năng là 2 đầu gối. Các nghệ nhân thường ví kèn saranai là phần đầu của bộ ba trống paranưng, kèn saranai, trống ghinăng, bởi tiếng kèn saranai thường mở đầu cho mỗi điệu thức hay chuyển từ điệu này sang điệu khác.
Saranai (tiếng dùng của người Chăm) tượng trưng cho âm tính. Vậy nên, trong những lễ hội, tiếng kèn ấy thường đi đôi với nhạc cụ khá mạnh mẽ, tượng trưng cho dương tính như trống ginăng. Sự giao hòa giữa trời và đất, tín ngưỡng phồn thực, ước mong sự sinh sôi nảy nở, hài hòa âm dương… lý giải cho sự kết hợp giữa 2 loại nhạc cụ này. Trống Paranưng tượng trưng cho trời, Ghi-năng tượng trưng cho đất, kèn Saranai tượng trưng cho con người. Nếu thiếu một trong ba món “thiên- địa- nhân” thì không thành nhạc lễ”.
Ba thanh âm chính (tăk, tăm, tầm) của nhịp trống paranưng, thêm những âm thanh khỏe khoắn của nhịp trống ginăng (tơk, ting, tik, cleng, glèng…), tiếng kèn saranai réo rắt cất lên, những vũ nữ cùng múa điệu rija khơi mạch nguồn cảm xúc cho giá trị văn hóa Chămpa. “Ginăng có 72 điệu, tiếng kèn saranai thổi theo 72 điệu trống này, mỗi nhịp trống là một điệu múa.
Ở Mỹ Sơn, âm thanh của tiếng kèn saranai, tiếng trống paranưng, trống ghi năng đã hòa nhịp với nhau giúp những vũ nữ trình diễn những điệu múa Chăm trên nền nhạc cổ tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo của người Chăm xưa níu chân du khách. Âm thanh của các loại nhạc cụ là yếu tố làm nên sự thăng hoa cho những người nghệ sĩ biểu diễn múa Chăm và làm nên một bản sắc cho một văn hóa Chăm –pa, cũng như nền văn hóa Việt Nam.
Đến Mỹ Sơn người ta không chỉ ngỡ ngàng trước sự uy nghiêm, tĩnh lặng và thần bí của những ngôi tháp, bức phù điêu của các vị thần, những vũ nữ… mà còn bị lôi cuốn bởi nghệ thuật ca, múa, nhạc Chăm. Âm thanh của tiếng kèn, tiếng trống vẫn luôn vang vọng trong thung lũng tháp cổ đã nhuốm màu thời gian.
Trinh Dương
13 Tháng 1,2021
Chia sẽ mạng xã hội
- Hội thảo khoa học: Quy trình kỹ thuật trùng tu đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn (08.12.2018)
- Tổng thống Ấn Độ thăm Mỹ Sơn (19.11.2018)
- Khôi phục làng nghề dầu chổi Mỹ Sơn (07.11.2018)
- Nhiều sự kiện trong lễ Kỷ niệm 20 năm Mỹ Sơn được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (05.11.2019)
- Đoàn Thanh niên Mỹ Sơn đạt giải nhất Hội thi Nét đẹp thanh niên công sở (22.10.2018)
- Chống đỡ cấp thiết tháp B3 trước mùa mưa bão (04.10.2018)