HỒI ỨC VỀ MỸ SƠN
Đầu năm 1981, tôi mới chân ướt chân ráo nhận công tác tại phòng Bảo tồn-Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng, vì ngành học chuyên môn của tôi là khảo cổ nên tôi được chú Nguyễn Quốc Sử- vị lãnh đạo phụ trách phòng BTBT- phân công cùng với anh Lê Văn Chỉnh đi chuẩn bị công việc phát quang khu tháp Chăm Mỹ Sơn để năm1982 bắt tay vào trùng tu di tích. Tuy không có chuyên môn về bảo tồn di tích nhưng anh Chỉnh rất nhiệt tình và thông thạo việc liên hệ công tác với các phòng Văn hóa - Thông tin các huyện trong tỉnh, anh đã bàn với tôi kế hoạch đi công tác tại Mỹ Sơn khá chu đáo.
Một buổi sáng sớm tháng ba, tôi và anh Chỉnh đeo ba lô đến bến xe Chợ Cồn để đi Nam Phước. Xếp hàng từ sớm nhưng phải đến hơn 9 giờ chúng tôi mới mua được vé xe, đoạn đường từ Đà Nẵng đến Nam Phước chỉ khoảng 36km mà xe chạy mất gần 2 tiếng đồng hồ vì thường xuyên dừng xe để đón khách. Sau khi nhận lại chiếc xe đạp gửi trên trần xe đò, tôi và anh Chỉnh phải loay hoay nắn lại ghi-đông xe sau đó 2 anh em đạp xe trực chỉ phòng Văn hóa- Thông tin huyện Duy Xuyên.
Đến phòng VHTT huyện thì đã đến giờ nghỉ trưa, cửa phòng làm việc khép hờ, nhìn vào không thấy ai, đang lo thì có người gọi anh Chỉnh, chúng tôi quay lại, một người đàn ông trung niên gầy gò tươi cười, vồn vả bắt tay chúng tôi, anh Chỉnh giới thiệu: “đây là anh Lê Thành Toán- phó trưởng phòng VHTT, anh Toán sẽ cùng đi Mỹ Sơn với chúng ta”. Anh Toán bảo, trước khi đi Mỹ Sơn phải ăn trưa đã, từ đây lên Mỹ Sơn xa lắm. Anh Toán đưa tôi và anh Chỉnh vào một quán mì quảng, anh vào bên trong gọi mì, một lát sau, chủ quán chỉ bưng ra 2 tô mì đầy ắp, thấy chúng tôi ngần ngừ chưa ăn, anh giải thích là mới vừa ăn cơm xong, anh bảo chúng tôi cứ ăn tự nhiên, còn anh ngồi chờ. Đang đói bụng nên chúng tôi không khách sáo, cùng nhau “đánh sạch” 2 tô mì.
Ngồi nghỉ trưa một lát cho tiêu hóa bớt tô mì, 3 anh em lọc cọc đạp xe lên Mỹ Sơn. Con đường từ trung tâm huyện đến Mỹ Sơn hơn 20km, đường rất xấu, đá dăm lổn nhổn, vừa đạp xe tôi vừa lo bị thủng lốp, may mà đến nơi an toàn. Nói đến nơi nhưng chưa đến nơi vì đó là một xí nghiệp gạch, điểm cuối cùng có thể đạp xe, anh Toán vào liên hệ để chúng tôi ngủ nhờ qua đêm. Đã hẹn trước, sáng hôm sau chúng tôi làm việc với UBND xã Duy Tân và HTX, nhờ các anh chuẩn bị một số nhân công chặt cây, phát quang khu tháp. Do nhiều công việc ở đơn vị nên chúng tôi nhờ anh Toán theo dõi việc phát quang khu tháp Mỹ Sơn. Khoảng 1 tháng sau, tôi và anh Chỉnh lại vào Mỹ Sơn để nghiệm thu công việc. Một khung cảnh mà tôi không bao giờ quên được hiện ra, dưới chân đỉnh núi chúa vút cong sừng sững, những ngôi tháp cổ ngàn năm hoang phế với ngổn ngang gạch đá, có tháp còn vươn cao, có tháp xiêu vẹo với cơ man dây leo quấn quít, có tháp chỉ còn là đống gạch đổ nát... tôi chợt liên tưởng đến nhưng hình ảnh trong bài thơ “Trên đường về” (tập thơ Điêu tàn) của Chế Lan Viên.
....Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian ...
Khoảng tháng 6 năm 1981, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thông tin đón một vị khách đặc biệt, đó là kiến trúc sư người Ba Lan- Kazimier Kwiatkowski (tên thân mật thường gọi là Kazik), một chuyên gia trùng tu di tích của Công ty PKZ. Kazik đến Mỹ Sơn để kiểm tra việc phát quang và chuẩn bị kế hoạch trùng tu năm 1982. Cùng đi với Kazik có một số cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích Trung ương.
Từ năm 1982 đến năm 1994, chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam-Ba Lan được thực hiện, Kazik đã trực tiếp hướng dẫn việc trùng tu Mỹ Sơn. Cùng làm việc với Kazit, có các cán bộ của Trung tâmThiết kế và tu bổ di tích Trung ương thay phiên nhau đến Mỹ Sơn như Lê Thành Vinh, Phạm Thanh Quang, Nguyễn Hồng Kiên, và người thường xuyên có mặt là Lê Văn Hưởng, anh vừa là cán bộ kỹ thuật, vừa làm phiên dịch cho Kazik...
Lúc bấy giờ sở VHTT QN-ĐN chỉ có 2 chiếc xe, 01 chiếc Volga và 01 xe Jeep. Đường vào Mỹ Sơn quá xấu, không thể dùng xe Volga để chở khách, Kazik lại thích ngồi xe Jeep hơn nên cứ mỗi lần Kazik có việc cần ra Đà Nẵng thì anh Cường lái xe Jeep vào đón. Đoạn đường từ ĐT 610 vào đến tháp khoảng 7km, xe ô-tô chỉ đến được bên này Khe Thẻ, mọi người phải lội bộ vào, nhiều khi trời nắng chan, chúng tôi phải đội mũ rộng vành nhưng Kazik lại ở trần trùng trục, chỉ mặc độc chiếc quần sooc, da ông trắng hồng nên bị cháy nắng đỏ au. Sang Việt Nam khá lâu nhưng Kazik chỉ học được một ít tiếng Việt, 2 từ ông thường dùng là “nước mắm” và “cuốc lủi”, cứ mỗi lần nghe Kazik gọi “Thu ơi cuốc lủi” là anh Trần Thu- nhân viên bảo vệ- xách can nhựa chạy ra làng mua ngay. Ông chỉ thích rượu Vodka và “cuốc lủi”, có lần ông mang vào Mỹ Sơn mấy chai Vodka Ba Lan mời anh em, rượu nặng uống vào cháy cổ nhưng ông uống ngon lành.
Là một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực trùng tu di tích ở châu Âu, Kazik rất thận trọng khi thực hiện việc tu bổ một loại hình kiến trúc còn mới lạ. Ông vận dụng những nguyên tắc của trường phái trùng tu “Khảo cổ học” vào việc tu bổ khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn. giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, đồng thời không làm lẫn lộn các thành phần nguyên gốc với các thành phần mới đưa vào để chống đỡ, gia cường cho kiến trúc. Tôi và một số cán bộ làm công tác Bảo tồn-Bảo tàng hồi đó ở QN-ĐN có may mắn được làm việc với Kazik, học được ở ông tính thận trọng, khoa học và cầu thị, luôn tham khảo ý kiến nhiều người rồi mới thực hiện. Kazik có biệt tài vẽ ghi rất nhanh, hầu như không dùng đến thước khi vẽ kỹ thuật. Để chuẩn bị trùng tu một ngôi tháp, ông kiểm tra tình trạng của tháp, sau đó phát họa cách gia cố tu sửa, việc đạc họa đã có các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm TK&TBDT TW thực hiện. Trong suốt 12 năm, mỗi năm khoảng 3 tháng, Kazik đến với Mỹ Sơn và các di tích Chăm khác ở miền Trung, không nề hà nắng mưa, cực khổ, ông cùng ăn ở và làm việc tại Mỹ Sơn như một người dân bản xứ.
Vì tôi còn làm nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ ở các di tích thời tiền sử và sơ sử nên không thường xuyên làm việc ở Mỹ Sơn, chỉ có anh Lê Văn Chỉnh bám trụ ở công trường, làm nhiệm vụ theo dõi nhân công và tham gia nhiều việc khác, chính trong thời gian làm việc tại Mỹ Sơn, anh Chỉnh đã tìm tòi về kỹ thuật trùng tu tháp, có lần anh chỉ cho tôi xem những vết sướt song song trên mặt mấy viên gạch Chăm, với con mắt tinh tế, anh cho rằng người Chăm cổ đã mài các viên gạch với nhau, từ đó nghĩ ra kỹ thuật “mài chập” gạch Chăm để trùng tu tháp. Đáng tiếc do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khoảng năm 1985-1986 anh Chỉnh xin chuyển về Tam Kỳ làm việc để lo cho gia đình. Từ đó công việc theo dõi nhân công trùng tu Mỹ Sơn do Nguyễn Thượng Hỷ đảm trách, thỉnh thoảng tôi và anh Trần Kỳ Phương cùng lên tham gia. Nhờ làm việc nhiều năm với Kazik ở Mỹ Sơn, từ một họa sĩ, Thượng Hỷ đã trở thành người chuyên nghiệp trong lĩnh vực tu bổ di tích.
Sau 12 năm được gia cố tu sửa, trung tâm kiến trúc bậc nhất của nghệ thuật Champa bắt đầu hồi sinh, Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ trước kia của nó, làm cho ta có thể hình dung được một khu đền thờ Ấn Độ giáo uy nghiêm kỳ vi của vương quốc Champa trong quá khứ. Trong thời gian này, qua đào phát lộ, dọn dẹp gạch đá trong khu tháp, nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị đã được tìm thấy, tất cả đang được trưng bày trong 2 mandapa D1 và D2 Mỹ Sơn.
Tháng 9/1994, khi được Bảo tàng QN-ĐN bàn giao nhiệm vụ quản lý, huyện Duy Xuyên đã thành lập Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn. Anh Nguyễn Công Hường được điều động làm trưởng ban. Lúc bấy giờ, ngoài ngôi nhà tạm cho anh em bảo vệ trú nắng mưa, không có bất kỳ tiện nghi nào cho anh em trong Ban QL làm việc. Khí hậu trong thung lũng Mỹ Sơn rất khắc nghiệt, mùa hè ban ngày có thể nóng đến 38-39oC, ban đêm chỉ còn 19-20oC; còn mùa mưa thì tầm tả cả ngày đêm, có những trận mưa lớn, nước Khe Thẻ dâng lên chảy ào ào như thác lũ. Trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn thiếu thốn, cbcnv trong Ban quản lý Mỹ Sơn đã dần thích nghi và vượt qua tất cả, lực lượng BQLDT&DL Mỹ Sơn ngày càng lớn mạnh, từ 6 người ban đầu, ngày nay có gần 80 người, trong đó có nhiều người đã trưởng thành qua thực tế công việc và qua học tập tại công trường trong những đợt trùng tu di tích với các chuyên gia nước ngoài.
Năm1996, được sự thỏa thuận của Hội đồng Di sản Thế giới, Bộ VHTT đề nghị tỉnh QN-ĐN lập hồ sơ khoa học di tích Mỹ Sơn và khu phố cổ Hội An trình UNESCO. Hồ sơ khoa học khu phố cổ Hội An do TS. Nguyễn Quốc Hùng- Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng chủ trì cùng các cán bộ chuyên môn của Trung tâm QLBTDT Hội An thực hiện. Hồ sơ khoa học khu đền tháp Mỹ Sơn do TS. Trương Quốc Bình- Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng chủ trì, ở Bảo tàng QN-ĐN có Phan Văn Cảnh, Nguyễn Thượng Hỷ, Hồ Xuân Tịnh và một số cán bộ phòng Quản lý Di tích tham gia. Việc thu thập tư liệu do Phan Văn Cảnh và một số người khác thực hiện; tôi và Nguyễn Thượng Hỷ lo phần thực hiện các bản vẽ, đây là công việc khá khó khăn, mất nhiều thời gian, tuy nhiên nhờ các bản vẽ của H.Parmentier để lại và một số bản vẽ kỹ thuật của các cán bộ Trung tâm TKTBDT TW nên công việc được thực hiện đúng thời gian yêu cầu. Tôi còn phải viết nội dung di tích, phần kịch bản và lời bình cho phim tư liệu theo yêu cầu của hồ sơ. Viết kịch bản phim xong, với số kinh phí hạn chế, không thể nhờ đài Truyền Hình Đà Nẵng làm phim, tôi mời nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh và ê-kíp của anh đi Mỹ Sơn chụp ảnh các tháp bằng phim dương bản, đồng thời quay phim tư liệu. Theo yêu cầu hồ sơ, phim phải có lời bình bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Phần tiếng Việt được giao cho Tạ Việt Anh- cán bộ phòng Quản lý Di tích đọc, còn phần tiếng Anh do Trần Thị Chiêm- nhân viên Bảo tàng ĐK Chăm đọc. Vì không phải là dân chuyên nghiệp nên việc thu âm đọc lời bình khá vất vả, khi hoàn thành phim chúng tôi cứ lo lắng mãi, cứ sợ không đạt yêu cầu của UNESCO. Phim làm xong, gởi đi Hà Nội, tôi cứ nơm nớp lo phim không đạt yêu cầu vì thiết bị quay phim bình dân, ấy vậy mà mọi việc đều suông sẻ, không ai đánh giá thấp bộ phim video và phim dương bản.
Năm 1997, khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, tôi và Nguyễn Thượng Hỷ thực hiện nốt những công việc còn lại. Hồ sơ hoàn thành, lãnh đạo huyện Duy Xuyên và anh Nguyễn Công Hường- Trưởng ban QLDT&DL Mỹ Sơn ôm hồ sơ đi Hà Nội. Khi hồ sơ khoa học được Hội đồng DS QG thẩm định, mọi người đều vui mừng vì tất cả đều đạt yêu cầu, chỉ đề nghị bổ sung một vài nội dung nhỏ trong hồ sơ.
Có một việc mà tôi phải toát mồ hôi khi nghe tin. Sau khi hồ sơ trình sang UNESCO, họ yêu cầu bổ sung một bản báo cáo về mối quan hệ giữa núi Ngọc Linh, khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An qua dòng sông Thu Bồn. TS.Trương Quốc Bình gọi điện thoại đề nghị tôi gấp rút thực hiện. Đang lúc mới vào Quảng Nam, điều kiện làm việc còn tạm bợ, phải lo nhiều việc của đơn vị, tuy nhiên hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Mỹ Sơn trình UNESCO là việc phải ưu tiên, vậy là anh Phan Thanh Bão- giám đốc Bảo tàng tỉnh- đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi làm một chuyến khảo sát tốc hành dọc sông Thu Bồn. Khoảng 2 tuần sau bản báo cáo đã hoàn chỉnh và gửi hỏa tốc ra Hà Nội, TS.Trương Quốc Bình dịch ngay sang tiếng Anh và kịp thời bổ sung hồ sơ di sản Mỹ Sơn.
Khi hồ sơ khoa học Mỹ Sơn được đệ trình UNESCO, nhiều tổ chức quốc tế bắt đầu quan tâm đến Mỹ Sơn. Mùa hè năm 1998, Bộ Văn hóa thông báo đến Sở là bị đón và làm việc với 2 chuyên gia Italia, đó là vợ chồng ông Mauro Cucazi. Anh Nguyễn Đức Tuấn- giám đốc Sở- cử tôi ra sân bay Đà Nẵng đón. Vì chưa biết mặt khách nên tôi dùng một tấm bìa trắng viết tên khách và đứng chờ lối ra. Khi khách đi trên chuyến bay Hà Nội - Đà Nẵng ra cửa, tôi cố đưa tấm bìa thật cao, khách ra liên tục mà không thấy vị khách ngoại quốc nào đến nhận, chờ mãi tôi hơi sốt ruột, chợt nghĩ hay là họ bị trể chuyến bay? Đang thất vọng, chợt thấy cuối đoàn người có 2 vị khách ngoại quốc cao lớn, một nam, một nữ đang kéo 2 chiếc vali to đùng, tôi đoán đây chắc là ông bà Mauro, vội đưa cao tấm bìa có tên của họ. Người nhận ra tôi là bà Mauro, bà nhanh nhẩu: “Hello Mr. Tinh, is that you?”. Thì ra bà đã được thông tin về người đi đón bà ở sân bay, ông bà tiến nhanh đến tươi cười bắt tay tôi. Đưa vợ chồng ông Mauro Cucazi ra xe, chiếc xe Uoat chinh chiến của Bảo tàng, tôi cảm thấy ái ngại sợ họ phật ý nên phải lên tiếng xin lỗi rằng vì cơ quan chúng tôi mới thành lập nên chưa có điều kiện sắm ôtô mới, bà Mauro cười xòa cho biết bà từng đi những chiếc xe cũ kĩ hơn ở Campuchia và Lào, miễn không phải đi bộ là tốt rồi.
Ngày hôm sau cũng với chiếc xe Uoat, tôi đưa ông bà Mauro đi Mỹ Sơn. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi cố gắng giới thiệu với ông bà về di tích Mỹ Sơn và những việc mà Kazik đã thực hiện những năm trước đây. Bà Mauro quan sát rất kỹ những tháp đã được tu bổ. Tôi tỏ ý muốn biết bà đánh giá thế nào về công tác trùng tu Mỹ Sơn trong những năm qua, bà Mauro không nhận xét gì mà chỉ nói: nếu không có những việc mà Kazik và các bạn đã làm trong hơn 10 năm thì chắc Mỹ Sơn không còn được như ngày nay.
Trong số những nhà khoa học Italia có đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu và tu bổ di tích Mỹ Sơn trong những năm cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI phải kể đến đó là bà Mauro Patrizia Zolese- một nhà khảo cổ và là nhà trùng tu di tích đầy nhiệt huyết. Ai đã tiếp xúc một lần với bà chắc sẽ khó quên nhà khoa học nầy, bên cạnh sự đam mê nghiên cứu và luôn muốn lôi kéo người khác vào công việc, bà còn được người ta nhớ lâu bởi tính nói nhiều của bà, đã gặp là “nổ” như bắp rang, không phải những chuyện linh tinh thường ngày mà là chuyện khảo cổ, chuyện trùng tu di tích. Trong quá trình trùng tu nhóm tháp G tại Mỹ Sơn, các nhà khoa học đã biên soạn công trình nghiên cứu “Hướng dẫn khảo cổ và trùng tu tháp Chăm-tư liệu đúc kết từ dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G”. Tài liệu này cung cấp thêm những kinh nghiệm quý giá cho công tác bảo tồn, tu bổ các công trình kiến trúc Champa tại Việt Nam. Một tác phẩm khác về Mỹ Sơn có sự tham gia của Patrizia Zolese dó là “Champa and the Archeaology of Mỹ Sơn (Vietnam)” đã được xuất bản năm 2009, đây là một tài liệu quan trọng về khảo cổ học tại Mỹ Sơn trong thế kỷ XX...
Vào tháng 3 năm 1999, Bộ Văn hoá Thông tin đã hợp tác với tổ chức Lerici Foundation (Italia) thực hiện dự án Thông tin Địa lý - GIS (Geographie Information System) tại Mỹ Sơn . GIS là hệ thống quản lý thông tin không gian được phát triển trên cơ sở công nghệ máy tính với mục đích lưu trữ, hợp nhất, mô hình hoá, phân tích và miêu tả nhiều loại dữ liệu. Dự án hợp tác giữa Việt Nam – UNESCO và Italia còn thực hiện tại Mỹ Sơn nội dung “Bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn”. Tôi ra đón vợ chồng ông Mauro tại sân bay ĐN, hai ông bà mừng rỡ, ôm hôn tôi như người bạn thân thiết. Khi về đến khách sạn, ông Mauro mở vali lấy ra một chai rượu Ballentine’s hàng xách tay tặng tôi, bà Patriczia bảo đây là quà ông Mauro mua tại sân bay quốc tế Fiumicino. Chai rượu này tôi mang về nhà tập thể mời anh em uống cho biết, hồi đó Ballentine’s là thứ rượu khá hiếm ở VN. Lúc bấy giờ Bảo tàng tỉnh chỉ có 8 người, cùng kéo đến nhà tập thể uống thử cho biết, anh nào uống cũng xuýt xoa khen ngon, uống cạn chai, anh Quế - nhân viên kế toán chạy đi mua thêm rượu gạo đổ vào để lấy mùi thơm còn vương trong chai.
Tháng 6 năm 2002, được sự tài trợ của American Express Company, Trung tâm BTDS-DT Quảng Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện dự án khai quật Khe Thẻ. Tháng 8 năm 2005, dự án được tiếp tục thực hiện, trên 300 hiện vật đá và đất nung đã được tìm thấy. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy khu vực nầy có một vài công trình kiến trúc đã bị sụp đổ từ lâu, có khả năng trước đó các nhà nghiên cứu người Pháp chưa biết đến...
Đã nhiều năm qua, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng ký ức về Mỹ Sơn là những hình ảnh khó phai. Mỹ Sơn, từ một phế tích hoang tàn, bị phủ kín bởi cây rừng, đã được phát lộ, tu bổ, tôn tạo, rồi được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Việt Nam, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, đó là công sức và sự đóng góp thầm lặng của nhiều người, nhiều thế hệ...
Hồ Xuân Tịnh
18 Tháng 5,2021
Chia sẽ mạng xã hội
Bài viết liên quan
- Cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong bảo tồn di sản (12.09.2019)
- Hơn 10 ngàn khách dự lễ kỷ niệm 20 năm (09.09.2019)
- Kỳ vọng thế hệ kế cận (09.09.2019)
- Long trọng kỷ niệm 20 năm Hội An, Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới (09.09.2019)
- Xe cổ diễn hành đến Mỹ Sơn (08.09.2019)
- KHAI MẠC TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TẠI MỸ SƠN (08.09.2019)