Nhiều du khách và không ít hướng dẫn khi đến Mỹ Sơn thường hay mơ hồ con số 13 (mười ba) kiến trúc trên các trang tư liệu, trên sơ đồ ở nhóm A. Nhưng hiện diện chỉ có 6 công trình kiến trúc?Các ngôi tháp kia ở đâu? Công năng của từng tháp có gì khác? Để giải đáp vấn đề này chúng tôi có bài viết ngắn về tổ hợp kiến trúc khác biệt đền-tháp A, chia sẻ cùng bạn đọc.
Theo thống kê của người Pháp từ đầu thế kỷ hai mươi khu di tích Mỹ Sơn có 68 công trình kiến trúc và dựa theo các tiêu chí nhóm tháp có tường bao, nhóm không có tường bao, quy mô công trình, sự tương tác liên kết giữa các công trình chia ra mười ba nhóm A, A', B, C, D, G, H, K, L, M, N, E, F đồng thời đặt ký hiệu số kèm theo mẫu tự La tinh điều này giúp chúng ta dễ nhận biết vị trí từng công trình.
Nhóm A được ký hiệu 13 công trình từ A1 đến A13. Nhưng trên thực tế hiện nay chúng ta thấy có sáu nền móng đó là A1, A8, A10, A11, A12 và A13. Tháp có bình đồ hình chữ nhật A9 giữ chức năng nhà tịnh tâm và là nơi chuẩn bị các nghi lễ nằm phía tây đền chính A1 đã bị cuốn trôi do sự chuyển dịch dòng suối từ hàng trăm năm trước, khi những chuyên gia người Pháp đến khảo sát chỉ còn sót lại một phần ba công trình A9 phía đông gần tháp cổng A8, (Khi người Chăm xây dựng nhóm tháp A dòng suối cổ chảy từ hướng đông nhóm tháp này rồi vòng ra giữa nhóm A và nhóm tháp G. Có lẽ do một trận lũ lớn sau thế kỷ X đã chuyển dòng từ phía đông qua phía tây và tồn tại cho đến bây giờ).
Một sự khác biệt nhất trong tổ hợp kiến trúc này là cùng trên một mặt bằng kiến trúc A1 (kalan) có ký hiệu thêm sáu kiến trúc khác từ A2 đến A7. Ngay trên đế đền A1 cách mặt đất 140 cm kết hợp xây sáu ngôi tháp phụ thờ các vị thần phương hướng (Hộ thế bát phương thiên/astadikpalakas).Mỗi ngôi tháp phụ này đều có thờ tượng thần bên trong. Vị thần được chạm nổi ngồi có bệ tựa phía sau và trên một cái bục có hình con vật. Năng lực của vị thần tương ứng với một con vật và với một phương nhất định.
2/ Hướng Đông-nam (tháp A4): Thần Agni-Thần Lửa (Hỏa Thiên) cưỡi con tê ngưu;
3/ Hướng Nam (tháp A3): Thần Yama- Thần Chết (Diêm vương/Diêm-ma Thiên) cưỡi con trâu Mahisa;
4/ Hướng Tây-nam (tháp A2): Thần Nairrta- Thần La-sát (La-sát Thiên) cưỡi Nam nhân (naral/mrtaka);
5/ Hướng Tây (cửa vào phía tây): Thần Varuna-Thần Nước (Thủy Thiên) cưỡi con ngỗng Hamsa;
6/ Hướng Tây-bắc (tháp A7): Thần Vayu-Thần Gió (Phong Thiên) cưỡi con ngựa;
7/ Hướng Bắc (tháp A6): Thần Kubera/Vaisravana -Thần Tài lộc (Tỳ-sa-môn Thiên) cưỡi tòa bảo tháp Vimana;
8/ Hướng Đông-bắc (tháp A5): Thần Isana-Đấng Tự tại (Đại Tự tại Thiên) cưỡi con bò Nandin (Trần Kỳ Phương 2005: 661-62).
Như vậy chúng ta nhận ra trên một tổng thể khối kiến trúc chung mà cố kiến trúc sư H. Parmentier chuyên gia người Pháp đặt ra bảy ký hiệu từ (A1 đến A7). Có lẽ ông đã dựa vào các tiêu chí như hình khối kiến trúc, công năng không gian thờ tự... của từng ngôi tháp này. Cấu trúc như một tháp nhỏ gồm ba phần đế tháp, thân tháp và mái tháp, có lanh-tô, trụ cửa, có chóp tháp và có cả các tai lửa trang trí góc. Không gian thiên bên trong thờ tự một vị thần phương hướng (Hộ thế bát phương thiên/astadikpalakas). Đây là sự kết hợp đền thờ chính với các miếu thờ phụ trên một khối đế kiến trúc, làm cho bố cục ngôi đền chính có vẽ đẹp cân đối hài hòa và uy nghi hơn. (Ở nhóm B xung quanh đền B1 có bảy ngôi tháp nhỏ tách biệt ra khỏi đền chính thờ bảy vị thần Tinh tú: Thất Tú/Thất Diệu (Saptagrahas) từ tháp B7, B8, B9, B10, B11, B12, B13).
Thời gian và chiến tranh đã phá hủy nhóm tháp A nói riêng, Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn nói chung gần như đã trở thành phế tích, Đền thờ A1 sập hoàn toàn chỉ còn phần đế kiến trúc. Những ngôi tháp thờ thần phương hướng trên kiến trúc A1 cũng biến mất gần hết, vị trí tháp A5, A6 chỉ còn vài thành phần kiến trúc như chân tường, đà cửa...không đủ các dữ kiện cần thiết để phục hồi... Trong chương trình Hợp tác Văn hóa giữa hai Nhà Nước Việt Nam và Ấn Độ, ba nhóm tháp A,H,K được đưa vào trùng tu từ 2016 - 2022, tại đây một lần nữa (trước đó chuyên gia Ba Lan, chuyên gia Pháp từng can thiệp) được các chuyên gia Ấn Độ nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng áp dụng các biện pháp gia cố, gia cường, tái định vị một số thành phần kiến trúc như trụ cửa lanh - tô, các khung cửa sổ đá sa thạch, xây bổ khuyết để bảo tồn các yếu tố gốc liền kề, phục hồi các khối xây khi có đủ cơ sở khoa học, sắp xếp trưng bày lại hiện vật tại chỗ, sưu tầm gần như đầy đủ các thành phần đài thờ, định vị gia cường đài thờ A1, A10, tôn tạo cảnh quan xung quanh, lối đi tham quan...Làm cho diện mạo nhóm A có những thay đổi tích cực, di tích được bảo tồn một cách bền vững, đẩy lùi những hình ảnh đổ nát, hạn chế thấp nhất những nguy cơ sụp đổ, hư hại. Thu hút lượng khách lớn tham quan đến đây chiêm bái.
Tài liệu tham khảo:
Trần Kỳ Phương, 2009, ‘The Architecture of the Temple-Towers of Ancient Champa (Central Vietnam)’, trong Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn (Vietnam), (biên tập, Andrew Hardy, Mauro Cucarzi và Patrizia Zolese), tr. 155-86, NUS Press, Singapore.
Trần Kỳ Phương, 2005, ‘Phù điêu Astadikpalakas của chóp tháp/amalaka Vân Trạch Hòa và hình tượng Dikpalakas trong điêu khắc Champa’, trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Tập II, (biên tập, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), tr. 653-77, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Ngô Văn Danh. Tháp cổ Chăm Pa, huyền thoại và sự thật, NXB Trẻ. 1996.
Di tích Chăm ở Quảng Nam, Hồ Xuân Tịnh.
Lê Minh
20 Tháng 10,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- Dấu ấn Champa bên bờ Nam sông Thu Bồn (29.08.2024)
- TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY CHO VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG BAN QUẢN LÝ MỸ SƠN (27.08.2024)
- Triển khai công tác giáo dục di sản trong trường học (26.08.2024)
- Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đạt 3/3 bộ tiêu chí Du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam (18.08.2024)
- Tăng cường xúc tiến du lịch tại Đà Nẵng (08.08.2024)
- Tỉnh Quảng Nam thống nhất với Ý định thư về dự án bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Khu đền tháp Mỹ Sơn. (30.07.2024)