Ngày 28 tháng 10 năm 2022, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Danh thắng Quảng Nam, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn phối hợp với nhóm chuyên gia thuộc Viện khảo cổ Ấn Độ tổ chức toạ đàm nhằm đánh giá bước đầu kết quả 6 năm triển khai thực hiện dự án hợp tác ‘Bảo tồn và Trùng tu các nhóm đền tháp A, H và K tại di sản Mỹ Sơn’. Giới thiệu những kết quả nổi bật của dự án từ công tác phát lộ và trùng tu tại các nhóm đền tháp A, H và K. Đồng thời thảo luận, trao đổi, đối thoại giữa những người quản lý, chuyên gia và người làm công tác bảo tồn về kinh nghiệm trùng tu các đền tháp gạch, tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị các nhóm đền tháp đã trùng tu. Ông Phan Văn Cẩm, Trưởng Ban điều hành dự án, Giám đốc Trung Tâm bảo tồn Di tích Danh thắng Quảng Nam cho biết: Dự án đã hoàn thành được mục tiêu là bảo tồn, tôn tạo 3 nhóm đền tháp A, H và K. Cảm ơn sự đóng góp quan trọng và quý báu của chính phủ Ấn Độ đã tài trợ, dự án góp phần ngăn chặn, chống xuống cấp, bảo tồn được các yếu tố gốc còn lại sau khi bị tác động nặng nề của tự nhiên và bom đạn chiến tranh.
Theo Ông Chitranjan Kumar – Trưởng đoàn chuyên gia trùng tu, Viện khảo cổ học Ấn Độ (ASI) cho biết: Đối với việc bảo tồn và trùng tu các di tích Chăm tại Mỹ Sơn, Di sản văn hoá thế giới, cơ quan ASI đã nhận được yêu cầu của Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ từ yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, đại diện nhóm kỹ thuật ASI do Giám đốc Bảo tồn Shri Janhwij Sharma đã đến thăm di tích Mỹ Sơn vào tháng 11 năm 2010 và đệ trình báo cáo quan sát sơ bộ sau chuyến thăm thực địa và thảo luận với chính quyền địa phương. Trong số nhiều nhóm tại khu đền tháp Mỹ Sơn, các nhóm A, H & K đã được cơ quan ASI xác định lựa chọn để bảo tồn với sự tham vấn của chính quyền địa phương. Năm 2011, tiến hành báo cáo quan sát sơ bộ, phác thảo mô tả về địa điểm và điều kiện của các nhóm đã được xác định. Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 28 tháng 10 năm 2014. Từ năm 2014 đến năm 2016 đã có nhiều nhóm chuyên gia tiến hành các khảo sát chi tiết và sau đó tiến hành công tác bảo tồn các nhóm đền tháp A, H và K. Các nhóm trước khi trùng tu đã ở trong tình trạng hư hại nghiêm trọng. So sánh các tài liệu trước đó của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, nhiều công trình hầu như sập đổ hoàn toàn do chiến tranh trong đó có ngôi đền nổi tiếng A1, nhiều hiện vật và thành phần kiến trúc bị bom phá huỷ. Chúng tôi, với mục tiêu bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích và tái định vị các thành phần kiến trúc cũng như trả nguyên vị cho các hiện vật được xác định. Gia cường gia cố, ổn định các khối xây, xây dựng hệ thống thoát nước, lối tham quan và trưng bày tại chỗ các hiện vật phát lộ được trong quá trình trùng tu.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu của dự án, là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của các tổ chức và cá nhân từ trung ương đến địa phương, nhất là sự nỗ lực của các chuyên gia đến từ Viện khảo cổ học Ấn Độ, các các cán bộ kỹ thuật Việt Nam, công nhân địa phương. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng công tác bảo tồn vẫn không bị gián đoạn. Qua 06 năm, hoạt động trùng tu đã áp dụng nghiêm các nguyên tắc trùng tu khảo cổ học, kế thừa và áp dụng các kỹ thuật và vật liệu đã được áp dụng trùng tu thành công trước đó. Từ các phế tích kiến trúc khảo cổ học như các nhóm đền tháp A, H và K, sau khi trùng tu cho đến nay, các nhóm đền tháp đã được bảo tồn một cách vững chắc, trả lại phần nào hình dạng của các công trình kiến trúc Hindu xưa. Phát lộ nhiều hiện vật có giá trị như đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021 và các nhóm đền tháp này trở thành nơi nghiên cứu, tham quan cho du khách. Chúng tôi sẽ luôn duy tu bảo dưỡng và phát huy các nhóm đền tháp này.
Buổi toạ đàm còn thảo luận về các kinh nghiệm trùng tu các di tích gạch, đá ở Nam Ấn Độ đến di tích Mỹ Sơn, các vấn đề về phát huy giá trị các di tích và hiện vật sau khi bảo tồn và trùng tu, kinh nghiệm sử dụng vật liệu trong trùng tu.
Kết thúc buổi toạ đàm, Ông Phan Văn Cẩm đánh giá rất cao những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, tôn tạo khu đền tháp Mỹ Sơn trong 6 năm qua. Dự án đã hoàn thành mục tiêu bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp A, H và K, bảo tồn các thành phần gốc chống xuống cấp và quan trọng là bảo tồn phần nào không gian kiến trúc đền tháp vốn có ở Mỹ Sơn. Tiếp tục công tác tập huấn, đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân phục vụ cho công tác bảo tồn. Dự án mang ý nghĩa lớn lao như là ví dụ cụ thể cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Di sản Mỹ Sơn là tổ hợp kiến trúc Hindu giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc Champa, minh chứng cho mối quan hệ lịch sử lâu dài và sâu sắc giữa hai nền văn hoá. Các hoạt động hợp tác cùng chung tay bảo tồn tôn tạo di sản Mỹ Sơn như bảo tồn một di sản chung của hai quốc gia. Sau khi hoàn thành trùng tu các nhóm A, H và K, các chuyên gia Ấn Độ tiếp tục khảo sát và lập chương trình chi tiết cho việc trùng tu nhóm F, khu đền tháp Mỹ Sơn.
Văn Thọ
01 Tháng 11,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- Đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng hiệu quả (28.07.2020)
- Di sản văn hóa Mỹ Sơn đón đoàn diễn hành mô tô và đua xe đạp “Duy Xuyên khát vọng vươn xa – Hành trình về miền di sản” (20.07.2020)
- Từ những viên gạch cũ... (15.07.2020)
- MANG YÊU THƯƠNG VỀ VÙNG CAO; BƯỚC CHÂN ĐI – NIỀM VUI Ở LẠI. (07.07.2020)
- Cục Kiểm lâm kiểm tra công tác bảo vệ rừng Mỹ Sơn (03.07.2020)
- Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác Đảng (01.07.2020)