Việc bảo tồn khu đền tháp Mỹ Sơn không chỉ là kiến trúc mà cả những không gian, cảnh quan…chung quanh! (trích ý kiến chuyên gia trong hội thảo bảo tồn di tích tháp Chàm cổ Mỹ Sơn).
Câu chuyện không gì mới nhưng đã bao năm rồi chúng ta không quan tâm. Đọc những trang viết của người nghiên cứu, cả lắng nghe những bài thuyết minh thì hầu như ai cứng nhắc đến đầu tiên về vị trí, cảnh quan… mà người Chăm xưa đã xây dựng nên khu đền thờ nầy. Những lý do, nguyên cớ cả những yếu tố tâm linh mà chắc chắn tính hợp lý, gọi nôm na là phong thủy đã được người xưa áp dụng. Được khẳng định phía Bắc là sông (mẹ nữ thần Parvati), phía Nam là núi (cha thần Siva), ở giữa là trung tâm với thung lũng có nguồn nước mát chảy suốt mùa. Là núi thiêng (Mahaparvata: Đại sơn), là sông thiêng (Mahadani/ Ganga, sông Hằng) nay là núi Chúa/hòn Đền là Thu Bồn. Được bao quanh những cánh rừng mọc chen vào núi đá đã tạo nên nét bí ẩn tạo đến sự bất khả xâm phạm khi ai muốn đến. Nơi mà qua nhiều thế kỷ, qua nhiều đời vua các kiến trúc mà ban đầu là những ngôi Đền bằng gỗ, rồi bằng gạch bền vững hơn được xây dựng. Các kiến trúc lẫn trong khu rừng mà chắc hồi ấy không ai được chặt phá bởi tính thiêng của việc chọn và mang ý nghĩa dâng cúng. Nơi mà động vật và thực vật có thể được bảo vệ?. Đã trở thành Khu sinh thái với vẽ đẹp hoang sơ. Để khi lần đầu tiên, đầu thế kỷ XX nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư Henry Parmentiere khi đi dưới những tán cây dẫn vào khu đền đã thốt lên cái vẽ đẹp của nó…. Và trong tiêu chí (iii) xếp hạng vào Di sản văn hóa thế giới khu đến tháp Mỹ Sơn được UNESCO xếp vào nét hấp dẫn của cảnh quan di sản. Cũng thật may những năm trước có ai đó cũng có dự án muốn xây dựng thủy điện ở đây đã dừng lại.
Cách đây gần 15 năm khi tôi đã nghe anh Kevin Mark phụ trách đội tình nguyện bảo tồn của UNESCO phàn nàn là tại sao khu di tích nào ở Việt Nam các bạn trồng cây keo nhiều, và tại sao không trồng cây khác nhất là cây bản địa. Anh dẫn chứng từ nhiều rừng keo ở di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng … đến cả khu di tích cách mạng Củ Chi lúc đó.
Câu chuyện được tôi bàn với các nhà bảo tồn ở tỉnh và trực tiếp với Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn. Và công việc đã được hưởng ứng tích cực. Những cây keo, cây bạch đàn đã dần dần được cưa bỏ và được thay bằng các cây vốn đã có mặt lâu nơi nầy. Các cây sao, lim, cây chè gối, cả cây dầu rái và bụi sim … đã được khôi phục. Keo – cây trồng kinh tế dần được thay thế bằng sức sống của các loài cây bản địa, có tuổi đời lâu hơn, có môi trường sinh thái đa dạng hơn.
Hôm nay, đi vào khu di tích du khách có thể ngắm hoa sim nở tím hai bên đường vào mùa tháng 4-5 nầy. Các tán cây bản địa trồng mới đang lớn đủ khép vòm cao che nắng cho du khách, với sắc hoa tím trắng của sầu đông, của muồng hồng/phượng rừng, đậm hương thơm của các loại trâm, trấu và những hàng dầu rái thẳng tắp níu bước chân du khách, để được nghe về thời xa xưa người Champa đã xây dựng đền tháp bằng những nguyên liệu hữu cơ kết dính những viên gạch tồn tại hàng ngàn năm.
Nguyễn Thượng Hỷ
06 Tháng 4,2021
Chia sẽ mạng xã hội
- LƯỢNG KHÁCH DU LỊCH GIA TĂNG, CỦNG CỐ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH MỸ SƠN TRƯỚC DỊP LỄ 30/4, 1/5 (28.04.2023)
- ĐOÀN KHẢO SÁT THUỘC CƠ QUAN KHẢO SÁT KHẢO CỔ ẤN ĐỘ (ASI) ĐẾN KHẢO SÁT CƠ BẢN NHÓM F, KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN. (28.04.2023)
- Nhân viên Ban Quản lý nhặt được của rơi trả lại du khách (24.04.2023)
- BQL DSVH Mỹ Sơn nhận cờ thi đua năm 2022 (24.04.2023)
- HỘI CHỢ VITM 2023 VÀ ĐIỂM ĐẾN MỸ SƠN GIỮA KHÔNG GIAN VĂN HÓA ĐA SẮC MÀU TẠI TRUNG TÂM TRIỂN LÃM QUỐC TẾ HÀ NỘI (17.04.2023)
- ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BAN QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN KHOÁ VIII NHIỆM KỲ 2023-2028. (14.04.2023)