Vào dịp Tết Nguyên đán 1946 - Tết đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác Hồ đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Là một chiếc lá xanh trong khu vườn xuân xanh ươm ấy, có bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao có những điều tốt đẹp chúng ta luôn giành dụm và trao cho người mà mình yêu quý? Vì sao những quả cam mọng ngọt nhất, con cá to nhất, ngon lành nhất,…ta mang đi tặng người bác đã dạy ta những hiểu biết đầu tiên trên chặng đường công tác, người bạn đã ở bên ta những tháng ngày cùng chung chí hướng dưới mái trường đại học? Đấy là tình thương giữa người với người, là sự nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp và tích cực. Bất kể là điều gì chúng ta chắt chiu cũng sẽ nuôi dưỡng được những hạt giống tốt. Vậy thì, những năm gần đây, dịch bệnh bùng phát ngày một nhiều hơn, đây phải chăng là vì có một mối quan hệ rất quan trọng mà con người, trong đó có thế hệ trẻ chúng ta đôi lúc vẫn còn bỏ ngỏ? Mối quan hệ đó, còn được gọi là Ecological Health (sức khỏe sinh thái) – mối liên hệ giữa sức khỏe con người và các điều kiện môi trường xung quanh.
Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong thời bình, vai trò và trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong giai đoạn thời kỳ mới đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện và nhanh chóng nắm bắt những đổi thay của xã hội và môi trường sống để góp phần thúc đẩy công tác Đoàn được đi lên, đất nước được giàu mạnh. Đi ngược về những ngày từ sau khi hòa bình được lập lại, quê hương đã đổi thay rất nhiều, ngày một phát triển hơn. Nhưng sự phát triển không đi đôi với gìn giữ và nuôi dưỡng, sẽ tạo ra những hệ quả đáng tiếc. Mà điển hình là những năm gần đây, các rủi ro về sức khỏe (đại dịch SARS, cúm A H1N1,…) diễn ra ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia IPBES, có nhiều bằng chứng chứng minh cho sự mất mát đa dạng sinh học – do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, phá hủy nơi cư trú, sự xâm lấn của các loài ngoại lai, sự khai thác các nguồn tài nguyên quá mức,…làm gia tăng khả năng lây truyền của vi sinh vật lên con người trong những điều kiện nhất định. Dưới sự thúc đẩy của biến đổi khí hậu và sự thuận tiện của mạng lưới giao thông, nguy cơ của những đại dịch mới ngày một gia tăng. Điều này khiến tuổi trẻ chúng ta phải ngồi lại để suy ngẫm về vai trò và cả những sai lầm của bản thân trong mối liên hệ giữa chính con người với các điều kiện môi trường xung quanh. Liệu rằng, chúng ta đã thực sự quan tâm đúng cách đến những “người bạn” xung quanh mình hay chưa? Từ những việc đơn giản nhất như phân loại rác thải, tắt thiết bị điện không cần thiết, nhặt rác bị vứt bừa bãi, vệ sinh thú nuôi sạch sẽ cho đến hoạt động mang tính cộng đồng như tham gia các hoạt động tuyên truyền của Đoàn thanh niên về chung tay xây dựng “Di sản xanh”, “Trồng cây gây rừng”,…, chúng ta đã thực sự tham gia tích cực hay chưa? Có lẽ, để hành động có hiệu quả, mỗi đoàn viên phải hiểu rõ vai trò của mình trong mối liên hệ mật thiết giữa con người với môi trường xung quanh. Mà trong mối liên hệ đó, mối quan hệ giữa rừng và con người được các nhà khoa học đánh giá là quan trọng nhất. Bởi lẽ, những rủi ro dịch bệnh được cho rằng liên quan đến suy thoái rừng, tàn phá rừng. Rừng là “lá phổi xanh” của Trái đất, là ngôi nhà chung của các loài động thực vật. Việc tàn phá rừng dẫn đến các động vật mất đi chỗ ở, qua đó khiến lan truyền các tác nhân trung gian gây bệnh, làm gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã – con người – vật nuôi đồng thời tạo ra những con đường cho các bệnh dịch mới xâm nhập vào cộng đồng.
Những hệ quả nghiêm trọng trên đặt cho thanh niên chúng ta những thử thách mới, đòi hỏi ở mỗi cá nhân phải tự rèn luyện cả về sức khỏe trí tuệ và sức khỏe cơ thể. Khi đảm bảo được hai yếu tố quan trọng đó ở mỗi đoàn viên, sẽ có được những phương án mới, phù hợp hơn kết hợp với những hoạt động làm nên truyền thống của Đoàn thanh niên (“Trồng cây gây rừng”, “Giảm thiểu rác thải nhựa”…) góp phần làm giàu màu xanh của quê hương, xứ sở, thân thiện, đáng sống; thiết lập nên môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật ở người và động vật.
Lời Bác Hồ dạy mùa xuân 1946 vẫn luôn ở đó, nhắc nhở mỗi đoàn viên chúng ta, mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa tô thắm vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, cây cỏ, của đất trời. Cũng như con người, một cuộc đời được mở đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ làm đẹp cho đời, làm đẹp cho xã hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của cây lá đâm chồi nảy lộc trong nắng ấm chan hoà. Mùa Xuân tô thắm vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, cây cỏ, của đất trời. Cũng như con người, một cuộc đời được mở đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ- tuổi của nhiệt huyết, năng động, đam mê, sáng tạo, tuổi để phấn đấu và đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng đất nước.
Nguyễn Quỳnh My
29 Tháng 3,2022
Chia sẽ mạng xã hội
- Dấu ấn Champa bên bờ Nam sông Thu Bồn (29.08.2024)
- TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY CHO VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG BAN QUẢN LÝ MỸ SƠN (27.08.2024)
- Triển khai công tác giáo dục di sản trong trường học (26.08.2024)
- Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đạt 3/3 bộ tiêu chí Du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam (18.08.2024)
- Tăng cường xúc tiến du lịch tại Đà Nẵng (08.08.2024)
- Tỉnh Quảng Nam thống nhất với Ý định thư về dự án bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Khu đền tháp Mỹ Sơn. (30.07.2024)