KIẾN TRÚC SƯ KAZIMIARZ KWIATKOWSKI CHUYÊN GIA BA LAN VỚI MỸ SƠN

KIẾN TRÚC SƯ KAZIMIERZ KWIATKOWSKI CHUYÊN GIA BA LAN VỚI MỸ SƠN

Trong khuôn khổ hợp tác văn hóa giữa hai Nhà nước Việt Nam và Ba Lan kiến trúc sư Kazimiarz Kwiatkowski sau này được đồng nghiệp và công nhân gọi thân mật là Kazik (làm trưởng đoàn) cùng một số chuyên gia Ba Lan đã đến Việt Nam nghiên cứu trùng tu nhiều di tích, ở nhiều địa phương khác nhau trên vùng đất miền Trung Việt Nam. Nhưng ông đã có thời gian gắn bó với Mỹ Sơn gần 16 năm. Trong ngần ấy thời gian tương đương một phần tư đời người. Nhưng thật là ngắn so với một phế tích đã sập đổ, hủy hoại gần hết, một khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện, bằng tâm huyết và nghị lực tinh thần hợp tác văn hóa cao cả kịp thời cứu vãn hồi sinh.

Khu BCD Mỹ Sơn
NHỮNG NGÀY  ĐẦU TIẾP CẬN KHU DI TÍCH MỸ SƠN

Khu di tích tọa lạc trong thung lũng núi cách thành phố Đà Nẵng gần 70km, thời điểm bấy giờ đường sá nham nhở, ổ gà ổ voi để đến với di tích phải mất gần buổi đường bằng các phương tiện giao thông công cộng. Cửa ngõ vào di tích là lối mòn hẹp chỉ vừa người đi không thể giẫm rộng ra bên ngoài bởi khả năng vật liệu nổ có thể còn sót lại, cho dù từ 1979 chính quyền địa phương đã nỗ lực tháo gỡ, cảnh thương tích người và gia súc khi vào rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhiều năm tiếp theo. Với khu di tích là sự hoang tàn đổ nát một đống hỗn độn, ngổn ngang gạch đá, cây cỏ chèn lấp, vỏ đạn vương vãi khắp di tích.

Nơi sinh hoạt làm việc cho chuyên gia chỉ là lán trại nhỏ có khung chịu lực là tre gỗ, mái lợp tấm giấy ép nhựa đường, chỉ đủ tồn tại mấy tháng trùng tu, có năm làm việc ngay trong ngôi tháp như B5 hoặc D1. Hằng ngày ăn uống do một anh bảo vệ làm bếp, thực đơn cũng đạm bạc, thi thoảng ông uống rượu gạo thường gọi là cuốc lủi hay nàng hương, nếp mới đem từ Hà Nội vào. Có hôm vui quá với công nhân, đồng nghiệp ông cũng say tí bỉ ngủ ngay thảm cỏ bên bờ suối Khe Thẻ. Ông KaziK đã tiếp cận Mỹ sơn và làm việc trong một hoàn cảnh như vậy.

 

Ảnh Kazik tại khu BCD

Với môi trường sinh hoạt và những khó khăn trên công trường, ông bắt tay ngay vào công việc cho công nhân phát dọn, bóc tách dần từng lớp cây cỏ. Vừa làm vừa hướng dẫn cách thức làm việc, nói lên các giá trị văn hóa tiêu biểu, truyền cảm hứng tình yêu di tích và trách nhiệm của cộng đồng với di tích văn hóa này, bởi hầu hết công nhân là thợ nề, người làm nông ở địa phương công việc này thật xa lạ với họ. Hằng ngày ông cần mẫn đo đạc, vẽ, chụp ảnh, ghi chép mô tả hiện trạng một cách tỉ mỉ, dưới cái nắng, cái nóng khắc nghiệt của thung lũng bốn bề là núi đá. Ông thường mặc chiếc quần cộc và chiếc áo thun, có khi không mặc áo. Đêm đến ông hay ngồi trên nền tháp đá B1 tư lự suy ngẫm một điều gì đó đăm đăm nhìn vào các bức phù điêu, mảng hoa văn trên tường đã bị nghiêng đổ.

Sau khi dọn dẹp cây cỏ, tạp chất đưa ra bên ngoài hâù hết các ngôi tháp điều trở thành phế tích, ngôi tháp hư hại ít như B5, C1 cũng đã nghiêng lún, hư hại gần hết phần đỉnh tháp, những ngôi tháp bị rốc-két soi thủng cả đoạn tường dài hàng chục mét là D1, D2, ngôi tháp mất hẳn mảng tường phía tây là B3, bên cạnh đó còn nhiều ngôi tháp hư hại gần như chỉ còn chân móng. Khu A là khu đền tháp có quy mô lớn nhất, đền A1 cao hơn 24m đã bị bom đánh sập gần hết, khi dọn dẹp phát hiện nhiều mảnh bom lớn và cả quả bom chưa nổ (nay còn trưng bày ở tháp D2), các ngôi tháp khác ở khu A đều đổ sập...

Với hàng trăm công nhân làm việc cả mấy tháng liên tục di chuyển số lượng lớn đất, đá, gạch vỡ ra đổ thành một đồi lớn. Kiến trúc sư Kazimiarz Kwiatkowski tuân thủ nghiêm ngặt của trường phái trùng tu khảo cổ học, được quốc tế công nhận: Đó là giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và các thành phần gốc, không làm sai lệch và không làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không chủ trương phục nguyên, không làm lẫn cái gốc và cái mới đưa vào để gia cường. Với cách thức này sau mười năm cần mẫn làm việc hàng loạt đền tháp được cứu vãn kịp thời mà vẫn giữ nguyên được giá trị vốn có, bên cạnh những thành phần gốc được gia cố người ta vẫn phân biệt vết tích can thiệp trùng tu từ hoang tàn đổ nát một phần diện mạo đã được trả lại như xưa thu hút khách tham quan nghiên cứu mỗi năm đến một đông hơn. Công cuộc cứu vãn này là dấu ấn quan trọng góp công trong việc được tổ chức UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Khu Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4/12/1999.

Năm 1991 khi nguồn tài chính cho hoạt động bảo tồn của đoàn chuyên gia Ba Lan Mỹ bị chấm dứt, Ông đã nói “Tôi chịu đựng được tất cả miễn sao được sống với những ngôi tháp”. Kiến trúc sư Kazik tự đứng ra kêu gọi quỹ cho hoạt động của mình tai Mỹ Sơn thông qua hội ái hữu yêu Văn hóa Chăm tại Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Ngoài những hiện vật đã được trưng bày ngoài trời, các phù điêu, tượng, mảnh vỡ bi ký, hoa văn, thành phần kiến trúc... được trưng bày bảo quản trong hai ngôi tháp D1 và D2. Nguyên nhân khách quan trên các tháp A12, A13 Khu tháp G, E, F, K và H chỉ kịp phát lộ bảo quản không để cây cỏ xâm thực những năm sau đó tiếp tục bị hư hại đáng tiếc tháp F1 xuống cấp trầm trọng, một số mảng tường E6, vòm cửa chính E1 đổ sụp, tường tây A12, A13 trượt ra từng mảng... Điều này càng nói lên những ngôi tháp mà chuyên gia Kazik đã được trùng tu là sự can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.

Cửa sồ nhà dài D2 được trùng tu laị

Cố kiến trúc sư Kazik là một con người vừa giản dị, hòa đồng, nhân ái niềm đam mê cháy bỏng với lịch sử, văn hóa ở Việt Nam nói chung. Thành quả của ông ngoài hàng chục ngôi tháp được cứu vãn, phục hồi trả lại một phần diện mạo khu di tích Mỹ Sơn một thời vang bóng, còn truyền cả những kiến thức cơ bản về nguyên tắc, cách thức bảo tồn, tình yêu và sự tôn trọng quá khứ. Những người làm công tác tác Bảo tồn Mỹ Sơn và cả những ai yêu mến Mỹ Sơn đều ghi nhớ câu nói của Ông từ sự nghiền ngẫm và là lời nhắn nhủ cho thế hệ mai sau:" Người Champa cổ đã gửi tâm linh vào đất, đá và biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu biết được".

Lê Văn Minh

09 Tháng 8,2021

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.361 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo