Mỹ Sơn cần thêm nhiều dự án bảo tồn

Mỹ Sơn cần thêm nhiều dự án bảo tồn
Sự hỗ trợ của các tổ chức, chính phủ nước ngoài đã giúp nhiều di tích đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) được trùng tu, bảo vệ. Dù vậy, chặng đường bảo tồn khu di sản vẫn còn rất dài phía trước.

Qua 5 năm triển khai, dự án bảo tồn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ đã giúp phục hồi nhiều công trình kiến trúc các nhóm tháp K,H,A. Ảnh: V.LỘC

Qua 5 năm triển khai, dự án bảo tồn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ đã giúp phục hồi nhiều công trình kiến trúc các nhóm tháp K,H,A. Ảnh: V.LỘC

Hiệu quả từ các dự án tài trợ

Từ giữa năm 2021, dự án Bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A ở Mỹ Sơn đã kết thúc sau 5 năm thực hiện. Với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng (chủ yếu do Chính phủ Ấn Độ tài trợ), từ năm 2016 - 2021, dự án đã tiến hành khai quật khảo cổ và trùng tu nhiều công trình kiến trúc tại 3 nhóm tháp K, H, A, hiệu quả mang lại khá tích cực. Trong đó, hai khu K, H đã hoàn thành trùng tu đưa vào phục vụ khách tham quan.

Tại nhóm tháp A, từ năm 2020 đến tháng 6.2021 các chuyên gia Ấn Độ và nhóm kỹ thuật Mỹ Sơn đã trùng tu xong 3 công trình kiến trúc A8, A10, A11; đặc biệt, quá trình khai quật đã phát hiện và sắp xếp hoàn chỉnh đài thờ Mỹ Sơn A10 với bộ linga - yoni liền khối, lập hồ sơ gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Theo ông Lê Văn Minh - Trưởng phòng Bảo tồn bảo tàng (Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn), thành công của dự án không chỉ giúp bảo tồn 3 nhóm tháp K, H, A mà còn xác lập vững chắc phương pháp trùng tu khoa học, phù hợp dựa vào hiện trạng từng kiến trúc.

“Chúng tôi tuân thủ phương pháp trùng tu khảo cổ học, đề cao bảo tồn yếu tố gốc, tái định vị, gia cố gia cường là chính, những khối xây mới bổ khuyết để bảo vệ khối xây dựng nguyên gốc nhưng cũng chỉ ở những giới hạn cho phép và tạo được khác biệt giữa mới và cũ.

Ngoài ra, vật liệu can thiệp vào trùng tu có độ tương thích cao. Trước hết, tận dụng tối đa những vật liệu cũ như đá, gạch; riêng gạch mới bổ sung đã được kiểm định khi đưa vào trùng tu nhóm tháp G trước đây, chất kết dính chủ yếu là dầu rái với bột gạch, vôi nghêu kết hợp bột gạch, gạch vỡ để làm phần móng và lõi tường” - ông Minh cho biết.

 

 

Phương pháp trùng tu thể hiện rõ nét, hiệu quả khi tiến hành trùng tu tháp A10, A8, A11. Tại 3 công trình này, nhóm chuyên gia quyết định chọn giải pháp bảo lưu thành phần kiến trúc đã được trùng tu trước đó và phục hồi các bậc cấp, đà cửa.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giải pháp tái định vị một số thành phần kiến trúc khi trùng tu tháp A10 như thanh đà cửa, bậc cấp cửa hay tái dựng 4 trụ cửa dựa trên ảnh tư liệu và đo đạc thực tế... đều được thực hiện cẩn trọng, kể cả sử dụng phương pháp “giả vỡ” đối với các bức tường bên trong và ngoài nhằm mục đích bảo vệ các khối xây nguyên gốc còn sót lại.

Tương tự, với tháp A1 (công trình từng được các chuyên gia Ba Lan can thiệp bảo tồn trong những năm 1990), phương pháp trùng tu mới cũng chủ trương bảo lưu các mảng tường mà các chuyên gia Ba Lan đã can thiệp trước đây; tiếp tục gia cố, tái định vị các khối kiến trúc có nguy cơ xê dịch khỏi vị trí ban đầu…

“Quá trình triển khai dự án bảo tồn các nhóm tháp K, H, A có thể nhận thấy cách tiếp cận với các di tích rất thận trọng. Đầu tiên, chọn những tháp có quy mô nhỏ, khối kiến trúc đơn giản như nhóm K, rồi đến nhóm kiến trúc có quy mô vừa là nhóm H, sau cùng là nhóm kiến trúc có quy mô lớn, độ phức tạp cao như nhóm A” - ông Minh nói.

Nhiều nhóm tháp cần khẩn trương bảo tồn  

Đến nay, dự án bảo tồn 3 nhóm tháp K, H, A đã kết thúc, dù vậy một số công trình vẫn còn dở dang. Ngoài tháp A1 mới hoàn thành 70% các tháp A13 và A12 hầu như chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho rằng, dự án bảo tồn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ nên được gia hạn thêm để hoàn thành dứt điểm.

Tại Mỹ Sơn, không chỉ khu A mà những nhóm tháp khác như E, F, L, A, B, C cũng cần nhanh chóng lập dự án bảo tồn. Đơn cử, tháp F1 thực trạng xuống cấp rất nghiêm trọng, hầu hết mảng tường, chi tiết hoa văn đã mục ruỗng.

Tháp F1 cần được bảo tồn khẩn cấp. Ảnh: V.LỘC

Tháp F1 cần được bảo tồn khẩn cấp. Ảnh: V.LỘC

Cuối năm 2020 trong buổi làm việc với Đại sứ Ấn Độ, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ chương trình bảo tồn tháp F1 để cứu vãn kiến trúc này, bước đầu phía Ấn Độ đã đồng ý. Theo kế hoạch, tháng 8.2021 chuyên gia Ấn Độ đến khảo sát tháp F1, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài ra, một công trình khác cũng cần nhanh chóng lập dự án trùng tu là khu tháp L. Đây là nhóm tháp đã được các chuyên gia Ý khai quật khảo cổ từ năm 2017 - 2018 và dự kiến tổ chức trùng tu năm 2020. Chủ trương này đã được Đại sứ quán Ý thông qua, nhưng do đại dịch Covid-19 kéo dài nên chưa thể lập dự án triển khai.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, sau khi trùng tu các công trình trên, tùy điều kiện, kinh phí mà Mỹ Sơn có thể khai quật khảo cổ học khu vực nhà đôi, tiếp đến là các nhóm tháp E, B, C, D. “Trong chương trình kế hoạch của Mỹ Sơn, nếu có nguồn vốn trung hạn phân bổ của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiến hành trùng tu theo thứ tự ưu tiên các khu E, B, C, D, ước tính khoảng 40 tỷ đồng” - ông Khiết cho biết.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và danh thắng Quảng Nam khẳng định, việc bảo tồn thành công các đền tháp không chỉ giúp phục hồi diện mạo Mỹ Sơn mà còn góp phần để khu di sản trở nên đẹp đẽ, vững chắc hơn.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát, hy vọng năm 2022 có thể trùng tu tháp F1. Riêng phần khu A còn lại, phía Đại sứ quán Ấn Độ cũng đã thống nhất, bây giờ phải chờ văn bản chính thức từ Chính phủ Ấn Độ” - ông Cẩm thông tin.

Nguồn: Báo Quảng Nam

13 Tháng 10,2021

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.361 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo