DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN VIỆT NAM

Bóng tháp bóng rừng
Cái lạnh giá cuối đông càng làm thung lũng của thần linh và nghệ thuật thêm quạnh quẽ. Dưới chân tháp cổ, râm ran bao nỗi lòng của những người yêu mến và gắn đời mình với Mỹ Sơn để việc bảo tồn di sản này không chỉ là để... bảo tồn.

Không gian xanh và các con nước tự nhiên đan xen bên chân tháp là tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Ảnh: Q.T

Không gian xanh và các con nước tự nhiên đan xen bên chân tháp là tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Ảnh: Q.T

Những ngày buồn tẻ

Sáng cuối tuần, Mỹ Sơn lạnh căm trong làn sương giăng bảng lảng. Bãi đỗ xe trống huơ. Không đến mức quạnh quẽ những hố bom thi thoảng có làn khói bay mờ ảo đằng sau lớp cây bụi như nữ họa sĩ người Nhật Bản Toba Mika từng mô tả khi ghé nơi này vào thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng cũng đủ làm nhiều người rờn rợn nếu rong chơi qua đây một mình. Họa hoằn, chúng tôi bắt gặp một đoàn khách lẻ bất chợt ghé thăm di sản vào dịp cuối đông.

Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tiếc rẻ: “Giờ này năm ngoái là khách vẫn còn đông nghịt nhìn mà ham. Đùng cái dịch giã cả năm làm Mỹ Sơn khó đủ đường vì trước giờ khách tham quan ở đây hầu hết là khách quốc tế”. Đúng thật, tầm trước tết năm ngoái, cũng người soát vé đang ngồi thong thả với tách trà nóng trước cổng kia cùng mấy nhân viên nữa bận bù đầu soát vé từng ông tây, bà tây xếp hàng co ro trong lớp áo mưa ướt sũng.  

Năm mới, lại bàn chuyện cũ. Có lần họp về phát triển du lịch địa phương, một lãnh đạo tỉnh đã gợi mở rằng Mỹ Sơn phải xây dựng cho được các câu chuyện, điển tích mang hơi hướm tâm linh, bí ẩn gắn với văn hóa Chămpa để khách tò mò tìm đến trải nghiệm, nhất là dòng khách cao cấp, khách chơi casino dưới vùng đông...

Mỹ Sơn đang chú trọng bảo vệ, phát triển các loài cây đặc trưng bản địa. Ảnh: Q.T

Mỹ Sơn đang chú trọng bảo vệ, phát triển các loài cây đặc trưng bản địa. Ảnh: Q.T

Nghe hấp dẫn và triển vọng quá. Có điều, băn khoăn lớn nhất vẫn là khách đâu? Ai cũng biết, du lịch Quảng Nam lâu nay phụ thuộc lớn vào nguồn khách quốc tế. Sôi động như Hội An với loạt sự kiện kích cầu khách nội địa mà còn chật vật cầm cự thì một điểm đến khách quốc tế chiếm gần 90% (số liệu năm 2019) như Mỹ Sơn điêu đứng cũng là lẽ thường. Ai cũng biết nhưng để xoay chuyển tình thế thì không dễ như nói.

Một nhân viên tự an ủi: “Biết là vậy. Nhưng Mỹ Sơn khác nhiều chỗ ở điểm không làm du lịch thì vẫn phải đảm nhận nhiệm vụ bảo tồn song song lâu nay nên mọi người vẫn miệt mài với công việc hàng ngày”.

Bây chừ, tính chuyện khách khứa nghe xa vời quá. Khi mà đến cả chuyên gia đến Việt Nam theo diện ưu tiên, Mỹ Sơn cũng đang trông mong khắc khoải. Thông thường, tháng 12 hàng năm là các đoàn chuyên gia trùng tu từ Ấn Độ đã rục rịch đến Mỹ Sơn “ăn ngủ” với các nhóm tháp nhưng nay vẫn chưa thấy tăm hơi và dự kiến phải sang tháng Hai thì các vị này mới được sắp xếp chuyến bay để sang để tiếp tục công việc còn dang dở với di sản.     

Đoàn khách hiếm hoi ghé thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn vào dịp cuối tuần. Ảnh: Q.T

Đoàn khách hiếm hoi ghé thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn vào dịp cuối tuần. Ảnh: Q.T

Vun giấc mơ từ rừng

Trong năm 2020, lực lượng bảo vệ của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tháo gỡ nhiều bẫy thú trong phạm vi khu vực rừng khoanh cấm, phá hủy 4 lán trại, đẩy đuổi nhiều lượt người dân vào di tích đốt ong, khai thác lâm sản. Từ tháng 3.2020, đã bố trí lực lượng canh phòng tại chòi canh đồi Bánh Mì, phối hợp với Kiểm lâm Khu trung Quảng Nam xây dựng hoàn chỉnh các phương án phòng cháy chữa cháy, tổ chức các hoạt động giáo dục tuyên truyền đến cộng đồng về công tác bảo vệ rừng.

Nhà ông Nguyễn Phước Hùng - Tổ trưởng tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) nhà ở ngay ngã tư rẽ vào tháp cổ. Nói là làm du lịch nhưng tìm ông Hùng cũng như một số người dân có homestay vào ban ngày cũng khó ngang… tìm khách du lịch thời điểm bây giờ, vì du lịch chỉ là nghề tay trái của họ, lại đang mùa vắng khách. Một số đi làm nông, số khác tỏa đi làm thợ, nếu không thì cũng men theo các sườn đồi để thu hái lá rừng.

Ông Hùng về, ra trước nhà chỉ tứ phía rồi trầm ngâm: “Hồi trước cây chổi để nấu dầu chổi ở đây mọc bát ngát như cỏ dại. Dần dần người ta vỡ đất trồng nông sản rồi dân tứ xứ tới thu hái nữa nên giờ chỉ còn trong các sườn đồi thôi”.

Mà đâu chỉ có cây chổi, rừng Mỹ Sơn còn có chè vằng, lá dung rồi bạt ngàn những cây rừng đặc trưng đa tác dụng khác. Lân la thêm câu chuyện, được biết ông Hùng cũng như những nông dân sống quanh Mỹ Sơn khác từng chấp nhận bán tháo hàng trăm con trâu, con bò vốn là sinh kế chính để chúng không xâm hại tháp cổ. Sau rất nhiều năm, phần lớn những nông dân ấy vẫn chưa cải thiện được nhiều đời sống của mình. Sống tàng tàng qua ngày bên di sản, họ quay quắt trông về Hội An mà thèm.

Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn được giao nhiệm vụ quản lý 1.160ha rừng tự nhiên cùng hệ động thực vật rừng nhiệt đới tiếp giáp với địa bàn 4 xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn (Duy Xuyên) và Sơn Viên (Nông Sơn). Mỹ Sơn là hệ thống đền tháp thờ thần, cho nên khi chọn địa điểm để xây dựng người Chămpa luôn chú ý đến vai trò tâm linh của ngọn núi và nguồn nước. Ở đây, xem Hòn Đền là núi chúa còn Thu Bồn là sông mẹ thì việc giữ rừng, giữ thảm thực vật là yếu tố sống còn để giữ hồn cho di sản này.

Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ: “Vừa rồi chúng tôi đã lập phương án quản lý rừng bền vững khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2030 để hướng tới kết nối hợp tác với USAID và WWF hỗ trợ trồng cây bản địa, hoàn thiện rừng cảnh quan. Phải có phương án này mới làm được chứ không có thì chịu. Giống như Mỹ Sơn phải có quy hoạch tổng thể chứ không là không biết chỗ mô mà làm”.

Rồi ông Khiết lặp đi lặp lại: “Nếu được là rất ngon”. Chợt nhớ lại hôm công bố quyết định thành lập khu bảo vệ cảnh quan hồi tháng 10.2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên – Nguyễn Thế Đức thông tin, hiện nay tại khu vực này vẫn tồn tại một số loài thú quý hiếm như cu li lớn, mèo rừng, cầy hương cùng một loạt loài thực vật thuộc diện nguy cấp cần phải bảo tồn.

Thế mới thấy, lâu nay người ta vẫn còn thu mình trong cái bóng của khu đền tháp trong khi di sản này còn một không gian thiên nhiên xanh bao la mang đặc trưng cũng rất “Mỹ Sơn”. Gần nhà văn nghệ của Mỹ Sơn có một loại cây tỏa mùi thơm ngào ngạt cứ đến mùa là hút hàng ngàn con bướm rập rờn bay về. Nhìn rất thích mắt. Chỉ một cây mà đã vậy, nếu trồng thành một hàng, một khu thì tha hồ “check-in”. Đúng sở thích khách nội địa. Một chuyên gia về lâm sinh  thêm vào câu chuyện: “Cây bản địa cứ trồng xuống đó 5, 10 năm sau mình cấy thêm lan vào nhử chim, bướm về thì khách mô không ưng”.

Mà đâu chỉ chuyên gia ngỏ lời vậy. Tại cuộc tọa đàm “Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản” tổ chức vào năm ngoái, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS từng bộc bạch: “Mỹ Sơn cần nghiên cứu trồng rừng me che mát, trái thì làm quà đặc sản ẩm thực, thân thì chế tác thành quà lưu niệm từ gỗ me rồi tạo thêm rừng hoa sứ - hoa Chămpa, và sưu tập nhiều loài hoa sứ trên thế giới quy tụ tại đây để nó nở rộ quanh năm thu hút khách du lịch”.

Tôi men theo lối mòn ra đập nước Khe Thẻ - công trình hiếm hoi không bị “đứng bánh” bởi Covid đang được cải tạo để phục vụ cho du lịch trong tương lai của Mỹ Sơn. Mùa hè ở đây, sen rộ hồng cả một góc trời. Con nước trong mát chảy vòng vèo rồi thông ra đập Thạch Bàn. Một tuyến thủy lý tưởng và hữu tình để rong chơi bên chân tháp. Bởi cõi thiêng ấy, còn lắng bao trầm tích của một thời giao thoa Chăm – Việt.

“Sau này chúng tôi sẽ tổ chức phát triển du lịch bằng ghe ở đây. Chính người dân địa phương chèo ghe chở khách. Hai bên bờ thì phủ đầy hoa. Cách tiếp cận loại hình này cũng tựa tựa như ngoài Tràng An (Ninh Bình) lâu nay vậy” - một người quản lý của di sản này bộc bạch. Có điều, viễn cảnh đầy hứa hẹn này có thành hiện thực e là còn phải chờ đợi nhiều năm về sau nữa.

Trông sang bên kia Khe Thẻ, ngoái về phía Hòn Đền, bốn bề bóng rừng xanh thẳm. Chỉ còn tiếng chim ríu rít từ rừng xanh vọng lại…

Nguồn: Báo Quảng Nam

25 Tháng 1,2021

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.361 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo