Câu chuyện kể trên vùng đất di sản

Câu chuyện kể trên vùng đất di sản

1. Câu chuyện ông khổng lồ gánh đá xây tháp

 

Chuyện kể rằng, người Champa khai thác đất đá tại vùng đất xung quanh để xây dựng khu đền tháp Mỹ Sơn. Một ngày có ông khổng lồ xuất hiện giúp dân xây tháp. Ông lấy đất, đá từ những dãy núi xa khu thờ cúng, gánh trên hai vai băng đồng lội suối đi vào thung lũng. Một lần chẳng may đòn gánh bị gãy, tảng đá rơi xuống một đầu nằm ở phía xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, một tảng rơi nằm tại cánh đồng thôn Trung Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy xuyên. Bước chân ông đi đến đâu dẫm xuống mặt đất tạo nên những ao sâu.

 

Xung quanh việc xây tháp Mỹ Sơn các vị bô lão trong làng còn giả thuyết rằng để vận chuyển đất, đá vào thung lũng, người xưa đứng cạnh nhau thành hàng dài để chuyền những viên gạch sống làm ra  từ những ao vuông này vào di tích. Số lượng người có đến hàng ngàn vì đoạn đường này dài đến 3-4km.

 

Hòn đá dựng vuông vứt giữa cánh đồng thôn Trung Sơn (Duy Phú)

 

Năm 2003, trong chương trình nghiên cứu về chất liệu, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm trùng tu khu tháp G, các nhà khoa học thuộc Viện Trùng tu di tích và cơ quan nghiện cứu thuộc đại học Milan (Italia) đã lấy những mẩu gạch tại lòng những ao vuông này phân tích và cho rằng có các thành phần liên quan đến gạch Chăm xây tháp của người xưa.

 

Dấu tích Ao Vuông (Mỹ Sơn, Duy Phú)

 

 

Chuyện kể chỉ là giả thuyết nhưng những ao vuông, tảng đá dựng còn hiện hữu ở những vị trí xung quanh Mỹ Sơn gắn với đời sống thường nhật của người dân nơi đây, trong sâu xa họ có niềm tin vào những câu chuyện kể, những hiện vật, di chỉ như cách lý giải về những bí ẩn của kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc khu đền tháp Mỹ Sơn.

 

Bia đá Chăm tại lăng Bà Thu Bồn (Duy Tân)

 

2.  Giếng Tiên và khu vườn Bà

 

Giếng Tiên nằm trên dãy núi sườn Thông thuộc phía Tây Bắc khu đền tháp Mỹ Sơn, trong văn bia cổ Chăm vào thế kỷ thứ 4, dãy núi này có trên gọi là Sulaha. Đây là vũng nước nằm trên sườn núi quanh năm đều có nước, người dân gọi là giếng vì nước trong lành có thể uống được và không bao giờ cạn. Giả thuyết thì có lẽ bắt nguồn sự tích là nơi các vị tiên xuống tắm trong những câu chuyện dân gian hoặc giếng nằm ở vị trí giữa sườn núi nhưng nước trong lành không bao giờ cạn, kỳ lạ như chuyện thần tiên nên được gọi là giếng của Tiên. Đây là nơi giúp cho những người dân trước đây đi núi, làm nương rẫy có chổ nghỉ ngơi, có nước để uống rất thuận lợi nên giếng được giữ gìn và tuyền tụng trong dân gian. Chưa có nhiều tư liệu nghiên cứu về giếng nước này là nhân tạo được người xưa sử dụng hay do quá trình các mạch nước ngầm chảy trong lòng núi tạo nên. Tuy nhiên, giả thuyết cho rằng con đường hành lễ của các vương triều ngày xưa từ kinh đô Trà Kiệu đến Mỹ Sơn đi qua địa danh này. Nếu người xưa hành lễ đi bằng đường sông thì từ sông đào Trà Kiệu ra sông cái Thu Bồn, đoàn hành lễ sẽ ngược dòng đến vị trí hiện nay là lăng Bà Thu Bồn để vào Mỹ Sơn. Còn nếu giả thuyết về đường bộ thì đoàn hành lễ sẽ qua địa điểm giếng Tiên vì đây là con đường ngắn nhất và thuận lợi. Từ vị trí giếng Tiên phóng tầm mắt về kinh đô Trà Kiệu qua những vị trí như đầm nước Trà Lý, di tích Chăm Triền Tranh là một cung đường đi trên những sườn đồi rất thuận lợi cho đoàn hành hương đông người.

 

Trên đỉnh Hòn Đền có khu vườn Bà, với những gốc cam, ổi có tuổi đời trên trăm năm. Chuyện xưa lưu truyền rằng trước đây vùng đất này còn hoang vu, rừng rậm bao phủ, người đi núi, đi rừng có thể hái trái ăn nhưng không được đem ra khỏi núi, nếu trái lời bà thì bị bà quỡ đau ốm. Đây là cây trái do bà trồng nhằm dâng cúng cho thần và giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận dọc đường. Vườn Bà là địa chỉ gắn với đỉnh núi Hòn Đền và những câu chuyên ly kỳ về sự tích bùa yểm của thái thú Cao Biền. Biết bao câu chuyện kể, chuyện đất, chuyện núi, chuyện đời liên quan đến đỉnh núi thiêng và vùng đất thiêng này, đi vào đời sống lao động của người dân bao thế hệ. Chỉ mỗi địa danh Hòn Đền mà có đến gần chục tên gọi khác nhau như núi Răng Mèo, núi Chúa, hay núi Ấn... Tiếng Chăm đỉnh núi còn có tên là Mhadravata. Xung quanh núi, đất, di tích có biết bao câu chuyện kể được lưu truyền đầy màu sắc tâm linh. Chuyện xưa rằng có con gà bằng vàng vào những đêm trời tối xuất hiện tìm thức ăn tỏa ánh sáng vàng mà người dân không dễ nào bắt được hay những câu chuyên trừng phạt do con người không tôn trọng thần linh gây ra, nghe cứ huyền hoặc, bí hiểm.

 

Chiều. Đứng trên đỉnh núi nhìn về thung lung Mỹ Sơn, những đền tháp trông như những ngọn đuốc đỏ rực giữa màu xanh núi rừng, như đâu đó câu thơ “rớt giữa trời xanh giọt tháp Chàm”.

 

3. Lễ cúng đình Mỹ Sơn và hội Khai Truông đầu năm

 

Lễ cúng đình Mỹ Sơn và hội Khai Truông tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm, tại thôn Bàn Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) nhằm cầu cho cuộc sống người dân an lành, thu hút rất đông dân làng các thôn và nhân dân xung quanh tham dự.

 

Theo các vị cao niên, trước đây một năm làng thường tổ chức 4 lễ (thường gọi là 4 duyên) là lễ cúng Âm linh phái, tổ chức vào ngày 21 tháng Chạp, lễ Khai Truông vào mùng 7 tháng Giêng, lễ thờ vọng Bà Thu Bồn vào ngày 22 tháng Hai, lễ cúng Tống Khách rằm tháng Giêng. Hiện nay, 4 lễ này được hợp nhất thành một, tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng.

 

Theo truyền thuyết, vào ngày trước đêm chính lễ Bà Thu Bồn được tổ chức vào ngày 12 tháng Hai âm lịch tại làng Thu Bồn Tây (xã Duy Tân), người dân trong làng Mỹ Sơn thấy từ núi Hòn Đền (Mỹ Sơn) có một dải lụa đỏ bay ra. Họ tin rằng Bà đi dự lễ. Trên đường thì dải lụa đỏ hạ xuống tại làng. Cho rằng Bà nghỉ ngơi, thăm viếng làng cho nên tại vị trí Bà dừng chân người dân lập miếu thờ. Dấu vết còn lại của miếu thờ là những viên gạch Chăm và cây chai lớn (một loại cây người xưa dùng để ăn trầu) mọc trước đình.

 

Nếu lễ cúng đình Mỹ Sơn mang ý nghĩa cầu cho cuộc sống người dân bình an thì lễ Khai Truông lại có ý nghĩa cúng thần núi đầu năm, báo cáo với vị thần cai quản núi rừng cho phép người dân trở lại núi rừng làm ăn, sinh sống. Theo người dân kể lại làng có lệ cúng Khai Truông này từ lâu đời bởi vì đa số nhân dân trong làng sống dựa vào núi rừng. Rừng ở đây có loại cây dầu rái cho người dân nguồn lợi kinh tế, được người dân gọi là vàng nước, cũng là loại cây người Chăm dùng để xây tháp Mỹ Sơn. Những dãy núi sau làng thuộc vùng thánh địa Mỹ Sơn cũng là nơi linh thiêng, lam sơn chướng khí, núi non hùng vĩ. Người dân vào rừng thường phải qua truông, qua đèo. Sự mênh mông của đập Thạch Bàn cùng những câu chuyện về sự tích Cao Biền, đất thiêng Mỹ Sơn càng làm cho họ tin rằng núi rừng là nơi thần linh ngự trị, cai quản. Việc cúng hội Khai Truông sẽ mang đến sự bình an, tránh đi những tai ương chết sông, chết núi. Còn về lễ cúng Tống Khách thì nguồn gốc người xưa kể lại là trước đây trong làng có cây thị cao, có ông thần giặc ngự trị. Dân làng có nhiều người đến treo cổ chết, họ cho rằng do ông thần giặc bắt, nên dân làng làm lễ cúng cầu an để đuổi vị thần giặc này đi.

 

Lời kết

 

Không gian văn hóa vùng đất Mỹ Sơn chứa cả đời sống văn hóa địa phương với những giá trị đặc sắc riêng. Nét đặc sắc này thể hiện yếu tố giao thoa văn hóa Chăm - Việt rất rõ nét, những giá trị văn hóa đặc sắc gắn với Khu di tích Mỹ Sơn như những câu chuyện ông khổng lồ gánh đá xây tháp, sự tích vườn Bà, Ao vuông - Đá dựng, sự tích tảng đá hình chân tiên, cùng nhiều truyền thuyết chứa đựng trong đời sống người dân địa phương. Những câu chuyện dân gian này là nguồn tài nguyên du lịch cần được biết đến và khai thác để bảo tồn, phát huy và gìn giữ cho thế hệ sau.

 

Văn Khoa

12 Tháng 5,2021

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo