Chuyên gia Ấn Độ rời Mỹ Sơn, kết thúc hai tháng khảo sát thu thập dữ liệu ở các nhóm tháp E, F và A’

Chuyên gia Ấn Độ rời Mỹ Sơn, kết thúc hai tháng khảo sát thu thập dữ liệu ở các nhóm tháp E, F và A’

Hiện thực hóa từ Văn bản được ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Ấn Độ năm 2014. Từ 2017 đến 2022, luân phiên các nhóm chuyên gia của cơ quan Khảo cổ ASI thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ đã đến Mỹ Sơn, trùng tu, bảo tồn ba nhóm tháp A, H, K. Cuối năm 2022 ba nhóm tháp trên đã hoàn thành công tác bảo tồn bền vững, mở cửa đón khách trong sự thích thú của du khách tham quan và được giới chuyên môn, nghiên cứu đánh giá cao.

Trong quá trình làm việc tại đây chuyên gia Ấn Độ cũng nhận ra các nhóm tháp khác như E,F, A’ đang trong tình trạng hư hại xuống cấp nghiêm trọng và cũng chưa một lần được trùng tu ở các giai đoạn trước. Cùng với đề xuất từ Ban Quản Lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, các cấp chính quyền, ban ngành liên quan…Hai Nhà nước Việt Nam - Ấn Độ đồng ý tiếp tục trùng tu bảo tồn ba nhóm tháp này. Từ cuối tháng 11/2023 nhóm chuyên gia khảo sát Ấn Độ đã quay lại Mỹ Sơn thu thập các dữ liệu cần thiết để lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn ba nhóm tháp E,F và A’ trong những năm tiếp theo. Trong hai tháng khảo sát nhóm chuyên gia đã thực hiện các công việc như đo vẽ, ghi chép đánh giá hiện trạng, chụp ảnh, quay flycam, chụp scan 3D và sử dụng một số phương tiện công nghệ hiện đại để thu thập thông tin dữ liệu làm cơ sở khoa học phục vụ công tác trùng tu bảo tồn.

Những nhận định sơ bộ được rút ra đợt khảo sát hầu hết các di tích (trừ tháp E7 đã được Viện Bảo tồn di tích trùng tu 2011-2013) các công trình còn lại ở E, F và A’ đang trong tình trạng phế tích hư hại nhiều, điển hình tháp F1 có niên đại thế kỷ 8-9 bề mặt gạch đã chuyển màu vàng nhạt, mủn, nhiều nơi có đấu hiệu hoàn thổ. Các góc tháp đều tách rời khỏi khối kiến trúc, độ cấu kết gạch yếu dễ dàng tách khỏi khỏi khối chỉ một va chạm nhẹ. Nhiều khe nứt dài và sâu, xiên từ trong ra ngoài. Cả hai nhóm E, F đều có dấu vết tường bao, tuy nhiên nhiều đoạn gãy đứt xô lệch khá nghiêm trọng.

Dự kiến các giải pháp can thiệp dùng những viên gạch mới có độ nung cao xây chèn, câu nối các khe nứt cũng như thay thế các viên đã bị mủn, xây bổ khuyết để bảo tồn các khối xây liền kề, tái định vị các thành phần kiến trúc, đài thờ…Phục hồi tường bao trong giới hạn để người xem nhận ra giới hạn của khuôn viên (không chủ trương phục hồi hoàn toàn). Làm thoát nước bề mặt, đồng thời dịch chuyển các dòng chảy từ các đồi không để tràn vào di tích. Sắp xếp trưng bày hiện vật tại chỗ. Vật liệu can thiệp chủ yếu nhựa dầu rái, vôi, bột gạch, gạch phục chế đạt các thông số kỹ thuật, chất lượng và tương thích với gạch Chăm cổ. Phương pháp trùng tu vẫn áp dụng phương pháp trùng tu khảo cổ học. đề cao bảo tồn các yếu tố gốc.

Với cách làm việc nghiêm túc, tiếp cận thận trọng đánh giá hiện trạng cho từng công trình một cách chi tiết, đưa ra nhận định, giải pháp cụ thể. Những chuyên gia đến từ một đất nước có những tín ngưỡng, tôn giáo tương đồng. Chúng ta hy vọng trong tương lai gần khu di tích Mỹ Sơn sẽ dần khép lại đẩy lùi vào quá khứ những hình ảnh đổ nát, rệu rã, hoang phế. Thay vào đó là hình hài, dáng dấp của một ngôi đền, một cụm tháp, trong một tổng thể kiến trúc rộng lớn được bảo tồn bền vững. Gợi cho chúng ta hình dung một thánh đô, một trung tâm tín ngưỡng lớn bậc nhất uy nghi tráng lệ, một thời, không những chỉ riêng tiểu vương quốc Amaravati mà cho cả Vương quốc Chăm Pa cổ.

Tác giả: Lê Văn Minh

22 Tháng 1,2024

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo